Sinh thời, hai anh em Lê Đình Dương và Lê Đình Thám đều trực tiếp học chữ Hán với thân phụ của mình, cả hai đều là người thông minh, hiếu học. Tuy tuổi còn non trẻ song Lê Đình Dương và Lê Đình Thám đều thông đạt Kinh sách, văn bài, thi phú. Tuy nhiên, do ở vào thời nho học mạt vận, sau Khoa thi Giáp Thìn (1904), khoa cử Hán học không còn hợp thời nên Lê Đình Dương đã không có được một lần lều chõng đi thi. Sau này, anh em của ông đều theo "Tây học" và học tại các trường Pháp, Việt. Trong những năm còn là học sinh hay sinh viên, họ luôn là những người giành vị thứ hàng đầu trong các kỳ thi tốt nghiệp hoặc cuối cấp. Nhiều trường học mà Lê Đình Dương và Lê Đình Thám kinh qua như: trường tiểu học Pháp Việt tại Hội An, do cụ Phan Tiến Thịnh, một nhà tân học thâm Nho làm Đốc học; trường Trung Học Quốc Học - Huế, trường Cao Đẳng Y Khoa Đông Dương Hà Nội... Lê Đình Dương luôn thể hiện một học trò giỏi, tính tình đôn hậu, nghiêm trang nên rất được thầy yêu, bạn mến.
Lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến loạn, tại nơi xảy ra nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, nên Lê Đình Dương sớm hun đúc được tinh thần yêu nước, thương nòi. Từ tư tưởng "khai dân trí, chấn dân khí" của Phan Châu Trinh, đến cuộc dân biến năm 1908 (giặc cúp tóc) xin xâu, chống thuế tại Quảng Nam, đã dần hình thành nên trong ông tinh thần yêu nước và cách mạng. Sau này, khi vào học tại trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương ở Hà Nội, với tầm nhìn xa trông rộng và tinh thần yêu nước, Lê Đình Dương đã tiếp thu tinh thần duy tân của Nhật Bản và tư tưởng Tam dân chủ nghĩa của Trung Hoa và tán đồng chủ trương chống Pháp của các nhà cách mạng trong nước nên ông sớm gia nhập vào tổ chức "Việt Nam quang phục hội" do cụ Phan Bội Châu sáng lập. Từ đó, ông luôn nuôi chí lớn, quyết lòng đánh Pháp để mưu cầu độc lập dân tộc. Vì lẽ đó, những năm tháng học tại Hà Nội, Lê Đình Dương luôn tỏ ra là người có tác phong đạo đức tốt, rất được anh em sinh viên Hà Nội lúc bấy giờ tín nhiệm và khâm phục.
Năm 1915, Lê Đình Dương tốt nghiệp Á khôi Đông Dương y sĩ khóa đầu tiên của trường Cao đẳng y khoa Đông Dương, Hà Nội. Cùng khóa này, người đỗ đầu là tiến sĩ Hán học Lê Văn Kỷ - người tỉnh Nghệ An. Ra trường, Lê Đình Dương được chính quyền thuộc địa bổ nhiệm làm Y sĩ về điều trị tại bệnh viện Hội An, Quảng Nam chuyên trách nhãn khoa. Tại đây, với tấm lòng yêu nước, thương dân, Lê Đình Dương đem hết sở học của mình phục vụ quê hương, nên ông rất được giới sĩ phu, dân chúng và bệnh nhân mến phục do tính tình thuần hậu, phong cách bình dân, nhất là một bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp, biết thương yêu, giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Hàng ngày, ngoài công việc của một bác sĩ, Lê Đình Dương còn bí mật hoạt động trong tổ chức “Việt Nam quang phục hội”.
Ngày 1.8.1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Tháng 7. 1915, thực dân Pháp ở Đông Dương ráo riết bắt lính thuộc địa để ném vào lò lửa chiến tranh ở Pháp. “Việt Nam quang phục hội” đã tổ chức vận động binh lính người Việt ở khắp Trung Kỳ sắp bị đưa xuống tàu sang Pháp, chuẩn bị sẵn sàng làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa. Tháng 9.1915, Thái Phiên triệu tập Hội nghị toàn kỳ của Việt Nam quang phục hội tại Huế. Lúc này, Trần Cao Vân cũng vừa mãn hạn tù, từ Côn Đảo về và tham dự hội nghị. Sau mấy ngày liên tiếp thảo luận, Hội nghị quyết định hoãn khởi nghĩa, gấp rút tăng cường thêm lực lượng và giao cho Trần Cao Vân tìm cách vận động vua Duy Tân tham gia khởi nghĩa. Tại Quảng Nam và Đà Nẵng, không khí chuẩn bị khởi nghĩa rất sôi nổi như: thành lập các đội nghĩa binh, lạc quyên tiền bạc, rèn vũ khí…
Tháng 2.1916, Đại hội Kỳ bộ Việt Nam quang phục hội Trung Kỳ lần thứ 2 được triệu tập tại Huế để kiểm điểm việc chuẩn bị khởi nghĩa. Đại hội thông qua tờ hịch kêu gọi quốc dân, chương trình kiến quốc và bàn định kế hoạch khởi nghĩa. Mục tiêu của cuộc khởi nghĩa là nghĩa quân sẽ đánh úp, tiêu diệt quân thuộc địa Pháp còn đồn trú tại Việt Nam, khôi phục chủ quyền cho đất nước, giải phóng dân tộc. Vua Duy Tân cùng Trần Cao Vân, Thái Phiên cũng đã bàn bạc và đưa ra kế hoạch khởi nghĩa như sau: Kiểm soát và chỉnh đốn chặt chẽ các tổ chức trong các tầng lớp nhân dân tại mỗi tỉnh như lính Nam Triều, lính tập, lính mộ sắp đưa sang Pháp tham chiến để các lực lượng này quay súng làm chủ lực tiên phong cho cuộc khởi nghĩa. Tổ chức sẵn sàng các bộ máy hành chánh cai trị để thay thế các cấp, khi chính quyền đã về tay quân khởi nghĩa. Huy động sức người và tiền bạc sung vào việc chế tạo vũ khí, mua sắm quân nhu, quân cụ và tạm đúc 4 cái ấn kinh lược: Bình Trị, Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Thuận để dùng trong các văn thư chỉ thị. Về ngoại giao, phái đại diện sang Thái Lan, vận động với các Đại sứ Đức nhờ chính phủ Đức viện trợ vũ khí; cử bác sĩ Lê Đình Dương vận động qua linh mục Bàn Gốc mật giao với viên Thiếu tá người Đức đang chỉ huy liên đoàn lê dương Pháp đóng ở Mang Cá. Trước lúc mưu sự khởi nghĩa, Lê Đình Dương còn được giao giữ nhiệm vụ Tổng trấn Nam Ngãi, kiêm cố vấn đặc trách Ngoại giao.Vào những ngày nghỉ, Lê Đình Dương thường ra Huế để mật kiến vua Duy Tân; mật nghị với viên Trung tá người Pháp gốc Đức, chỉ huy đội quân lê dương đồn Mang Cá (Trấn Bình Đài, Thành Nội, Huế); lúc thì về Nam Ngãi xây dựng, khuyến kích đoàn "quân lính mộ" (gồm 2000 lính Việt Nam được Pháp tuyển mộ, đã được tập luyện kỹ thuật chiến đấu tại Đà Nẵng, chuẩn bị đưa sang Pháp dự trận, giúp Pháp chống Đức) hoặc truyền đạt mật lệnh, phối hợp hoạch định chương trình hành động cho địa phương.
Theo kế hoạch khởi nghĩa, khi thấy đèo Hải Vân nổi lửa báo hiệu khởi nghĩa, lực lượng nghĩa quân Quảng Nam phải đánh chiếm thành tỉnh Quảng Nam và chiếm Đà Nẵng để mở đường giao tiếp với quân Đức. Nghĩa quân bao gồm lính tập, lính mộ, các đội dân binh võ trang do Đỗ Tự, Trương Bá Huy, Phan Thành Tài, Huỳnh Khâm, Mai Dị, Huỳnh Phùng, Lê Văn Bính, Ông Văn Long chỉ huy. Lâm Nhĩ, Lê Tường, Hồ Cẩm Vinh, Trần Ngọc Đạm chỉ huy đánh chiếm và giữ cửa Hàn để tiếp nhận vũ khí viện trợ của Đức. Dân binh hai làng Nghi An và Phong Lệ (Hòa Vang) lấy gỗ làm chướng ngại vật ngăn chặn quân Pháp hành quân tiếp viện. Lê Đình Dương, Quản Thái phụ trách Hội An. Thẩm Tường Vân, Nguyễn Bảng (tức phó Bẽm) phụ trách Tam Kỳ. Đặc biệt ở Đà Nẵng, nghĩa quân còn tính đến việc nắm 1.500 lính thợ mới mộ đang tập trung về thành phố để xuống tàu sang Pháp. Nghĩa quân Quảng Nam có nhiệm vụ đưa lực lượng ra hỗ trợ Đà Nẵng và cử người ra giúp phong trào Thừa Thiên. Khi khởi nghĩa nổ ra, nếu không thành công, thì đạo quân Quảng Nam sẽ lui về chiếm vùng núi Bà Nà, lập căn cứ kháng chiến lâu dài.
Tuy nhiên, gần đến ngày khởi sự thì kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ. Một tài liệu hiện được lưu tại Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Aix - en - Provence, Pháp, trong Thư khố Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement Général d`Indochine”), tại hồ sơ 4199 có “Bản báo cáo về tình hình chính trị của Annam” do Le Marchant de Trigon đề ngày 10.7.1916 có đoạn ghi rõ: “Vào đêm 27 tháng Tư 1916 ở làng Miếu Bông – Quảng Nam đã diễn ra một cuộc họp lớn của những người mưu phản. Tại đây đã thông báo chiếu chỉ của nhà vua ra lệnh cho tất cả các quan lại trên ba kỳ nổi dậy, bắt đầu cuộc đấu tranh gọi là “Nghĩa” – của những người trung thành - vào đêm mồng 2 tháng Tư – tức ngày 3 tháng Năm. Chiếu chỉ này cũng kèm theo thông báo việc bổ nhiệm bốn quan chức cao cấp: Trần Cao Vân, cố vấn cao cấp, người bảo vệ Đức Vua, phụ trách công tác quân sự. Thái Phiên, phụ tá cố vấn cao cấp, phụ trách công tác tài chính và kinh tế; Lâm Nhĩ, Thống soái. Nguyễn Siêu, tổng đốc thành nội và kinh đô…”. Qua cưỡng bức cung khai tự thú của tên Võ Huệ trực dịch tại dinh Án sát sứ Quảng Ngãi, tên Công sứ De Taster tỉnh Quảng Ngãi cùng Khâm sứ Charles liền ban hành mật lệnh giới nghiêm toàn Trung kỳ, cấm trại, tước khí giới tất cả quân lính Việt Nam, bố trí mật báo viên theo dõi tình hình và chuẩn bị sẵn sàng đàn áp phong trào.
Theo kế hoạch khởi nghĩa thì đúng giờ Tý, ngày mồng hai tháng Tư năm Bính Thìn (tức là 3.5.1916 thì cuộc khởi nghĩa sẽ bắt đầu từ Kinh đô Huế, bằng các phát súng thần công báo hiệu cho Quảng Trị, đồng thời ở đèo Hải Vân nổi lửa cho hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi biết để khởi nghĩa. Ngay khi pháo hiệu khởi nghĩa nổ ra, các đạo quân Thừa Thiên có nhiệm vụ trợ oai cho các đội binh sĩ chiếm kinh đô Huế. Dân quân của Quảng Nam-Quảng Ngãi hợp lực với binh sĩ chiếm giữ cửa Hàn, để tiếp vũ khí của tàu Đức viện trợ, và các tỉnh khác thì theo kế hoạch bạo động cướp chính quyền.
Nếu các cuộc tấn công bị thất bại, thì đạo quân Quảng Nam rút về vùng núi phía tây của Đà Nẵng, chiếm núi Bà Nà làm chiến khu và đạo quân Quảng Ngãi kéo về miền Gió Rứt để làm căn cứ.
Tại Quảng Nam, theo Cử nhân Hán học Hồ Ngận, trong cuốn "Quảng Nam Xưa và Nay" thì: “Lúc ấy người ta âm thầm ủng hộ rất đông... Theo như chương trình khởi nghĩa đã định thì đồng thời cử sự vào trưa ngày mồng hai tháng tư năm Bính thìn (3.5.1916). Trước đó một ngày thì các lính ủng hộ đến tại nhà ông Tú Kinh, lãnh mỗi người một cái áo đen. Rồi bí mật đi rải rác đến khuya nhất tề tụ tập chung quanh tỉnh thành tỉnh Quảng Nam, chờ hiệu lịnh phát hỏa của y sĩ Lê Đình Dương ở Hội An thì tức thời công hãm tỉnh thành. Khi vào được tỉnh thành, thì bắt giết hết quan lại trong ấy chỉ trừ người nào nói: "Xuân đây” (mật khẩu của đảng) thì khỏi giết.Công việc (khởi nghĩa tại Quảng Nam) sắp đặt xong, thang đã bắt sẵn ở thành (tỉnh Quảng Nam) chờ thấy lửa (ám hiệu) cháy ở Hội An (do Lê Đình Dương đốt) là leo vô thành, không ngờ cơ mưu bị lộ vì có tên Quản Trí ở Hội An bội phản, đồng thời ở Quảng Nghĩa có tên Võ Huệ tiết lậu, nên Pháp biết đề phòng trước. Y sĩ Lê Đình Dương bị bắt trong đêm ấy nên không có ai phát hiệu cử hỏa. Đến gần sáng, biết sự thất bại, quân của ông Tài tức thời giải tán, mạnh ai nấy chạy, hoặc đào đất chôn giáo mác, hoặc liệng xuống sông".
Việc lớn bất thành, Lê Đình Dương bị nhà cầm quyền Pháp bắt ngay trong đêm khởi nghĩa tại Hội An và giải giao giam cứu tại nhà lao Vĩnh Điện, Điện Bàn. Tuy nhiên, do Lê Đình Dương là con cụ Lê Đỉnh, một người rất có uy tín lúc bấy giờ nên khi bị bắt, Lê Đình Dương đã được quan chức đương nhiệm các cấp tại Tỉnh, lúc bấy giờ, rất trọng nể và biệt đãi. Tổng đốc Quảng Nam lúc đó là Từ Thiệp đã ra lệnh giam lỏng Lê Đình Dương trong một nhà kho của Tỉnh, việc đi lại thăm viếng, tiếp xúc với gia đình không bị hạn chế, đồng thời, cho phép ngày hai bữa được ăn cơm tháng xách từ ngoài vào, do gia đình ông Kinh Lịch Khánh ở cạnh đó đảm trách. Thực dân Pháp thông qua Chính phủ Nam Triều cho nghị án Lê Đình Dương. Tổng đốc Từ Thiệp trực tiếp nghị án ông song Lê Đình Dương đã nhận hết trách nhiệm về mình, cương quyết không khai cho một ai, để khỏi liên lụy đến nhiều người khác.
Được ít lâu, Lê Đình Dương được lệnh giải giao ra Huế.
Tại Tòa khâm sứ Trung kỳ, khi bị đưa ra trình diện Khâm sứ Charles - người đã từng lưu ý và khen tặng 2 anh em Lê Đình Dương và Lê Đình Thám, những học sinh xuất sắc bậc nhất, tòng học tại trường Trung Học Quốc Học, Huế. Khâm sứ Charles liền gằn giọng, tức tối hỏi:
- Tại sao, anh lại phản bội nước Pháp? Nước đã nuôi dạy anh em nhà anh ăn học thành tài?
Rất điềm tĩnh và trịnh trọng, Lê Đình Dương đáp:
- Thưa ngài, tôi rất lấy làm tiếc, song cũng như ngài và những người yêu nước khác, tôi có bổn phận thiết yếu là đặc Quyền lợi và Danh dự của Tổ quốc tôi lên trên hết mọi sự. Nếu ngài nghĩ kỹ lại một chút thì ngài không thể lấy một nguyên cớ gì mà phiền trách tôi được, vì lẽ mấy chục triệu người dân Pháp bị mất hai tỉnh Alsace và Loranine về tay người Đức mà còn tha thiết đau xót thay! Huống chi, chúng tôi đây, dân Việt Nam thì mất cả nước, từ Nam chí Bắc, mà ngài bảo chúng tôi cúi đầu mà chịu, thì chúng tôi chịu làm sao được!?".
Khâm sứ Charles xúc động, lặng người đi và ra lệnh cho đưa ông trở về. Cuối cùng, Khâm sứ Charles đã quyết định thẩm phê cải án tử hình của Lê Đình Dương thành án 20 năm khổ sai và lưu đày biệt xứ… Nơi ông bị lưu đày là vùng Tây nguyên của Việt Nam. Về vấn đề này, tác giả Phạm Văn Sơn trong cuốn "Việt Nam tranh đấu sử" có chép: “Ở Quảng Nam cũng bị vỡ lở trước ngày bạo động… Vì vậy ở Hội An, y sĩ Lê Đình Dương bị bắt đưa vào Nam rồi đầy lên Ban Mê Thuột. Ở Đà Nẵng Phan Thành Tài bị xét nhà. Tài trốn thoát nhưng sau bị bắt và bị chém vào ngày 9.6.1916”.
Mùa thu năm 1916, Lê Đình Dương bị đày đi Khánh Hòa. Lúc bấy giờ, đường quốc lộ xuyên Việt chưa có, phải đi các đường tỉnh lộ hay hương lộ được làm thô sơ từng chặng một, từ địa phương này qua địa phương khác. Người lưu hành, có xe thì đi xe, không có xe thì đi bộ, đoàn tù khổ sai bị áp giải, ngày đi đêm nghỉ, bất kể nắng mưa, xuyên rừng vượt suối, lang thang lết thết để vào Nam thọ hình… Do đó gia đình có xin phép, cử một người em chú bác ruột là ông Lê Đình Quát, tháp tùng, hầu chăm lo sức khỏe cho Lê Đình Dương, phòng khi ông trái nắng trở trời, hay trên đường xa xôi diệu vợi, giúp đỡ ông mang hành lý khi cần thiết… Trên bước đường lưu đày đó, nhiều đêm trong căn nhà trạm lộng gió, anh em hai ông không ngủ được, ngồi tựa lưng vào nhau. Ông Quát nhỏ nhẹ tâm tình, đượm ý tiếc nuối:
- Anh Đốc Chín này, thật không mấy ai như anh, sung sướng, địa vị cao sang không muốn lại dấn thân làm những việc xa vời, để ngày nay phải ra thân thế này, đã khổ thân mình lại khổ lây đến vợ con, gia đình, họ tộc!
Im lặng một lát, Lê Đình Dương bèn trả lời:
- Chú Hai à! Cám ơn chú đã nặng tình thương tôi mà tâm tình như rứa nhưng chú ơi! tiền tài, danh vọng là phù vân… Làm trai sanh ra ở đời, đâu chỉ có vậy và có vậy! Hãy nhìn lên đức vua đi, với thân chín bệ mà Ngài đâu có quản gì, tất cả đều hướng về cho quốc dân đại sự. Thế mà, chúng ta là con dân đất Việt, há lại không dám góp phần hy sinh nhỏ bé cho DÂN cho NƯỚC hay sao?
Đến Khánh Hòa, các đoàn tù nhân khổ sai đến từ những địa phương khác lại gặp nhau và tiếp tục lên đường đày đi Ban Mê Thuột. Tây Nguyên hồi đầu thế kỷ 20, rất hoang vu, dân cư thưa thớt, nơi ngự trị của thú dữ, của bùa ngãi, của bệnh sốt rét rừng và bệnh kiết lỵ… Đứng trước nhu cầu tìm kiếm hầm mỏ, khai thác lâm sản, mở mang đồn điền, thực dân Pháp đã lợi dụng bàn tay và sức lao động của số tù nhân khổ sai Việt Nam và bà con dân tộc thiểu số để khai phá vùng đất mới cho chúng. Vì lẽ đó, cảnh người bóc lột người, người đàn áp người, người bắn giết người, diễn ra công khai và thường xuyên. Ở đây, luật pháp, lẽ phải và lòng nhân đạo đều vắng bóng và duy nhất chỉ có cường quyền, cường quyền tập trung vào một tay Công Sứ Thực dân Sabatier, một viên Chánh Quản lính khố xanh (Adjuent-chef de la Gare Inigene) được biệt phái đến.
Ngay từ ngày đầu tiên bị giải giam tại Ban Mê Thuột, trong số chính trị phạm khổ sai, Lê Đình Dương là người tân học, trẻ tuổi nhất, có văn bằng chuyên môn cao nhất, nên được Sabatier đặc biệt lưu ý, vì nể nang phần nào song hắn cũng xem ông là thành phần trí thức nguy hiểm cần phải đề phòng… Vì chủ tâm khai thác chuyên môn của Lê Đình Dương để trực tiếp giải quyết vấn đề nan giải xưa nay tại nơi heo hút này là: y tế cho tù nhân, công nhân, thổ dân và binh lính, công chức thuộc hạ tại chỗ, Sabatier nghiên cứu hồ sơ của Lê Đình Dương và biết rõ ông là một trong những người đỗ á khoa của Trường y khoa Đông Dương nên y nghĩ có thể lợi dụng ông vào việc chăm sóc y tế cho tù nhân và binh lính, công chức thuộc quyền y quản lý. Vì lẽ đó, Sabatier cho mời Lê Đình Dương lên và nói:
- Ông Dương! Bất cứ người tù nào đưa tới đây đều ngay lập tức phải đi lao động khổ sai. Tức là phải vào rừng đốn cây, lấy củi, phá núi, đập đá, đào mương… nhưng với ông thì khác, ông sẽ đến khám bệnh và cho thuốc phụ việc cho y tá ở đây. Hy vọng ông sẽ làm tốt bổn phận của một thầy thuốc giỏi và có lương tâm, ông bằng lòng chứ?
- Tôi sẽ cố gắng! Lê Đình Dương trả lời.
Lăng mộ Lê Đình Dương lại Na Kham, Điện Quang
Từ đó, thay vì phải đốn cây, phá núi, đập đá, khai mương như các bạn đồng cảnh ngộ, ông được điều động đến khám bệnh, cho thuốc, phụ giúp phụ giúp viên y tá trưởng bệnh xá Ban Mê Thuột. Hằng ngày, Lê Đình Dương làm việc không quản ngày đêm để khám chữa bệnh cho tù nhân, thổ dân… những bệnh họ thường mắc phải là sốt rét, đái ra máu do muỗi đốt, do ngủ không có màn, ăn thì gạo mốc, cá khô, nhờ vậy ông đã cứu sống được khá nhiều người, cả Kinh lẫn Thượng, cả tù nhân lẫn thường dân và binh lính Pháp. Và cũng vì thế, mà sự thông cảm, lòng mến yêu giữa họ và ông càng ngày càng thắm thiết, càng sâu đậm và dần dần họ biến ông thành người đại diện đương nhiên và chính thức của họ, mỗi khi cần giao thiệp, đòi hỏi hay tranh đấu bảo vệ quyền lợi của tù nhân khổ sai với viên Công Sứ Sabatier.
Vì nhiệm vụ, vì công tâm, vì nhân đạo mà Lê Đình Dương đã va chạm, xích mích với viên Công sứ Sabatier và ngày càng thêm trầm trọng. Cuối cùng, Sabatier lệnh cho tên quản lý nhà lao đưa Lê Đình Dương đi lao động khổ sai để giết dần giết mòn ông. Ngoài việc buộc phải lao động khổ sai, ông còn bị bọn cai ngục đánh đập, mắng chửi vì không hoàn thành khối lượng công việc được giao. Hơn nữa, trong quá trình lao động khổ sai, trực tiếp chứng kiến sự khổ nhục của anh em bạn tù, những người bị bọn thực dân Pháp đọa đày dã man hơn cả súc vật, với một tâm hồn nhạy cảm hiếm thấy, ngày 13.6.1919, tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Mùi, Lê Đình Dương đã quyết định quyên sinh bằng độc dược Cyanure de Mercure. Ông hưởng dương 26 tuổi (1894-1919), để lại một người vợ trẻ là bà Hoàng Thị Tuất. Thi hài ông được mai táng ngay trong khuôn viên Bệnh xá Ban Mê Thuột và 2 năm sau (tức năm 1912), gia đình lên cải táng, đem về cải táng tại quê nhà tại xứ Phần Nhứt, làng Đông Mỹ (Na Kham), Điện Bàn, Quảng Nam.
Cảm kích tài năng, đức độ và tinh thần nghĩa liệt vì nước của chí sĩ Lê Đình Dương, năm 1945, sau cuộc đảo chánh Nhật, chính phủ Trần Trọng Kim, Hội Đồng Nhân Dân thị xã Huế, quyết định đổi tên Viện Nhãn khoa Albert Sarraut tại Huế thành Viện Nhãn Nhĩ Tỷ Hầu Lê Đình Dương (Viện Tai, Mắt, Mũi, Họng Lê Đình Dương), ở đường Thượng Lãng Ông (Đường Rheinart cũ), thuộc bệnh Trung ương Huế ngày nay. Tại quê nhà của ông, sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi thành lập Liên Xã, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, đã kết hợp tên hai nhà cách mạng trong phong trào Duy Tân tại Điện Bàn là Trần Chương, người làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam và Lê Đình Dương, người làng Đông Mỹ (Na Kham), tổng phú Khương Thượng (Gò Nổi, Phù Kỳ), Điện Bàn, Quảng Nam, để đặt tên Liên Xã mới là Chương Dương. Ngày nay, trên khắp nước ta, nhiều tên đường phố, trường học được mang tên Lê Đình Dương, đây là một sự vinh danh ông, cũng là cách để các thế hệ trẻ tưởng nhớ một nhà cách mạng tiền bối của Việt Nam, một lòng đánh Tây để mưu cầu độc lập cho dân tộc./.
Đà Nẵng 2011
-Lưu Anh Rô -
Bà Hoàng Thị Tuất, húy là Hy, pháp danh là Diệu Mẫn, lúc đó 25 tuổi, là cháu nội của cụ Tổng Đốc Hoàng Diệu, và là cháu ngoại của cụ Phạm Phú Thứ. Sau này, bà Tuất vào sống tại Sài Gòn, bà an phận thờ chồng nuôi con cho đến lớn khôn thành gia thất và từ trần vào năm 1986, thọ 92 tuổi. Lê Đình Dương có một người con gái duy nhất là Lê Thị Cả, lúc ông chết, người này lên 3 tuổi. Hiện nay, bà Cả đã 80 tuổi, hiện sinh sống tại Santa Ana, Quận Cam, California với chồng con.