Nội dung chi tiết

PHAN TRÂN (1862-1935)
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 31/01/2013 .Lượt xem: 6061 lượt. [In bài]

 

Phan Trân sinh năm 1862 tại thôn Bảo An Tây, làng Bảo An, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.


            Ông là con thứ 8 của cụ Phan Khắc Nhu và bà Huỳnh Thị Nhuận. Cụ Phan Khắc Nhu, còn có tên là Phan Du, Phan Trinh, đậu Cử nhân năm 1847, làm quan đến chức Án sát tại Nam Định (có tài liệu nói là Bắc Ninh, tài liệu nói là Khánh Hòa) nhưng bị cách chức, về nghỉ sớm, lý do là không đáp ứng được yêu cầu của quan trên (theo ghi chép của sử lược tộc Phan làng Bảo An).

            Ông Phan Trân thông minh, học giỏi, chăm chỉ từ nhỏ cho đến tuổi thanh niên, đi thi và đỗ đạt. Năm ông 17 tuổi, được cụ Hoàng Diệu người làng Xuân Đài, lúc đó đã ra làm quan, chú ý, thương yêu, dìu dắt và chọn làm con rể tương lại.

            Năm 1879, cụ Hoàng Diệu ra Hà Nội để nhậm chức Tổng Đốc Hà Ninh, đưa ông Phan Trân cùng theo ra để có điều kiện học hành tốt hơn ở quê nhà.

            Ra Hà Nội, ông Phan Trân học với cụ Ngô Văn Dạng, thường gọi là cụ Cử Kim Cổ (Kim Cổ ngày xưa là một phường ở cuối phố Hàng Gai, đầu phố Hàng Bông đệm, và một phần phố Hàng Mành bây giờ).

            Ông Phan Trân thường đến tập văn ở nhà họ Vũ, phường Đồng Lạc tức là phố Hàng Đào ngày nay. Vì nhà họ Vũ có ông Vũ Hán Bích là bạn đồng học với ông (Ông Vũ Hán Bích là bác ruột của nhà văn Vũ Ngọc Phan sau này)(1)

            Năm 1888, ông Phan Trân về Huế dự kỳ thi Hương khoa Mậu Tý. Văn bài ông đạt số điểm cao nhất nhưng ông không được lấy đỗ thủ khoa mà chỉ là đỗ bình thường.

            Theo ghi chép của người cháu gọi ông bằng bác thì khi quan trường cho lính ngồi trên lưng voi hỏi sĩ tử dự thi rằng có ai biết Phan Trân là người học giỏi ở Quảng Nam không thì không nghe ai trả lời. Mà ông Phan Trân cũng im lặng về nhà, không cho làng hoặc tộc họ biết để rước.(2)

            Sở dĩ có tình huống này vì ông Phan Trân đi học và ôn tập văn bài ở Hà Nội nên tại Quảng Nam rất ít người biết ông. Năm 1895, ông lại ra Huế dự kỳ thi Hội khoa Ất Mùi đời vua Thành Thái năm thứ 7 và đỗ Phó Bảng.

Sau khi thi đỗ, triều đình Huế bổ nhậm ông ra là quan nhưng ông một mực khước từ với lý do gia đình đơn chiếc, nhân vợ ông, bà Hoàng Thị Lệ, con gái của Tổng đốc Hoàng Diệu mới qua đời năm 1893,(3) để lại cho ông hai con còn thơ dại. Nhưng ông nấn ná chỉ được một thời gian ngắn rồi cũng phải đi nhậm chức Tri phủ phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa vào khoảng năm 1896.

            Hồi ấy, Diên Khánh còn là một vùng đất hoang vắng, dân cư thưa thớt, đồng bằng rất hẹp sát ven biển, về phía Tây là rừng núi rậm rạp, đèo dốc hiểm trở, thú dữ hoành hành. Hồi ấy ai đến địa phương nầy cũng nghe câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” mà rùng mình sởn gai ốc. Tuy nhiên, đến nhận chức Tri phủ, ông Phan Trân cũng thực thi đầy đủ trách nhiệm, hết lòng lo cho đời sống nhân dân thời ấy còn rất nghèo nàn.

            Ông vốn tính thẳng thắn, nóng nảy nhưng không bao giờ cậy quyền thế mà ức hiếp dân lành. Đối với cấp trên, ông không tỏ thái độ xu nịnh, bợ đỡ để nhờ vả.

            Trong thời gian tại chức, nhiều khi ông bất bình với chính sách thực dân và thái độ hách dịch của bọn quan Tây.

            Làm việc hơn một năm, ông lấy lý do kém sức khỏe, nộp đơn xin từ quan, nhưng nhà cầm quyền làm khó dễ, mãi đến năm 1898, mới chính thức cho phép.

            Từ đó, ông trở về quê nhà, sống cuộc đời ẩn dật, chỉ vui thú với thơ văn, sách vở, vườn tược, vịt gà. Ông không có lương bổng, chỉ nhờ vào dăm sào đất hương hỏa của cha mẹ chia cho cùng với nếp nhà ngói ba gian hai chái cũ kỹ. Để có người bầu bạn và lo việc gia đình, năm đã cận kề tuổi 40, ông mới tục huyền với bà Lê Thị Xử ở làng Na Kham, nhưng bà nầy về với ông chưa được bao lâu cũng qua đời. Từ đó, ông ở vậy, không nghĩ đến việc đi thêm bước nữa, ngày ngày chăm lo việc học hành cho người con trai độc nhất, dạy dỗ con gái, tập rèn cho cô nghề canh cửi và công việc gia đình.

            Những khi vui chuyện, ông cũng kể lại cho con cháu nghe vài việc thời ông còn tại chức đã khiến ông căm ghét Tây, không muốn hợp tác với bọn chúng.

            “Một hôm, tên Công sứ Pháp tổ chức tiệc tùng ở Nha Trang mời tất cả các quan phủ huyện trong tỉnh Khánh Hòa đến dự. Đang ở giữa buổi tiệc, một số tây đầm đứng dậy, kéo nhau ra giữa phòng rồi cứ từng cặp, từng cặp ôm nhau nhảy nhót, quay cuồng theo điệu nhạc. Lại có một con đầm trẻ ẳm con chó lông xù vào lòng đùa giỡn, vuốt ve, hôn hít…Ông cho là chướng mắt. Ông nghĩ mình là người coi trọng lễ giáo, sống có thuần phong mỹ tục, lẽ nào lại làm việc dưới quyền một bọn người như súc vật. Ông lấy làm phẫn nộ, bỏ buổi tiệc ra về ngay.

 

Một chuyện nữa là: “Nhân có việc cần gặp Công sứ Nha Trang, ông ăn mặc chỉnh tề, áo the, khăn đóng, giày hạ, xin vào yết kiến. Tên lính gác bắt ông phải bỏ giày ngoài cửa mới cho vào, mặc dù nó biết ông là Tri phủ Diên Khánh. Muốn được việc, ông cũng phải cởi bỏ giày để vào gặp Công sứ, mà trong lòng vô cùng tức tối, cảm thấy nhân phẩm bị chà đạp làm việc cho Tây có khác nào tôi tớ!”

Qua những điều mắt thấy tai nghe như trên, ông Phan Trân cho đó không chỉ là điều sĩ nhục đối với cá nhân ông, mà ông còn là đối với cả dân tộc Việt Nam nữa.

            Là một bậc túc nho, lại không màng danh lợi, ông được mọi người xa gần kính nể, thường có bạn đồng môn tìm đến thăm hỏi, bàn luận văn chương thế sự.

            Ông có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào dân tộc, không muốn làm việc cho Pháp. Ông tán thành các hoạt động của văn thân ở địa phương, bí mật đóng góp vào quỹ của các hưu quan giúp đỡ cho phong trào ấy. Năm 1906, nhà chí sĩ Phan Chu Trinh từ Nhật về, có đến đàm đạo với ông về một số vấn đề khai dân trí, chấn dân khí, ông tán thành nhưng không tham gia vào tổ chức.

            Cuộc sống ẩn dật của ông Phan Trân, bề ngoài có vẻ như ung dung thanh nhàn, nhưng bên trong lòng ông luôn băn khoăn lo lắng khi nhận thấy người con trai độc nhất càng ngày càng xa cách ông về nhận thức và quan điểm đối với một số vấn đề xã hội đương thời, nhất là sau khi thi đỗ tú tài. Ông thì sùng bái các triết lý Khổng Mạnh, tôn trọng trật tự kỷ cương, còn con ông – Phan Khôi lại có xu hướng cải cách canh tân nhằm thoát ra khỏi vòng kìm hãm của chế độ phong kiến đã lạc hậu, mục nát và bế tắc.

            Do đó, tư duy của hai cha con thường nảy sinh ít nhiều mâu thuẫn bất đồng. Tuy có khác nhau về sự nhận thức, nhưng đối với việc người con cắt tóc ngắn, tham gia vào các phong trào tự phát ở địa phương như biểu tình đòi giảm xâu giảm thuế, ủng hộ phong trào Duy Tân rồi bị bắt giam ở nhà lao Hội An, ông không hề ngăn cản mà chỉ cảm thấy lo âu, phiền muộn. Cũng như sau nầy, đối với những hoạt động chống Pháp của cháu ông, cụ thể là Phan Bôi diễn thuyết ở Sài Gòn năm 1930, xảy ra vụ Lý Tự Trọng bảo vệ cuộc diễn thuyết bắn chết một tên cảnh sát Pháp, ông vừa cảm phục cháu và những đồng sự của cháu mình, vừa lo lắng cho sự trừng phạt của thực dân đối với các thanh niên dũng cảm. Suốt ngày ông cứ đi ra đi vào, chờ đợi những tin tức về vụ việc từ Sài Gòn gởi ra.

            Đối với làng xã và tộc họ, ông Phan Trân luôn nhiệt tình, sẵn sàng góp ý với những người có trách nhiệm để giữ gìn thuần phong mỹ tục chốn hương thôn. Hằng năm, ông tham dự các ngày nhóm họp, các kỳ tế lễ Kỳ Yên, Thanh Minh, giỗ tiền hiền các phái. Năm 1891, ông là người trùng tu phổ hệ tộc Phan Phái Nhì (ở Điện Quang), Hiện nay tại phổ hệ tộc Phan còn ghi rõ: “Trùng tu phổ hệ tiểu tự do Tổ ông Phan Trân, đời 12 Phái nhì bái soạn. Thành Thái tam niên tuế thứ Tân Mão tháng 2 ngày lành” (Thập nhị thế tôn Cả nhân Trân bái soạn”.

 

            Những giai thoại về ông Phan Trân

            Chuyện đôi câu đối thờ

            Những ngày gần cuối đời, với tâm trạng ưu tư ray rứt về thế sự, ông Phan Trân đã viết sẵn một đôi câu đối tự thờ mình với lời di chúc là câu đối sẽ được treo lên trước linh cửu sau khi ông nhắm mắt xuôi tay.

            “-Thậm hỷ ngô đức suy, phụ tử gia đình phân học thuật

            -Thương tai thời cuộc biến, tôn tằng xã hội thục cang duy”

            Tạm dịch:

            (-Ngán nỗi đức nhà suy, học thuật cha con phân hóa thế

            -Thương thay thời cuộc biến, tư duy xã hội mối diềng đâu)

            Sau khi ông qua đời, con trai phải tuân theo di chúc nên vừa viết đôi câu đối của cha để lại, vừa không nén nỗi xúc động, nước mắt tuôn ướt cả áo tang.

            Câu đối của Phan Khôi định thờ cha là:

            -“Từ quan vị tứ thập, nghi nhàn cảnh bất nhàn, ưu hoạn tầng niên duyên nữ tử

            -Phụ tội ức tam thiên, dục hiếu do vô hiếu, bi toan hà xứ tố cao thiên”

            Tạm dịch:

            (-Từ quan tuổi chửa bốn mươi, đáng nhàn mà chẳng được nhàn, lo lắng mãi vì con cái cả.

            -Mang tội nặng quá ba ngàn, muốn hiếu nhưng chưa tròn hiếu, đau thương kêu với đất trời hay).

 

            Cháu ông chỉ có một dạ dày

            Khi gia đình Vũ Ngọc Phan đến xin hỏi cô Hằng Phương là cháu ngoại ông Phan Trân, thì mẹ cô là bà Phan Thị Diệm chưa biết tính sao vì mới ở Quảng Nam ra Hà Nội chưa lâu, chưa biết gì về nhà họ Vũ, chỉ nghe bên ngoài nói là nhà ấy thanh bạch lắm. Mẹ cô Hằng Phương bèn gởi thư về quê xin ý kiến ông vì ông là người từng dạy dỗ Hằng Phương từ bé. Ông Phan Trân trả lời thư, có đoạn như sau:

            “Ông đồng ý gả cháu ông cho nhà họ Vũ. Nhà ấy là nhà nho học lâu đời, tu nhân tích đức đã nhiều, con cháu sẽ còn hưởng phước lâu dài. Vả lại cháu ông chỉ có một dạ dày chứ đâu có hai mà đi lấy chồng giàu có để ăn cho nhiều!”

           

            Bần khách

            Ở đầu làng phía Tây Bảo An, giáp với làng Thạnh Mỹ có một cây gạo cổ thụ cành lá sum suê. Trước cách mạng tháng Tám, có một nhóm người không rõ từ đâu đến, quy tụ dưới gốc gạo ấy, lập thành một cái xóm, được bà con dân làng gọi là xóm Ăn mày. Họ cũng dựng tại đây vài ba cái nhà tranh tre và nghề chính của họ là hành khất. Trong số họ, cũng có người quanh năm buôn bán lặt vặt ở chợ làng, nhưng đã thành lệ, cứ mồng 4 Tết là họ kéo nhau đi một hàng dài vào các gia đình xin ăn. Bà con đã biết lệ này, thấy họ vào đến ngõ là mang bánh ra cho. Nhà khá giả hơn thì ngoài bánh trái còn cho họ thịt heo, thịt gà.

            Trẻ con trong các gia đình thấy những người này vào ngõ, đã chạy vào gọi mẹ, chị: Ăn mày tới rồi, ăn mày tới rồi!

            Ông Phan Trân dạy các cháu không được gọi họ là ăn mày, mà phải gọi họ là bần khách cho lịch sự!.

            Xóm ăn mày chỉ tồn tại đến Cách mạng tháng Tám, sau đó, họ đi đâu không rõ.

 

*

*    *

            Ông Phan Trân từ trần vào ngày 12 tháng 4 năm Ất Hợi (1935), sau một thời gian lâm bệnh, được an táng ở quê nhà, thọ 73 tuổi. Sau năm 1975, theo chủ trương của huyện, tỉnh, mồ mả làng Bảo An được di dời để lấy đất sản xuất nên hiện nay mộ ông được các cháu cải táng qua thôn Tân Phong, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên.

 

                                                                                                Đà Nẵng 2011

                                                                                            -  Phan Thị Miều -

                                                                              

 

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HOÀNG DIỆU (1829 – 1882)
PHẠM PHÚ THỨ (1821-1882)
NGUYỄN THÀNH Ý (1820-1897)
PHẠM HỮU NGHI (1798-1862)
TRẦN ĐĂNG LONG (1760 – 1828)
PHAN THANH (1908-1939)
LÊ ĐÌNH DƯƠNG (1894-1919)
MAI DỊ ( 1884-1928)
PHAN THÀNH TÀI (1878-1916)
PHAN THÚC DUYỆN (1873-1944)
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
NGUYỄN HIỂN DĨNH (1853-1926)
LƯƠNG KHẮC NINH (1862-1943)
PHẠM TUẤN (1852-1917) & “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”
PHẠM NHƯ XƯƠNG (1844-1917)
LÊ ĐỈNH (1840 -1933) NHÀ KHOA BẢNG THỨC THỜI

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm