Nội dung chi tiết

Cơ giới hóa nông nghiệp ở Điện Bàn
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 12/07/2012 .Lượt xem: 8352 lượt. [In bài]

- Phạm Lộc -

Trong những năm gần đây, Điện Bàn là một trong những địa phương của Quảng Nam đi đầu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh... Nhờ đó giá trị thu nhập trên từng diện tích không ngừng được tăng lên. Đặc biệt việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất cho nhà nông.

Với 2 sào đất trồng lúa, 10 sào đất màu, trước đây, mỗi khi bước vào mùa vụ, gia đình anh Trần Đại Nghĩa thôn Phú Tây xã Điện Quang phải huy động toàn bộ số lao động trong gia đình, đồng thời chạy đôn, chạy đáo mượn công của bà con lối xóm và phải mất hàng chục ngày để thực hiện khâu làm đất mới kịp thời vụ. Nhưng ba năm nay, anh Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư trên 60 triệu đồng mua sắm hai chiếc máy cày lớn phục vụ cho khâu làm đất. Nhờ vậy, từ đó đến nay, mỗi khi mùa vụ đến, gia đình anh chỉ mất thời gian rất ngắn là hoàn thành khâu làm đất cho toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình mình. Ngoài ra, anh Nghĩa còn nhận làm dịch vụ làm đất gieo trồng cho bà con trong thôn. Bằng hình thức này, sau mỗi mùa vụ đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống.

Anh Trần Quốc Cường ở thôn La Trung xã Điện Thọ tâm sự, hiện nay do phần đông số lao động trẻ tại địa phương tập trung vào các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp hoặc đi làm ăn xa, việc đồng áng được giao cho những người già, nên mỗi khi đến mùa vụ bà con rất vất vả. Nhưng hôm nay, khi gieo sạ đã có máy cày, máy lồng làm đất, đến lúc thu hoạch lại có máy gặt đập liên hợp phục vụ tận nơi nên việc nhà nông trở nên nhẹ nhàng hơn. Không chỉ giải phóng đáng kể sức lao động cho người nông dân mà lực lượng cơ giới hóa còn đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ông Phạm Hữu Kinh-Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Bàn cho biết, đến nay toàn huyện có gần 800 máy cày, 47 máy lồng, 243 máy cắt lúa xếp hàng, máy bung và 50 máy gặt đập liên hợp... Dù chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế nhưng bước đầu số lượng máy móc này đã góp phần rất tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo lịch thời vụ, nâng cao năng suất cây trồng tại các địa phương, đồng thời giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất cho nhà nông.

Mỗi khi mùa vụ đến, hình ảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau đã được thay thế bằng những chiếc máy cày, máy xới, hay máy gặt đập liên hợp, có mặt trên khắp các cánh đồng. Xã Điện Quang là một trong những địa phương tiên phong của hưyện trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng. Toàn xã hiện có 18 máy cày lớn, 24 máy cày trung và 14 máy gặt đập liên hợp. Ông Nguyễn Đức Thành-Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Quang phấn khởi cho biết: đến nay, hầu như 100% nông dân ở địa phương đã chuyển dần từ lao động thủ công sang cơ giới hóa nông nghiệp.

 

Theo xu hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, phải tiến hành đồng loạt, tính chất tập trung của thời vụ càng cao hơn, vì thế nhiều nông dân ở Điện Bàn đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng, mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp. Anh Nguyễn Bình ở thôn Bảo An Tây xã Điện Quang là người là người khởi đầu cho phong trào cơ giới hóa nông nghiệp ở huyện Điện Bàn với việc đầu tư tiền tỷ mua 4 chiếc máy cày, 4 máy gặt đập liên hợp để phục vụ cho bà con trong và ngoài huyện đã hơn 10 năm nay. Anh Bình cho biết: Việc ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp sẽ tiết kiệm được nhân công lao động mà giá thành cũng thấp hơn rất nhiều. Nếu làm thủ công ở các khâu gặt, tuốt lúa... thì ít nhất phải tiêu tốn trên 400 ngàn đồng/sào thì nay với máy gặt đập liên hợp, cũng chừng đó công việc chỉ tốn dưới 200 ngàn đồng/ sào, lại giảm tổn thất sau thu hoạch.

Tiếp tục khai thác tiềm năng, năng suất của các loại cây trồng, vụ Hè Thu năm 2011, Trạm khuyến nông-Khuyến lâm huyện Điện Bàn phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông-Khuyến lâm tỉnh Quảng Nam triển khai áp dụng mô hình ứng dụng chương trình 3 giảm 3 tăng kết hợp với sử dụng công cụ sạ hàng vào sản xuất, đồng thời đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng trên diện tích 65 ha tại xã Điện Thọ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bình quân 1ha giảm được 600 nghìn đồng mua giống, 160 nghìn đồng mua phân bón, 400 nghìn đồng mua thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ chi phí đầu vào giảm mạnh, nhờ mật độ thưa, cây lúa quang hợp tốt, ít bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại nên những chân đất canh tác theo gói kỹ thuật này cho năng suất rất cao, khoảng 66 tạ/ha (tăng 4 tạ/ha so với ruộng đối chứng bên cạnh). Đặc biệt, nhờ đưa cơ giới hóa vào phục vụ khâu làm đất và thu hoạch nên 1 ha nông dân tiết kiệm được 2,4 triệu đồng tiền thuê nhân công...

Để tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Điện Bàn nói riêng, ngày 17/11/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 33 về việc hỗ trợ kinh phí cho những người có nhu cầu mua sắm các loại máy cày, máy làm đất, máy gặt đập liên hợp... Đây là cơ hội giúp cho người nông dân có thêm điều kiện mua sắm máy móc phục vụ trong nông nghiệp tại địa phương. Bởi theo ông Phạm Hữu Kinh-Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Bàn, nhu cầu mua sắm máy móc còn rất lớn với khoảng 150 máy cày máy làm đất và 80 máy gặt đập liên hợp... mới đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.

Tuy nhiên, việc cơ giới hóa đồng ruộng ở Điện Bàn vẫn còn nhiều yếu tố bất cập. Đó là đồng ruộng ở một số địa phương còn manh mún, địa hình không bằng phẳng, diện tích thửa của nông hộ quá nhỏ, bình quân 3-5 thửa ruộng/1 hộ... Do vậy công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng đường giao thông nội đồng phục vụ nông nghiệp tại địa phương cần phải chú trọng, đi đầu mới mong từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn.

Huyện Điện Bàn đang triển khai thực hiện chương trình Quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới, cơ giới hóa nông nghiệp cũng chính là một trong những tiêu chí quan trọng để bà con nông dân tập trung sản xuất, nâng giá trị thu nhập trên diện tích đất sản xuất, góp phần đưa đời sống được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.

 

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Số liệu thống kê chủ yếu năm 2023 thị xã Điện Bàn
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn
Hướng dẫn chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 trong điều kiện rét lạnh
Điện lực Điện Bàn tổ chức vệ sinh công nghiệp cách điện
Bế giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại phường Điện Ngọc
Giải pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa Đông
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, hội viên
Hội Nông dân các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột
Dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Năm 2011 giá trị toàn nền kinh tế xã Điện Thọ đạt gần190 tỷ đồng
Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Điện Bàn hỗ trợ 37 tấn lúa giống và 4 tấn bắp giống cho nông dân
Lũ đã gây thiệt hại hơn 43 tỷ đồng.
Nông dân đương đầu với bão
Cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhìn từ xã Điện Quang
Năng suất lúa vụ Hè Thu đạt bình quân 55 tạ/ha
Nguyễn Phi Lai - tấm gương làm kinh tế giỏi
Gương điển hình về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế gia đình
Nông dân xã Điện Tiến với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011 tại xã Điện Dương
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm