Người ta bảo Điện Bàn là vùng đất “địa linh” vì nơi ấy đã sinh thành nhiều nhà khoa bảng, nhiều anh tài, nhiều người có chí lớn, nhiều hào kiệt góp phần làm rạng danh đất nước.
Có người lại bảo, Điện Bàn là đất “địa linh” vì nơi ấy có sông biển bao la, đất đai nhiều chất, có phù sa màu mỡ. Đất trời bao la phóng khoáng như luôn mở rộng, trải dài để rồi tiếp cận với những vùng đất trù mật khác.
Đèo Hải Vân như là một sự dồn nắn bức bách, nhưng khi đã vượt qua được quãng đèo này, đất trời như mở rộng bao la giữa một biển xanh hiền hòa. Xa xa về phía Tây của Điện Bàn là núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, giàu lâm thổ sản và rừng xanh vô vàn cây lá để đến mùa mưa, những chất mùn và phù sa của cả một dải rừng miền Tây rộng lớn theo nước các dòng sông đổ về cho đồng bằng mênh mông sự phì nhiêu tươi tốt.
Tố chất văn minh trong lịch sử xưa nay thường gắn liền với sông biển và sự màu mỡ của đất phù sa: văn minh trên lưu vực Hoàng Hà, lưu vực sông Nin, lưu vực sông Hằng, lưu vực sông Ấn, và nói rộng ra - văn minh Hy Lạp, văn minh La Mã cổ đại đều như thế. Chỉ là một địa phương nhỏ của một đất nước trải dài, nhưng Điện Bàn có cả sông và biển, đất đai đa dạng, kể cả những vùng đất phù sa màu mỡ dọc sông Thu Bồn, lại được điểm xuyết bởi vùng đồi Bồ Bồ để cảnh quang thêm nhiều màu sắc…
Chẳng bao giờ có thể tách Điện Bàn ra khỏi dòng sông Thu Bồn, dòng sông đã tạo nên một Gò Nổi cực kỳ hấp dẫn không chỉ vì chất đất, về nguồn nước mà cả về cảnh quang. Đi ôtô từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ, ngang qua cầu Câu Lâu, ngước mắt nhìn về phía Gò Nổi, du khách có thể thấy mênh mang đất trời, mênh mang sông nước của một cảnh quang giàu sự sống và dồi dào sinh khí.
Trong một bài ký dài có nhan đề “Đứa con phù sa”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Trải biết bao hoạn nạn của trời đất, thế mà cái dòng chảy của sông Thu Bồn hầu như không hề thay đổi. Nhìn lên bản đồ ở quãng này, thấy ít có nơi đâu mà những dòng sông chia rồi hợp, hợp rồi chia, bao quanh một hòn đảo để tạo nên cái dáng bồng ẵm trìu mến như vậy. Gò Nổi như là một cái nôi buộc vào bốn tao nôi. Đầu phía Tây sông Thu Bồn níu lấy rặng Hòn Kẽm – Đá Dừng, sông Vu Gia rút sâu vào trong lòng núi vùng Giằng, Hiên. Đằng Đông thì hạ lưu của sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện buộc múi neo vào Cửa Đại và Cửa Hàn. Có lẽ thuật phong thủy xưa sẽ gọi nơi đây là thế đất “địa linh nhân kiệt”. Nhà văn “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân cũng đã từng viết về mạch sông Thu Bồn như một trong những cội nguồn của vùng đất “địa linh” Điện Bàn: “Ngược sông Thu Bồn đến cầu Câu Lâu, nhìn qua hướng bên phải là một dải đất rộng, nơi có những làng Phú Chiêm, Thanh Chiêm vốn rút từ Chiêm của Chiêm động ra. Thanh Chiêm đã từng đóng vai trò thứ hai của xứ Đàng Trong. Lại ngược sông nữa, bạn sẽ gặp một vùng gọi là Gò Nổi. Đây là vùng trù phú nổi tiếng về ngành dệt các mặt hàng vải, tơ lụa. Cũng vì có tơ lụa nên có những ruộng dâu xanh ngát. Các cô con gái làm nghề tầm tang quen ở trong bóng mát nên có tiếng xinh đẹp nhất. Cũng vì có dâu xanh lúa tốt, nên Gò Nổi sản xuất biết bao danh nhân lừng lẫy trong học vấn, trong chính trị, cách mạng, từ Hoàng Diệu đến Phạm Phú Thứ; từ Trần Cao Vân đến Phan Thành Tài. Riêng một họ Phan về lớp sau cũng sản sinh những Phan Khôi, Phan Thanh…” (22 – 28).
Nhưng đâu chỉ có sông Thu Bồn. Gắn với Thu Bồn còn có bao nhiêu dòng sông khác, sông đào Vĩnh Điện, sông Bàu Sấu, sông Thanh Quýt… Những dòng sông ấy như những mạch máu quyện chặt lấy đất đai, tỏa khắp trong cơ thể của các làng xã trong huyện…
Một vùng đất “có nguồn gốc phát sinh từ sản phẩm phù sa” lại được bao quanh bởi những địa danh cũng nổi tiếng trù phú như Đại Lộc, Duy Xuyên, bởi những thành phố từng có thời nổi tiếng thịnh vượng như Đà Nẵng, Hội An – Điện Bàn, vùng đất ấy chắc phải là nơi tụ hội những tinh hoa của đất trời và của lịch sử.
Nhưng “địa linh” không chỉ có từ khí thiêng của sông núi đất đai mà còn có từ mối giao hòa giữa Đất và Người. Con người là hoa của đất. Đất nuôi sống và nhào nặn con người. Con người bám chặt vào đất để làm nên lịch sử. Đất nuôi người và người làm cho đất giàu sinh khí. Từ trong chiều sâu của lớp lớp phù sa và những chất đất pha cát pha màu, từ những mạch nước trong lành chảy sâu trong lòng đất, từ bầu trời và những địa hình khoáng đạt mênh mông, trong sự giao thoa giữa văn minh Đại Việt và văn minh Chăm Pa bằng công gây dựng, khai phá mở nước về phía nam thuở ban đầu, thiên nhiên ấy, lịch sử ấy đã hun đúc cho người Điện Bàn có những tố chất quý giá: làm nhiều, suy nghĩ nhiều, triệt để trong mọi việc, bộc trực trong ứng xử, chan hòa cởi mở trong giao tiếp, dũng mãnh trong mọi thử thách và bền bĩ trong lao động… Những tố chất ấy đã tạo nên những đồng lúa bát ngát ngày càng màu mỡ phì nhiêu, những loại cây trồng mang lại nhiều lợi lộc như dâu tằm, thuốc lá, đậu phụng, bông vải với những làng thủ công nổi tiếng... góp phần tạo dựng một dinh trấn Thanh Chiêm làm thủ phủ của xứ Đàng Trong, một cái nôi để chữ quốc ngữ ra đời… Những tố chất ấy không chỉ tạo dựng được một vùng đất trù phú về kinh tế, phong phú về văn hóa mà còn góp phần vào sự thịnh vượng của Hội An, Đà Nẵng - những địa danh láng giềng của Điện Bàn - Những tố chất ấy góp phần sinh thành các “nhân kiệt”…
Mảnh đất “địa linh” - phải là một mảnh đất trù phú - một sự trù phú cũng do Đất và Người tạo nên. Điện Bàn là một mảnh đất trù phú: trù phú về kinh tế, giàu có về văn hóa và học vấn; trù phú về nhân tài và các danh nhân, trù phú về truyền thống lao động sản xuất và truyền thống yêu nước. Chưa kể cả huyện, chỉ kể riêng một xã như xã Điện Quang mà đã có biết bao nhiêu nhân tài và danh nhân từ nhiều tộc họ khác nhau: họ Phan, họ Trần, họ Lê, họ Hoàng…
Trong sự giao hòa giữa Đất và Người, giữa khí thiêng sông biển và chất người lao động cần cù, năng động tư duy, cùng với sự trù phú của lịch sử, Điện Bàn là đất “Địa linh”. Xưa cũng vậy, mà nay cũng vậy.
1. Văn hóa và học vấn.
Văn hóa do con người tạo nên nhưng đó là những con người có mối quan hệ sâu sắc với cội nguồn và cũng có mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên. Văn hóa của con người từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào không thể tách rời với cội nguồn Đại Việt, lại cũng không thể tách rời với điều kiện thiên nhiên, môi trường lao động, sinh sống mới và cũng không thể không tính đến những mối quan hệ với văn hóa Champa.
Tản Đà từng có câu thơ về sự ngỡ ngàng khi qua đèo Hải Vân:
Hải Vân đèo lớn vừa qua
Mưa xuân thoắt bỗng đổi ra nắng hè.
Đúng là chỉ cách nhau có một ngọn đèo mà thiên nhiên và khí hậu đã có nhiều khác biệt. Kể từ thế kỷ XIV trở đi, ở phía Nam của đèo Hải Vân – cụ thể là trên miền Đất Quảng (trong đó có Điện Bàn) người Việt vẫn nói tiếng Việt, gắn liền với cú pháp tiếng Việt, với sự phong phú và tinh tế của ngôn từ tiếng Việt nhưng giọng nói và âm điệu của ngôn từ thì có khác. Nó không còn mềm dịu, ngọt ngào như tiếng nói của người ở Đàng Ngoài mà đã có sự “phân biệt rõ rệt, dứt khoát, thậm chí “quyết liệt” giữa thanh này với thanh kia, nhiều khi đến thô và mạnh. Với giọng Quảng Nam, khi tuyên đọc các văn bản quan trọng, không thể không có sự nhầm lẫn nào. Và khi cần tuyên cáo các văn kiện quan trọng thì giọng nói ấy có sức vang và uy lực mạnh, xa, dù cho hàng vạn người cùng nghe”. (18-183)
Qua phía Nam đèo Hải Vân, người Việt vẫn sâu sắc với ý thức dân tộc, ý thức “Đại Việt”, ý thức mở nước. Đó chẳng những là ý thức của các tướng lĩnh, quan lại được triều đình ủy thác, của những người có nhiều hiểu biết mà cũng là ý thức chung của đa số. Dẫu là trong số người đã rời quê hương miền Bắc ra đi chưa thể nào nguôi quên nhiều nỗi bất công vốn có trong lòng chế độ phong kiến, nhất là ở các thời kỳ suy vong, khủng hoảng, nhưng trong dòng máu và trong suy nghĩ của họ vẫn thường trực một ý thức dân tộc mạnh mẽ. Trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, những vấn đề xã hội dù có gay gắt cũng chẳng thể lấn át, làm phai nhòa ý thức về quyền sống còn và sự phát triển của dân tộc.
Trên vùng đất nước ở phía Nam đèo Hải Vân, người Việt di cư gắn bó chặt chẽ với tộc họ của họ, những tộc họ có cội nguồn từ Cao Bằng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Các tộc họ ở các địa phương trên đất Điện Bàn ngày nay đều có từ đường của tộc, phái, chi để thờ lịch đợi tổ tiên. Trong các làng thường có đình, miếu thờ tiền hiền, thần hoàng, phần lớn là những người đầu tiên từ Đàng Ngoài vào tổ chức việc khai khẩn, lập làng, lập ấp. Rất nhiều địa danh mới xuất hiện trên đất Điện Bàn ngày nay đều có mối liên hệ với các từ địa danh ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương. Tưởng nhớ tổ tiên sâu sắc, ý thức rõ về cội nguồn là nét đặc trưng văn hóa lớn của cư dân người Việt trên đất Điện Bàn nói riêng và Quảng Nam nói chung.
Văn hóa của người Việt phía Nam đèo Hải Vân trên đất Quảng Nam vẫn giữ gốc là văn hóa Đại Việt nhưng đã được bổ sung thêm những giá trị mới từ nền văn hóa Chiêm Thành.
Người Việt đã nhanh chóng hòa nhập (chứ không phải đồng hóa) và học được rất nhiều thành quả của người Chăm.
Về phương diện văn hóa vật chất người Việt đã học được của người Chăm một số kỹ thuật sản xuất như chế biến những chiếc cày chắc và khỏe, cho phép chỉnh góc và cày sâu. Trong văn hóa ẩm thực, người Việt học được từ người Chăm trong việc chế biến một món ăn quan trọng là mắm. “Trong lịch sử lâu đời, người Chăm đã đạt đến một “khoa học” và một nghệ thuật ăn cá có lẽ vào loại tuyệt đỉnh: chế biến thành mắm. Một trong những đặc điểm của món mắm là nó thích hợp với mọi đối tượng trong xã hội, từ người nghèo khổ đến bậc vương giả”. (18-182)
Có thể tìm thấy ảnh hưởng của Champa in khá đậm lên giọng nói và cả trong từ vựng của người Việt trên vùng đất cũ Amaravati của Chiêm Thành. Ảnh hưởng của Champa đối với văn hóa người Việt còn thể hiện trong âm nhạc qua các điệu Bài Chòi, Bá Trạo, điệu Lý, điệu Hò. (18-182,183).
Ảnh hưởng của Champa trong một số nét thuộc đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Việt từ phía Nam đèo Hải Vân vào đến Bắc sông Thu Bồn là có thật. Nhưng còn có một sự thật khác, đó là người Việt không tiếp nhận nguyên xi những giá trị của văn hóa Champa mà có lựa chọn, biến đổi và cải tiến dưới tác động của các giá trị văn hóa Đại Việt. Ngoài các di tích thuộc văn hóa Champa như tháp Bằng An, phế tích Lạc Thành, bi ký Champa, trên đất Điện Bàn còn có những công trình kiến trúc nổi tiếng như thành tỉnh La Qua, đình La Qua, nhiều đình chùa với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, mang đậm màu sắc kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Rất tiếc là phần lớn những công trình kiến trúc có giá trị như thế đã bị chiến tranh tàn phá và nay không còn như xưa.
Điện Bàn là đất của nhiều danh nhân. Vì thế nói đến các di tích lịch sử và văn hóa còn có thể kể đến các mộ chí của các danh nhân đã được xây dựng, trùng tu khang trang và bề thế như mộ Hoàng Diệu, Lê Đình Dương, Phạm Phú Thứ, Phạm Tuấn trên đất Gò Nổi, mộ Trần Quý Cáp, Mai Dị ở Điện Phước, mộ Trương Công Hy ở Điện Thắng, mộ Phan Thành Tài ở Vĩnh Điện...
Đất Điện Bàn cũng là nơi tọa lạc của Khổng Tử miếu Quảng Nam. Đền thờ Khổng Tử có tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng ý nghĩa của việc thờ Khổng Tử thì có sự nhận thức khác nhau của con người.
Với vua chúa phong kiến, học thuyết Khổng Tử với đạo Tam cương (thờ vua, thờ cha, thờ chồng) giúp họ duy trì được ngai vàng của thiên tử, hoàng đế, ngôi vua. Nhưng với các bậc tri giả thì thờ Khổng Tử là thờ một nhà văn hóa lớn, một nhà giáo dục. Thờ Khổng Tử cũng có nghĩa như đề cao sự học, “nêu cao gương hiếu học của cổ nhân và sự kiên tâm trì chí của người học đạo, nêu cao đạo đức hiếu nghĩa”. (21-280). Theo sách của Toan Ánh thì “Khổng miếu tỉnh Quảng Nam ngay từ thời Gia Long được xây dựng ở phía Tây xã Câu Nhi thuộc huyện Diên Phước (Điện Bàn) dưới tên gọi là Văn miếu. Nhưng chẳng bao lâu phía Tây xã Câu Nhi bị nước sông xói lở, Văn miếu được dời về phía Đông, rồi cũng chẳng bao lâu lại bị xói lở lần nữa. Đến năm Minh Mạng thứ VI, Văn miếu được dời đến làng Thanh Chiêm.
Trong thời kỳ chiến tranh, lúc diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp (1947) khi quân Pháp kéo đến Vĩnh Điện, Văn Miếu bị tàn phá. (21-377)
Nhân dân Điện Bàn đã giữ gìn và phát huy được những phong tục tập quán và lễ hội của dân tộc như tục thờ Thành hoàng, tiền hiền, tổ tiên, tưởng nhớ những người có công với đất nước, với làng qua lễ tết Nguyên Đán, lễ hội Thanh Minh, lễ tế Âm linh. Trên đất Điện Bàn trước Cách mạng 1945 cũng từng có lễ Hạ điền với ý thức cầu mong mùa màng tươi tốt. Nhưng giai cấp phong kiến cũng đã lợi dụng lễ hạ điền để đề cao họ. Lễ hạ điền cuối cùng ở Điện Bàn trước Cách mạng tháng tám được tổ chức ở đình La Qua vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch (25-2-1945). Lễ hạ điền lần ấy do bố chánh Quảng Nam là Nguyễn Tiến Lãng trực tiếp chủ trì.
Kho tàng văn học dân gian Điện Bàn khá phong phú với các truyện kể, ca dao, dân ca, các điệu hát hò khoan, hát ru con, hát bài chòi, hò chèo thuyền, ca xuân, hát sắc bùa…
Từ trong nhiều loại hình văn học dân gian khác, như truyện kể, truyện cười, các điệu hò – hát, còn có thể hiểu thêm được nhiều điều thú vị về đất và người của Điện Bàn.
Nghệ thuật tuồng (hát bội) vốn đề cao chính nghĩa, ca ngợi hiếu, trung, tiết nghĩa, thiện thắng ác, ân oán phân minh cũng là loại hình nghệ thuật rất được người Điện Bàn ưa thích. Quê hương Điện Bàn đã sinh thành được những nghệ sĩ bậc thầy của nghệ thuật hát tuồng như Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Lai, Phó Phẩm, Đội Tảo…(20-19).
Từ xa xưa Điện Bàn có mầm mống của một vùng “đất học” và cùng với sự mở mang, khai triển, phát triển kinh tế… là sự phát triển của trí tuệ, sự phát triển của học vấn.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn phần nói về Quảng Nam cho biết dưới thời các Chúa Nguyễn nhiều thí sinh của Quảng Nam đã đỗ đạt tại các kỳ thi do các chúa Nguyễn tổ chức(*) để chọn người làm việc trong bộ máy chính quyền. Trong số này thuộc huyện Diên Phước (Điện Bàn ngày nay) có Nguyễn Quang Lộc, Phạm Hữu Kính, Phan Phước Ân… Trương Công Hy người Điện Bàn sinh năm Đinh Mùi (1727) đỗ Hương Cống thời chúa Nguyễn và đã làm quan dưới triều đại Tây Sơn đến chức thượng thư bộ binh trấn nhiệm Khâm sai Đại thần Quảng Nam.
Thời các chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong tuy có thi cử nhưng do tổ chức chưa đều và quy chế chưa chặt chẽ nên hệ thống học vị cũng chưa rõ ràng. Xứ Đàng Trong nói chung chỉ thực sự hòa nhập vào guồng máy giáo dục và thi cử của cả nước do Triều Nguyễn tổ chức. Từ năm 1813, Triều Nguyễn mở hai Trường thi ở xứ Đàng Trong cũ, đó là trường Quảng Đức (dành cho sĩ tử từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ngày nay) và trường Gia Định (dành cho sĩ tử từ Ninh Thuận đến miền cực Nam của đất nước ta hiện nay).
Năm Kỹ Mão (1819), trường Quảng Đức đổi tên gọi là trường Trực Lệ và năm Ất Dậu (1825) lại đổi là trường Thừa Thiên. Tên gọi “Trường Thừa Thiên” được giữ mãi cho đến ngày chấm dứt nền thi cử Nho học ở nước ta. Sĩ tử của Điện Bàn (Diên Phước) thời Triều Nguyễn tham gia các khóa thi ở trường Thừa Thiên. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần trong một bài viết “Đất quê Phạm Phú Thứ: Đất học” thì trong thời gian tồn tại (1813-1918), trường Thừa Thiên đã tổ chức tất cả 41 khoa thi, lấy đỗ trước sau tổng cộng 1250 vị cử nhân (chưa tính số người đỗ tú tài). (19-6).
Dựa theo “Quốc Triều Hương khoa lục” của Cao Xuân Dục, có thể biết được khá cụ thể các nhà khoa bảng từ huyện Diên Phước (Điện Bàn).
Trong số 1250 người đỗ cử nhân của trường Thừa Thiên, có 193 người của Diên Phước (Điện Bàn). Số 1157 người còn lại là của Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, các huyện khác của Quảng Nam, của Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa(*). Có một số sĩ tử ở Đàng Ngoài được gửi đến dự thi ở trường Thừa Thiên. Như vậy có thể thấy số sĩ tử của Diên Phước chiếm một tỷ lệ rất cao trong số người đỗ so với các địa phương khác.
Sĩ tử Diên Phước không những đỗ nhiều mà còn đỗ cao. Trong số 193 người của Diên Phước có 26 người đỗ từ hạng 1 đến hạng 10, có 29 người đỗ từ hạng 11 đến hạng 20, có 29 người đỗ từ hạng 21 đến hạng 30, có 9 người đỗ hạng dưới 31.
Phạm Phú Thứ đỗ thủ khoa năm Nhâm Dần (1842) và Phạm Liệu đỗ thủ khoa năm Giáp Ngọ (1894).
Có hai vị đỗ Á khoa là Phạm Hữu Nghi (khoa Tân Tị - 1821) và Nguyễn Tường Vĩnh (khoa Đinh Dậu – 1837).
Sau khi chính thức đỗ cử nhân trường Hương, các sĩ tử tham gia các khoa thi Hội tổ chức ở Kinh thành Huế. Đất Diên Phước có 12 người đỗ từ phó bảng trở lên. Có bảy vị đỗ phó bảng là Phạm Hữu Nghi (*), Nguyễn Tường Vĩnh (*), Nguyễn Duy Tự, Hoàng Kim Tích (Hoàng Diệu), Nguyễn Duy Hiệu, Phạm Hữu Dụng, Ngô Truân (Ngô Chuân – Ngô Lý). (19 -9).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, đất Diên Phước có các vị đỗ tiến sĩ là Nguyễn Tường Phổ, Phạm Phú Thứ, Phạm Như Xương, Phạm Trọng Tấn, Phạm Liệu. (19-9). Ngoài ra còn phải kể đến Trần Quý Cáp, đỗ tiến sĩ năm 1904.
Gò Nổi là vùng đất có truyền thống học hành nổi tiếng. Thời Hán học dưới triều Nguyễn, riêng vùng đất hiện nay là xã Điện Quang có đến 33 vị đậu cử nhân và tiến sĩ. (Phi Phú có 1 cử nhân; Vân Ly có 1 cử nhân; Na Kham có 4 cử nhân; Xuân Đài có 7 cử nhân và 1 tiến sĩ, riêng Bảo An có đến 17 cử nhân và 2 phó bảng). (19-87).
Có gia đình có truyền thống khoa bảng. Chẳng hạn như Phạm Phú Thứ đỗ đầu khoa thi Hương năm Nhâm Dần (1842) và đỗ khoa thi Hội năm Quý Mão (1843), thì anh ruột của ông là Phạm Tân Hồng cũng đỗ cử nhân tại trường Thừa Thiên Khoa Quý Mão (1843), cháu gọi ông là chú ruột – Phạm Phú Lâm - con của ông Phạm Tân Hồng đỗ cử nhân tại trường Thừa Thiên, khoa Mậu Thìn năm 1868, và Phạm Phú Tiết – cháu nội của Phạm Phú Thứ đỗ cử nhân tại trường Thừa Thiên khoa Nhâm Ngọ (1918) – khoa thi Hương cuối cùng của lịch sử Nho học Việt Nam.
Người Quảng Nam gọi khoa thi Mậu Tuất (1898) là “Khoa ngũ phụng tề phi” hay “ Ngũ phụng Quảng Nam”. Khoa thi năm ấy, Quảng Nam có năm người cùng thi đỗ: có ba người đỗ tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn; có hai người thi đỗ phó bảng là Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.
Trong số năm vị nói trên có bốn vị là người Diên Phước (Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến). Các bậc tú nho, lão nho ở địa phương cho rằng đó là do tú khí của núi sông sở tại.
“Văn từ phủ” toạ lạc tại làng Đông Bàn (xã Điện Trung) là một biểu tượng đẹp của đất học Diên Phước. Văn từ phủ hiện nay không còn nữa, chỉ còn lại mấy đống gạch vụn nhưng nhờ ba tấm bia còn lưu giữ được tại sân Bảo tàng Điện Bàn nên chúng ta có thể hiểu được phần nào ý nghĩa và mục đích của việc xây dựng Văn từ Phủ
Căn cứ vào tấm bia nói trên có thể biết Văn từ Phủ được xây dựng vào năm 1873.
Tấm bia thứ nhất được dựng vào ngày 25 tháng giêng năm Tự Đức thứ 26 (1873), sau ngày dựng Văn Từ Phủ 20 ngày. Nội dung văn bia cho biết có một viên quan của triều đình gốc Quảng Trị trấn nhiệm ở đất Diên Phước là Nguyễn Văn Hiến nhận thấy Diên Phước là đất học, có nhiều người hiền tài nên đã phát động việc xây dựng và dựng văn bia Văn Từ Phủ trên đất Điện Bàn. Lời phát động có câu: “Đây là một sự thịnh vượng của huyện ta, quý vị quân tử phải đi hàng đầu, chịu hao tốn lương bổng mà làm cho nên việc”.
Các nhà khoa bảng, giới kỳ mục, tổng lý trong huyện hưởng ứng việc xây dựng Văn Từ Phủ đã vui vẻ góp tiền của, công sức.
Văn Từ Phủ được xây dựng trên đất Đông Bàn, trước đền là sông lớn phía sau là núi Trà Kiệu, “trên một