Năm 111 trước Công Nguyên, khi thay thế nhà Triệu để thống trị nước ta, ngoài hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, chính quyền nhà Hán còn lập thêm quận Nhật Nam (miền đất từ Hoành Sơn đến Quảng Nam ngày nay)
Quận Nhật Nam bao gồm 5 huyện: Tây Quyển, Chu Ngô, Tỷ Cảnh, Lê Dung và Tượng Lâm. Vùng đất Điện Bàn ngày nay nằm trên địa bàn của huyện Tượng Lâm thời đó.
Dưới ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, nhân dân Nhật Nam, trong đó có huyện Tượng Lâm thường vùng lên khởi nghĩa.
Cho đến năm 192 (đời vua Hiếu Đế nhà Đông Hán) cùng với nhân dân Nhật Nam, nhân dân Tượng Lâm do Khu Liên đứng đầu đã nổi dậy giết huyện lệnh, giành quyền tự chủ. Một quốc gia mới được lập nên ở vùng đất hai bên đèo Hải Vân. Sử Trung Hoa gọi nước mới lập nên này là Lâm Ấp. Huyện Tượng Lâm (bao gồm phần đất Điện Bàn – Quảng Nam ngày nay) là bộ phận lãnh thổ thuộc quốc gia Lâm ấp. Sau nhiều thế kỷ tồn tại trong sự xung đột liên miên với lực lượng phong kiến ở phía Bắc, cuối cùng nước Lâm Ấp đã hợp nhất với quốc gia người Chăm ở phía Nam, hình thành nên một quốc gia thống nhất với tên nước là Chiêm Thành. Từ đó vùng Điện Bàn – Quảng Nam trước kia trở thành bộ phận lãnh thổ của nước Chiêm Thành. Thời kỳ ra đời của nước Chiêm Thành chưa được xác định rõ. Trong sử liệu Trung Quốc cái tên Champa dưới tên gọi Chiêm Thành (đô thị của Champa) chỉ xuất hiện từ giữa thế kỷ VIII (3 – 52). Người Chăm gọi vùng đất Điện Bàn – Quảng Nam ngày nay trong lãnh thổ quốc gia Chiêm Thành trước kia là Amaravati. Trước khi nhập vào quốc gia Đại Việt (1306) cư dân người Chăm trên vùng đất Amaravati sống chủ yếu bằng nông nghiệp, biết cày cấy bằng trâu bò, biết cày ruộng hai mùa, biết làm thủy lợi, xây dựng hệ thống mương mán tưới nước. Họ cũng biết trồng dâu nuôi tằm, dùng bông gòn để dệt vải.
Người Chăm trên vùng đất Amaravati xây dựng nhiều công trình kiến trúc. Dấu vết của những công trình kiến trúc ấy còn lại trên đất Điện Bàn ngày nay rõ nhất là tháp Bằng An.
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, nhà nghiên cứu người Pháp H. Parmentier đã nhận thấy vẻ dáng kì lạ của tháp Bằng An trong lịch sử kiến trúc cổ Cham Pa. Trong số những tháp cổ Champa hiện còn, Bằng An là ngôi tháp duy nhất có bình đồ bát giác. Nếu nhìn từ phía ngoài, tháp Bằng An tựa như một búp măng tre khổng lồ (cao gần 20m) chứ không phải ngôi tháp vuông nhiều tầng như những ngôi tháp truyền thống khác của Champa (3 – 168)
Năm 1285 và 1288, thời của TRẦN NHÂN TÔNG và TRẦN QUỐC TUẤN, quân dân Đại Việt đã đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông. Trước khi đưa quân xâm lược Đại Việt, quân Nguyên đồng thời cũng tiến đánh Champa. Nhà Trần đã từng đem quân và chiến thuyền giúp Champa chiến đấu chống kẻ thù chung. Chính trong nghĩa tình liên minh chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên – Mông và trong bối cảnh Đại Việt có uy tín và ảnh hưởng lớn lao qua sự đương đầu đầy thử thách trước họa xâm lăng từ phương Bắc, mà vào năm 1301, khi đã nhường ngôi vua cho con, Thượng Hoàng TRẦN NHÂN TÔNG có cuộc viếng thăm và ở lại lâu ngày (chín tháng) trên đất Cham Pa. Trong lần viếng thăm này, TRẦN NHÂN TÔNG đã hứa gả công chúa HUYỀN TRÂN cho vua Champa là Chế Mân.
Năm 1305, Chế Mân sai sứ là Chế Bồ Đào và hơn 100 người đem vàng, bạc, hương quý, vật lạ đến kinh đô Thăng Long dâng xin sính lễ. Triều thần nhà Trần không bằng lòng. Chế Mân lại xin dâng hai Châu Ô và Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên) để làm lễ cưới. Nhưng nhà Trần đòi vua Chiêm để có được Huyền Trân làm vợ, vua Chiêm phải thừa nhận địa giới Đại Việt không chỉ dừng lại ở đèo Hải Vân mà phải kéo dài đến tận bờ Bắc sông Thu Bồn (bao gồm cả Đà Nẵng, Điện Bàn, Đại Lộc hiện tại).
Năm 1306, từ Thăng Long, Huyền Trân ra đi làm vợ Chế Mân và cũng từ đấy, mảnh đất Điện Bàn ngày nay gia nhập vào bản đồ của lãnh thổ Đại Việt.
Trên vùng đất mới gia nhập vào Đại Việt từ Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn nhà Trần lập thành hai châu mới: Châu Thuận và Châu Hóa. Châu Hóa bao gồm đất Thừa Thiên, Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam ngày nay. Điện Bàn thuộc về châu Hóa của Đại Việt kể từ đời Trần.
Cùng với quá trình mở nước về phía nam, mảnh đất Điện Bàn ngày nay càng ngày càng nằm sâu trong lãnh thổ của Đại Việt. Kể từ năm 1307, hàng chục lần quân Chiêm đã quấy rối liên tục miền đất Thuận Hóa. Vì thế vào năm 1402, tướng nhà Hồ của Đại Việt là Đỗ Mãn đưa quân đánh Chiêm Thành, mở rộng lãnh thổ đến vùng Cổ Lũy (Quảng Ngãi ngày nay). Cuộc hành quân của Lê Thánh Tông vào năm 1471 chẳng những ổn định được vùng đất Chiêm Động – Cổ Lũy (nam Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay) mà còn đưa địa giới của Đại Việt đến tận núi Thạch Bi (Đèo Cả).
Tháng 6 năm Tân Mão (1471) vua Lê Thánh Tông quyết định lấy đất Chiêm Động, Cổ Lũy và phần đất mới, kéo dài đến tận núi Thạch Bi, lập nên đạo thừa tuyên Quảng Nam. Danh xưng Quảng Nam ra đời từ đấy. Nhưng lúc này các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang ngày nay vẫn chưa thuộc Quảng Nam thừa tuyên đạo mà vẫn còn là bộ phận đất đai của phủ Triệu Phong trong đạo thừa tuyên Thuận Hóa. Năm 1520 vua LÊ CHIÊU TÔNG đổi tên Quảng Nam thừa tuyên đạo thành trấn Quảng Nam. Cho đến năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, phần đất Điện Bàn vẫn thuộc phủ Triệu Phong (của Thuận Hóa). Trong thời gian đầu khi trấn nhiệm Thuận Hóa, Đoan quận công Nguyễn Hoàng vẫn giữ bổn phận đối với vua Lê, vẫn nối chí cha là Nguyễn Kim, hết lòng phò trợ triều Lê. Năm 1570 Nguyễn Hoàng được vua Lê cho lãnh trấn Quảng Nam. Tài năng và đức độ của Nguyễn Hoàng đã nhanh chóng làm cho vùng đất Thuận Quảng ổn định, tạo được cuộc sống an cư lạc nghiệp cho dân chúng. Năm 1602 thừa tuyên Quảng Nam được đổi thành Quảng Nam dinh và cũng vào năm này, lần đầu tiên Nguyễn Hoàng làm cuộc kinh lý đến núi Hải Vân. Thấy núi non hiểm trở, ông nhận xét: “Chỗ này là đất yết hầu của Thuận Quảng”. Đoan quận công vượt qua Hải Vân, xem xét hình thế và đi đến quyết định lập dinh trấn tại xã Cần Húc. "Đại Nam Thực lục Tiền Biên" của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), Nguyễn Hoàng quyết định lập dinh trấn Thanh Chiêm tại xã Cần Húc.
Trong sách “Quảng Nam qua các thời đại”, Phan Du dựa vào sự khảo sát của Phạm Đình Khiêm cho biết: “Xã Cần Húc xét ra chính là thôn Thanh Chiêm, thuộc xã Vĩnh Thọ, huyện Điện Bàn, nằm gần quốc lộ 1 ở giữa khoảng 5 km chia cách cầu Câu Lâu (sông Thu Bồn) và quận lỵ Điện Bàn”. (4-59).
Với việc thành lập dinh trấn Thanh Chiêm, vị thế của mảnh đất Điện Bàn đã được nâng cao trong quá trình lịch sử mở nước của dân tộc .
Vào năm 1604, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã thăng huyện Điện Bàn vốn thuộc phủ Triệu Phong, Thuận Hóa thành phủ Điện Bàn, thuộc về dinh Quảng Nam. Phủ Điện Bàn mới- quản lãnh năm huyện là Tân Phước, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh, Phước Châu. Dinh Quảng Nam thời các chúa Nguyễn bao gồm 4 phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa (phần đất Quảng Nam ngày nay), Tư Nghĩa (phần đất Quảng Ngãi hiện nay) Hoài Nhơn (phần đất Bình Định ngày nay). Vì vậy dinh trấn Thanh Chiêm của Quảng Nam là thủ phủ của cả bốn phủ nói trên.
Đến đầu thế kỷ XIX, sau khi đánh bại được Tây Sơn, năm 1803, vua GIA LONG lập dinh mới Quảng Nam chỉ gồm hai phủ là Điện Bàn và Thăng Hoa. Phủ Điện Bàn bao gồm hai huyện là Hòa Vang và Diên Khánh. Điện Bàn ngày nay chính là huyện Diên Khánh. Huyện Diên Khánh lúc bấy giờ gồm 7 tổng, 1 thuộc với 221 làng. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi huyện Diên Khánh thành huyện Diên Phước.
Suốt thời gian dưới triều Nguyễn, Điện Bàn là bộ phận lãnh thổ không tách rời của Quảng Nam. Năm 1834, tỉnh đường Quảng Nam được xây dựng tại làng La Qua (Vĩnh Điện hiện nay).
Từ cuối thế kỷ XIX phủ Điện Bàn (không còn gọi là huyện) mà gọi là phủ, là một đơn vị hành chánh của tỉnh Quảng Nam gồm 9 tổng với 168 xã và 14 292 suất đinh, (thời gian 1920).
Phủ Điện Bàn lúc này chính là huyện Điện Bàn ngày nay và bao gồm cả Duy Xuyên và Đại Lộc. Sang đầu thế kỷ XX, Duy Xuyên và Đại Lộc tách ra thành đơn vị hành chánh riêng. Khoảng năm 1920, tỉnh Quảng Nam bao gồm 7 đơn vị hành chánh: ba phủ (Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ) và bốn huyện (Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Hòa Vang). Dù huyện hay phủ thì cũng đều thuộc tỉnh, chỉ có điều đơn vị lớn thì gọi là phủ, còn đơn vị nhỏ thì gọi là huyện) (5-5).
Từ 1945 đến 1954, huyện Điện Bàn là đơn vị hành chánh khi thì thuộc Quảng Nam, khi thì thuộc Liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ ngày 31-7-1962, chính quyền ngụy Sài Gòn chia Quảng Nam thành hai tỉnh: Quảng Nam và Quảng Tín. Điện Bàn là đơn vị hành chánh của tỉnh Quảng Nam, (Quận Điện Bàn) (5-5). Còn với chính quyền cách mạng thì Điện Bàn có thời gian thuộc tỉnh Quảng Đà.
Sau khi Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, (30 - 4 – 1975) Quảng Nam được gọi là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng gồm thành phố Đà Nẵng, thị xã Tam Kỳ, thị xã Hội An và 14 huyện. Điện Bàn là một trong 14 huyện của Quảng Nam. Từ ngày 1- 1- 1997 khi Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam, Điện Bàn là một huyện của tỉnh Quảng Nam.