Lương Khắc Ninh có người cháu là Lương Thế Siêu học ở Pháp. Sau khi về nước, ông Siêu làm Bộ trưởng Bộ Công chánh sau là chuyên gia của Liên Hiệp Quốc. Cháu ngoại ông là Nguyễn Thị Mỹ làm Hiệu trưởng trường Gia Long những năm 50 của thế kỷ XX.
Với những dòng lược sử về thân thế như vậy, có thể xem quê quán nguồn cội của cụ Lương Khắc Ninh là vùng đất Gò Nổi, nơi sản sinh nhiều chí sĩ danh nhân như cụ Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ… Song, xét gốc rễ sinh quán, ông cũng là người Nam Bộ, và Bến Tre chính là quê hương đã sinh thành, nuôi dưỡng Lương Khắc Ninh từ thưở nhỏ.
SỰ NGHIỆP
Lương Khắc Ninh được khai tâm bằng chữ Nho, sau mới chuyển sang học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông tốt nghiệp bậc trung học tại trường Le Myre de Vilers (trường Nguyễn Đình Chiểu) ở Mỹ Tho. Sau đó đi làm việc tại sở Thương chánh Bến Tre từ năm 1880 đến 1883. Năm 1899, ông chuyển qua làm thông ngôn tại tòa án Bến Tre. Năm 1900, ông bỏ việc ở tòa án rồi lên Sài Gòn viết báo. Lương Khắc Ninh tham gia sáng lập rồi làm chủ bút tờ Nông cổ mín đàm đến năm 1906, sau đó làm chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn từ số 51.
Năm 1902, ông đắc cử vào Hội đồng Thuộc địa, năm 1906 ông được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Tư vấn Đông Dương nên người đương thời gọi ông là Hội đồng Ninh, tuy vậy hoạt động chính của ông vẫn là trong ngành văn hóa xã hội hơn là chính trị.
Nhiều tư liệu cho biết, sự nghiệp báo chí và văn hóa của Lương Khắc Ninh có bước khỏi đầu ấn tượng với tờ báo Nông cổ mín đàm. Đây là tờ báo tư nhân ra mắt vào ngày 1 Aoút 1901. Tên báo được in bằng chữ quốc ngữ, bên dưới là 4 chữ Nông cổ mín đàm bằng chữ Hán, sau cùng là một hàng chữ Pháp. Báo ra thứ Năm hàng tuần. Chủ nhiệm: Canavaggio; Chủ bút lần lượt là các ký giả Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt... Địa điểm của tòa soạn thay đổi liên tục ở thời kỳ đầu, sau tọa lạc ở số 12 đường Cap St – Jacques, Sài Gòn. Mục đích của việc xuất bản tờ báo được nói khá rõ: Thứ nhất, vì ông Chủ nhiệm Canavaggio đã gắn bó với Nam Kỳ hai mươi năm chẵn, có lòng thương mến đất và người phương Nam; Thứ hai, “Cao-ly, Nhựt-bổn, nước Xiêm-la cùng nước Đại-thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há Lục-tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi vậy mà xem không thi thố cùng người mà trục lợi”. Mục đích này tiếp tục được nói rõ hơn ở số 29, mục Bổn quán cẩn tín: “để làm sự đại hữu ích cho người bổn quốc trước là xem chơi truyện vui... và lại luận việc lợi hại phải chăng, cho rõ thấy, may có đồng tâm đồng chí mà học bán học buôn, học trồng học trĩa”.
Phạm vi phổ biến của tờ báo khá rộng, hầu khắp Lục tỉnh Nam kỳ, nhưng số người mua báo không nhiều. Căn cứ vào mục Bổn quán cẩn tín số 39 (ngày 22 Mai 1902, trang 6), thì sau gần 1 năm phát hành, đã có 325 người mua báo, chủ yếu là quan chức và điền chủ ở các địa phương, như cai tổng, hội đồng, hương chủ, tri huyện, và các công chức nhà nước - những người biết đọc chữ quốc ngữ và có quan tâm đến các vấn đề mà tờ báo đề cập. So với tờ Gia Định báo thì số lượng phát hành của Nông cổ mín đàm ít hơn. (Gia Định báo là công báo, do chính phủ Pháp tài trợ để in ấn, và buộc các làng các tổng phải mua, trong khi Nông cổ mín đàm là tờ báo tư nhân và tự trang trải tài chính).
Lương Khắc Ninh, một trí thức xuất thân từ Nho học nhưng sớm tiếp thu tinh thần phản biện khoa học và xã hội của Tây học. Với tư cách ký giả, ngòi bút của Lương Khắc Ninh đã mô tả, phản ánh và phân tích, mổ xẻ trên báo chí những thói hư tật xấu của người Việt, cả trong tư duy lẫn trong hành xử, không chỉ riêng trong lĩnh vực thương nghiệp như: tham lợi vô cớ, ham cờ bạc để mong giàu nhanh chóng (Nông cổ mín đàm, số 8); chỉ thích dùng hàng ngoại quốc, không giữ chữ tín (số 15); lãng phí thời gian, quanh năm chỉ biết một nghề làm nông (số 51); dễ làm khó bỏ, thiếu kiên nhẫn (số 53); vừa giàu có đã vội khinh miệt kẻ nghèo hèn (số 54)... Mục đích của Lương Khắc Ninh và tờ báo Nông cổ mín đàm không phải để khinh miệt, mà để chỉ ra những lực cản đã và đang ngăn trở dân tộc mình dấn bước trên con đường canh tân nhằm làm cho dân phú quốc cường.
Trên tờ Nông cổ mín đàm Lương Khắc Ninh giữ mục chính là Thương cổ luận (bàn luận chuyện buôn bán), thường đăng ở trang 1 và 2 của tờ báo, xuất hiện ngay từ số đầu tiên, và chỉ tạm dừng 7 số (từ số 73 đến số 79) do tác giả của mục này đi dự đấu xảo tại Hà Nội. Đến năm 1906, có lẽ vì những thay đổi nhân sự trong tòa báo (Trần Chánh Chiếu làm Chủ bút thay Lương Khắc Ninh), Thương cổ luận chính thức giã từ Nông cổ mín đàm.
Thông qua mục Thương cổ luận, Lương Khắc Ninh chủ trương cổ động mạnh mẽ cho việc phát triển nghề nông và kêu gọi thành lập những công ty thương nghiệp để thoát ra khỏi sự bóc lột trên thương trường của người Hoa kiều. Ông có cái nhìn khá sáng suốt về nguyên nhân nghèo khó của người Việt và của Việt Nam lúc đó. Một số học giả đánh giá lời kêu gọi của ông đến nay vẫn còn giá trị. Ngay từ số đầu tiên, mục Thương cổ luận đã tuyên chiến với quan niệm cũ bằng lời khẳng định: Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường.
Được viết bằng quốc ngữ, Thương cổ luận chủ yếu bàn về việc thương nghiệp, kêu gọi hùn vốn lập hội buôn bán để cạnh tranh với Hoa kiều và Ấn kiều. Mục Thương cổ luận đã phê phán quan niệm cho nghề buôn bán là hạ đẳng và các thương nhân là loại người không đáng tôn trọng. Nhiều bài viết đã đảo ngược lại trật tự tứ dân (sĩ - nông - công - thương), tôn vinh thương nhân, phê phán thái độ khinh ghét sự giàu sang do buôn bán mà có. Lương Khắc Ninh cũng lật xới lại vấn đề về con đường làm giàu, đả phá những di chứng của chính sách trọng nông ức thương của chế độ phong kiến trong suốt nhiều thế kỷ nhằm bảo vệ vương quyền và kiềm chế sự giàu có của tầng lớp thương nhân.
Có thể nói, với sự cổ xúy mạnh mẽ của tờ báo Nông cổ mín đàm và mục Thương cổ luận, cách nhìn mới về tầng lớp thương nhân và con đường làm giàu bằng thương nghiệp có ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế miền Nam. Cùng với các nhà Nho cấp tiến, những nhà Tây học tiến bộ mang tư tưởng canh tân xứ sở, Lương Khắc Ninh đã đóng góp lớn trên bình diện tư tưởng để dọn đường cho sự hình thành các cơ sở kinh doanh. Nhiều tài liệu xác tín, trong những năm 1905-1908 hàng chục hiệu buôn, công ty, khách sạn…của người Việt được thành lập, cạnh tranh với ngoại bang. Và, đặc biệt các cơ sở kinh tế ấy đã làm hậu thuẫn về tài chính cho các hoạt động xã hội, kêu gọi lòng ái quốc, tôn vinh tinh thần tự lực tự cường và tự tôn dân tộc. Có thể điểm xuyết như, tại Hà Nội có nhiều cửa hàng lớn như Đồng Lợi Tế, Hồng Tân Hưng và những công ty hùn vốn như Quảng Hưng Long, Đồng Thành Hưng; tại Nghệ An có Triêu Dương thương quán; tại Quảng Nam có Quảng Nam hiệp thương quán; tại Phan Thiết có công ty Liên Thành; tại Sài Gòn và Cần Thơ có Nam Đồng hương, Minh Tân công nghệ xã... đã hỗ trợ đắc lực về tài chính cho phong trào Đông du và Đông Kinh nghĩa thục, cũng như các trường nghĩa thục khác. Nhiều nhà Nho yêu nước, tiến bộ đã nhận ra vai trò quan trọng của buôn bán, kinh doanh và không ngần ngại tham gia vào một công việc mà trước kia tầng lớp họ không bao giờ hạ mình bàn tới. Họ nhập cuộc rất nhanh. Các trường nghĩa thục luôn luôn có sự hậu thuẫn của các hiệp hội buôn bán lớn do chính các nhà Nho làm chủ, như ở Quảng Nam có trường Diên Phong (Điện Bàn) của Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Mai Dị, Phan Thành Tài... tồn tại bên cạnh Thương hội Diên Phong; trường Phú Lâm (Tiên Phước) do Lê Cơ, anh em con cô con cậu với Phan Chu Trinh sáng lập đồng thời mở luôn Thương hội bình dân buôn bán tạp hóa, lập nông đoàn trồng quế, tiêu, chè, mở lò rèn, xưởng gốm, xưởng mộc; ở Phan Thiết, hai người con trai của Nguyễn Thông cùng những nhà Nho thức thời khác lập Công ty Liên Thành sản xuất và buôn bán nước mắm, khi làm ăn có lãi, đồng thời mở trường Dục Thanh thu hút rất đông học sinh từ nhiều nơi đến học. TS Phạm Thị Thu Hương (Viện Văn học), trong chuyên luận "Thương cổ luận" - Một chỉ dấu trên con đường duy tân đầu thế kỉ XX” nhận xét khá xác đáng rằng: “Vận dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, và nói theo phong cách “vừa uống trà vừa bàn chuyện nông thương”, ròng rã trong suốt hơn 100 số báo, Lương Khắc Ninh “luận” về “thương cổ” dưới mọi góc độ, mọi điểm nhìn, phân tích không mệt mỏi chỉ để khắc sâu vào trí não người đọc một điều: trong vận hội mới, một dân tộc nếu không canh tân thì sớm muộn dân tộc ấy cũng đi đến kết cục: trở thành nô lệ hoặc tệ hơn, bị tiêu diệt. Và con đường canh tân nhanh nhất để dân giàu nước mạnh chính là đại thương”.
Ngoài cổ xúy mạnh mẽ cho thương nhân, thương nghiệp, Lương Khắc Ninh còn được xem là một trong những người đi tiên phong trong chấn hưng và phát triển nghệ thuật cổ truyền Nam Bộ. Ông từng làm bầu gánh hát bội. Trong bài “Hí nghệ cải lương”, nhà Nam bộ học Sơn Nam đã thuật lại hoạt động cổ xúy việc đặt ra tuồng mới với lời mới, trong đó Lương Khắc Ninh tự nhận lấy trách nhiệm soạn tuồng. Vào đêm 28 tháng 3 năm 1917, Lương Khắc Ninh đã đến diễn thuyết tại nhà hội khuyến học Sài Gòn. Tại đây, Lương Khắc Ninh phân tích cặn kẽ cái sai lầm từ quan niệm cũ của người An Nam cho nghề hát là nghề hạ tiện, nên “người có học thức một ít thì không làm, để cho kẻ ngu dốt nó hát. Vì cái dốt ấy nó làm cho mấy chú kép làm một một ông quan cũng không ngồi cho vững, bộ tịch lất khất, đọc một cái thơ phùng mang, trợn mặt, phun râu và làm nhiều chuyện dễ cho trang thức giả đến coi rất hổ. Đã vậy, chúng nó lại tưởng mình hay, mình giỏi vẽ cái mặt vằn vện cho nhiều là tốt, ngồi giữa rạp nói cho lâu là hay, không chịu sửa, có dạy cách lịch sự cho cũng trơ trơ”... Vì vậy, theo Lương Khắc Ninh, cần người có học, có trí thức để tham gia cải cách nghệ thuật cổ truyền. Muốn thế trước hết phải học, phải đào tạo, và ông lãnh nhận vai trò người đặt tuồng mới “chẳng phải là dùng văn chương, dùng tiếng cao xa, dùng điệu nói lối thường cho mấy con mẹ bán cá nghe cũng hiểu được nữa”.
