Với hơn 2 sào trồng lúa, hơn 10 sào đất màu, trước đây mỗi khi buớc vào mùa vụ, gia đình anh Trần Đại Nghĩa, ở thôn Phú Tây xã Điện Quang phải huy động toàn bộ số lao động trong gia đình đồng thời chạy đôn chạy đáo mượn công bà con lối xóm và phải mất tới hàng chục ngày để thực hiện khâu làm đất sao cho kịp thời vụ. Nhưng từ hơn 2 năm nay gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng trang bị 2 máy cày lớn phục vụ cho khâu làm đất. Nhờ vậy, mà từ đó đến mỗi khi mùa vụ đến, gia đình anh Trần Đại Nghĩa chỉ mất thời gian rất ngắn để có thể hoàn thành khâu làm đất cho toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình mình. Ngoài ra anh Nghĩa còn nhận làm dịch vụ giải phóng đất cho một số hộ gia đình trong thôn, với hình thức này mỗi năm cũng cho gia đình anh có thêm một nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống.
Để góp phần giải phóng sức lao động, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, hơn 10 năm nay ngoài 2 chiếc máy cày lớn phục vụ khâu làm đất, anh Nguyễn Bình ở thôn Bảo An Tây đã đầu tư gần 1 tỷ đồng trang bị 4 máy gặt đập liên hợp để phục vụ cho bà con nông dân mỗi khi đến mùa vụ.
Những năm gần đây xã Điện Quang là một trong những địa phương tiêu biểu ở huyện Điện Bàn đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa nông nghiệp vào đồng ruộng. Toàn xã hiện có 18 máy cày lớn, 24 máy cày trung, 14 máy gặt đập liên hợp.
Ông Nguyễn Đức Thành-Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Quang tâm sự: Cứ đến mùa vụ gieo cấy hay thu hoạch, những chiếc máy nông nghiệp đã thực sự phát huy được hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ trong quá trình sản xuất, đảm bảo luân canh, gối vụ và góp phần nâng cao thu nhập. Và thực tế ở Điện Quang nhờ việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã giảm ngắn thời gian gieo trồng cũng như thu hoạch. Giảm được chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng ở Điện Quang vẫn còn nhiều bất cập đó là đồng ruộng vẫn còn manh mún, đường giao thông nội đồng chưa được xây dựng, do vậy Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí để địa phương quy hoạch, dồn điền đổi thửa, xây dựng đường giao thông nội đồng phục vụ nông nghiệp tại địa phương-ông Thành nói.
Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, chủ động khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai đã và đang là yếu tố quan trọng để bà con nông dân ở xã Điện Quang (Điện Bàn) tập trung sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, đời sống từng bước được cải thiện, góp phần làm thay đổi diện mạo của một địa phương mà huyện Điện Bàn chọn là một trong các xã điểm triển khai đề án xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.