- Phải chăm chỉ học tập ...
Ít lâu sau, tôi được sang làm việc bên Bác. Hàng ngày Bác làm việc ở nhà riêng. Thường Bác tự đánh máy lấy. Hết giờ làm việc, Bác cùng sinh hoạt chung với anh em. Vui nhất là sau giờ làm việc buổi chiều. Bác thường cùng anh em trong cơ quan đánh bóng chuyền. Bác già, tay cứng nên búng bóng yếu, "đối phương" muốn gỡ điểm, thường phát bóng vào chỗ Bác, Bác biết liền nói to:
- A, "truy tủ" hả. Bác vừa nói vừa nhảy lên đỡ bóng.
Có lần đối phương phát bóng "ác" quá, Bác biết không đỡ được, liền kêu:
- Trường, Kỳ, Kháng, Chiến đâu? Cứu bóng!
Người đánh lẫn người xem cười vui vẻ.
Bấy giờ theo chính sách đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, cơ quan chọn cử một số cán bộ trẻ ra nước ngoài học. Tôi cũng ở trong số đó. Nhưng tôi không muốn đi.
Biết được điều đó, Bác liền gọi đến. Bác hỏi, tôi trả lời Bác:
- Dạ, thưa Bác, cháu muốn được công tác ạ.
- Thế cháu có muốn công tác thật tốt không?
- Có ạ.
- Có muốn phục vụ nhân dân được không?
- Có ạ.
- Thế thì phải đi học. Bây giờ có điều kiện thì phải học tập. Học tập để hiểu nhiều, biết nhiều. Có hiểu nhiều biết nhiều, mới phục vụ nhân dân tốt được.
Sau khi giảng giải và khuyên tôi đi học là cần thiết, Bác dặn:
- Đi học thì phải chịu khó, chăm chỉ học tập. Chưa hiểu thì hỏi, không được giấu dốt, đã hiểu rồi thì bảo lại cho bạn cùng hiểu.
Rồi Bác lấy cái hộp thuốc lá của Bác đưa cho tôi. Bác nói:
- Bác cho cháu cái hộp này để đựng kim chỉ, ngoài giờ học thêu, thùa, vá, may. Con gái phải biết làm những việc đó.
Tôi sang nước bạn ở khu học xá, rồi vào trường sư phạm. Tốt nghiệp xong, tôi về nước, dạy học ở Việt Bắc cho đến ngày chiến thắng thực dân Pháp, tôi mới về thủ đô.
...
Trích trong Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Sđd, t.2, tr.491-492. (Hiền Đức).
- Ai có trách nhiệm trồng người
Theo quy chế của Bộ Ngoại giao ta, khi có đoàn đại biểu trong nước đến nước nào thì vị trí đứng đầu Đại sứ quán Việt Nam tại nước đó phải đến sớm nhất để báo cáo với đoàn tình hình thế giới, trong nước, nước sở tại và kế hoạch làm việc hôm đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dậy đúng 5 giờ 30, tập thể dục 30 phút rồi tắm. Bác hẹn tôi đúng 6 giờ 15 đến báo cáo với Bác. Thật hạnh phúc cho tôi, suốt tám ngày ở Cộng hòa Dân chủ Đức, ngày nào tôi cũng được làm việc với Bác vào 6 giờ 15. Sáng 27-5, tôi vào đã thấy Bác ngồi chờ. Sau khi nghe tôi báo cáo thật tóm tắt, Bác đẩy bao thuốc lá sang phía tôi và hỏi:
- Cuộc hội đàm hôm qua chú thấy vấn đề gì bổ ích nhất cho ta?
- Thưa Bác, cháu cho rằng chiến lược trăm năm trồng người rất bổ ích cho ta.
- Chú nói đúng.
Tôi chưa dám hút thuốc lá. Bác lấy thuốc đưa tôi, hỏi tiếp:
- Chú quê ở xã nào?
- Thưa Bác, nhà cháu cùng xóm với Cụ Phan Bội Châu, làng Đan Nhiễm, gần Kim Liên.
Bác tỏ thái độ rất vui, hỏi con cháu Cụ Phan ai còn ai mất, làm ăn ra sao. Sau đó Bác nhìn tôi và hỏi:
- Ở cương vị chú, chú sẽ làm gì để góp sức với đất nước về sự nghiệp trồng người?
- Thưa Bác, ở bên này cháu cố gắng học hỏi kinh nghiệm và đi thực tế để xem các đồng chí làm như thế nào rồi thường xuyên báo cáo đầy đủ về Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao.
Nói xong, tôi tự nghĩ "chắc Bác bằng lòng". Không ngờ Bác nghiêm mặt:
- Chú cũng quan liêu giấy tờ đến thế?
Thấy tôi đỏ mặt cúi đầu, Bác hạ giọng:
- Bác và Trung ương giỏi lắm thì đánh xong giặc. Xây dựng con người là trách nhiệm nặng nề của thế hệ chú và con chú. Chú còn làm gì nữa?
- Thưa Bác, cháu chăm sóc 149 thiếu nhi đang học tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
Nói xong tôi tưởng Bác hài lòng, vì Bác luôn hỏi về việc các cháu học tập, sức khỏe và đạo đức ra sao. Lần này Bác phê bình nhẹ nhàng:
- Cách làm của chú chưa đúng. Muốn đi xa, phải bắt đầu đặt chân gần nhất. Trước hết chú phải giáo dục con chú, anh chị em trong Đại sứ quán, các cháu sinh viên, từ đó cả tập thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán và sinh viên chăm lo cho các cháu thiếu nhi. Một mình chú dù giỏi cũng không làm tốt. Rèn luyện các cháu về đạo đức, phong cách, lối sống của dân tộc ta không phải chỉ bằng lời, mà phải bằng hành động gương mẫu của tập thể người lớn ở bên này. Người lớn thiếu gương mẫu thì không ai theo.
Trích trong Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
t.2, tr.622-624. (Song Tùng).
- Chiến lược trăm năm trồng người
Cũng trong cuộc hội đàm, sau khi phía Cộng hòa Dân chủ Đức báo cáo xong những thành quả đã thu được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác hỏi:
- Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lĩnh vực nào là quan trọng nhất?
- Thưa Chủ tịch, đó là lĩnh vực xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. - Thủ tướng trả lời.
Bác hỏi tiếp:
- Các đồng chí dự kiến bao nhiêu năm thì hoàn thành?
- Thưa Chủ tịch, khoảng bốn thế hệ.
Bác hỏi tiếp:
- Mỗi thế hệ là bao nhiêu năm?
Tổng Bí thư nhìn Thủ tướng có vẻ trao đổi bằng ánh mắt. Thủ tướng nói:
- Thưa Chủ tịch, mỗi thế hệ khoảng 20 đến 25 năm.
Bác có vẻ tán đồng:
- Trăm năm trồng người là đúng.
Đây là một công việc lâu dài và rất quan trọng.
Trích trong Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Sđd, t.2, tr.622. (Song Tùng).