Nội dung chi tiết

TRẦN CAO VÂN (1866 - 1916)
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 06/02/2013 .Lượt xem: 13487 lượt. [In bài]

Trần Cao Vân sinh năm Bính Dần (1866), tại làng Tư Phú (xã Điện Quang - Điện Bàn). Ông vốn tên thật là Trần Công Thọ, lúc lớn lên đổi tên là Trần Cao Độ, lúc đi tu mang pháp danh là Như Ý. Đến khi hoạt động cứu nước, mới đổi tên là Trần Cao Vân, có biệt hiệu là Hồng Việt và Chánh Minh, là có biệt danh là Bạch Sĩ.

Thân phụ Trần Cao Vân là Trần Công Trực, tục gọi là Quyền Trực, là người có học trong làng.

Ông Trần Công Trực có ba vợ, sinh được sáu trai, ba gái. Bà vợ cả là Đoàn Thị sinh được hai trai, một gái. Người con trai đầu lòng là Trần Công Thọ (tức Trần Cao Vân).

Ngay từ nhỏ, Trần Cao Vân đã thể hiện sự thông minh và hiếu học.

Hồi 13 tuổi, Trần Cao Vân theo học trường giáo học ở làng. Có mấy câu chuyện chứng tỏ từ lúc còn trẻ, Trần Cao Vân đã tỏ ra rất lỗi lạc.

Vào một buổi tối học trò tập họp đông đủ. Bên ngoài trăng đã lên cao. Trong nhà có treo một cái đèn chiếu sáng. Thầy đồ ra vế đối:

Đèn treo dọi sáng bốn phương nhà

Trần Cao Vân đứng lên ứng đáp:

Trăng tỏ khắp soi muôn cụm núi.

Thầy đồ khen ngợi và bạn học rất khâm phục.

Một lần khác, lúc học trường Huấn, thầy ra đề văn tả Cối xây lúa. Suy nghĩ mấy phút, Trần đã viết xong bài vịnh:

Khen xưa ai đã khéo trêu bày

Tạo cối này ra vốn để xay

Gốc “Tí” càn khôn trồng giữa rốn.

Cán “Dần” tinh đẩu vận trong tay.

Nghiến răng tợ sấm ì ầm dậy.

Mở miệng đường mưa lác đác bay

“Tứ trụ” dưới nhờ chân đế vững

Cùng trên phụ bật sẵn hai tay.

Cối xay và cách xay lúa kiểu trên đây đã lùi sâu trong quá khứ. Những người từng biết cối xây lúa và cách xay lúa ngày xưa dễ thấy Trần Cao Vân đã miêu tả thật tài tình, không chỉ miêu tả đúng sự thật. Người làm thơ còn vận dụng cả chữ của “thánh hiền”. Trong sách của Khổng Tử, có chữ Gốc “Tí” là để nói ngôi trời, chữ Cán “Dần” là để chỉ người. Trần Cao Vân muốn nói:

“Trong mọi công việc, nếu ý trời và lòng người cùng hợp lại thì sẽ thành công”. Còn “tứ trụ” có thể hiểu “Triều đình vững là nhờ bầy tôi ở dưới vững vàng”. Bài thơ vịnh “Cối xay lúa” cùng sự đối đáp nhanh chóng ở tuổi học trò chứng tỏ thiên tư và chí lớn của Trần Cao Vân ngay khi còn nhỏ tuổi.

