Hát bội Quy Nhơn
Hầu đòn Quảng Ngãi
Thơ lại Quảng Nam
Hò khoan xứ Huế
Nhà nghiên cứu quá cố, nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân khi bàn về căn nguyên nghề “làm quan” của sĩ tử Điện Bàn thì cho rằng “Dân Điện Bàn ở ngay dinh trấn, và lại học khá (như sau này chứng tỏ) thì chức thư lại được đào tạo nhiều. Về sau thơ lại Quảng Nam nổi tiếng khắp miền Nam; ra làm quan đất Bắc, các cụ cũng mang theo vì trong hành chính, không có thơ lại giỏi, rất khó giải quyết nhiều vấn đề (ngoài Bắc hình như gọi là nhà tư mà đầu thế kỷ XX ở đây cũng còn gọi như thế). Những thơ lại giỏi đóng góp rất đáng kể cho các cấp trên từ phủ huyện trở lên. Đây là loại căn bản của một cơ sở hành chánh, thiếu nó không thể được mà tính cách các nhân vật này nói lên phần nào tính cách căn bản địa phương về văn học và pháp lý. Bệnh lý sự hay cãi có thể một phần do đây mà ra”[1].
Một trong những nhà khoa bảng của đất Gò Nổi – Phù Kỳ mà con đường hoạn lộ khá “hanh thông” nhưng cũng “tiến vi quan thoái vi sư” ( ra với đời thì làm quan, về ẩn cư thì làm thầy) như bao khuôn mặt khoa bảng khác đầy “ưu thời mẫn thế” của đất Điện Bàn, người ấy là cụ Thượng Na Kham Lê Đỉnh, còn gọi là Lê Đình Đỉnh.
Lê Đình Đỉnh sinh năm Canh Tý (1840), quê làng Thạnh Mỹ, Đông Mỹ (sau đổi Na Kham), tổng Phú Khương Thượng (Gò Nổi – Phù Kỳ), huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo gia phả, cụ là “cháu tám đời của nhà tiền hiền Lê Đình Lang (còn có tên Lê Lang), là cháu nội của Trung nghị Đại phu Thị độc Học sĩ, hàm Tứ phẩm Lê Đình Tỳ và bà Cung nhơn tùng tứ phẩm Trần Thị Tư, là con thứ sáu của quan Tam phẩm Thái hầu Tự khanh Lê Đình Thức và bà chánh thất Phan Thị Nại (còn có tên Phan Thị Đảnh), bà thuộc dòng dõi danh gia khoa bảng họ Phan ở Xuân Đài, đất Gò Nổi – Phù Kỳ. Các anh của cụ là Lê Đình Liêm, Lê Đình Diễm, Lê Đình Diệu (mất sớm), Lê Đình Danh, Lê Đình Thụy (cửu phẩm bá hộ và là cha của Triều Liệt Đại phu Thị giảng Học sĩ Lê Đình Hưng). Các em của cụ là Lê Đình Quang, Lê Thị Ngân, Lê Đình Trạc (cửu phẩm văn giai), Lê Đình Trân… Cụ Đỉnh kết duyên với bà chánh thất Nguyễn Thị Gia, bà thứ thất Huỳnh Thị Bá, bà kế thất Phan Thị Hiệu (út nữ của cụ tú Phan Thế Huân và bà kế thất Tăng Thị Hiệp người Thừa Thiên). Các con của ông là: Lê Đình Côn, Lê Đình Diện, Lê Đình Đính, Lê Đình Dương, Lê Đình Thám, Lê Đình Nhiếp, Lê Đình Kiền, Lê Đình Cũng, Lê Thị Nhàn, Lê Thị Kiến, Lê Đình Quỵ, Lê Thị Túy, Lê Thị Cảnh, Lê Thị Cử (vợ quan tiến sĩ Hồng Lô Tự Khanh Phạm Tuấn ở Xuân Đài), Lê Thị Xử (vợ phó bảng tri phủ Phan Trân ở Bảo An), Lê Thị Đắc, Lê Thị Sách, Lê Thị Bích (vợ cửu phẩm Huỳnh Thản ở Bảo An Tây), Lê Thị Diêu (vợ Tú Quyền ở Hòa Mỹ), Lê Thị Lam (vợ tham tá Phan Lưu ở Bảo An), Lê Thị Toại (vợ Phán sự Nguyễn Đình Tín ở Đông Thành), Lê Thị Hành.”[2].
Cụ Đĩnh vốn thông minh từ nhỏ, siêng năng chăm học lại được thụ giáo cụ Tú thất khoa Phan Thế Huân (về sau là nhạc phụ, cụ Tú Huân thi liên tiếp bảy khoa nhưng cụ chỉ đỗ tú tài, vì thế người đời gọi là cụ Tú thất khoa). Khi cụ Tú Huân ra Huế làm Ngự y cho vua Tự Đức, cụ Đĩnh lại thọ giáo và là trưởng tràng (lớp trưởng) của cụ Tú ngũ khoa Phan Thế Tiên (cụ Tú Tiên dự thi 5 khoa thi hương nhưng vẫn chỉ đỗ tú tài nên gọi là Tú ngũ khoa). Hai cụ Tú Huân và Tú Tiên đều ở làng Bàn Lãnh (Gò Nổi – Phù Kỳ), thảy đều là bà con nội ngoại và là thày dạy của thủ khoa Tiến sĩ Phạm Liệu, Tiến sĩ Phan Quang. Nhờ sống trong nếp nhà nền nếp gia phong, được thụ giáo thầy giỏi, lại vốn thông minh cần mẫn nên cụ Đỉnh sớm nổi tiếng “hay chữ” tại làng mình và trên đất Gò Nổi. Khi học trường Đốc Quảng Nam, cụ là khóa sinh ưu tú của trường. Khoa thi Hương năm Canh Ngọ (1870) niên hiệu Tự Đức thứ 23, cụ thi đỗ cử nhân, xếp hạng 19/29 cử nhân trúng cách.
Bình sinh tính tình cụ đôn hậu, thật thà nhưng rất cương trực như cốt tính của sĩ phu đất Quảng “người trí thức có khí tiết cứng cỏi, mạnh dạn phát biểu”, đồng thời cũng rất thức thời “nhạy bén với cái mới và khi đã đổi mới là đổi mới triệt để”[3]. Con đường làm quan của cụ suốt mười tám năm mọi sự đều được trôi chảy, hanh thông bởi khi làm quan cụ hết sức thanh liêm, tận tụy. Cụ Đỉnh từng được giữ các chức vụ quan trọng như Biện lý Bộ Công, Phó chủ khảo trường thi Hương Nghệ An khoa Nhâm Ngọ (1882), Binh Bộ Thượng Thư sung Đông Các Đại Học Sĩ, Tổng đốc Hà Yên (Hà Nội- Hưng Yên), Hữu đô Ngự sử sung Cơ mật viện Đại thần.
Là người yêu nước, gánh vác trọng trách với đất nước trong những năm tháng nước nhà đối diện nguy cơ bị thống trị bởi thực dân Pháp, cũng như các danh nho yêu nước đất Quảng và cả nước, cụ Đỉnh lúc nào cũng tự vấn về căn nguyên tụt hậu và bất lực của nước nhà trước họa ngoại xâm. Được đọc Tân Thư, được trao đổi, học hỏi những nhà canh tân tiền bối lúc bấy giờ như Phan Thanh Giản (1796-1867), Phạm Phú Thứ (1821- 1882), Nguyễn Trường Tộ (1828- 1871), Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895)… cụ chủ trương cần có những giải pháp để canh tân đất nước, khuyến khích du học để học hỏi, tiếp xúc, có cách nhìn mới để cứu vãn tình thế nước nhà trên các lãnh vực kinh tế, chính trị, quân sự.
Năm Tân Tỵ (1881) tức năm Tự Đức thứ 34, cụ Đỉnh phụng chiếu chỉ đi sứ sang Hương Cảng (Hồng Kông), lúc về triều, cũng trong năm 1881, cụ dâng biểu tấu trình rằng – theo nhà sử học Trần Trọng Kim – “Các nước Thái Tây mà phú cường là chỉ cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy binh lính mà bênh vực việc buôn bán, lấy việc buôn bán mà nuôi binh lính. Gần đây Nhật Bản theo các nước Thái Tây cho người đi buôn bán khắp mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt chước cho người ngoại quốc ra vào buôn bán. Nước ta, người khôn ngoan, lại có lắm sản vật, nên theo người ta mà làm thì cũng có thể giữ được quyền độc lập của nước nhà”. Thế nhưng, cũng theo Trần Trọng Kim “Năm ấy, lại có quan Hàn lâm viện Tu Soạn là Phan Liêm làm sớ mật tâu về việc mở sự buôn bán, sự chung vốn lập hội, và xin cho người đi học nghề khai mỏ. Giao cho đình thần xét, các quan đều bàn rằng việc buôn bán không tiện, còn việc khác thì xin để hỏi các tỉnh xem thế nào, rồi sẽ xét lại. Ấy cũng là một cách làm cho trôi chuyện, chứ không ai muốn thay đổi thói cũ chút gì cả. Nhân việc đó vua Dực Tông (Tự Đức) khuyên rằng các quan xét việc thì nên cẩn thận và suy nghĩ cho chín, nhưng cũng nên làm thế nào cho tiến bộ, chứ không tiến thì tức là thoái vậy. Xem lời ấy thì không phải là vua không muốn thay đổi. Chỉ vì vua thì ở trong cung điện, việc đời không biết rõ, phải lấy các quan làm tai, làm mắt, mà các quan thì lại số người biết thì ít, số người không biết thì nhiều. Những người có quyền tước thì lắm người trông không rõ, nghe không thấy, chỉ một niềm giữ thói cũ cho tiện việc mình. Lại có lắm người tự nghĩ rằng mình đã quyền cả ngôi cao, thì tất là tài giỏi hơn người, chứ không hiểu rằng cái tài giỏi không cần phải nhiều tuổi, sự khôn ngoan không phải làm quan to hay nhỏ. Cái phẩm giá con người ta là cốt ở tư tưởng, học thức chứ không phải ở tiền của hay ở quyền lực. Đến khi nước Pháp đã sang lấy đất Nam Kỳ, đã đánh ra Bắc Kỳ, tình thế nguy cấp đến nơi rồi, thế mà cứ khư khư giữ lấy thói cổ, hễ ai nói đến sự gì hơi mới một tí thì bác đi. Như thế thì làm thế nào mà không hỏng việc được. Đã hay rằng vua có trách nhiệm vua, quan có trách nhiệm quan, dẫu thế nào thì vua Dực Tông cũng không tránh khỏi cái lỗi với nước nhà, nhưng mà xét cho xác lý, thì cái lỗi của đình thần lúc bấy giờ cũng không nhỏ vậy.”[4].
Cũng năm 1882, cụ Đỉnh lại phụng chiếu đi sứ sang Tân Gia Ba (Singapore), lúc về triều, cụ lại dâng biểu tấu trình những điều tai nghe mắt thấy một cách trung thực, mọi kiến thức tiến bộ đã thu thập được… Nhưng rồi cũng như lần trước, đều không được nhà vua và triều thần nhà Nguyễn quan tâm. Đầu thu năm Nhâm Ngọ, cùng năm, nhân quan Khâm sai kiêm Tổng Đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình) Trần Đình Túc về triều đình Huế đệ trình các khoản thương thuyết đạt được với đại tá Pháp Henri Rivière, trong khi đó thì tình hình dân chúng Bắc Kỳ rối loạn . Phó Khâm sai Nguyễn Hữu Độ lên thay Khâm sai Trần Đình Túc, nhưng vẫn không ổn định được tình hình hỗn loạn của dân chúng. Thể theo tiến cử từ trước đó của Hộ Bộ Thượng Thư Phạm Phú Thứ, bậc đàn anh, đồng hương và đồng triều, vua Tự Đức chuẩn phê và thăng cụ Đỉnh chức Binh Bộ Thượng Thư, Hà Yên tổng đốc (Tổng đốc Hà Nội – Hưng Yên) rồi thăng Hữu Đô ngự sử sung Cơ mật viện Đại thần hàm nhị phẩm thay thế cụ Phó bảng Tổng đốc Hoàng Diệu vừa tuẫn tiết ngày 8 tháng ba năm Nhâm Ngọ (25/4/1882). Bởi chức Thượng Thư nên người Quảng Nam, Điện Bàn gọi cụ là cụ Thượng Na Kham. Sự kiện này theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân thì “về sự kiện Hoàng Diệu đã tử tiết tại Hà Nội, trong gia đình còn kể lại một câu chuyện khá thương tâm: Bấy giờ Phạm Phú Thứ lâm bệnh nặng đang chạy chữa ở quê nhà; Hoàng Diệu được lệnh chỉ của nhà vua bổ ông ra làm Tổng đốc Hà Ninh. Hoàng Diệu đến chào Phạm Phú Thứ lên đường. Và đồng thời cũng để hỏi kế sách chống lại người Tây phương mà Phạm Phú được coi là am tường nhất nước. Hai ông đã quay vào nhau để lạy sống nhau. Cái chết của Hoàng Diệu diễn ra như thế nào thì chúng ta đều đã biết. Điều cần biết thêm sau khi Hoàng Diệu chết thì người kế nhiệm là Lê Đình Đỉnh (Lê Đỉnh) ở làng Na Kham huyện Điện Bàn, tức ở vùng Gò Nổi với Phạm Phú Thứ. Ông này đã từng đi sứ Hương Cảng và dâng sớ tấu trình về quan hệ quân sự và thương mại của các nước Âu châu, Nhật Bản cùng nước Tàu theo gương Âu châu mở mang việc duy tân buôn bán ra hải ngoại ra sao[5]. Về mối quan hệ giữa cụ Đỉnh với cụ Phạm Phú Thứ thì có lẽ ngoài tình đồng hương, đồng triều, hai người còn là những người tri kỷ, đồng chí về việc canh tân đất nước để mưu cầu giữ nước. Với cụ Phạm Phú Thứ thì trước đây cụ tấu trình với vua Tự Đức sử dụng lại tài năng của Ông Ích Khiêm - một người giỏi việc binh[6] để “trừ nạn thổ phỉ và giặc Khách vẫn còn phá rối quanh quẩn trong nội địa ở Quảng Yên với đường lối tránh nhờ người Pháp tiến hành những cuộc hành quân tiễu phỉ cho ta như trước đây[7] thì cụ nhận thấy ở Lê Đỉnh ngoài tài năng tổ chức hành chính, tính cương trực còn là tài năng ứng xử của một nhà ngoại giao vừa mềm dẻo vừa cứng cỏi, dứt khoát và “đa mưu, túc kế” để ứng phó với người Pháp lúc bấy giờ.
Năm 1883, sau khi vua Tự Đức băng hà, trước áp lực của quân đội viễn chinh Pháp, hai quyền thần phụ chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết ngày càng chuyên chế, hạ sát phụ chính Trần Tiễn Thành, tự ý phế lập, bức tử vua Hiệp Hoà và vua Kiến Phúc, rồi tôn lập vua Hàm Nghi, em ruột vua Kiến Phúc mới 13 tuổi lên ngôi vua (vào ngày 1 tháng tám năm Giáp Thìn, 1884), sau việc triều đình Huế ký kết hòa ước Giáp Thân (6/6/1884). Lễ đăng quang của vua Hàm Nghi không được Nam triều thông báo cho Khâm sứ Pháp tại Trung Kỳ, vì thế Rheinart không thừa nhận vua mới vì trước đó toà Khâm đã thông báo “Nam triều có lập ai lên làm vua thì phải xin phép nước Pháp mới được”[8] . Chúng yêu cầu mời các đại thần cơ mật sang tòa Khâm sứ để bàn nghi thức gặp gỡ giữa vua Hàm Nghi và đại diện tối cao của Pháp song Tôn Thất Thuyết từ chối. Thống tướng De Cuorcy dọa sẽ đem quân sang bắt khiến nhân tâm “trong triều ngoại nội” đều rối loạn.
Lê Đỉnh tự biết mình thế cô, khó xoay chuyển tình thế, và trong lẽ “hành, tàng, xuất, xử” của kẻ sĩ cần tiến thối hợp thời như Lão Tử đã nói “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi” (biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy). Mùa xuân năm Giáp Thân (1884), viện cớ xin về phụng dưỡng cha già, cụ dâng biểu từ quan. Cảnh nhà đơn bạc, cụ ngồi dạy học tại làng, thỉnh thoảng các khóa sinh trường Huấn hay trường Đốc Quảng Nam hội họp nhau lại thỉnh cầu cụ cho “nghe sách”, năm ba ngày liên tiếp tại nhà.
Năm về hưu, lúc đó cụ vừa tròn 42 tuổi. Bà thân mẫu chánh thất Phan Thị Nại mất sớm, suốt gần 10 năm cụ phụng dưỡng cụ thân sinh và cụ thứ mẫu Hà Thị Nhựt rất chí hiếu. Cụ hết lòng chăm sóc cha mẹ từng miếng ăn, tấm áo, chăn màn, giấc ngủ, tắm táp, vệ sinh, sớm hôm không hề xao nhãng. Ngày thường để tiêu khiển lúc rảnh rỗi cụ lại đối ẩm cùng thân sinh, đánh cờ, xướng họa, bàn chuyện thế sự, luận thảo sách vở thánh hiền. Năm Canh Dần (1890) niên hiệu Thành Thái thứ hai, vua sắc chỉ triệu cụ về kinh giữ chức Binh Bộ Thượng Thư trở lại, nhưng cụ khéo léo dâng biểu cáo bệnh và mượn cớ hiếu đạo chưa tròn để từ chối. Kinh nghiệm về thời tham chính của mình, lúc trong nước, lúc ra nước ngoài, hiểu biết về sự canh tân các nước, cụ đã cho các con sau khi thông đạt cơ bản Hán học, kinh nghĩa đạo Nho thì đều chuyển qua tân học và các con cụ đều tốt nghiệp đại học. Cụ cử Hà Ngại kể lại việc cụ muốn những người con của mình trước hết phải giỏi Hán văn sau đó mới học Pháp văn, hai việc phải làm “đồng thời” như sau: “Bấy giờ cụ đã về hưu. Ông Dương (Lê Đình Dương), cùng em là y sĩ Lê Đình Thám lúc trẻ theo học ở trường thuốc Hà Nội. Nhà cụ Thượng Lê Đỉnh ở gần nhà tôi. Lúc tôi thi đỗ về, gặp khi hai cậu ấm Dương và Thám nghỉ hè, cụ Thượng và bà hầu, mẹ sinh hai cậu ấy (đời ấy vợ bé gọi là hầu, vì bà chánh thất mất rồi, họ tôn xưng lên làm bà hầu) cho mời tôi đến và kêu hai cậu Dương và Thám lại nói: “thày mẹ muốn hai con học chữ Nho với thầy Cử, lại nghe thầy Cử đang tìm chỗ học chữ Tây thì các con dạy chữ Tây cho thầy Cử. Vậy các con sau này sẽ thi đỗ mà thầy Cử sẽ vào trường Hậu Bổ ngay có phải lưỡng tiện không?”. Hai ông Dương và Thám nghĩ ngợi một lát rồi thưa: “Tuân lời thày mẹ, chúng con có thể gắng học giỏi chữ Nho. Nhưng học tài thi phận, nếu học giỏi mà thi không đỗ thì nay bỏ trường thuốc thì rất tiếc”. Cụ Thượng và bà tỏ ý không bằng lòng. Tôi thưa: “tôi rất đồng ý với hai cụ, vì tôi đang cần học chữ Pháp. Nhưng xét lời trình bày của hai cậu thật đúng. Vì hai cụ cũng thấy nhiều người học giỏi mà thi không đỗ. Xin hai cụ xét lại”. Nói rồi tôi cáo từ. Tháng sau, hai ông Dương và Thám đi Hà Nội tiếp tục học trường thuốc”[9].
Theo con cháu cụ kể lại, những lúc nhàn rỗi, khi con cháu xum vầy bên cụ, cụ thường khuyên dạy: “Đất Quảng Nam địa linh nhân kiệt, sông núi điệp trùng, nên người Quảng Nam học giỏi, tài cao, mưu sâu, mẹo hiểm. Nhưng phải cái tội tự cao, hay lý sự, tiết tháo nóng nảy, ngang tàng. Do đó, ra đời được nhiều người nể mà không thương, được nhiều người trọng mà không phục, nên mỗi khi làm lớn, nắm quyền trực tiếp thường hay gãy đổ. Nếu được làm mưu sĩ thì khó có ai sánh bằng”[10].. Khi tham cứu lời khuyên trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cũng cho rằng vì “Người Quảng Nam ưa bàn luận và thiên về bàn luận có khi đến xô xát, quyết liệt dẫu phải dẫn đến mất mát quyền lợi quan trọng nhất đời. Phương ngôn ta có câu “Quảng Nam vô chánh nhất” nghĩa là người Quảng Nam không có Cần chánh điện Đại học sĩ là tước vị cao nhất của triều Nguyễn dù lắm người học hành xuất sắc và được trao chức vị cao. Trong đó, ngoại trừ Thừa Thiên - Huế không kể, nếu có một hay nhiều ông Cần (tiếng gọi gọn tước vị trên) vì đây là đất của đế đô, đất của triều đình, đất của quan lại, còn hai tỉnh nhỏ phải phụ thuộc vào hai tỉnh lớn khác là Quảng Trị, Quảng Ngãi (như Nam Ngãi Tổng đốc tức là quan Tổng đốc Quảng Nam có quyền tối hậu liên tỉnh đối với Quảng Ngãi) thì đều có các ông Cần như Quảng Ngãi có Trương Đăng Quế, Nguyễn Thân, Quảng Trị có Nguyễn Văn Tường… Ta có thể đoán người Quảng Nam bị nhiều trắc trở trong việc thăng quan tiến chức, mà một trong những lý do chính, quan trọng là vì bệnh hay cãi mà ra”[11]. Lớp hậu sinh có người cho rằng: “Có lẽ, cụ Lê Đình Đỉnh cho rằng với tính cách bộc trực, cực đoan của người Quảng nên đối với kẻ trên họ khó được lòng; ngược lại, kẻ dưới lại khó gần họ chăng? Không “nhân hòa” ắt đường thăng quan còn lắm gian nan. Còn việc “mưu sĩ”,” quân sư” thì rõ ràng người Quảng đủ bản lĩnh và tư duy chiến lược để làm điều ấy. Bởi tính cách quyết đoán, đã quyết thì bằng mọi cách phải làm cho bằng được; ham học, học nhiều nên hiểu rộng và nhất là không phản phé, không bán đứng đồng đội nên lời nói của họ có trọng lượng chăng?”[12].
Nhắc đến sự nghiệp cụ Lê Đỉnh không thể không nhắc đến hai người con của cụ: y sĩ, chí sĩ Lê Đình Dương (1893-1919) và bác sĩ, cư sĩ Phật giáo Lê Đình Thám (1897- 1969). Hai anh em Dương, Thám thuở nhỏ đều theo Nho học, thụ giáo với cụ thân sinh ở nhà, lớn lên theo học chương trình Pháp Việt. Cả hai anh em đều nổi tiếng thông minh, luôn luôn đỗ thủ khoa trong các kỳ thi từ tiểu học đến đại học. Năm 1915, Lê Đình Dương tốt nghiệp thủ khoa y sĩ Đông Dương tại trường Cao đẳng y Hà Nội, được bổ về làm việc tại bệnh viện Hội An với chức y sĩ điều trị. Lê Đình Dương nhiệt tình yêu nước và là người tiên phong gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội với cương vị nòng cốt, cao cấp của đảng ngay từ giai đoạn đầu cho đến khi nổ ra cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân do ông và các đồng chí chủ động năm 1916. Ông được vua Duy Tân sắc phong Bộ trưởng Bộ ngoại giao, giữ ấn Tổng trấn Nam Ngãi. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị Pháp bắt đày lên Ban Mê Thuột. “Tại đây, ông phản kháng những nhục hình của thực dân Pháp đứng đầu là công sứ Sabatier, nên ông tự kết liễu đời mình bằng độc dược Cyanure Mercure tại nhà lao Ban Mê Thuột năm 1919, tròn 26 tuổi”.[13]
Lê Đình Thám, em ruột Lê Đình Dương, Pháp danh Tâm Minh, tự Châu Hải, năm 1916, tốt nghiệp thủ khoa y sĩ Đông Dương và sau đó tốt nghiệp y khoa bác sĩ ngạch Pháp quốc khoá 1930 tại y khoa Đại học đường Hà Nội. Sau khi Lê Đình Dương bị bắt, ông bị thực dân Pháp tình nghi theo dõi trong suốt thời gian công tác tại các bệnh viện Bình Thuận, Sông Cầu, Quy Nhơn, Tuy Hòa (từ 1916- 1923). Năm 1926, làm việc tại bệnh viện Hội An và do ông đứng ra tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh tại Hội An nên Pháp đổi ông đi Hà Tĩnh. Năm 1928, ông về Huế, làm y sĩ trưởng tại Viện bào chế và vi trùng học Pasteur, cộng tác với bác sĩ Normet, giám đốc y tế Trung phần cùng Normet sáng chế ra Sérum Normet được giới y khoa Pháp Việt đương thời rất trọng vọng. Cũng năm ấy, ông phát tâm tu tập theo Phật giáo (năm 1929-1932) thọ giáo với Hòa thượng Phước Huệ… Ông sáng lập và làm hội trưởng Hội An Nam Phật học , xuất bản nguyệt san Viên Âm, là sáng lập viên thành lập Đoàn thanh niên Phật học Đức Dục, tiền thân của Gia đình Phật tử ngày nay. Năm 1947 – 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến miền Nam Trung Bộ tại Liên khu Năm. Năm 1949, ông ra Bắc làm chủ tịch Phong trào vận động hòa bình thế giới của Việt Nam. Ông tham gia giảng dạy giáo lý ở chùa Quán Sứ Hà Nội và là người dịch, xuất bản trọn bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm (dịch ở chùa Quán Sứ)[14]. Ông mất ngày 23/4/1969 tại Hà Nội, thọ 73 tuổi. Tượng ông được đặt tại chùa Từ Đàm, Huế và tên ông được đặt tên đường tại thành phố Đà Nẵng. Như vậy, hai người con của cụ Lê Đỉnh thì một người là liệt sĩ kháng Pháp đã thực hiện chí khí “sĩ khả sát, bất khả nhục” (kẻ sĩ có thể chết nhưng không thể chịu nhục), một người chữa bệnh (thể xác) cũng như chữa tâm bệnh (đạo pháp) cứu người. Cả hai đều tận hiến cuộc đời cho lẽ thiện, vì dân, vì nước.
Cụ Lê Đỉnh là một trong ba gương mặt Điện Bàn tiêu biểu của ngành ngoại giao dưới triều Nguyễn. Đó là Nguyễn Thành Ý (1819-1897), Phạm Phú Thứ (1821 -1882) và Lê Đỉnh.
Vào giờ Tuất, ngày mồng 7 tháng hai năm Quý Dậu, nhằm ngày 2/3/1933, cụ Lê Đỉnh từ trần tại quê nhà Na Kham, hưởng thọ 93 tuổi (nhiều tư liệu cho rằng cụ mất vào năm 1920)[15], cụ được an táng tại xứ Mốc Đá, làng Đông Mỹ (Na Kham), mùa thu ấy, niên hiệu Bảo Đại thứ tám, cụ được sắc phong Đông Các Đại Học Sĩ trí sĩ. Tháng 9 năm Mậu Ngọ, 1978, thân nhân gia đình đã cải táng hài cốt cụ qua rừng Bạch Đàn làng Tân Phong, khu Xuyên Khương, huyện Duy Xuyên rồi đến tháng 3 Quý Dậu, 1993, mộ cụ được chỉnh trang nghiêm cẩn và quy củ.
[1] Nguyễn Văn Xuân - Nguyễn Văn Xuân, một người Quảng Nam- tạp chí Xưa & Nay, Nhà xuất bản Thời Đại, Hà Nội, 2010, Tr. 77.
[2] Phạm Ngô Minh, Lê Duy Anh – Nhân vật họ Lê trong lịch sử Việt Nam- Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2001, Tr.762- 763.
[3] Trần Viết Ngạc - Thử bàn về cốt tính xứ Quảng – Nghiên cứu Huế tập Ba, Huế, 2002, Tr. 122-123.
[4] Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược – Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1999, Tr. 504- 505.
[5] Nguyễn Văn Xuân - Những người Quảng Nam đóng góp cho Thăng Long, Bắc thành, Hà Nội trước 1945 - Quảng Nam những giá trị văn hoá đặc trưng (kỷ yếu hội thảo), Sở Văn hoá Thông tin Quảng Nam 2001, Tr. 273.
[6] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn - Đại Nam chính biên Liệt Truyện – Nhà xuất bản Văn học, 2004, Tr. 815.
[7] Nguyễn Q. Thắng - Quảng Nam đất nước và nhân vật – Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin Hà Nội, 2001, Tr. 258.
[8] Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược- Sđd, Tr. 571.
[9] Hà Ngại- Khúc Tiêu Đồng – Nghiên cứu Huế, tập Ba, Huế, 2002, Tr. 239-240.
[10] Phạm Ngô Minh, Lê Duy Anh – Các nhân vật họ Lê trong lịch sử… Sđd, Tr. 766.
[11] Nguyễn Văn Xuân - Nguyễn Văn Xuân, một người Quảng Nam… Sđd, Tr. 79.
[12] Lê Minh Quốc - Người Quảng Nam- Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2009, Tr. 181.
[13] Nguyễn Q. Thắng - Quảng Nam đất nước và nhân vật… Sđd, Tr. 618.
[14] Tâm Minh Lê Đình Thám (dịch)- Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2005, Tr. 7-13.
[15] Nguyễn Q. Thắng - Quảng Nam đất nước và nhân vật, Sđd, và Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.