Điều đáng nói là, Phan Thanh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gò Nổi – làng Bảo An, một làng nổi danh khoa bảng nhất Quảng Nam. Trong lịch sử khoa bảng Quảng Nam thì làng này có 22 người đỗ cử nhân, phó bảng và 26 tú tài. Thời Pháp thuộc, có đến 52 người có bằng từ Thành chung trở lên. Xuất thân trong gia đình nho học nhưng Phan Thanh lại được cha mẹ cho theo học tân học. Năm lên 7 tuổi, ông học đồng ấu. Tốt nghiệp Sơ học yếu lược (élementaire), gia đình cho xuống Hội An (tỉnh lị Quảng Nam) để học tiếp. Thông minh, học chăm, học giỏi ông tốt nghiệp xuất sắc, nhận bằng Tiểu học Pháp-Việt (primaire) và được gia đình cho ra Huế, thi đỗ vào trường Quốc học. Năm 1926, ông tốt nghiệp, nhận bằng Cao đẳng tiểu học Pháp-Việt. Do gia đình không đủ khả năng cho ông tiếp tục việc học để lấy bằng tú tài, nên ông theo nghề dạy học và tự học thêm, nhất là Pháp ngữ. Nhờ vậy, Phan Thanh viết rất hay, nói rất lưu loát tiếng Pháp, làm nhiều người Pháp phải thán phục khả năng ngoại ngữ của ông.
Sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế (1926), Phan Thanh tiếp tục viết báo. Ngày 12.5.1927, trên tờ báo L’Annam, ông viết bài “Nói chuyện về người Pháp vừa cập bến”, ông lên án sự bất công trong xã hội mà người Việt Nam phải chịu, trước áp bức, bóc lột của người Pháp, muốn mưu cầu cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, hay nói đúng hơn vì quyền lợi của người dân bị áp bức, bóc lột mà chống Pháp: “Chúng tôi không chống lại tất cả người Pháp mà chỉ chống lại những người Pháp không công bằng và vô nhân đạo thôi... Phiền ngài hãy đi về các vùng quê, chui vào những túp lều hoang sơ và rồi ngài sẽ thấy người nông dân khốn khổ của chúng tôi đang nợ những gì của nền văn minh Pháp? Họ sẽ chỉ cho ngài thấy, trong nước mắt, những người vợ rách rưới phải còng lưng xuống mảnh đất hết ngày này sang ngày khác, những đứa con trần truồng luôn bị cái đói dày vò...”. Bài báo đó, đã đánh dấu sự chuyển biến về nhận thức và tư tưởng của ông trước hiện tình đất nước và xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.
Sau khi kết thúc bậc học thành chung, ông được bổ nhiệm làm trợ giáo một trường tiểu học ở châu Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, ông dạy được 1 năm thì bị bãi chức, do bị nghi ngờ hoạt động chính trị. Thế là ông đành phải về quê nhà ở Bảo An.
Năm 1928, lúc này vừa tròn 20 tuổi, ông quyết định ra Hà Nội để lập nghiệp. Sau hàng chục năm theo con đường tân học, "được tiếp thu tư tưởng và tư duy mới từ sách báo tiến bộ; nhận thức xã hội đang có những biến đổi mang màu sắc mới về chính trị; khi ông vừa là độc giả say mê vừa là người cộng tác viết cho một số tờ báo tiếng Pháp tiến bộ ở Sài Gòn; khi ông biết Phan Bôi - em ruột của ông (đang học ở quốc học Huế) tham gia hoạt động cách mạng bí mật (Hội Thanh niên cách mạng đồng chí) và giữa hai anh em có sự liên hệ; trong khi ông bị chính quyền để ý và cách chức giáo học; và cuối cùng ông mới lấy vợ nhưng chưa yên bề gia thất, đang thất nghiệp và vợ ông còn dạy học ở Huế còn ở đó ít nhất 3 năm theo hợp đồng với trường Đồng Khánh, bà lại đang chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng". Vợ Phan Thanh là bà Lê Thị Xuyến, người làng Thạch Bộ, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc hiện nay. Hai ông bà sinh được hai người con là Phan Vịnh và Phan Diễn. Ra Hà Nội để lập nghiệp, Phan Thanh tiếp tục hành nghề nhà giáo. Ông làm giáo viên cho các trường tư thục mà khả năng tiếng Pháp và văn học Pháp của ông thì trường nào cũng cần.
Tại Hà Nội, ông nhận được giúp đỡ của cậu là học giả Lê Dư. Nhà thơ Hằng Phương có chồng là nhà văn Vũ Ngọc Phan, là trưởng nữ của học giả Lê Dư, người rất thân với ông. Về sau, ông chuyển sang dạy cho trường Thăng Long do Giáo sư Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng và ông dạy tại đây cho đến cuối đời. Thời gian này, ông trở thành yếu nhân của Hội truyền bá quốc ngữ trong vai trò tổng thư kí; trở thành nhà báo nổi tiếng cộng tác với nhiều tờ báo tiếng Pháp, tiếng Việt ở cả Hà Nội và Sài Gòn; rồi nghị viên Viện Dân biểu Trung kì; uỷ viên Đại hội đồng kinh tế-tài chính Đông Dương và thành viên của Hội đồng thành phố Hà Nội; tham gia đảng Xã hội Pháp S.F.I.O. Tháng 7.1938 tại Đại hội lần thứ 2 ông được cử làm phó thư kí Chi nhánh Bắc Đông Dương, thư kí chi đảng bộ Hà Nội của S.F.I.O. \
Cuộc đời ngắn ngủi, đấu tranh “vì dân” của Phan Thanh được gói gọn trong 3 năm cuối đời ông: từ năm 1936 đến 1939, khi ông là nghị viên Viện dân biểu Trung Kỳ và ủy viên Đại hội đồng kinh tế - tài chính Đông Dương. Chính trong thời gian đó, đã thể hiện trọn vẹn tài năng, tư tưởng vì dân cũng như thời cuộc để có được một “nghị viên Phan Thanh’ lừng lẫy khắp trong Nam ngoài Bắc.
Có thể nói, việc chuyển đổi mạnh mẽ tư tưởng “vì dân” trong Phan Thanh từ tư tưởng “dân vi bản” của nho giáo, đến sự tiếp nhận triết học từ phương Tây và được làm mới bằng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc truyền về nước. Phan Thanh tỏa sáng trên diễn đàn đấu tranh nghị trường trong phong trào “dân sinh, dân chủ” lúc bấy giờ chính là sự phản kháng mạnh mẽ tính bất công, tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân ta mà ông là người đại diện. Đó chính là điều kiện tiên quyết để Phan Thanh và những người đồng chí của ông đấu tranh trực diện với kẻ thù và gây được tiếng vang lớn trong cả nước, làm cho thực dân Pháp vô cùng lúng túng. Tư tưởng “vì dân” của Phan Thanh hay nói rộng ra là cuộc đấu tranh “dân sinh, dân chủ” do Đảng lãnh đạo qua “ông nghị” Phan Thanh, đã trở thành sự đấu tranh đòi lật đổ chế độ thuộc địa, đánh đổ chính quyền phong kiến Nam triều, là con đường đúng đắn nhất, triệt để nhất để giải phóng dân tộc, giải phóng người dân nô lệ, đem lại tự do, hạnh phúc cho mọi người.
Sự toả sáng của Phan Thanh trước hết là sự mở ra của thời cuộc: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 chấm dứt nhưng tình trạng tiêu điều tiếp theo ở các nước đế quốc càng làm cho những mâu thuẫn xã hội ở các nước đó thêm sâu sắc. Phong trào cách mạng của quần chúng vẫn tiếp tục dâng cao ở một số nước đế quốc, bọn tư bản lủng đoạn đã thủ tiêu các quyền tự do tư sản và thay vào đó là thi hành chính sách độc tài phát xít. Phe trục phát xít Đức - ý - Nhật được hình thành và ráo riết chuẩn bị chiến tranh thế giới nhằm phân chia lại thị trường thế giới đồng thời âm mưu đánh Liên Xô, xóa bỏ thành trì của cách mạng thế giới.
Tại Pháp, tháng 4.1936, Mặt trận nhân dân Pháp mà Đảng Cộng sản là nòng cốt đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và tháng 6 năm đó Chính phủ phái tả lên cầm quyền ở Pháp, do Lêông BơLom (Léon Blum) làm Thủ tướng. Chính phủ mới của Pháp buộc phải thi hành cương lĩnh của Mặt trận nhân dân Pháp, trong đó đối với các nước thuộc địa là phải thành lập phái đoàn của Quốc hội Pháp điều tra tình hình các thuộc địa, toàn xá tù chính trị, ban hành các quyền tự do dân chủ. Trước tình hình đó, Đảng cộng sản Việt Nam xác định: nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và chống phong kiến là không thay đổi nhưng mục tiêu trực tiếp trước mắt là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, tay sai của chủ nghĩa phát xít, đòi tự do, cơm áo và hòa bình. Và, khẳng định: “Đảng Cộng sản Đông Dương không hy vọng với chính phủ Lêông Bơlom mà không có sự hành động thống nhất của nhân dân Đông Dương". Đó chính là tiền đề để Phan Thanh đấu tranh trực diện với kẻ thù, ngay tại các cơ quan đầu não của chúng.
Ở Trung kỳ, sau ngày 14.7.1936, thực dân Pháp và Nam triều đã buộc phải mở cửa các nhà tù, trả tự do cho hàng trăm tù chính trị. Lúc này, theo lệnh của Khâm sứ Trung kỳ Gơ-ráp-phơ (Graffeuil), ủy ban thường trực Viện Dân biểu Trung kỳ triệu tập một cuộc họp để thông qua một bản "dân nguyện" gửi cho chính phủ Lêông Bơlom. Vì vậy, tại cuộc họp này, ngày 20.9.1936, các đại biểu Quảng Nam đã cùng với các đại biểu tỉnh bạn, gồm trên 700 người, đã lên tiếng bác bỏ bản dự thảo dân nguyện của Viện dân biểu Trung kỳ. Kết quả, cuộc họp đã bầu ra một ủy ban lâm thời gồm 26 người, trong đó có 9 nghị viện, 17 chiến sĩ cộng sản và đại biểu các tầng lớp lao động. Ga-ráp-phơi đã tức giận mắng bọn tay sai: "Chỗ ngồi của chúng tao bị bọn cộng sản chiếm mất rồi. Chúng mày làm nhục chúng tao!".
Tháng 8.1937, Viện dân biểu Trung kỳ đã tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng dân biểu Trung kỳ khóa 3. Lúc này Quảng Nam được phân thành 5 hạt bầu cử: Hội An, Điện Bàn - Thăng Bình, Đại Lộc - Hòa Vang, Duy Xuyên - Quế Sơn, Tam Kỳ - Tiên Phước. Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam đã chủ trương lợi dụng việc lập mặt trận tuyển cử của phái 1884 của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Khôi, để đưa Phan Thanh vào danh sách ứng cử viên tại hạt Đại Lộc - Hòa Vang.
Với tài năng của mình, Phan Thanh đã diễn thuyết nhiều nơi để kêu gọi các cử tri bầu cho mình. Ở bất cứ nơi đâu, mỗi khi có dịp, Phan Thanh luôn chỉ ra những nỗi thống khổ của người dân Trung kỳ đang phải chịu, tố cáo những thứ thuế bất công, vô lý mà thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đang bắt nhân dân ta phải chịu. Ở đây cần thấy rõ, ngoài tài năng và đức độ của Phan Thanh, cũng như tư tưởng đấu tranh vì “quyền lợi dân cày” của ông thì đằng sau ông, ông luôn được Xứ uỷ Trung kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam và nhân dân hết lòng ủng hộ. Để tuyên truyền cho Phan Thanh và người của Đảng cử ra tranh cử, Xứ uỷ Trung kỳ chủ trương mua cả một tờ báo: “Viện Dân biểu Trung kỳ lúc này các nghị viện sắp mãn hạn nên có cuộc chuẩn bị người ra tranh cử nghị viện mới; tờ báo Nhành Lúa là cơ quan tranh đấu công khai của Đảng bộ Trung kỳ đã bị tòa Khâm rút giấy phép, các đồng chí cũ gặp nhau đều tỏ ra rất lúng túng, nhân có ông tham Khôi cho biết muốn nhượng bản quyền tờ Tuần báo Sông Hương với giá tiền 20 đồng (bạc Đông Dương) nhưng trong chúng tôi thảo luận phải tranh thủ những nhóm nào đó tương đối ít phản động hơn để cùng chung mua tờ báo để tuyên truyền cổ động cho người của ta đưa ra tranh cử (cụ thể là anh Phan Thanh ở Quảng Nam, Trần Văn Trạch ở Huế...). Anh Lê Văn Hiến về Quảng Nam đến gặp Ngô Đình Diệm (Nguyên Bộ trưởng Bộ lại vì chống lại với Phạm Quỳnh nên đã từ chức về ở với người anh là Ngô Đình Khôi là Tổng đốc 2 tỉnh Nam - Ngãi, nhà riêng ở gần đầu cầu Vĩnh Điện. Anh Hiến cùng với anh Xuân đến gặp Diệm cùng nhau mua tờ báo Sông Hương để tiếp tục tái xuất bản...”.
Đảng ta chủ trương cần phải lôi kéo thân sĩ tiến bộ, không để cho Khôi, Diệm nắm và tập hợp thân sĩ vào Mặt trận dân chủ, dùng Nghị trường đấu tranh vạch mặt bọn phản động tay sai, cô lập và chống những chính sách bóc lột, đàn áp của chúng và quan thầy ở Đông Dương. Đi vào đấu tranh trong vận động bầu cử: Ta đấu tranh với phái 1884 của Khôi - Diệm và đòi chúng rút những ứng cử quá xấu. Trên báo chí công khai, ta hướng dẫn cho cử tri nên bầu và không bầu cho những ai. Bầu những người ít xấu, bầu những người đại diện và đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân.
Điều kiện để có một ứng viên của Viện Dân biểu Trung Kỳ theo ý đồ của Pháp là rất khó, vì: “Chọn trong số 50 suất đinh mới được một cử tri và phải 30.000 suất đinh mới được bầu một dân biểu”. Cử tri và ứng viên phải là công dân có nghề nghiệp, hoạt động hợp pháp mà phần lớn là hương lý đương chức và viên chức nhà nước mới được phát thẻ cử tri để đi bầu . Chọn được một ứng viên theo yêu cầu của Đảng đưa vào Viện Dân biểu của địch để đấu tranh nghị trường lại càng khó hơn. Phải là người của Mặt trận Dân chủ được Đảng tin cậy, có lập trường vì dân và có bản lĩnh đấu tranh, có khả năng tập hợp và làm chủ diễn đàn để lôi kéo các ứng viên khác về với Mặt trận Dân chủ; có khả năng làm cô lập, vô hiệu hóa phe đối lập và phát động nhân dân đấu tranh vì lợi ích của nhân dân và dân tộc. “Đảng bộ Quảng Nam phát hiện được Phan Thanh là người có khả năng đảm đương trách nhiệm đó”.
Đảng bộ Quảng Nam quyết đưa Phan Thanh vào Viện dân biểu Trung Kỳ, song theo quy chế ứng cử bầu cử thì ông bị vướng một điều, đó là ông bị bãi chức giáo học ở Thanh Hoá năm 1927, mà chưa có quyết định phục hồi. Đồng chí Phan Đăng Lưu đã tìm cách tác động Ngô Đình Diệm (nguyên là Thượng thư bộ Lại) để thông qua Diệm nhờ anh ruột Diệm là Ngô Đình Khôi đương nhiệm Tổng đốc Quảng Nam giải quyết việc này. Chỉ mấy ngày sau, Tổng đốc Ngô Đình Khôi ra quyết định khôi phục quyền công dân cho Phan Thanh. Thế là ông hoàn toàn có đủ quyền ra ứng cử. Ông làm đơn ứng cử tại hạt I của tỉnh Quảng Nam (Hoà Vang, Đại Lộc), năm ấy ông ở tuổi 29 (theo quy chế 28 tuổi mới được ứng cử).
Tỉnh uỷ Quảng Nam còn chỉ thị cho các tổ chức Đảng tại Đại Lộc và Hòa Vang tập trung vận động bầu cử cho Phan Thanh thông qua các kênh khác nhau và nhiều hình thức như: ở Đà Nẵng thì đẩy mạnh in ấn tài liệu, viết báo chí và hoạt động tuyên truyền; tại vùng nông thôn thì tuyên truyền rĩ tai cho nhân dân qua các bài ca dao, hò, vè... Đồng chí Nguyễn Thuý - một người bạn thân thiết của Phan Thanh sau này nhớ lại: “Ở Quảng Nam ta vận động cho Phan Thanh ra ứng cử và bầu vào viện dân biểu, chống lại Nguyễn Quốc Túy là ứng cử của phái Ngô Đình Diệm. Phan Thanh ứng cử ở Đại Lộc, Hòa Vang nhưng Tỉnh ủy vẫn huy động các đồng chí và quần chúng có cảm tình ở các hạt lân cận như Điện Bàn, Đà Nẵng đến Đại Lộc, Hoà Vang để vận động bầu cử cho anh. Kết quả Phan Thanh đắc cử với số phiếu quá dự kiến, mặc dầu giữa chừng cuộc vận động địch bắt giam một số đồng chí nhằm giảm lực lượng vận động cho Phan Thanh”. Nhờ đó, Phan Thanh đã đánh bại ứng cử viên Nguyễn Quốc Túy của Khôi - Diệm với số phiếu áp đảo. Cuộc đấu tranh giành phiếu giữa ta và chính quyền thực dân phong kiến diễn ra rất quyết liệt, đúng như một báo cáo của mật thám Trung kỳ: “Việc Bầu cử vào Viện dân biểu Trung kỳ được nhiều người cảm tình giúp đỡ, quấy rối chuyên nghiệp trong nhóm hợp pháp của Đảng cộng sản Đông Dương tiếp tục chuẩn bị cho cuộc bầu cử Viện Dân biểu Trung kỳ vào cuối tháng qua, họ đã chỉ định ứng cử viên của mình… Ở tỉnh Quảng Nam là hai chính trị phạm được tha hạng thứ yếu và một giáo viên đã xin thôi việc(tức Phan Thanh)”.
Sau khi vào Viện dân biểu Trung kỳ, Phan Thanh lại tiếp tục giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử vào Hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương là cơ quan “dân cử" cao nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ. Phan Thanh, qua hoạt động của mình, đã chứng tỏ là đại biểu xuất sắc của Mặt trận dân chủ Đông Dương trên lĩnh vực đấu tranh nghị trường. Viện dân biểu Trung Kỳ (khóa 3) họp ngày 3.11.1937 tại Huế để tiến hành bầu Viện trưởng, Thường trực viên và Đại biểu đi dự hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương. Thì cụ Hà Đằng đắc cử Viện trưởng, Phan Thanh được cử làm đại biểu đi dự hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương họp tại Sài Gòn.
Giữa năm 1938, Khâm sứ Trung kỳ đã đưa ra bản dự án tăng thuế và buộc Viện dân biểu Trung kỳ phải thông qua. Xứ ủy lâm thời Trung kỳ đã phát động một phong trào quần chúng rộng rãi đấu tranh đòi bãi bỏ dự án tăng thuế này. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra liên tiếp ở các tỉnh miền Trung. Hàng vạn người đã ký tên vào các bản nguyện vọng gửi cho Nam triều và Viện dân biểu Trung kỳ. Quần chúng còn trực tiếp kéo đến trước Viện dân biểu để đấu tranh. Báo chí ở Trung kỳ và cả nước đã tập trung phản ánh nguyện vọng của quần chúng chống dự án tăng thuế và ghi lại các ý kiến của các nghị viện Viện dân biểu Trung kỳ tiêu biểu nhất là ý kiến của Phan Thanh.
Để hậu thuẫn cho Phan Thanh trên nghị trường, cũng như để cung cấp các số liệu cần thiết cho ông trực tiếp đấu tranh tại nghị trường của Viện dân biểu Trung kỳ, Tỉnh uỷ Quảng Nam chỉ đạo các địa phương đồng loạt vận động nhân dân đòi bãi bỏ dự án tăng thuế. Tại Điện Bàn, quần chúng đã kéo đến nhà cụ Hà Đằng - Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ, là dân biểu của hạt Điện Bàn - Thăng Bình yêu cầu cụ phải cùng nhân dân đấu tranh chống lại dự án thuế. Ở Đà Nẵng, trong 3 ngày 4, 5, 6.8.1938, có đến 5 đoàn đại biểu của nhân dân thành phố kéo đến nhà nghị viện Quang Cự phản đối dự án tăng thuế vô lý này. Ở Duy Xuyên, ngày 7.9.1938, 150 quần chúng đã đến gặp nghị vi