Đến năm 17 tuổi (1882) tuy còn trẻ nhưng xét khả năng học vấn có thể đổ đạt, thân phụ dự định cho ông ra Huế dự thi khoa Nhâm Ngọ. Nhưng chẳng may Trần Cao Vân bị bệnh nặng, không thể lên kinh ứng thí. Khi bệnh vừa thuyên giảm thì vào thời gian đó có một sự kiện tác động mạnh đến tâm tư của chàng thanh niên mới 17 tuổi. Đó là lúc các nhân sĩ Quảng Nam tổ chức trọng thể việc đưa thi hài Tổng đốc Hoàng Diệu từ Hà Nội về an táng tại làng Xuân Đài. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Đám tang Hoàng Diệu đưa về Gò Nổi mùa thu năm 1882 làm sôi động lòng yêu nước của nhân dân và kẻ sĩ một vùng Đất Quảng thời ấy. Giữa đám văn thân sĩ tử hôm ấy, đứng nghiêng mình tưởng niệm tổng đốc Hoàng Diệu, có một thư sinh sau này thêm một lần nữa làm rạng rỡ tên tuổi của mảnh đất quê hương. Sự kiện Hà Thành thất thủ cùng với cái chết lẫm liệt của Hoàng Diệu đã phát động con người yêu nước ở Trần Cao Vân, tạo ông thành người anh hùng xuyên suốt những vỡ kịch bi tráng của lịch sử vắt qua hai thế kỷ” (1-19).

Sau khi Hoàng Diệu hy sinh, thực dân Pháp ngày càng lấn tới trong âm mưu thống trị Việt Nam. Chúng tiếp tục xâm chiếm Nam Định và các tỉnh thành khác ở Bắc Kỳ. Giữa lúc tình hình đất nước đang rối ren thì Tự Đức băng hà, những người lên kế vị lần lượt được thay đổi chóng vánh như trở bàn tay. Ngày 25-8-1883, Triều đình Huế ký Hiệp định với Pháp, thừa nhận nền bảo hộ của Pháp tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Đến năm 1885, mưu sự do Tôn Thất Thuyết chủ trì lại thất bại, kinh thành Huế thất thủ, vua tôi Hàm Nghi phải rời kinh thành ra Quảng Trị, phát động Phong trào Cần Vương chống Pháp.

Trước bao nhiêu biến cố đau lòng của đất nước, Trần Cao Vân nhận thấy mộng cử nghiệp cho dù có thành đạt cũng chưa thể giúp ích gì cho việc cứu nước đang trở thành yêu cầu nóng bỏng. Noi gương Tổng đốc Hoàng Diệu, sau năm 1885, Trần Cao Vân quyết chí lên đường để tìm người cùng hội cùng thuyền. Ông đã dừng chân tại chùa Cổ Lâm - một trong những ngôi chùa cổ xây dựng vào năm 1867 ở một vùng núi huyện Đại Lộc, xa Tư Phú (Gò Nổi) hàng chục cây số. Chùa Cổ Lâm lúc này không phải là nơi giảng kinh thuyết pháp, phổ độ chúng sinh mà là nơi yên tĩnh tu hành của một số nhà sư tu tâm tĩnh dưỡng.

Để dễ bề hoạt động, đi đây đi đó tìm người yêu nước, tổ chức cơ sở hoạt động, Trần Cao Vân đóng giả vai đạo sĩ, làm thầy địa lý, thầy tướng số. Và ông đã gặp được một người tâm huyết cùng chí hướng là Thừa Tô (Võ Thạch) - con trai của cai Tổng Trưng ở làng Đại Giang. Tổng Trưng tuy đông con nhưng chỉ còn được một trai là Thừa Tô và một gái (em của Thừa Tô) là Võ Thị Quyên.

Làng xóm gọi Võ Thị Quyên là cô Ba Bàn. “Ba” vì cô là con sinh thứ ba, và “Bàn” là vì cô hay bàn luận. Làng xóm mỗi khi có việc tranh chấp thường đến hỏi ý kiến cô để nghe cô Quyên giải thích, phân tích - thường là thỏa đáng.

Thừa Tô vốn là bạn học ở trường Huấn với Trần Cao Vân. Hai người hiểu chí hướng của nhau và mến phục nhau. Thừa Tô vào ở chùa Cổ Lâm với bạn để cùng mưu đồ công cuộc cứu nước. Ở chùa Cổ Lâm, Trần Cao Vân đóng vai tu sĩ, còn Thừa Tô giả làm một thương khách, lặn lội đó đây để tìm đồng chí. Hai ông hoạt động tại chùa Cổ Lâm được 6 năm.

Sau khi cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu thất bại, các tổ chức công khai và bí mật có quan hệ trực tiếp và gián tiếp với Nghĩa Hội lần lượt bị khám phá. Cả chùa Cổ Lâm cũng bị bọn tay sai của thực dân Pháp thăm dò.

Năm Tân Mão (1891), chùa Cổ Lâm bị khám xét. Thấy tình thế không thuận lợi, Trần Cao Vân rời chùa Cổ Lâm về làng Đại Giang mở trường dạy học. Cũng năm ấy, do yêu mến nhân cách và học thức của bạn nên ông Thừa Tô đã vun vén để Trần Cao Vân cùng với em gái mình thành vợ thành chồng. Cô Võ Thị Quyên - mà mọi người quen gọi là cô Ba Bàn - sinh năm 1868, vốn là con gái duy nhất và là con nhà hào phú nên được cha mẹ rất cưng chiều. Dù đã ngoài 23 tuổi nhưng “tường đông ong bướm đi về mặc ai”, gia đình có ý đợi chờ nơi “môn đăng hộ đối”. Do đó khi Thừa Tô đặt vấn đề muốn gả em gái cho Trần Cao Vân - một thầy đồ trẻ tuổi không đỗ đạt gì đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của bà mẹ. Ông Thừa Tô phải ra sức thuyết phục, năn nỉ, cuối cùng mới được gia đình chấp thuận.

Cưới vợ xong, lòng Trần Cao Vân vẫn canh cánh việc nước. Bài thơ sau đây đã phản ánh tâm sự của ông:

Chí quyết tang bồng vỡ bốn phương,

Chõng nằm chi để ghế râu vương.

Ba thù quyết trả đền ơn trọng,

Một giận mong ra gỡ tiếng ương.

Nợ nước đã toan tròn nghĩa vụ,

Tình nhà đành gác nỗi tư lương.

Nam mô nguyện trả xong rồi nợ,

Mối thánh đem về cõi Hạ, Thương.

Ở Đại giang Trần Cao Vân lúc nào cũng dõi theo tình hình diễn biến của nước nhà. Ông suy nghĩ: Sở dĩ Phan Đình Phùng dấy nghiệp được là nhờ tìm được một địa hạt rừng núi hiểm trở ở tỉnh Nghệ Tĩnh, có lúa gạo, có điều kiện đảm bảo cho một cuộc đấu tranh trường kỳ. Sau khi dò hỏi những người tin cậy, họ được biết ở Bình Định có những điều kiện đứng chân hoạt động tốt, vì thế Trần Cao Vân quyết tâm rời khỏi Quảng Nam.

Mùa thu năm Nhâm Thìn (1892) nhờ sự hướng dẫn của anh em văn thân, Trần Cao Vân cùng vợ là Cô Ba Bàn và một sĩ tử thân tín là Nguyễn Nhuận từ giã Quảng Nam vào Bình Định.

Bình Định có rừng núi rộng và miên man, có chiều sâu nối liền với dãy Trường Sơn hùng vĩ, có đảo, nhiều bán đảo và vùng nông thôn rộng lớn, dân cư ở rải rác trên các địa bàn sầm uất, kẻ địch không dễ gì kiểm soát chu đáo được. Sau khi hiểu rõ về đặc điểm địa hình Bình Định, Trần Cao Vân phấn khởi dừng chân trên mảnh đất này để hoạt động.

Ở Bình Định, ngoài nghề dạy học, Trần Cao Vân còn làm thầy địa lý để đi lại tự do từ làng này sang làng khác trên những vùng rừng núi chập chùng, thi thố cái thuật “Tầm long điểm huyết” để thuận tiện phát triển mầm móng cơ sở chống lại xâm lược Pháp. Trần Cao Vân sử dụng cả nghề xem số “tử vi”, đóng vai thầy tướng số để che giấu hoạt động. Tiếng đồn lan rộng, từ Bình Định lan sang một số vùng ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa...

Nhân có bệnh ôn dịch, sư, ni chùa Đá Bạc tại thôn Chánh Danh, tổng Trung Chánh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát đã dùng bùa thuốc trị bệnh cho bệnh nhân. Trần Cao Vân tìm đến chùa này để xem xét thực hư. Sẵn bút mực ông viết trên mõ mấy chữ: “Tất dã chính danh hồ” có nghĩa là: “Việc mà các ông làm ắt là chính danh vậy thay!” Viết xong liền ra đi.

Võ Trứ, người làng Nhơn Ân, tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, một nho sinh đã có lúc ra làm lý trưởng và lại có chân trong nghĩa quân Cần Vương rồi gia nhập môn đệ chùa Đá Bạc. Khi về lại chùa, tín đồ thuật lại sự việc cho Võ Trứ biết những chữ viết trên mõ là của một người Quảng đến viếng chùa. Võ Trứ nghĩ rằng người Quảng ấy chắc là Trần Cao Vân và cuối cùng đã tìm gặp. Ông đã gặp được Trần Cao Vân tại nhà Tô Quang. Sau mấy lần tọa đàm tâm đắc, Võ Trứ mời Trần Cao Vân làm cố vấn cho mình trong sự nghiệp nổi dậy chống Pháp.

Cả hai người đều thống nhất với nhau là muốn đánh Pháp xâm lược, không có cách nào khác là phải sử dụng bạo lực. Tuy nhiên chủ trương dùng bạo lực của hai ông không hoàn toàn giống nhau. Võ Trứ muốn lợi dụng yếu tố bất ngờ, thực hành bạo lực để giành thắng lợi. Còn Trần Cao Vân thì chủ trương không vội vàng dùng bạo động mà phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dựa vào lòng dân, gieo đức tin trong dân, góp tiền rèn đúc khí giới, tích trữ lương thực, tìm địa thế núi rừng hiểm trở để làm nơi thoái thủ, chờ cơ hội để phát khởi một cuộc bạo động bất ngờ để kẻ thù không kịp trở tay.

“Vào khoảng năm Ất Mùi (1895), sau khi thầy chùa Đá Bạc chết, Võ Trứ vào huyện Sơn Hòa (Phú Yên) là nơi sẵn có nhiều người quen thuộc. Một mặt ông áp dụng cái thuật sở trường là cho thuốc, phát bùa, nhường sao, tống quái, trừ tà... để lôi cuốn quần chúng theo mình, một mặt ông liên lạc với các nhà sư tại các chùa ở khắp các phủ, huyện là những nơi đã kết giao với ông từ lâu. Một mặt nữa ông lại khéo vận dụng cái thuật phù pháp sẵn có để chinh phục thổ dân thiểu số, làm cho họ phục tùng và tôn kính ông như một vị thánh thần.

Chẳng bao lâu, hầu hết các chùa chiền ở Bình Định, Phú Yên trở thành những trụ sở bí mật của đảng Võ Trứ, những cơ quan tuyên truyền chống chế độ bảo hộ Pháp có hiệu lực” (2-157).

Nhân rằm tháng 7 âm lịch Mậu Tuất (1898) có lễ Vu Lan Bồn, bổn đạo thập phương về chùa đông đảo, Võ Trứ lợi dụng cơ hội này triệu tập hội nghị bí mật tại chùa Đá Trắng trên đỉnh núi huyện Tuy An, cách sông Cầu khoảng 20 cây số và thỉnh Trần Cao Vân vào. Thấy Võ Trứ quá vội vàng trong chuẩn bị e bị thất bại nặng, nên dù đang bệnh trầm trọng Trần Cao Vân vẫn lên võng vào Phú Yên dự cuộc họp này. Vào đến nơi, Trần Cao Vân xem xét từng mặt, thấy cuộc khởi nghĩa khó bề thắng lợi vì chưa đủ những điều kiện cần thiết, nhưng không thể nào ngăn lại, ông chỉ tranh thủ góp một số ý kiến mong giảm bớt thiệt hại khi khởi nghĩa bùng nổ.

Vào một đêm mùa hè Mậu Tuất (1898), dưới bóng cờ “Minh trai chủ tể”, Võ Trứ ngồi trên lưng ngựa thống lãnh nghĩa quân tấn công cướp trại lính tập, lấy súng đạn trang bị cho quân chủ lực, rồi tiến lên tiến công các dinh thự của bọn quan lại tỉnh và bọn Pháp.

Do bị lộ, địch đề phòng cẩn thận, chống cự quyết liệt, quân Võ Trứ bị thiệt hại nặng.

Võ Trứ tuy thoát chết nhưng kẻ địch lùng sục ráo riết. Chúng quay sang khủng bố dân làng dã man. Võ Trứ phải ra mặt nhằm đỡ thiệt hại cho dân.

Võ Trứ bị bắt, trước sau chỉ khai một lời: “Công cuộc bạo động chính do mình Trứ dùng ấn Ngũ Công Quan Âm mà tạo nên, ngoài ra không có ai nữa. Tất cả đồ đảng là những người bị Trứ xúi giục”. Ông đã bị kẻ thù xử tử hình. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ bị thất bại, Trần Cao Vân vẫn tiếp tục bị bệnh trầm trọng. Ông được đệ tử chuyển lên trú tại động Bà Thiêng. Trong lúc Trần Cao Vân bị bệnh tình nguy kịch, vợ ông - bà võ Thị Quyên - đã gửi hai con trẻ - một lên 5 tuổi, một vừa thôi nôi - nhờ người thân thiết chăm nom để lên núi chăm sóc chồng. Bà đã vượt qua muôn ngàn thử thách, lặn lội vào các buôn làng người dân tộc, xin thuốc để chữa bệnh cho nhà chí sĩ cách mệnh.

Sau khi bệnh tật thuyên giảm, Trần Cao Vân lại xuống núi để gặp lại những môn đệ còn sống sót. Không may vừa đến một cơ sở ở huyện Đồng Xuân thì tri huyện địa phương đã đem lính đến bủa vây và bắt cả hai ông bà giam lại rồi chuyển lên tỉnh.

Tuy bị hạ ngục, nhưng kẻ thù không có một chứng cớ gì để kết án được nên đành phải thả ông sau mười một tháng giam cầm.

Trần Cao Vân ra khỏi ngục Phú Yên, mở trường dạy học và tiếp tục truyền bá thuyết “Trung Thiên Dịch” mà từ lâu ông đã tìm tòi suy nghĩ:

Năm Canh Tý (1900), hai tỉnh Bình Định và Phú Yên xôn xao náo nhiệt về một học thuyết mới - học thuyết “Trung Thiên dịch”, đến độ “mỗi nhà đều có treo một tờ giấy viết sáu chữ, giữa “Trung Thiên”, tả “Tiên Thiên”; hữu “Hậu Thiên” để hằng ngày chiêm ngưỡng (3-156).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nghiên cứu về Kinh dịch cho biết: “Ngoài những ý tưởng thấp thoáng qua một số bài thơ lưu truyền tản mạn, Trần Cao Vân có để lại một bài thơ nguyên vẹn, hàm súc một cách kỳ lạ về một mối tương quan giữa con người và trời đất trong dòng sinh hóa của vũ trụ. Nguyên văn bài thơ như sau:

Vịnh Tam Tài

Trời đất sinh ta có ý không?

Chưa sinh Trời Đất có ta trong.

Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh,

Trời Đất sinh ta một chữ đồng.

Đất nứt ta ra Trời chuyển động,

Ta thay Trời mở Đất mênh mông.

Trời che Đất chở ta thong thả,

Trời - Đất Ta đây đủ hóa công.

“Chính sức dồn nén và bùng nổ của ý thức quanh ba phạm trù căn bản Trời - Đất - Người trong bài thơ này đã khiến tôi (HPNT) nghĩ rằng, “Vịnh Tam Tài” nếu chưa phải là bản tuyên ngôn toát yếu thì cũng là chương mở đầu trong “Trung Thiên dịch”.

Trong bài “Vịnh Tam Tài” Trần Cao Vân không nhấn mạnh về chữ “Thời”, mà dồn tất cả sự chú trọng vào nhân tố “Con người.. Con người như một chủ thể tham dự vào sự tiến hóa bằng hành động, và hành động theo kiểu “tự cường bất túc”, bởi vì Thiên - Địa - Nhân hợp thành một chủ thể hành động gọi là “Hóa công”. Tổng hợp cả Tiên Thiên và Hậu Thiên để tạo lập cơ sở triết học hành động, thúc đẩy con người dấn thân vào giữa vùng xoáy của biến dịch (ở đây chính là lịch sử), đấy có lẽ là ý tưởng mới mẻ của Trung Thiên dịch mà Trần Cao Vân tìm kiếm một cách cấp thiết, nhằm giải quyết những bức xúc của trách nhiệm kẻ sĩ trước đất nước và dân tộc.

Xét vị trí con người đứng giữa Trời và Đất, tôi nghĩ rằng Trung Thiên dịch chính là Nhân dịch. Dù chưa hoàn tất bản thảo, qua bài thơ “Vịnh Tam Tài”, chúng ta vẫn nhận rõ ở Trần Cao Vân diện mạo của một nhà tư tưởng lớn, với một Kinh dịch Việt Nam mang tư tưởng nhân bản chưa từng có” (4-35-36).

Phân tích các di cảo của Trần Cao Vân, có học giả lý giải về tam tài Thiên - Địa - Nhân trong chủ thuyết của Trần Cao Vân như sau: Dịch “Tiên Thiên” đặt chú ý vào Thiên (Trời). Dịch “Hậu Thiên” đặt chú ý vào Địa (Đất). Dịch Trung Thiên của Trần Cao Vân đặt ngôi Nhân (Con người) vào trung tâm, xem đó là trung điểm của vòng dịch, điểm đồng quy của Đất - Trời” (3-153)

Ở tác phẩm “Đứa con phù sa”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thổ lộ những suy nghĩ của ông về “Trung Thiên Dịch” của Trần Cao Vân một cách đơn giản và dễ hiểu.

“Trung Thiên dịch - tác phẩm triết học của Trần Cao Vân ngày nay không còn, do triều đình Huế tịch thu và thiêu hủy. Nhưng qua hành trang thơ ca của ông, người ta như đọc thấy mồn một định vị chính con người vào trung tâm vận động của lịch sử. Từ đó xây dựng cơ sở lý luận thúc đẩy hành động cách mạng của giới kẻ sĩ đương thời. Phải nói rằng trên toàn bộ hành động và tư tưởng, chủ nghĩa yêu nước của Trần Cao Vân mang tính chiến đấu cực kỳ mãnh liệt, và như thế, Trần Cao Vân đã sinh ra như một hiện tượng tiên cảm kỳ lạ về thời đại đang đến sau ông” (1-21).

Tên Bố Chánh Bùi Xuân Huyến trực tiếp đăng đàn bắt vợ chồng Trần Cao Vân ra tra tấn, hỏi cung về vụ Trung Thiên dịch. Dù bị tra khảo, trước sau như một, ông chỉ nói:

“Ngày nọ, tôi đi viếng Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam, gặp một tiên ông đạo cốt thong thả dạo chơi, đi sau cụ là một thanh đồng. Trên tay của tiên ông, tay phải cầm hoa sen, tay trái cầm ba quyển cổ thư. Tôi tò mò bén gót theo cụ, giây lát sau thấy cụ ngồi trên tảng đá nét mặt nghiêm trang, tôi liền đến xin thọ giáo. Cụ đã đưa cho tôi ba quyển “Thiên thư”.

Không thể khai thác được gì hơn, bố chánh Bùi Xuân Huyến vẫn kết tội Trần Cao Vân “Dùng yêu thơ, yêu ngôn, xúi dân làm loạn, tuyên án tử hình”. Gia quyến Trần Cao Vân bị giải về giam tại ngục Bình Định.

Các quan ở Triều đình Huế đã bác bỏ cái án tử hình đối với Trần Cao Vân do bố chánh Bùi Xuân Huyến đề xuất. Triều đình Huế chỉ kết án Trần Cao Vân 3 năm khổ sai về sự mê tín. Bà Võ Thị Quyên (vợ Trần Cao Vân), Nguyễn Nhuận (môn đệ Trần Cao Vân) mỗi người lãnh án tù ngồi từ ba đến bảy tháng.

Ngồi tù một năm tại Bình Định, Trần Cao Vân bị đưa về nhà tù Quảng Nam giam thêm hai năm nữa. Sau khi mãn hạn tù, Trần Cao Vân trở về nhà tiếp tục liên hệ với những người cùng chí hướng. Vào lúc phong trào chống thuế năm 1908 bùng nổ ở Quảng Nam rồi lan rộng ra nhiều tỉnh, chính quyền thực dân phong kiến bắt các nhà yêu nước trong phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Châu Thượng Văn... Chúng bắt cả Trần Cao Vân. Trần Cao Vân bị kết án chung thân khổ sai đày đi Côn Đảo vào ngày 8 tháng 8 năm Mậu Thân (1908) cùng với các chí sĩ yêu nước khác của đất Quảng.

Trong lao tù ở Côn Đảo, Trần Cao Vân tiếp tục làm thơ. Có những câu thơ ẩn chứa rõ rệt tâm trạng của nhà chí sĩ:

... Nhớ tổ Lạc Hồng công dựng nước

Thân này thệ nguyện với Kiền khôn

Nhờ có sự vận động của môn đồ và một số người có cảm tình với Trần Cao Vân ở triều đình Huế nên Trần Cao Vân chỉ bị giam ở Côn Đảo 6 năm rồi được ân xá. Tháng Chạp năm Giáp Dần (1-1914) Trần Cao Vân về đến Hội An. Ngày 30-1 Âm lịch năm Ất Mão (1915) thân sinh ông từ trần. Ông đau xót tiễn cha về nơi suối vàng. Thu xếp việc nhà xong, ông lại ra đi để tiếp tục sự nghiệp cứu nước.

Từ năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Đế quốc Pháp ngày càng bị lún sâu vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Các nhà yêu nước trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội tại Trung Kỳ hồi hộp theo dõi và nghĩ rằng khi đế quốc Pháp bị cuốn hút vào cuộc chiến là thời cơ thuận lợi để tổ chức

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HOÀNG DIỆU (1829 – 1882)
PHẠM PHÚ THỨ (1821-1882)
NGUYỄN THÀNH Ý (1820-1897)
PHẠM HỮU NGHI (1798-1862)
TRẦN ĐĂNG LONG (1760 – 1828)
PHAN THANH (1908-1939)
LÊ ĐÌNH DƯƠNG (1894-1919)
MAI DỊ ( 1884-1928)
PHAN THÀNH TÀI (1878-1916)
PHAN THÚC DUYỆN (1873-1944)
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
TRẦN QUÝ CÁP (1870-1908)
PHAN TRÂN (1862-1935)
NGUYỄN HIỂN DĨNH (1853-1926)
LƯƠNG KHẮC NINH (1862-1943)
PHẠM TUẤN (1852-1917) & “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”
PHẠM NHƯ XƯƠNG (1844-1917)
LÊ ĐỈNH (1840 -1933) NHÀ KHOA BẢNG THỨC THỜI

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm