Cũng theo nhà văn Lê Khôi, khi Nguyễn Nhạc đem quân ra đánh chiếm Hội An, Trương Công Hy đã dùng kế sách thuyết phục Nguyễn Nhạc nên qui thuận Đông cung thế tử để thu phục nhân tâm. Nguyễn Nhạc thấy thư của Trương Công Hy lời lẽ có tình có lý, lại cũng muốn dùng Nguyễn Phúc Dương để giương cờ “Phù Nguyễn Diệt Trịnh”, bèn sai người đem lụa là, tặng phẩm đến làng Thanh Quýt để cảm tạ và mời Trương Công Hy ra gánh vác công việc. Trương Công Hy từ chối mọi tặng vật nhưng sau đó thuyết phục Nguyễn Nhạc gả con gái là Nguyễn Thị Thọ cho Đông cung thế tử và rồi đưa Phúc Dương lên ngôi chúa để thu phủ hào kiệt. Nhờ những kế sách đó, tháng 3 năm 1786, nhà Tây Sơn đã liên tiếp lập được những chiến thắng vang dội trước quân Trịnh lẫn quân của chúa Nguyễn ở phía nam. Đây cũng là lúc ông Trương Công Hy nhận ra nội tình chia rẽ của chúa Nguyễn và chính nghĩa của Tây Sơn đang được nhân dân ủng hộ. Ông nhận lời hợp tác và sau đó được bổ làm Tri phủ Điện Bàn. Đến đời Quang Trung (1789-1792) ông lần lượt được phong Khâm sai Quảng Nam trấn. Đời Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản được phong Thượng thư Bộ Hình, tước Thùy Ân Hầu. Năm 1798, khi về nghỉ hưu được truy tặng Binh bộ Thượng Thư.
Tài liệu chính sử thời Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn đốt sạch. “Tại nhiều địa phương ngày nay đến một mảnh giấy, một mảnh bằng sắc thực sự của triều Tây Sơn cũng không còn” (Trần Văn Quý, Những tìm hiểu mới nhất về Triều Tây Sơn qua tư liệu Quỳ Hợp- tạp chí Khoa học Quân sự 2.1987), cho nên cuộc đời và sự nghiệp của Thượng Thư Trương Công Hy vẫn chỉ là những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh.
Thượng thư Trương Công Hy trong lòng dân
Tuy chính sử không ghi lại nhiều về triều đại Tây Sơn, nhiều tư liệu vào thời kỳ này đã được các nhà nghiên cứu tìm hiểu trong các gia phả của những nhân vật liên quan hoặc các câu chuyện kể.
Với trường hợp Thượng thư Trương Công Hy, văn tế nhân ngày húy kỵ của ông vẫn còn lưu lại trong hồ sơ gia tộc cùng những ghi chép khác sau đây cho thấy ông là vị quan có nhiều công trạng; đồng thời được nhân dân đương thời hết sức ngưỡng mộ nhờ đức thanh liêm:
Đoạn Tế văn sau đây, sưu tầm được trong tộc phả nhân ngày húy kỵ của ông từ hơn một trăm năm trước:
Hường Ân Thuận Hóa, Huệ trạch tài lương
Triều Thánh đế lịch đợi tuyên dương
Chánh đương Thượng thơ Hình bộ
Quyền sai Quảng Nam ngoại trấn
Khâm sai đại thần
Phụng thủ chưởng nhứt phương...
Cụ Tú Nguyễn Hữu Học ở Xóm Chay làng Thanh Quýt cách đây tròn thế kỷ cũng đã viết nhân ngày húy kỵ:
Nhớ người xưa, hiền từ phúc hậu
Cả cuộc đời trọn hiếu tận trung
Với cháu con rộng lượng bao dung
Với đất nước trọn đời chung thủy
Lộc lớn vua ban nhường cho dân chúng
Cơ nghiệp người xây hiến cúng gia tiên
Ôi tấm gương Cao tổ triết hiền
Đời thường nhắc, cháu con luôn ghi nhớ
Một nén hương dâng người thiên cổ
Nguyện trọn đời theo gương sáng người treo.
Cụ Trương Hữu Y (hay Trương Công Y) hậu duệ đời 12 của Thượng thư kể rằng từ nhỏ ông đã nghe truyền tụng: Khi phong trào Tây Sơn khởi nghĩa cần vương (Phù tôn Dương) được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân đã có những câu:
Nghĩa kỳ dựng tại Tây Sơn
Tận trung báo quốc rửa hờn cho dân
(Ca dao)
Là một trí thức vốn bất bình trước chế độ cát cứ, đất nước bị rẻ phân, lòng dân ly tán, Thượng thư Trương Công Hy từng nuôi dưỡng khát vọng:
Thùy phân thùy hợp mạc tri hà
Nam Bắc tòng lai nhị nhất gia
(Ai chia ra, ai hợp lại không biết tự bao giờ/ Nam bắc từ lâu vẫn một nhà)
Ông Y cũng kể rằng: Lễ tang của Thượng Thư Trương Công Hy thời đó kéo dài đến 1 tháng, dòng họ dựng rạp làm chay để dân chúng khắp nơi đến viếng. Làng lúc đó phải dựng lên một “Xích hậu” tức nhà khách ở đầu đường vào nhà quan Thượng cho dân chúng trọ lại khi đến viếng. Con đường từ Xích Hậu đến nhà thờ tộc Trương hiện nay vẫn được dân chúng gọi là Ngõ Quan Thượng.
Bia đá tại lăng mộ ông được các con khắc:
NAM CỐ
Tuế thứ Canh Thân niên Mạnh Thu cốc nhật
HIỂN KHẢO ĐẶC TẤN VINH LỘC THƯỢNG ĐẠI PHU
HÌNH BỘ THƯỢNG THƠ, TẶNG BINH BỘ THƯỢNG THƠ
THỤY TỊNH CUNG TRƯƠNG QUÝ CÔNG CHI MỘ
Hiển tử: TRƯƠNG CÔNG HỘ, CƠ, TOẠI, TÚY, SIÊU, ĐỀ
Đồng lập thạch
Trên lăng mộ xây dựng bằng đá vôi, ngoài hai linh vật là hai con nghê hầu chầu nay vẫn còn, còn có hai đôi câu đối ghi nhớ công đức to lớn của ông còn giữ lại sau hơn 2 thế kỷ:
Hạc phi Bắc lĩnh cơ sở tráng/ Long tụ Đông hoàn dẫn nguyên trường
Và:
Chánh tích vạn niên thùy vũ trụ/ Nhân ân thiên tải dĩ tôn chi.
Sau hai thế kỷ, lăng mộ Thượng thư Trương Công Hy và uy linh của ông lại một lần nữa đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng đã ghi lại: Trên cơ sở giá trị lịch sử to lớn của khu lăng mộ, Đảng bộ xã lúc đó 1969) đã bí mật cử người vào Sài Gòn để gặp hậu duệ đời 12 của Thượng thư là ông Trương Công Cừu, lúc này đã thôi chức Bộ trưởng Giáo dục nhưng là một Nghị sĩ có uy tín của quốc hội Sài Gòn. Ông Cừu đã tác động đến giới quân sự lúc đó ngưng tiến hành công trình xây dựng hàng rào điện tử phòng thủ Đà Nẵng bằng cách cày ủi ngang qua lăng mộ Thượng thư Trương Công Hy tại làng Thanh Quýt. Việc bảo vệ khu lăng mộ này đồng thời cũng là bảo vệ phong trào cách mạng đang lên ở vành đai Đà Nẵng rất quan trọng lúc đó (Theo bản thảo đánh máy Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng).
Đà Nẵng 2011
- Trương Điện Thắng -
Một Di bút còn lại từ thời Tây Sơn
Trong nhiều tài liệu của gia tộc họ Trương Công tại làng Thanh Quýt, chúng tôi vừa tìm thấy có nhiều tài liệu quý giá viết bằng chữ Hán cách đây hơn 200 năm như các bản khai đất đai của quan Thượng thư Trương Công Hy do chính tay ông viết trong nhiều thời kỳ khác nhau, khi là Tri phủ Điện Bàn, khi là Trấn thủ Quảng Nam trấn, khi là Khâm sai đại thần Hình bộ Thượng Thư dưới các triều đại nhà Tây Sơn. Chữ ông viết trên giấy dó với nét cứng cáp tự tin, nét chữ đá lên mạnh mẽ khác với nét chữ của 5 người con trai của ông (cũng khai đất đai vào thời vua Gia Long sau đó). Sau đây là các bản phiên âm tờ khai đất đai vào năm Thái Đức bát niên, ngày 24 tháng 8 với chữ ký, gồm 6 trang, có ấn và các dấu kiềm rải rác trên văn bản.
1- CÁC BẢN KHAI ĐẤT ĐAI KHI LÀM TRI PHỦ ĐIỆN BÀN
-Tờ 1:
“Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện, phụ điền thổ Thanh Quýt xã, Tri phủ Thùy Ân tử Trương Công Hy.
“Thân khai
“Nhứt thừa khai do tư hữu từ truyền kế điện nhị phủ các huyện thuộc tổng xã thôn phỏng thần dân đẳng cứ khai công tư điền thổ thực trang nhứt nhị tam đẳng cập lưu hoang, phế canh tiên chiếm đẳng hạng đông tây tứ cận, thảng hữu điền đa thuế thiểu hứa tiên trưng giả đắc chi tư thừa khai bỉ phân thiệt canh tư thổ tổ phụ lưu lai tại bổn xã địa bộ, khai thiệt vu thứ Thanh Loa xứ.
“Tư thổ vô thuế dĩ hạ:
Do thử thổ tùng điền vô thuế.
-Nhứt sở thổ nhứt khoảnh tam cao điền tổ phụ hương hỏa lưu lai bỉ canh
Đông cận lão Luận thổ viên
Tây cận bỉ tư thổ viên.
Nam cận lão Chánh tư điền
Bắc cận lão Nhiêu Khánh tư điền
Do thử thổ tùng điền vô thuế
-Nhứt sở thổ nhứt khoảnh nhị cao,
Trương Công Túy nhứt cao, Trương Công Toại2 nhứt cao, do tổ phụ lưu lai bỉ canh thổ viên do hữu khế trác mại thất liểu.