Nội dung chi tiết

TRẦN ĐĂNG LONG (1760 – 1828)
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 20/02/2013 .Lượt xem: 7392 lượt. [In bài]
Trần Đăng Long là một võ quan có nhiều công lao đầu triều Nguyễn, ông chủ yếu lập nghiệp và làm quan dưới hai triều Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1841). Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn ít người am tường.

Ông quê gốc ở huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ ông là Trần Đăng Khoa, làm quan dưới thời chúa Nguyễn Phước Khoát[1], từng giữ chức Xá sai ty Thủ hợp ở Bình Hòa[2]. Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), được vua Minh Mạng truy tặng chức Vệ úy quân Thần Sách.

 

Theo Đại Nam liệt truyện, Trần Đăng Long từ nhỏ đã nổi tiếng là người có sức khỏe, trạng mạo khôi ngô tuấn tú.

 

Ông sinh năm 1760, trong thời cực thịnh của Đàng Trong dưới triều Võ vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765). Nhưng rất nhanh sau đó, sau cái chết của vị chúa đời thứ 8 này, xã hội Đàng Trong đã nhanh chóng rơi vào thời kỳ hỗn loạn rối ren khi Nguyễn Phước Thuần kế vị, quyền thần Trương Phúc Loan mặc sức thao túc triều chính, giết hại công thần, vơ vét của cải cho riêng mình. Lợi dụng điều đó, năm 1774, quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy vượt sông Gianh vào đánh chiếm được đất Phú Xuân và Quảng Nam, buộc chúa Nguyễn phải dắt díu nhau chạy vào Nam Bộ. Sau đó cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng phát, tiêu diệt chúa Nguyễn, đánh tan quân Trịnh và bước đầu thống nhất đất nước sau khi đánh bại quân xâm lược Thanh, đầu năm 1789. Tuy nhiên, nhà Tây Sơn sớm suy yếu do tình trạng ba anh em cát cứ ba miền và lục đục mâu thuẫn với nhau[3]. Khi Nguyễn Vương Phúc Ánh dựng cờ trung hưng nhằm khôi phục cơ nghiệp tổ tiên năm 1768, ông đã theo đầu quân, năm đó ông tròn 18 tuổi (19 tuổi ta).

 

Buổi đầu, Trần Đăng Long đã từng theo Nguyễn Ánh đi đánh trận nhiều nơi, lập được không ít công lao. Nhưng khi Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh bại, phải chạy qua Vọng Các (Bangkok, Thái Lan), ông bị ốm nặng nên không chạy theo được. Ông phải ẩn trốn ở quê nhà và giả làm người câm. Vì vậy, khi bị quân Tây Sơn bắt, ông đã thoát nạn[4].

 

Năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Phúc Ánh quay trở về chiếm Gia Định, ông lại quay về phục vụ Nguyễn Vương, xông pha trận mạc lập được nhiều công lao, được thăng chức Phó đội Túc trực.

 

Năm Nhâm Tý (1792), ông theo quân Nguyễn đánh ra Quy Nhơn, đốt phá rất nhiều thuyền bè của quân đội Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc, rồi rút quân về.

 

Năm Giáp Dần (1794), ông theo đoàn quân của Đông cung thái tử Nguyễn Phước Cảnh trấn giữ đất Diên Khánh, sau lại theo cánh quân do Nguyễn Vương Phúc Ánh thống lĩnh đánh ra cửa biển Thi Nại, Quy Nhơn. Trong trận quyết chiến với quân Nguyễn Nhạc ở núi Tam Tòa, ông bị đạn bắn trúng thương ở chân nhưng vẫn gắng gượng tự băng bó chân để chiến đấu tiếp khiến ai cũng khâm phục và khen ông có sức khỏe phi thường.

 

Năm Ất Mão (1795), Trần Đăng Long lại theo quân Nguyễn đi đánh giải vây cho Diên Khánh, lúc đó đang bị quân Tây Sơn vây chặt. Ông cho quân đóng đồn ở núi Giang Nam, chặn đánh đường rút của quân Tây Sơn. Vì chiến công ở trận này, năm sau (1796), ông được thăng chức Nội Cai đội vệ Túc trực.

