Nội dung chi tiết

Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch Điện Bàn
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 19/10/2011 .Lượt xem: 9623 lượt. [In bài]

- Mỹ Linh -

Trong lịch sử phát triển của xứ Đàng Trong, vùng đất Điện Bàn đã để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét, là “phên dậu” phía Nam của tổ quốc, là “bàn đạp” để mở mang bờ cõi về phương Nam, là nơi tọa lạc của Dinh trấn Quảng Nam, một trong những nơi khai sinh chữ Quốc ngữ... Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân từng nhận định, Điện Bàn là vùng du lịch lớn trong dĩ vãng...

Trong công cuộc hội nhập và phát triển, với vị thế trọng yếu, là vùng kinh tế sôi động phía Bắc Quảng Nam, giáp ranh với thành phố Đà Nẵng, tiếp giáp với đô thị cổ Hội An, là trung điểm của con đường di sản thế giới Hội An - Mỹ Sơn... Điện Bàn có nhiều tiềm năng và triển vọng để đưa ngành du lịch của huyện nhà trở thành ngành kinh tế đặc biệt, góp phần cùng sự phát triển chung của toàn xã hội.

Điểm nhấn của du lịch Điện Bàn những năm qua là ưu tiên đầu tư phát triển tuyến du lịch ven biển. Trên 8km bờ biển trải dài nối liền thành phố Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, cơ sở hạ tầng được chú trọng xây dựng, các dự án du lịch được đưa vào khai thác. Bãi tắm Hà My - Điện Dương và Viêm Đông - Điện Ngọc được quy hoạch xây dựng, trở thành điểm du lịch hấp dẫn với bờ cát trắng, nước xanh và sạch đẹp. Các dự án khu nghỉ mát, khách sạn, sân golf lần lượt hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả. Hàng triệu lượt khách mỗi năm đã giới thiệu với bạn bè thế giới về các khu du lịch, các điểm dừng chân đầy tiện nghi trên đất Điện Bàn. Một The Nam Hải đậm chất Á Đông và sang trọng. Qua các sự kiện lớn của du lịch Quảng Nam, Việt Nam, The Nam Hải đã khẳng định được vị thế của mình, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Một Lebel Hà My spa – resort ấm cúng và quyến rũ. Với các thiết kế, trang trí mang đậm dấu ấn ngôi nhà Việt, Lebel Hà My đã tạo cho du khách cảm giác yên bình, thanh thản.

Ở điểm đón đầu con đường du lịch biển Đà Nẵng - Quảng Nam là Khu đô thị Bồng Lai sang trọng và sân golf Montgomerie Links Việt Nam đầy hấp dẫn... Nếu Montgomerie Links là một không gian “động” rộng lớn với những đồi cỏ xanh mướt, những hố cát phơi mình và những đường golf kỹ xảo, điệu nghệ thì Bồng Lai là chốn yên bình để nghỉ ngơi, thư giãn. Khu đô thị Bồng Lai đã đem lại cho khách cảm giác tuyệt vời như chính tên gọi của nó...

Chỉ là một vùng đất nhỏ, nhưng Điện Bàn có đủ các yếu tố sông, biển, đất đai đa dạng, lại điểm xuyến bởi đồi Bồ Bồ lộng gió. Vùng đất cát phía đông bao năm khô cằn nóng bỏng nay đã san sát nhà cửa khang trang và các khu công nghiệp nhộn nhịp thay ca. Vùng hạ lưu các dòng sông với những khu vườn xanh mướt, những cánh đồng lúa trĩu bông. Hướng về phía Tây, đồi Bồ Bồ vắt ngang qua xã Điện Tiến với con đường mòn ngoằn ngoèo vi vút thông reo, những quần thể di tích thấp thoáng, là một trong những điểm du lịch sinh thái đầy triển vọng.

Đặc biệt, không thể tách rời vùng đất Điện Bàn với dòng Thu Bồn xanh mát và các dòng sông Vĩnh Điện, Thanh Quýt, Bàu Sấu, Cổ Cò... Các dòng sông như những mạch máu quyện chặt với đất đai, tỏa đi khắp cơ thể các làng xã. Dòng Thu Bồn mênh mang, phù sa lắng đọng, sinh thành vùng đất Gò Nổi như tinh hoa đất trời ban tặng. Đến với Điện Bàn, thả thuyền dọc các dòng sông, du khách như được hoà với sông nước trời mây, cùng ru mình trong các câu hò, điệu lý. Ngược dòng Câu Lâu, thuyền sẽ đưa du khách về với vùng quê Gò Nổi địa linh nhân kiệt. Hay xuôi thuyền về Cửa Đại, sẽ bắt gặp khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây. Không gian mở của khu du lịch nhà vườn Triêm Tây sẽ là bản hòa ca giữa con người và thiên nhiên, tạo nên mối quan hệ gần gũi giữa du khách và người dân bản địa. Theo ông Bùi Kiến Quốc, chủ đầu tư khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây, qua hai năm đầu tư xây dựng, tuy vấp phải những khó khăn về thiên tai, bão lũ nhưng Khu du lịch Triêm Tây ban đầu đã có sức hút nhất định đối với du khách. Triêm Tây sẽ là điểm mở đầu để Điện Bàn tiếp tục phát triển tiềm năng du lịch của địa phương, đó là du lịch làng quê, du lịch nông thôn.

