“Sa tặc” lại lộng hành
Sau trận lũ vừa qua, khu vực gò Đình, gò Mồ Côi, gò Vịt (thuộc thôn Cẩm Phú 1 và Cẩm Phú 2, xã Điện Phong, Điện Bàn) đã bị sạt lở nghiêm trọng, bởi sức tàn phá của lũ dữ và nạn khai thác cát trái phép hoành hành. Bà Nguyễn Thị Tòa, người dân ở thôn Cẩm Phú 1 bức xúc: “Trong khi người dân lo chống lũ thì ban đêm, kể cả trời mưa, các ghe thuyền nổ máy bành bạch khai thác cát trên sông. Các đối tượng sử dụng tàu sắt, trong khi người dân chỉ có ghe thuyền nhỏ không thể đuổi họ đi được”. Thời gian qua, bà Tòa cùng với nhân dân thôn Cẩm Phú 1 và lực lượng truy quét của xã Điện Phong nhiều lần tổ chức phục kích truy bắt đối tượng khai thác cát trái phép.
Đêm 11.11, Tổ kiểm tra liên ngành của huyện Điện Bàn (gồm các ngành tài nguyên – môi trường, công an, quân đội, hạ tầng đô thị) tổ chức kiểm tra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn. Lúc này, tại đoạn sông qua xã Điện Phong có ít nhất 8 ghe thuyền đang khai thác cát dưới sông. Khi bị các lực lượng truy đuổi, lợi dụng đêm tối, 2 trong số 8 phượng tiện đã chạy thoát, 6 phương tiện còn lại được đưa vào bờ lập biên bản vi phạm gồm các chủ phương tiện Phạm Tùng (SN 1972, quê Duy Thu, Duy Xuyên), Bùi Văn Mô (SN 1976), Nguyễn Bá Khánh (1983), Nguyễn Đình Giang (1973) cùng trú tại xã Điện Minh (Điện Bàn), Mai Sắc (SN 1984 quê xã Quế Lâm, Nông Sơn) và Nguyễn Hùng (SN 1977, quê Duy Xuyên). Các phương tiện vi phạm nêu trên đang chờ Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn ra quyết định xử phạt hành chính.
Ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng Công an xã Điện Phong cho biết, các đối tượng khai thác cát trái phép gần đây rất lộng hành, sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ. Nếu phương tiện nào bị tạm giữ, trong tích tắc lần lượt các tàu lớn chạy đến cản trước mũi phương tiện của cơ quan chức năng nhằm tạo cơ hội cho “đồng bọn” chạy thoát. Trong đêm tối, đã có nhiều cuộc rượt đuổi trên sông giữa lực lượng chức năng và “sa tặc”. Ông Nguyễn Văn Hưng kể: “Lúc chúng tôi nhảy qua ghe họ yêu cầu tắt máy lập biên bản vi phạm, bất ngờ họ chở chúng tôi về địa điểm bến đậu của họ luôn. Trên đường đi, các đối tựợng còn hăm dọa trả thù nữa. Gặp các tình huống như thế, chúng tôi giữ điện thoại liên hệ với anh em trên bờ, cứ ghe đi đến đâu thì xe trên bờ anh em bám theo đến đó. Đôi khi anh em phải thức suốt đêm rượt đuổi đối tượng”. Chuyện đụng độ, xô xát xảy ra như cơm bữa trên sông. Còn nhớ, cách đây không lâu, tại gò Mồ Côi, đối tượng Phạm Văn Sinh, khối 4, thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn) đã đánh công an viên xã Điện Phong Trần Văn Tấn ngay trên sông khi đang làm nhiệm vụ. Hậu quả, Sinh đã bị khởi tố và chịu mức án 6 tháng tù giam.
Quản không nổi
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Điện Bàn xử lý 127 trường hợp khai thác, vận chuyển, mua bán cát, sỏi trái phép, xử phạt hơn 434 triệu đồng. |
Thời gian qua, để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tất cả các điểm “nóng” trên sông Thu Bồn. Ở cấp huyện có tổ kiểm tra liên ngành. Một Trạm kiểm soát khoáng sản cát, sỏi đã được đặt tại ngã ba Vàm, Cẩm Đồng, xã Điện Phong. Theo ông Nguyễn Văn Dân – Tổ phó Tổ kiểm tra khoáng sản liên ngành, mặc dù huyện, xã tăng cường lực lượng, chốt chặn truy quét thường xuyên nhưng vẫn không ngăn được tình trạng khai thác trái phép. Sáu phương tiện vi phạm trong đêm 11.11 sẽ bị xử phạt với mức cao (cao nhất 20 triệu đồng/trường hợp). “Địa phương quản lý không xuể tình trạng khai thác khoáng sản dưới lòng sông bởi lực lượng mỏng, kinh phí truy quét eo hẹp. Trong khi đó, món lợi từ cát đem lại không nhỏ khiến đối tượng trang bị phương tiện khai thác với trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng, sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng. Việc can thiệp bằng biện pháp hành chính chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, do cơ chế pháp luật chưa cứng rắn nên không thể phá hủy phương tiện vi phạm” - ông Dân nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên sông Thu Bồn thuộc địa phận huyện Điện Bàn hiện chỉ có mỗi Công ty Xây dựng 501 là được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi phục vụ cho việc san nền khu phố chợ Vĩnh Điện. Tuy nhiên, do nhu cầu vật liệu cát, sỏi cho ngành xây dựng quá lớn, khiến cầu vượt cung. Trong khi đó, UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng cấp mới và gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác cát lòng sông diễn ra trong thời gian khá dài càng khiến cho nhu cầu cần cát, sỏi “nóng” hơn bao giờ hết.
( Theo Hữu Phúc - Báo Quảng Nam)