Nội dung chi tiết

TRẦN QUÝ CÁP (1870-1908)
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 01/02/2013 .Lượt xem: 10351 lượt. [In bài]

Trần Quý Cáp sinh năm 1870 tại thôn Thai La, làng Bất Nhị, phủ Điện Bàn, con nhà làm ruộng, một nhà nông thuần phác.

Thân phụ Trần Quý Cáp, thường được gọi là ông Nhượng, vừa cày bừa, lo việc nông tang, vừa đọc sách và làm việc làng, thường được làng xóm xưng tụng.

Ông Nhượng ban đầu cưới vợ thuộc xã Đông Bàn, sinh một trai. Về sau cưới một bà họ Phan ở Phong Thử, sinh được một trai là Trần Quý Cáp và một gái.

Thuở còn bé, Trần Quý Cáp có tên là Trần Nghị, và đã từng chứng kiến nhiều sự kiện vừa đau xót, vừa bi hùng của đất nước, quê hương. Lúc mới 13 tuổi, vào mùa thu năm 1882, cậu bồi hồi, xúc động chứng kiến đám úy tế linh cữu của Hoàng Diệu, người con trung hiếu của Đất Quảng và của dân tộc đã sống chết với thành Hà Nội mà không chịu khuất phục kẻ xâm lược. Từ Hà Nội, linh cữu của Hoàng Diệu được đưa về quê nhà ở làng Xuân Đài trong nỗi tiếc thương đau xót của nhân dân và các quan văn võ triều đình.

Ba năm sau, vào năm 1885, Trần Nghị lại được trông thấy ngọn cờ Cần Vương phấp phới ở tỉnh thành và đọc được bài hịch cứu quốc dán khắp ở các đình chùa.

Ở tuổi 15, Trần Nghị đã có thể dịch cho bà con, dân làng nghe bài Hịch chữ Hán với nội dung cứu nước:

Nghe rằng : diệt kẻ thù chung

Tấm lòng quân tử hào hùng từ xưa

Quân thù xâm lấn cõi bờ

Thì ta ném bút, dựng cờ Cần Vương.

Cuộc chiến đấu anh dũng của nghĩa quân do Nguyễn Duy Hiệu đứng đầu, cùng sự hy sinh và câu thơ tuyệt mệnh của ông trước khi đến bãi chém ở An Hòa (Huế):

Nếu như không có phường gian

Ta đem gậy gộc đánh tan quân thù

hẵn đã góp phần lay động sâu xa tâm hồn và tình cảm của thanh niên tuấn tú Trần Nghị.

Từ lúc còn trẻ, mặc dù vừa lo việc nông trang cùng gia đình, vừa lo dùi mài kinh sử, Trần Nghị đã tỏ ra rất ham học và thông minh lạ thường, đọc sách lúc nào thì nhanh chóng hiểu rõ và thuộc ngay sách ấy, làm cho các thầy dạy kinh ngạc. Mới 20 tuổi, Trần Nghị đã nổi tiếng đọc sách chuyên cần, biết được nhiều chuyện đông - tây - kim - cổ, được các bạn đồng song cảm phục, kính mến.

Nhà nghèo, không có sách, nhưng nhờ ở gần nhà cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý, Trần Nghị qua lại với các cậu con cụ Phụ đạo, mượn được nhiều sách để đọc.

Huỳnh Thúc Kháng cho biết có thời gian Trần Nghị đến học “ở nhà cụ cử Lê Trúc Trai ở Nông Sơn, một  nhà nho có danh vọng trong hạt, rất đông học trò, được bạn bè mến chuộng.

Trong đám học trò, trổi nhất chỉ có Tiên sinh (Trần Quý Cáp) và cụ Trường Giang Phạm Liệu, hằng tháng thi hạch đứng đầu luôn”[1].

Đốc học Quảng Nam Trần Đình Phong biết rõ tài học của Trần Nghị nên năm 1895 nhận Trần Nghị vào chân học sinh Trường Tỉnh (đi học được ăn lương Trường Tỉnh) và cho đổi tên thành Trần Quý Cáp, tự Dã Hàng, lại có biệt tự Thích Phu, hiệu Thai Xuyên.

Khi mới vào học Trường Tỉnh, Trần Quý Cáp nổi danh là một trong sáu người nổi tiếng thông minh nhất lúc đó: Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang.

Mặc dù học hành rất xuất chúng nhưng con đường khoa danh của Trần Quý Cáp lại rất lận đận, mãi đến năm 1897 mới đi thi hương và đỗ tú tại.

Năm 1898, lấy tư cách là học sinh đã đỗ tú tài, Trần Quý Cáp đi thi Hội nhưng không đủ điểm, phải về học lại trường Đốc tỉnh nhà. Trong thời gian này, Trần Quý Cáp đã có những sáng tác văn học có giá trị. Bài phú “Hoàn Bích quy Triệu” (trả ngọc bích về cho nước Triệu) của Trần Quý Cáp ra đời vào thời gian này là áng hùng văn kiệt tác, bộc lộ tâm chí hào hùng, nhiệt tâm cứu nước của người quốc sĩ, được nhiều người khâm phục, ưa thích.

Bài phú nhắc lại chuyện xưa ở Trung Quốc rằng vua Tần muốn chiếm đoạt hòn ngọc bích của nước Triệu bằng sự thất tín (lừa dối). Lạn Tương Như - người của nước Triệu đã rất dũng cảm, không sợ hy sinh thân mình, đặt lợi ích của nước Triệu lên trên lợi ích bản thân và gia đình để hòn ngọc bích quý còn lại với nước Triệu, từ nước Tần về lại với nước Triệu.

Ca ngợi hào khí và tấm lòng vì nước của Lạn Tương Như, tác giả Trần Quý Cáp viết:

“Ngọc có năm đức, vốn đủ chữ tin, dễ chi người tước đoạt mà ta cam chịu lép.

Tôi trung với nước, trung là ngọc báu, dầu trải phần nguy hiểm mà tôi chẳng thua người”

Trong Nho giáo có nói đến năm cái đức của người quân tử: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trần Quý Cáp đã vận dụng chữ “tin” (tín) để ca ngợi Lạn Tương Như dám vạch mặt sự xảo trá của vua Tần. Và tác giả cũng ca ngợi lòng “trung” (trung với nước), biểu hiện ở việc Lạn Tương Như đã không sợ chết để đưa được hòn “ngọc bích” (hòa bích) về lại với nước Triệu.

Năm 1898, thân phụ lâm bệnh nặng, Trần Quý Cáp phải ở nhà lo chăm sóc, phụng dưỡng thuốc thang. “Trong thời gian thân phụ bệnh, Tiên sinh hầu luôn bên cạnh, thuốc thang nuôi dưỡng suốt mấy tháng, lo buồn tiều tụy, thật là hiếu hạnh Trời sinh”[2]

Sau khi thân phụ mất, từ năm 1898 đến năm 1903, trong thời gian cư tang thân phụ, Trần Quý Cáp ở nhà chăm sóc mẹ già, dạy học, không dự khoa thi hương năm 1900 và cả thi Hội năm 1901.

Ngay vào thời gian nay, khi còn rất trẻ, mới chỉ quá ba mươi tuổi, trong quan hệ với đất nước, với cha mẹ, với bạn bè, với nghề dạy học, Trần Quý Cáp đã tỏ  ra một con người đã hình thành được những nhân cách cao đẹp.

Huỳnh Thúc Kháng nhận xét:

“Tiên sinh rất chuộng khách khứa, mỗi lần có khách, tiếp đãi chu tất, nhưng sánh với việc nuôi dưỡng mẹ mà tiếp, cơm rau canh hẩm vẫn vui tươi.

Dạy học ba năm ở nhà, mọi nơi nghe tiếng, đến học rất đông. Tiên sinh tùy người dạy dỗ. Tình thầy trò như cha con, trìu mến nồng nàn, không những trong châu quận, cho đến trong miền Cù Mông, Đại Lãnh trở vào Nam, không biết bao nhiêu nhân sĩ đến thụ giáo, đều nhờ ơn trạch Tiên sinh. “Dạy người không chán mỏi”, có lẽ duy Tiên sinh mới đúng tinh thấn ấy”. [3]

Biên soạn tiểu sử nhân vật Trần Quý Cáp, tác giả Nguyễn Q Thắng viết:

“Ông sống một đời ngăn nắp, mực thước, tính tình rất kín đáo, ít nói, ít cười. Từ dân dã, học sinh, sĩ phu, quan trường..., ai ai cũng mến phục ông. Tình cảm, lý trí của ông luôn luôn là khuôn mẫu của bậc đại nho chân chính, giàu tính hàm dưỡng. Bên ngoài thể hiện tinh thần hòa khí như các bậc triết nhân quân tử mà nội tâm là một khối thiết thạch, người trần mắt thịt, nhất là kẻ ít học không thể nào thấu rõ được...Tư cách của ông là tư cách của bậc chính nhân quân tử, suốt đời trọng nghĩa khinh tài, cam cảnh nghèo đói dù cho bậc quyền thế cám dỗ, mua chuộc. Không thèm chạy theo lợi lộc, danh nghĩa hão huyền như ông đã từng sống...”[4]

Năm 1903, Trần Quý Cáp cùng với học trò của mình là Phan Bá Cảnh cùng ra Huế dự kỳ thi Hương, nhưng ông vẫn không đỗ nổi học vị cử nhân. Trong khi ấy học trò ông lại chiếm bảng hết sức dễ dàng. Tài liệu cho biết có một học trò của ông là Võ Hành quê làng Nam Phước, huyện Duy Xuyên (1882-1947) đã đỗ cử nhân trong kỳ thi năm Quý Mão (1903) ấy.

Mặc dù bị hỏng thi, người ngoài cuộc tỏ ý than tiếc, ngậm ngùi... nhưng Trần Quý Cáp vẫn ung dung, vui vẻ, không một chút oan ức, cay cú buồn bực.

Năm 1904, vẫn lấy tư cách là tú tài học sinh, Trần Quý Cáp lại dự thi Hội và đã thể hiện một khả năng học vấn phi thường. Trần Quý Cáp là người thứ hai chỉ có Tú tài mà được thi Hội. Trước ông - người thứ nhất là Phạm Huy ở đời Tự Đức, người Hà Tĩnh. Và lần này Trần Quý Cáp đã đỗ đệ nhất Tiến sĩ. Người đi thi (Trần Quý Cáp) đỗ nhất tiến sĩ mà không đỗ nổi cử nhân; vào thi Đình thi đứng trên hội nguyên, hội nguyên khoa ấy là Huỳnh Thúc Kháng, ở kỳ thi Hội lại đứng trên đình nguyên Đặng Văn Thoại, người Nghệ An, đỗ hoàng giáp - là một vinh dự kỳ thú. Chính vì thế mà ông Đào Nguyên Phổ - thân phụ của nhà báo danh tiếng Đào Trinh Nhất - đã đi mừng Trần Quý Cáp một câu đối diễn tả nỗi lắt léo, uẩn khúc của con đường cử nghiệp lúc bấy giờ:

Tố tiến sĩ khước dị, tố cử nhân khước nan, ức ức dương dương vô phi tạo ý!

Áp hội nguyên ư Đình, áp đình nguyên ư Hội, vinh vinh quý quý hà tất khôi khoa...

Tạm dịch:

Đỗ tiến sĩ dễ ợt, đỗ cử nhân khó khăn, nén nén nâng nâng, muôn việc do quyền tạo hóa !

Đè hội nguyên ở Đình, đè đình nguyên ở Hội, vinh vinh quý quý, cần gì phải chiếm khôi khoa.

“Ngày vinh quy bái tổ về đến tỉnh nhà, Trần Quý Cáp đi bái yết tạ ơn thầy học trước rồi mới đến chào mừng quan công sứ sau. Lại thêm một sự việc cho bọn người danh lợi xôn xao bàn tán, vì theo ý họ các vị tân khoa phải đến bái yết công sứ - là chức quan đầu tỉnh - trước tiên” .[5]

Đối với Trần Quý Cáp, cái danh hiệu đệ nhất tiến sĩ nho học còn rất danh giá thời đầu thế kỷ XX không phải để giúp ông ra làm quan, vinh thân phì gia mà quan trọng là để giúp ông hoạt động cứu nước, vì nếu không có danh giá khoa cử mà nói chuyện cứu dân, cứu nước, người đời có thể nghĩ sai, cho là do hoàn cảnh bất đắc chí xui nên.

 

 

Năm 1904, khi Trần Quý Cáp đỗ đệ nhất tiến sĩ cũng là thời gian Duy Tân Hội do Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành sáng lập đã ra đời tại Thăng Bình (Quảng Nam) với chủ trương giành lại nước đã mất không chỉ bằng sức mạnh bạo lực mà bằng cả sự cầu viện nước ngoài (nước Nhật).

Cũng vào thời gian nói trên, Phan Châu Trình sau khi đỗ phó bảng (1901), trong thời gian được bổ làm thừa biện bộ lễ ở Kinh đô Huế (từ 1903) đã tiếp xúc được sách báo của các tác giả Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, những sách báo nói đến dân quyền tự do, nói đến văn minh Âu Tây. Huỳnh Thúc Kháng có nhận xét rằng, vào thời gian ở Kinh đô Huế (1903-1904) “Tiên sinh (Phan Châu Trinh) đã “để lòng xem xét chính giáo mình hủ bại ra thế nọ, sĩ phu liệt nhược ra thế kia” và “Tiên sinh thường nói rằng cái độc quyền chuyên chế cùng cái hủ nho ta, đã thành chứng bệnh bất trị, và học thuyết tự do dân quyền Âu Tây chính là vị thuốc đắng để chữa bệnh đó”[6]. Tư tưởng duy tân - cải cách do Phan Châu Trinh chủ xướng đã manh nha ra đời từ đây trên đất Quảng Nam.

Như vậy khi Trần Quý Cáp đỗ tiến sĩ (1904), trên đất Quảng Nam đã bắt đầu hình thành hai khuynh hướng, hai trào lưu cứu nước - khuynh hướng của Hội Duy Tân do Phan Bội Châu, Tiểu La - Nguyễn Thành đại diện và khuynh hướng Duy Tân - Cải cách do Phan Châu Trinh chủ trương và khởi xướng.

Từ thời trẻ, tâm can của Trần Quý Cáp đã nóng bỏng nhiệt tình yêu nước.

Nhiệt tình yêu nước ấy được thể hiện trong bài phú “Hoàn Bích quy Triệu” được sáng tác khi Trần Quý Cáp mới 28 tuổi (1898); trong lời họa thơ với Phan Bội Châu:

                                    Vị năng phục Sở sinh do hận

                                    Mỗi thính đề quyên mỗi bạch đầu

Tạm dịch:          Sống không xóa sạch quốc thù

                                    Nghe quyên khắc khoải tóc sầu bạc thêm;

Trong bài thơ “Vãn quá Hải Vân sơn”

                                    Sầu nhãn vọng cùng thương hải ngoại

                                    Nộ quyền huy phá bạch vân đoan

Tạm dịch:          Ánh mắt trông mòn làn sóng thẳm

                                    Thoi tay muốn phá lớp mây mù

Trong bài “Đà Nẵng hoài cảm”

                                    An năng tái khởi Trần Hưng Đạo

                                    Cọng văn Đằng giang vĩ đại công...;

Tạm dịch:          Ước chi nay có Trần Hưng Đạo

                                    Lặp lại Đằng Giang trận thứ hai...

Một vị tiến sĩ giàu lòng yêu nước như Trần Quý Cáp tham gia hoạt động cứu nước là điều hiển nhiên - không phải bàn cãi.

