Chuồng trại chăn nuôi của chị được xây dựng kiên cố có hệ thống xử lý nước sạch, có vòi nước uống tự động, có hệ thống làm mát, hệ thống phun sương, có máy phát điện và máy nghiền thức ăn gia súc, có hầm biogas để xử lý phân thải chống ô nhiễm môi trường, lấy ga để phục vụ cho việc đun nấu trong gia đình.
Với điều kiện chăn nuôi có hệ thống chuồng trại đảm bảo kỹ thuật và công tác thú y tại nhà nên tình hình dịch tai xanh xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện, đàn heo trang trại chị vẫn phát triển tốt. Sau khi công bố hết dịch, xuất chuồng với giá thời điểm cao, đem lại thu nhập rất khá. Nhưng đến cuối năm 2010 dịch lỡ mồm long móng xảy ra trên địa bàn xã, ngành chức năng cấm không cho buôn bán vận chuyển heo, bò. Thấy tình hình chăn nuôi heo gặp nhiều rủi ro nên chị mạnh dạn bàn với chồng lợi dụng phần đất vườn còn lại chuyển sang nuôi gà thả vườn với tổng đàn 600 con. Quá trình nuôi gà của chị đảm bảo vệ sinh phòng dịch và nguồn thức ăn. Sau 4,5 tháng xuất chuồng tổng thu nhập được 81 triệu đồng. Qua chi phí còn lại lãi ròng 21 triệu đồng. Sau đó, chị lại tiếp tục nuôi heo với tổng 30 con.
Ngoài việc chăn nuôi, vợ chồng chị còn mở thêm dịch vụ internet tại nhà với 20 dàn máy vi tính. Với việc phát triển kinh tế kết hợp đã đem lại thu nhập cao cho gia đình chị Chín, bình quân thu nhập 12.000.000 đồng/tháng. Điều kiện kinh tế đó đã giúp vợ chồng chị có cuộc sống ổn định, nuôi dạy 2 con học hành. Chị còn tham gia công tác của Hội phụ nữ xã với trách nhiệm hiện nay là phó chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Chị Chín tích cực tham gia phong trào phụ nữ ở cơ sở và sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ chị em hội viên phụ nữ trong thôn cùng tìm cách phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Gia đình chị Lại Thị Chín nhiều năm liên tục được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã và huyện.