Vùng đất Điện Bàn trù phú còn được mệnh danh là “đất trăm nghề”. Các làng nghề truyền thống - tiểu thủ công nghiệp được chú trọng phát triển. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, thị hiếu thị trường để tạo nên những sản phẩm du lịch níu chân du khách. Những nghệ nhân Điện Bàn đã tạo dựng được tiếng vang trong các lần “đem chuông đi đánh xứ người”. Làng đúc đồng Phước Kiều với những âm thanh vang vọng. Một Lê Đức Hạ với khúc biến tấu đất nung. Một Nguyễn Văn Tiếp với nghề chạm khắc gỗ truyền thống. Một Âu Lạc với những sản phẩm đầy triết lý nhân sinh. Làng nghề mây tre Phú Bông, Phong Thử với những sản phẩm tinh xảo và tiện lợi... Các làng nghề ẩm thực ở Điện Bàn cũng là những địa chỉ văn hóa du lịch đặc sắc. Các đặc sản bánh tráng, mì Phú Chiêm hay bê thui Cầu Mống... đã trở thành nét độc đáo của văn hóa ẩm thực Điện Bàn, xứ Quảng.

Du lịch văn hóa - lịch sử - cách mạng với tâm điểm là Bảo tàng Điện Bàn, trong những năm qua đã đón chào hàng ngàn lượt khách. Bảo tàng Điện Bàn với vị trí thuận lợi, nằm trong khuôn viên di tích thành tỉnh Quảng Nam, trên tuyến đường nối liền Hội An - Mỹ Sơn với hơn 1500 hiện vật văn hóa, lịch sử, cách mạng phong phú. Hiện nay, bảo tàng đang trùng tu xây dựng và sẽ tiếp tục mở rộng khuôn viên với các hạng mục vườn tượng danh nhân, khu nhà cổ... Trong một tương lai không xa, Bảo tàng Điện Bàn sẽ trở thành một điểm dừng chân lý thú cho du khách gần xa.

Việc duy trì, phát triển các lễ hội dân gian thành hoạt động văn hóa – du lịch được chú trọng. Tiêu biểu là lễ hội Thanh Minh ở Điện Quang, hằng năm thu hút hàng ngàn lượt khách đến với vùng đất Gò Nổi “địa linh nhân kiệt”. Ngoài ý nghĩa duy trì và định hướng sinh hoạt dòng tộc theo góc độ văn hóa tâm linh, lễ hội đã trở thành tiếng gọi hiệu triệu nhiều tấm lòng nhiệt tâm chung tay đóng góp xây dựng quê hương.

Điện Bàn, vùng đất giàu phẩm vật như nhận định của Lê Quý Đôn từ những năm đầu thế kỷ XVI, một “thủ phủ của xứ Đàng Trong” thế kỷ XVII-XVIII, vùng đất trung dũng kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, vùng đất anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Điện Bàn đã và đang tiếp nối và phát huy những giá trị tinh hoa của đất và người, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trên con đường đi lên ấy, du lịch - ngành “công nghiệp không khói” đóng một vai trò thiết yếu. Kỳ vọng về một Điện Bàn giàu bản sắc được chú ý trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, là tâm huyết của tất cả những người đã và đang yêu mến vùng đất này!

 

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Số liệu thống kê chủ yếu năm 2023 thị xã Điện Bàn
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn
Hướng dẫn chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 trong điều kiện rét lạnh
Điện lực Điện Bàn tổ chức vệ sinh công nghiệp cách điện
Bế giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại phường Điện Ngọc
Giải pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa Đông
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, hội viên
Hội Nông dân các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột
Dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Điện Phước chung tay xây dựng nông thôn mới
Một nông dân nuôi gà, nuôi cá cho thu nhập gần 2 tỷ đồng
Xây dựng 4 bể lọc nước tại thôn 8B xã Điện Nam Trung
Huyện đoàn tổ chức Hội thảo chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi thỏ
Người mù làm kinh tế
Điện Minh trên đường phát triển
Nhân rộng mô hình trồng cỏ VA06 trên địa bàn huyện
Hội thảo mô hình giống ớt cay số 20
Triệu phú nông dân
Trạm Khuyến Nông-Khuyến Lâm Điện Bàn triển khai và nhân rộng các mô hình thuỷ sản
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm