Ngay từ thời chúa Nguyễn, Điện Bàn đã góp anh tài để xây dựng đất nước. Dưới thời Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát (nửa đầu thế kỷ 18), Phạm Hữu Kính, người huyện Diên Phước, tuổi nhỏ đã có khí phách, học rộng kinh sử, đi thi Chính đồ tại Phú Xuân trúng cách, đổ cả Hoa văn thư thiếp, được bổ giáo chức, sau chuyển sang trấn phủ Nha Trang. Ông là người giỏi xét đoán, phát hiện nhiều việc gian, tìm ra được những điều ẩn kín, được nha lại và nhân dân rất kính phục. Khi mất ông được triều đình truy thăng chức Tham nghị. (23)
Trương Công Hy (Thanh Quýt - Điện Thắng) sinh năm 1727 và mất năm 1800. Ông đỗ Hương cống thời chúa Nguyễn và tham gia phong trào Tây Sơn – vương triều Thái Đức, làm tri phủ Điện Bàn. Dưới vương triều Quang Trung và vương triều Cảnh Thịnh, ông được triều đình cử làm Thượng thư bộ binh, trấn nhiệm khâm sai đại thần Quảng Nam. Hiện nay mộ phần của Trương Công Hy đã được tôn tạo tại xã Điện Thắng. Tại khu mộ có câu đối:
Chánh tính vạn niên thùy vũ trụ;
Nhân ân thiên tứ di tôn chỉ.
(Đã làm việc lớn vạn năm, phải có cặp mắt bao trùm vũ trụ; Cơm vua lộc nước, ngàn năm cũng không đổi dạ thay lòng). (24)
Nhiều người Điện Bàn làm quan dưới triều Nguyễn và để dấu lại ấn đẹp đẽ nhất trong lịch sử có Phạm Phú Thứ và Hoàng Diệu.
Phạm Phú Thứ (1820 – 1883) người xã Đông Bàn (Điện Trung ngày nay), làm quan tới chức Thượng thư Bộ Hộ sung Thương chính đại thần. Khi thực dân Pháp nổ súng đánh vào Đà Nẵng năm 1858, ông đứng về phía chủ chiến, khẳng định phận làm trai phải đánh giặc cứu nước.
Ông cũng là người có hoài vọng vươn tới sự canh tân đất nước. Sau chuyến đi sứ sang Pháp (1863), có dịp qua nhiều nước Châu Âu, tận mắt chứng kiến những thành tựu khoa học vĩ đại của nhiều nước, trở về ông đã dâng sớ xin canh tân, cải cách nhưng không được triều đình Tự Đức chấp nhận. Phạm Phú Thứ là người có tài đức, nặng lòng vì nước vì dân nhưng do thời cuộc, ông không thực hiện được mộng “đánh được giặc – báo quân vương”.
Sử sách viết nhiều về thân thế và sự nghiệp của Hoàng Diệu (1829 - 1882), người con đất Quảng, được triều đình Huế giao trọng trách bảo vệ thành Hà Nội. Ngày 25-4-1882, ông chỉ huy quân sĩ triều đình chiến đấu dũng mãnh, nhưng vẫn không giữ được thành. Để giữ tròn khí tiết, nêu gương tiết nghĩa, ông đã tự vẫn sau khi viết tờ di biểu gửi triều đình Tự Đức.
Nguyễn Thành Ý (1820-1897) người Túy La, sang ngụ cư ở làng Bất Nhị (Điện Phước) được triều Nguyễn thời Tự Đức giao nhiều trách nhiệm quan trọng, mặc dù không đỗ đại khoa. Trong những trách nhiệm được giao, có thời gian ông thay mặt triều đình làm lãnh sự ở Sài Gòn. Ông tận tụy với chức vụ, ngày đêm quan tâm đến vận nước, có tài ngoại giao, khôn khéo trong công việc giao thiệp để bảo vệ thể thống của quốc gia.
Hoàng giáp Phạm Như Xương làm đốc học dưới triều Nguyễn thời Tự Đức. Khi giặc Pháp xâm lược nước ta, Phạm Như Xương tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp và đã hy sinh. Có tài liệu cho biết ông đã bị triều đình Huế đục tên khỏi bia tiến sĩ.
Trần Quý Cáp (1870-1908) là đại biểu xuất sắc của Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX. Ông tham gia phong trào Duy Tân với một tấm lòng yêu nước, yêu dân sâu sắc. Chính quyền đế quốc phong kiến căm ghét ông và lấy cớ là ông đã cổ vũ phong trào chống thuế năm 1908, đã đưa ông ra chém tại chợ Diên Khánh ở Khánh Hòa lúc ông mới 37 tuổi. Uất ức trước sự kiện này, Phan Sào Nam (Phan Bội Châu) viết trong “Bài văn tế cụ Thai Xuyên “Trần Quý Cáp: “Ông chết vì tội gì? Chỉ có một tội: chính cái tội ông là người mất nước!”.
Tham gia phong trào Duy Tân ở Quảng Nam còn có Phan Thúc Duyện (1873 - 1944) người Phong Thử (Điện Thọ).
Hội thương Phong Thử do Phan Thúc Duyện chủ trương và điều hành nằm ở gần Sông Bàu Lớn thuộc làng Phong Thử. Hoạt động theo khuynh hướng Duy Tân của Phan Thúc Duyện không làm cho đế quốc – phong kiến hài lòng nên chúng đã bắt ông đưa đi đày ở Côn Đảo với tội “Mưu làm giặc mà chưa làm”. (26-188)
Mai Dị (1880-1928) cũng là chiến sĩ của phong trào Duy Tân. Ông tham gia dạy học tại Nghĩa Thục Diên Phong. Năm 1908 ông bị đế quốc bắt giam ở nhà lao Hội An.
Phong trào nối tiếp phong trào trên đất Quảng Nam. Sau khi Phong trào Duy Tân và Phong trào chống thuế bị đàn áp dã man là cuộc vận động khởi nghĩa lật đổ sự thống trị của thực dân Pháp, có nhà vua trẻ tuổi Duy Tân tham gia vào năm 1916.
Nếu Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Mai Dị là những chiến sĩ đích thực của phong trào Duy Tân thì Trần Cao Vân, Lê Đình Dương, Phan Thành Tài (chỉ nói riêng ở Điện Bàn) là những nhân vật ưu tú của tổ chức Việt Nam Quang Phục hội trong cuộc vận động khởi nghĩa năm 1916.
Cuộc khởi nghĩa được chuẩn bị công phu nhưng do bị bại lộ nên đã thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp rất dã man. Trần Cao Vân (1866-1916) cùng với Thái Phiên đứng đầu trong việc tổ chức cuộc khởi nghĩa đã bị kẻ thù xử chém tại An Hòa (Huế) ngày 17-5-1916. Trước lúc đầu rơi dưới tay đao phủ, Trần Cao Vân còn dõng dạc đọc thơ:
Trời chung không đội với thù Tây
Quyết trả ơn vua nợ nước này
Một mối ba giềng xin nguyện giữ
Thân dù thác xuống rạng đài mây…
Trong cuộc vận động khởi nghĩa năm 1916, Phan Thành Tài (1878-1916) được giao nhiệm vụ cùng với Đỗ Tự, Ông Văn Long sử dụng lực lượng đã được chuẩn bị, phối hợp với Đà Nẵng để quyết chiếm cho được Đà Nẵng. (25-554).
Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, “Phan Thành Tài thoát được, chạy lên chiến khu Hiên – Giằng, nhưng một thời gian lâu sau cũng bị bắt giải về Vĩnh Điện. Khi thuyền xuôi về đến Cồn Rùa cách Bến Đường khoảng nửa cây số, vợ ông là Bùi Thị Hậu ra gặp, ông dặn dò việc gia đình rồi trao cho bà một bài thơ như một lời di mệnh đầy khí tiết, đến nay nhiều người vẫn còn thuộc:
Con còn bụng mẹ, cha đà mất
Con bước vào đời nước đã suy
Thù nhà, nhục nước con nên biết
Chẳng đội trời chung, chữ ấy ghi.
Ngày 9-6-1916 ông bị thực dân Pháp xử chém tại Vĩnh Điện trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí”. (27)
Lê Đình Dương (1893-1919) – y sĩ Đông Dương, anh ruột bác sĩ Lê Đình Thám là người tiên phong gia nhập Việt Nam Quang Phục hội với cương vị nòng cốt. Trong quá trình chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, Đại hội lần thứ II của tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội tại Huế (3-1916) đã bầu ông làm Tổng trấn Quảng Nam sau khi cuộc khởi nghĩa thành công và giao nhiệm vụ do ông trực tiếp chỉ huy lực lượng đánh Pháp ở Hội An. Cuộc khởi nghĩa bất thành. Lê Đình Dương bị sa vào lưới giặc. Không thể nào mua chuộc được, thực dân Pháp đã lưu đày ông đi Khánh Hòa rồi Buôn Mê Thuột. Sự tàn bạo của nhà tù thực dân đã làm cho Lê Đình Dương bị bệnh nặng. Ông tự vẫn trong nhà tù năm 1919, lúc mới 26 tuổi.
Từ sau khi Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, nhiều người Điện Bàn đã gia nhập hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và đến năm 1930 đã có mặt trong lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam như Phạm Thâm, Phan Bôi, Nguyễn Thành …()
Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), trên chính trường lịch sử của đất nước đã có những danh nhân Điện Bàn đóng giữ các vai trò tích cực như Phan Thanh – người chiến sĩ cách mạng rất xuất sắc trong cuộc đấu tranh nghị trường công khai vì sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, như bà Lê Hằng Phương, người phụ nữ Gò Nổi đã cùng tham gia với Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp cùng nhiều học giả nổi tiếng của đất nước như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Kỷ, Đặng Thai Mai sáng lập Hội Truyền bá quốc ngữ - một tổ chức văn hóa giáo dục nằm trong quỹ đạo vận động cách mạng của đất nước.
Trong quãng thời gian 15 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến Cách mạng tháng 8 - 1945, có những người con của Điện Bàn đảm nhiệm nhiều trọng trách của tỉnh Quảng Nam như ông Nguyễn Trác (Điện Hòa) vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930, từng tham gia Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Đà Nẵng. Ông Nguyễn Xuân Nhĩ (1912-1983) người xã Điện Hòa đã tham gia tỉnh ủy Quảng Nam (1938-1939) và trong mùa thu Cách mạng tháng 8-1945 đã đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng.
Trên mặt trận cứu nước, chỉ kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858) cho đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945) đã có những người con ưu tú của Điện Bàn góp những trang sử vẻ vang trong pho sử vàng của lịch sử dân tộc. Họ “thà chết vinh còn hơn sống nhục”, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, không quản ngại khó khăn, chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Hoàng Diệu sống chết với thành Hà Nội, Trần Quý Cáp từ bỏ công danh, dấn thân vào phong trào Duy Tân để rồi khẳng khái hy sinh, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài… đã chiến đấu tới giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương, trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất Điện Bàn đã sinh thành cho đất nước nhiều người con anh hùng, ưu tú đậm màu sắc huyền thoại.
Và không chỉ có những người thuộc “giới mày râu” mà có nhiều người thuộc phái “đào tơ liễu yếu” cũng góp phần làm rạng danh vùng đất Điện Bàn
Sách vở đã từng kể về Phạm Lam Anh - nữ thi sĩ đầu tiên của đất Quảng. Bà sinh khoảng nữa đầu thế kỷ XVIII tại huyện Diên Phước (nay thuộc huyện Điện Bàn), nổi tiếng giỏi văn chương từ thuở nhỏ. Thơ của bà ca ngợi Khuất Nguyên, Kinh Kha, viết về Hàn Tín (ba bài thơ chữ Hán). Bài thơ “Vịnh cảnh gần sáng”, bà viết bằng chữ Nôm. Ca ngợi tài thơ của nữ sĩ Phạm Lam Anh, nhà khoa bảng Phạm Liệu viết:
“Trong giới nữ lưu từ trước đến giờ không có ai thơ hay bằng bà Phạm”.
Nữ sĩ Hằng Phương có tên thật Lê Hằng Phương là danh nhân thi sĩ trước 1945 được cả nước biết tiếng. Hằng Phương là cháu ngoại của ông phó bảng Phan Trân. Từ năm 1929, bà đã có thơ đăng báo. Hằng Phương sáng tác thơ liên tục. Hoài Thanh khen thơ Hằng Phương có giọng thành thực. Cùng với Phan Thanh và nhiều trí thức Hà Nội, bà đã tham gia thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ cho đất nước trước năm 1945.
Danh nhân - hào kiệt Điện Bàn hiện diện ở khắp các mặt trận và trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác nhau của đất nước.
Trên mặt trận chính trị, giành lại nước đã mất tiêu biểu có Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Mai Dị, Phan Thanh, Phan Bôi…
Trên mặt trận cải cách, canh tân đất nước tiêu biểu có Phạm Phú Thứ, Trần Quí Cáp, Phan Thúc Duyện…
Trên mặt trận ngoại giao có Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Thị Bình...
Trên mặt trận giáo dục có những nhà giáo tiêu biểu như Phạm Như Xương, Trần Quý Cáp.
Trong lĩnh vực báo chí có Lương Khắc Ninh, Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Phan Thao…
Văn nhân - thi sĩ người Điện Bàn có Phạm Lam Anh, Phạm Hầu…
Nghiên cứu học thuật có nhà nghiên cứu Phật giáo Lê Đình Thám, nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Kỵ, Lê Trí Viễn. Xuất sắc trên mặt trận khoa học có các nhà Toán học Hoàng Tụy, Ngô Việt Trung…
Nổi tiếng trong nghệ thuật tuồng có Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ, Phạm Phú Tiết.
Trong lĩnh vực y học có những thầy thuốc vừa có đức vừa có tài như Lê Đình Thám, Lê Đình Dương…
Thông qua hình ảnh các danh nhân, chí sĩ, có thể nghĩ đến tài hoa và khả năng trí tuệ của người Điện Bàn.
Hầu hết các danh nhân chí sĩ Điện Bàn đều là những người học giỏi, đỗ đạt cao.
Trong số 6 người thuộc “Lục phụng tề phi” (những người nổi tiếng đem học vấn của mình để phụng sự đất nước của tỉnh Quảng Nam), theo suy nghĩ của học giả Nguyễn Văn Xuân, có đến ba người Điện Bàn: tiến sĩ Phạm Phú Thứ, tiến sĩ Trần Quý Cáp, Hoàng Giáp Phạm Như Xương.
Theo giáo sư Hoàng Châu Ký thì đất học Quảng Nam phải gọi là “Đa phụng tề phi” vì có những người đỗ đạt cao lúc còn rất trẻ: Phạm Phú Thứ đỗ tiến sĩ lúc 23 tuổi, Phạm Liệu lúc 25 tuổi, Hoàng Diệu đỗ cử nhân lúc 20 tuổi và đỗ phó bảng lúc 26 tuổi… Có tài liệu sắp xếp Phạm Như Xương, Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Trần Quý Cáp thuộc hàng “Tứ Hổ” của đất học Quảng Nam.
Phạm Phú Thứ trong khi làm quan đã rất có ý thức vận dụng trí tuệ của mình để cống hiến cho đất nước. Ngoài các bản sớ đề nghị canh tân như chọn những thanh niên tuấn tú cho xuất dương du học, chỉnh đốn võ bị, hậu dưỡng quan binh, kết thân với các cường quốc, đặt lãnh sự ở Hương Cảng…, Phạm Phú Thứ - với mục đích phổ cập kiến thức khoa học-kỹ thuật phương Tây – còn là tác giả của các sách như “Bác vật tân biên” (nói về khoa học vật lý); “Khai môn yếu pháp” (phương pháp khai mỏ), “Hoàng hải kim châm” (chỉ dẫn về kỹ thuật hàng hải), “Vạn quốc công pháp” (Luật lệ giao thông quốc tế). Quyển sách “Nhật ký đi Tây” của ông là tác phẩm được nhiều nhà sử học và dân tộc học ở nước ta rất yêu thích. Tương truyền kiểu xe nước do trâu kéo một thời được thông dụng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi là do ông vẽ kiểu xe nước do bò, ngựa kéo ở Ai Cập mang về phổ biến ở Đất Quảng.
Mặc dù đã thành công vẻ vang trong lối học cử nghiệp, Trần Quý Cáp lại hô hào bỏ lối học cũ để theo đuổi tân học.
Ông diễn thuyết, rước thầy dạy chữ Pháp ngay tại trường mình dạy, đặt ra nhiều thơ ca để cổ động việc duy tân học vấn. Theo đuổi tân học bởi vì với ông, học không phải để vinh thân phì gia mà là để phụng sự quốc gia, dân tộc.
Trần Quý Cáp chỉ ra sự vô dụng của kiểu học từ chương cốt để có “công danh”, “phú quý” mà không thực sự hiểu biết, không thực sự có ích cho nước, cho dân.
Trần Cao Vân là chiến sĩ yêu nước từng vào sinh ra tử nhưng có lúc ông đã sống như một đạo sĩ, khảo cứu kinh dịch và xây dựng thuyết “Trung Thiên dịch” mà ông truyền giảng đến độ trong “mỗi nhà ở Bình Định – Phú Yên đều có treo một tờ giấy viết sáu chữ, giữa “Trung thiên”, tả “Tiên Thiên”, hữu “Hậu Thiên” để hằng ngày chiêm ngưỡng. (30-156).
Phân tích các di cảo của Trần Cao Vân, có học giả lý giải về tam tài “Thiên-Địa-Nhân” trong chủ thuyết của Trần Cao Vân như sau: Dịch “Tiên Thiên” đặt chú ý vào Thiên (Trời). Dịch “Hậu Thiên” đặt chú ý vào Địa (Đất). Dịch Trung Thiên của Trần Cao Vân đặt ngôi Nhân (Con người) vào trung tâm, xem đó là trung điểm của vòng dịch, điểm đồng quy của Đất-Trời. (30-153).
Về “Trung Thiên dịch” của Trần Cao Vân, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thổ lộ những suy nghĩ của ông trong tác phẩm: “Con của phù sa”: “Trung Thiên dịch” – tác phẩm triết học của Trần Cao Vân ngày nay không còn, do triều đình Huế tịch thu và thiêu hủy. Nhưng qua hành trang thơ ca ông, người ta như đọc thấy mồn một định vị chính con người vào trung tâm vận động của lịch sử. Từ đó xây dựng cơ sở lý luận thúc đẩy hành động cách mạng của giới kẻ sĩ đương thời. Phải nói rằng trên toàn bộ hành động và tư tưởng, chủ nghĩa yêu nước của Trần Cao Vân mang tính chiến đấu cực kỳ mãnh liệt, và như thế, Trần Cao Vân đã sinh ra như một hiện tượng tiên cảm kỳ lạ về thời đại đang đến sau ông”. (19-21).
Chính quyền tay sai của thực dân Pháp đã kết án thuyết “Trung Thiên dịch” của Trần Cao Vân là “Dùng yêu thơ, yêu ngôn xúi giục dân làm loạn” và giải gia quyến Trần Cao Vân về giam tại ngục Bình Định. (31-34).
Kể về tài năng văn hóa của Đất Điện Bàn, hậu thế nhớ đến một nhà khoa bảng rất giỏi làm câu đối chữ Hán cũng như chữ Nôm – danh thần Phạm Tuấn (1852-1917). Kể từ khi đỗ cử nhân (1879) cho đến khi về hưu trí, danh thần Phạm Tuấn làm quan suốt 35 năm qua các thời đại vua Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân. Phạm Tuấn không tự thỏa mãn trên đường học vấn của mình. Mặc dù đã đỗ cử nhân (1879) và đã làm quan, nhưng ông vẫn tu chí học hành để đến năm 1898, ông lại đi thi hội và đỗ tiến sĩ. Ban giám khảo trường thi hội khoa ấy nhận xét “Văn bài của tiến sĩ Phạm Tuấn xuất sắc về thâm thúy, trong sáng, chững chạc, đáng mực mô phạm, gương mẫu”.
Viết về Phạm Tuấn, Lê Duy Anh nhận xét rằng “Danh thần Phạm Tuấn thể hiện tấm lòng yêu nước, yêu dân chân chính. Ông là nhà văn hóa sâu sắc, một nhà mô phạm hiếm có dưới thời Nguyễn”. (32).
Nói đến văn hóa tuồng của Việt Nam, không thể không kể đến danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926).
Tuy sinh ra và lớn lên trong một gia đình phong kiến, được đào tạo trong hệ thống Nho học, Hán học, nhưng Nguyễn Hiển Dĩnh lại tích lũy được một cái vốn quý hơn, đó là nguồn văn học dân gian vô cùng phong phú ở miền Trung, từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, những nơi ông đã làm quan và đã từng sống với nhân dân. Đào Tấn và Nguyễn Hiển Dĩnh là hai nhà soạn tuồng lớn nhất Việt nam. Nhưng nếu Đào Tấn “mới tập trung một đề tài quân quốc, với thể tài bi hùng, phản ánh những mâu thuẫn, xung đột gay gắt trong tầng lớp vua quan phong kiến thì đến Nguyễn Hiển Dĩnh, sân khấu tuồng xuất hiện nhiều đề tài, thể tài và mỗi tác phẩm của ông đều được nhiều người xem nhiệt liệt hoan nghênh”. (33).
Trước năm 1945, những thi sĩ tài ba của đất nước họp mặt trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân được xuất bản đầu năm 1942 chỉ