ĐỒNG THANH TƯƠNG ỨNG
Có thể khẳng định, cụ Lương Khắc Ninh là một trí thức yêu nước. Tuy nhiên, hành động yêu nước của cụ thể hiện một cách thâm trầm và uyển chuyển. Những hoạt động cổ xúy văn hóa truyền thống dân tộc, qua hí nghệ, báo chí rốt cuộc lại tương ứng với tư tưởng Duy tân mà Phan Châu Trinh là một chủ soái. Theo đó, các tác phẩm của Lương Khắc Ninh hướng tới mục tiêu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà cụ Phan từng cổ động. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà năm 1922, khi dẫn một đoàn hát bội sang lưu diễn ở Pháp, Lương Khắc Ninh đã gặp gỡ nhiều lần với Phan Châu Trinh, tỏ rõ sự kính trọng và khâm phục cụ Phan. Như một sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, khi Phan Châu Trinh viết thư kết tội Khải Định, thì ông sốt sắng ủng hộ, cố gắng biện giải những từ ngữ “nộ khí” của cụ Phan là vì lòng yêu nước và khuyên Khải Định tiếp nhận, thực thi chủ trương cải cách duy tân. Bức thư gửi Khải Định, được nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng, chép lại trong “Quảng Nam, Đất nước & Nhân vật”, như sau:
“ Phan Châu Trinh thơ hậu,
Vượt bực đôi lời nghị luận
Lời dân vì nước một đoàn;
Giữa trần ai phải rõ hệ quan;
Vua vậy, quan vậy, dân vậy, cũng là người trong thiên hạ;
Lời xưa nói: Bỉ nhứt thời, thử nhứt thời dã
Sanh làm người, mà hiểu vậy mới rằng linh
Người cho rằng vạn vật tối linh
Biết nói, biết nghe, biết hiểu, ở trên muôn loài vật
Theo thời thế, như nước nguồn thông thoát
Nghịch ý dân, chẳng khác nào như phong với thủy
Chẳng nương chìu
Đang đời này, vạn quốc thảy phong trào
Vì dân nhờ nước, nước nhờ dân ấy nghĩa
Nước bị gió, sóng trào vun bốn phía
Hễ gió êm thì nước lặng cả năm phương
(Dân tánh nư phong, quốc lịnh như thủy, vô vi nhi trị, tương y dã thông)
Lập quốc dân, xã hội nghị cộng đồng
Vạn bang đã rõ thông chánh trị
Phương viên nghĩa, lập chiến bang hữu vị
Dân chọn người thông đạt trị giùm dân
Hễ mà người tư tham lựa bỏ dần dần
Quyền thay mặt vì dân quyền đều rộng
Dân hiệp ý quyết bỏ ngôi nhứt thống
Ngôi ấy, thuở xưa dùng vì dân tánh hãy thuần lương.
Đời xuống dần, dân hóa rộng đo lường
Nào như buổi: cửa không gài, đồ chẳng lượm
Lời Phan thị có nhiều lời đáng dụng
Nhưng mà xát tạt thường làm vui ít xúi dậy nhiều
Hễ lời êm thì ít ghẹo tai kiêu, tiếng xẵm (xẵng) mau khêu nộ khí
Ngài tuy giận mà bựt (bực) cao minh hay tàng trí
Xin trầm ngâm đặng độ lượng mỗi lời
Cang bạo từ mà công trực để đời
Dầu xúc phạm mà hữu ích chung xin bớt giận
Ngôi sao rộng nếu một mình ô Nam diện