Vấn đề cần bàn là ông tham gia cứu nước theo hướng nào, theo khuynh hướng bạo động giành chính quyền - kể cả cầu ngoại viện - thực hiện Đông du của Phan Bội Châu - Tiểu La Nguyễn Thành hay theo khuynh hướng duy tân, cải cách của Phan Châu Trinh? Về vấn đề nay, nhà văn Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân có lời giải đáp thỏa đáng, phù hợp với thực tế khách quan:

“Trần Quý Cáp chịu ảnh hưởng hai cụ Phan: Phan Châu Trinh - Dân quyền và tự cường; Phan Bội Châu - Quang Phục. Tuy nhiên cõ lẽ ảnh hưởng của Phan Bội Châu chỉ mạnh vào các năm 1903, 1904, 1905 (Trần Quý Cáp biết Phan Bội Châu trước Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng). Còn từ Nam Du (1905) về sau, ông thay đổi nhiều”.

“Nếu hai ông Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng chỉ biết có Duy Tân thì Trần Quý Cáp không hẳn như thế. Ít ra trong giai đoạn đầu, ông đã có một thời kỳ làm việc trong bí mật cho Quang Phục Hội (tức phái Đông Du sau này) rồi sau theo Duy Tân, hoạt động hẳn cho Duy Tân”.[7]

Để vấn đề trên đây được sáng tỏ, Nguyễn Văn Xuân dẫn ra một số cứ liệu:

Qua các tài liệu có được, có thể biết Trần Quý Cáp có mối liên lạc chặt chẽ với Tiểu La - Nguyễn Thành. Trong bài “Mộ chí Trần Quý Cáp” (viết bằng chữ Hán văn - dịch ra Việt văn), tác giả Huỳnh Thúc Kháng viết:

“Cụ Sào Nam Phan Bội Châu nuôi chí quốc sự ngoài mười năm, thông giao toàn quốc sĩ phu, nhưng ẩn mình trong trường văn, vào học trường Quốc Tử Giám nghe tiếng tiên sinh (Trần Quý Cáp), qua lại giao du và tặng bài thơ có câu:

Túy sinh ngã bối song tiền nhãn

Đấu sáng nhân gian nhất cuộc kỳ

(Bọn ta say tỉnh hai tròng mắt,

Cờ thế hơn thua một cuộc say).

Cách năm sau, cụ Phan xuất dương, đến tiên sinh từ giã, duy có Phật thấu lòng Phật, chỗ ẩn tâm người ngoài không làm gì thấu rõ”[8].

Huỳnh Thúc Kháng còn cho biết:

“Cụ Tiểu La Nguyễn Thành - một cựu đảng Cần Vương có tiếng, trước mắt không người, sau này gặp tiên sinh (Trần Quý Cáp), có nói với cụ Sào Nam: “Được một người tốt có đảm thức, hỏi ai? Chỉ có Thai Xuyên (Trần Quý Cáp).”[9]

Tác phẩm: Tiểu sử chí sĩ Trần Quý Cáp” do học trò của ông là Trần Huỳnh Sách ở La Qua, Điện Bàn biên soạn – cho biết là Trần Quý Cáp có nhận lãnh những nhiệm vụ bí mật của Duy Tân hội:

“Tháng mười năm Giáp thìn (1904), Tiên sinh (Trần Quý Cáp) cùng hai cụ Phan, Huỳnh đi thức tỉnh miền thượng du tỉnh nhà. Lên nguồn Phước Sơn rồi trở xuống Thạnh Mỹ đặng gặp cụ Tiểu La.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HOÀNG DIỆU (1829 – 1882)
PHẠM PHÚ THỨ (1821-1882)
NGUYỄN THÀNH Ý (1820-1897)
PHẠM HỮU NGHI (1798-1862)
TRẦN ĐĂNG LONG (1760 – 1828)
PHAN THANH (1908-1939)
LÊ ĐÌNH DƯƠNG (1894-1919)
MAI DỊ ( 1884-1928)
PHAN THÀNH TÀI (1878-1916)
PHAN THÚC DUYỆN (1873-1944)
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
PHAN TRÂN (1862-1935)
NGUYỄN HIỂN DĨNH (1853-1926)
LƯƠNG KHẮC NINH (1862-1943)
PHẠM TUẤN (1852-1917) & “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”
PHẠM NHƯ XƯƠNG (1844-1917)
LÊ ĐỈNH (1840 -1933) NHÀ KHOA BẢNG THỨC THỜI

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm