Đấy là một việc làm mang tính nhân văn cao cả, ấy vậy mà có một số người vì hám lợi đã biến nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên thành nơi hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng lòng tin, lợi dụng thần thánh, trời phật, may rủi có hành vi cầu cúng, đồng bóng, bói toán nhằm buôn thần bán thánh để trục lợi.
Chắc hẳn trong mấy ngày qua bà con vẫn còn bàn tán xôn xao về bài viết “Thánh cô Đinh Thị Châu dùng nước lã chữa bệnh” đăng tải trên các báo. Chúng tôi mạng phép cung cấp thêm về những thông tin liên quan đến việc hành nghề mê tín dị đoan của bà Châu để bà con chúng ta được rõ hơn;
Bà Đinh Thị Châu, sinh năm 1968, quê quán thôn 7, xã Điện nam , huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau nhiều năm xa quê vào xây dựng gia đình và lập nghiệp tại xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2008 bà cùng chồng, con trở về lại quê hương tá túc tại nhà cha đẻ của mình ở thôn 7A xã Điện Nam Đông để làm ăn, sinh sống. Hằng ngày bà cần cù với công việc buôn bán rau quả ở các chợ để mưu sinh, bỗng dưng hơn một tháng trở lại đây, bà Đinh Thị Châu tự xưng là bà tổ cô và biến nơi thờ phụng ông bà, tổ tiên thành nơi đồng bóng để hành nghề chữa bệnh bằng nước lã cho những người nhẹ dạ, cả tin vào thần thánh, ma quỷ nhằm lừa đảo, thu lợi bất chính. Hằng ngày, bà Châu chữa bệnh từ 20 đến 30 người ở khắp nơi tụ tập về. Trong lúc chữa bệnh, mặc dù bà luôn nói với bệnh nhân là không nhận tiền, nhưng ai có lòng thành kính thì cứ cúng hương bao nhiêu cũng được, tự giác bỏ vào chiếc chuông đồng mà bà đã bày biện sẵn trên bàn thờ. ngoài ra bà còn tổ chức làm cả dịch vụ cung cấp nước AB (nước lọc) cho những ai đến chữa bệnh có nhu cầu “chai nhỏ giá 5.000 đồng, chai lớn giá 10.000 đồng”, cứ có tiền là có nước. Những chai nước lọc kia được bà dùng nhang khoán vào sẻ trở thành thuốc thánh chữa bệnh nào cũng khỏi, thật là hoang đường phải không bà con ?;
Hành vi lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận nhân dân và tự xưng “thần thánh” để dễ bề hoạt động thu lợi bất chính của bà Đinh Thị Châu đã gây ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức của xã hội, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân và gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bà Đinh Thị Châu đã được cơ quan chức năng triệu tập làm việc và xử lý theo quy định pháp luật.
Điều 247 Bộ luật hình sự Việt nam năm 1999 quy định
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười lăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Thưa bà con, Tệ nạn mê tín dị đoan là một biểu hiện của các hủ tục lạc hậu, tàn dư của xã hội cũ còn sót lại trong xã hội hiện nay. Trong một chừng mực nhất định, tệ nạn mê tín dị đoan gây nên những hậu quả xấu cho xã hội như làm tan vỡ hạnh phúc nhiều gia đình, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người, gây thiệt hại đến tài sản của quần chúng, làm suy yếu ý chí phấn đấu của bản thân con người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và công cuộc xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay trên địa bàn huyện có một số đối tượng lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước để hoạt động mê tín dị đoan lén lút tại nhà riêng, các điểm thờ cúng dưới nhiều hình thức như: bói toán, lên đồng gọi hồn, xóc thẻ, yểm bùa, cúng ma, trừ tà, phù phép, chữa bệnh, xem phong thủy trong địa lý....để hoạt động lừa đảo thu lợi bất chính. Để đấu tranh phòng, chống và từng bước loại trừ các hiện tượng tiêu cực này ra khỏi đời sống xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đời sống văn minh, bảo vệ tính mạng, tài sản và sức khỏe của nhân dân, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội và các đơn vị dân cư, tăng cường công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nhận thức rõ quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng, thấy rõ sự khác biệt giữa mê tín dị đoan với các phong tục tập quán của địa phương và các hoạt động tôn giáo, hậu quả tác hại do đối tượng hoạt động mê tin dị đoan gây ra, để từ đó quần chúng nhân dân tự giác, tích cực đấu tranh, lên án với tệ nạn mê tín dị đoan. Cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, thống kê lập danh sách của các đối tượng hoạt động mê tín dị đoan trên địa bàn để có biện pháp đấu tranh và xử lý.