 

Năm Đinh Tỵ (1797), ông lại theo một cánh quân do Nguyễn Văn Khiêm chỉ huy bí mật đánh vào cửa biển Đà Nẵng bằng đường thủy. Binh đoàn Lê thuyền của ông đã đốt cháy rất nhiều thuyền chiến của Tây Sơn, rồi rút về.

 

Năm Kỷ Mùi (1799), Trần Đăng Long lại theo cánh quân đường thủy ra đánh Quy Nhơn. Trận này quân Nguyễn thắng lớn, sau đó đại quân lại theo đường bộ rút về Gia Định.

 

Năm Canh Thân (1800), quân Tây Sơn vây khốn thành Bình Định, ông theo đoàn quân Nguyễn đi đánh giải vây.

 

Năm Tân Dậu (1801), ông theo cánh quân của Nguyễn Văn Trương đánh ra cửa biển Thi Nại. Quân Nguyễn lợi dụng trời tối tấn công bất ngờ và đốt cháy hầu hết thủy trại của quân Tây Sơn. Sau đó cánh quân này tiếp tục tiến ra Thuận Hóa, đánh vào kinh đô Phú Xuân của vua Quang Toản. Quân Tây Sơn đại bại, phải rút chạy ra Thăng Long. Vì lập nhiều công lao, ông được thăng lên chức Vệ úy Vệ Cung vũ, rồi được sai dẫn quân vào Bình Định tiếp tục đánh quân Tây Sơn.

 

Năm 1802, ông được vua triệu tập về kinh đô Phú Xuân.

 

Sau khi khôi phục cơ đồ, thống nhất toàn vẹn đất nước, Nguyễn Vương Phúc Ánh lên ngôi tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, lập ra vương triều Nguyễn. Khi xét thưởng công lao, Trần Đăng Long được thăng thưởng lên chức Vệ úy Tiền nhất quân Thị trung, khâm sai thuộc Nội Cai cơ. Mùa thu năm 1802, ông theo đoàn ngự giá vua Gia Long ra Thăng Long. Trong hơn hai tháng ở lại trên đất Bắc, ông đã giúp nhà vua nhiều công việc hệ trọng, nhất là việc sắp xếp lại tình hình, ổn định xã hội và nhân tâm, đưa ra những chính sách đối nội, đối ngoại để bình ổn đất nước[5].

 

Từ năm 1803, triều Nguyễn bắt đầu khởi công xây dựng kinh đô Phú Xuân, Trần Đăng Long đã tham gia tích cực vào công việc kiến thiết này. Ông trực tiếp chỉ đạo binh lính, dân phu xây dựng Kinh thành, Hoàng thành và các cung điện, đàn miếu, nhà xưởng… Suốt bốn năm (1803-1807), ông lăn lộn với công việc này, đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng nên kinh đô Phú Xuân hào hoa diễm lệ đầu thế kỷ XIX.

 

Năm 1808, ông cùng với Hữu tham tri Bộ Công là Nguyễn Đức Huyên sung chức duyệt tuyển ở Bình Hòa, để bổ sung nguồn nhân lực cho việc xây cất kinh đô và kiến thiết đất nước. Vì những công lao và kinh nghiệm của ông, về sau mỗi khi gặp kỳ duyệt tuyển, ông thường được nhà vua cử cùng với quan văn sung làm công việc này.

 

Năm 1809, ông được thăng chức Khâm sai thuộc Nội vệ úy vệ Tiền nhất quân Thị trung. Từ đây, công việc của ông càng gắn bó với các hoạt động của triều đình và hoàng gia hơn.

 

Từ năm 1809 đến năm 1813, Trần Đăng Long chủ yếu ở kinh đô, tiếp tục tham gia vào việc quy hoạch và xây dựng các công trình, nhất là việc xây đắp và bảo vệ Kinh thành[6].

 

Năm 1814, bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu (chính thất của vua Gia Long, thân sinh của Đông cung Thái tử Cảnh) băng hà. Triều Nguyễn chọn đất và bắt đầu xây lăng Thiên Thọ ở xã Định Môn, huyện Hương Trà, phủ Quảng Đức (sau đổi thành Thừa Thiên). Trần Đăng Long được sung chức Phó sứ sơn lăng, tham gia trực tiếp vào việc xây dựng khu lăng mộ đồ sộ này.[7]

 

Mùa thu năm 1814, ông được bổ lại chức cũ, về làm Lưu thủ trực thuộc doanh Quảng Nam.

 

Đầu năm 1820, vua Gia Long băng hà. Ngay sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng đã cho triệu ông về Kinh, cho giữ chức cũ ở quân Thị trung và kiêm trông coi việc ở Võ Khố[8].

 

Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), ông được thăng chức Thống chế doanh Tiền phong quân Thị nội. Đây là doanh chủ lực của quân đội Nguyễn trong việc giữ gìn an ninh và bảo vệ kinh đô Huế. Trần Đăng Long đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Vì vậy, từ năm 1825, ông được nhà vua giao kiêm quản 3 đội Tả vệ, Hữu vệ và Hoàng kiếm. Sau đó ông được thăng chức Phó đô thống chế doanh Hậu quân thần sách và vẫn kiêm quản kho Vũ khố như cũ. Bên cạnh nhiệm vụ chính, Trần Đăng Long còn tích cực tham gia vào công tác duyệt tuyển.

 

Ngày 5 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 6, nhà vua có Chiếu ban thưởng cho các võ quan đã làm tròn nhiệm vụ tuyển lính, trong đó đích thân khen thưởng Trần Đăng Long với nội dung như sau:

 

“Chiếu cho Sĩ đức hầu Trần Đăng Long, Phó đô thống chế, doanh Hậu quân Thần sách, kiêm quản Võ khố sự vụ.

 

Trước đây khanh đã khâm mệnh duyệt tuyển tại Thanh Hoa, công việc khởi thủy thật là khó khăn. Thế mà khanh giữ lẽ công bình, lấy làm tròn sứ mệnh, rất đáng khen ngợi. Vậy chuẩn cho giữ y nguyên hàm, gia thêm một cấp, để khuyến khích”[9].

 

Cũng trong năm này, với tư cách là Thống chế dinh Tiền phong Thị nội, ông là người sắp xếp các chuyến “ngự yết” thăm lăng tẩm tiền triều của nhà vua và các chuyến đi thị sát các cửa biển, đồn lũy quanh kinh đô và vùng Quảng Nam.

 

Ngày 25/2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826), khi đã 66 tuổi, Trần Đăng Long được đặc chuẩn sung chức Giám thí tuần sát trường thi Hội tại kinh đô[10] (cùng với Tôn Thất Bính, Nguyễn Xuân Thục, Trần Lợi Trinh, Phan Huy Thực, Hoàng Văn Diễn và Nguyễn Văn Nghị). Đây cũng là trường hợp ít thấy vì Trần Đăng Long vốn thuần túy là một võ quan, lại được giao giám sát công việc thi cử của một kỳ đại khoa của triều Nguyễn. Khoa thi năm Bính Tuất này mới là kỳ thi Tiến sỹ thứ hai của triều Nguyễn.

 

Trong khoa thi này, Thượng thư bộ Lễ Nguyễn Xuân Thục là Chánh chủ khảo, Thượng thư bộ Lại Trần Lợi Trinh là phó chủ khảo. Khoa thi Tiến sỹ năm này chọn được 10 vị đỗ Tiến sỹ[11].

 

Năm 1827, Trần Đăng Long được gia hàm Đô thống kiêm quản cả Tào chính. Đây cũng là chức vụ cao nhất ông từng được đảm nhiệm trong cuộc đời làm quan với triều Nguyễn. Dù tuổi cao, sức khỏe không cho phép nữa nhưng ông vẫn luôn cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

 

            Mùa đông năm Minh Mạng thứ 9 (1828), ông lâm bệnh nặng rồi mất, hưởng thọ 69 tuổi.

 

Nhà vua rất thương tiếc và truy tặng ông hàm Hậu dinh Đô thống, lại gia thưởng 200 lạng bạc, 5 cây gấm tàu.

 

Đến nay chúng tôi vẫn chưa rõ mộ phần của ông an táng ở đâu[12].

 

Cuộc đời và sự nghiệp của ông được sử gia triều Nguyễn ghi chép lại trong sách Đại Nam liệt truyện, sách Đại Nam nhất chí, phần tỉnh Quảng Nam cũng ghi chép về ông ở mục ‘Nhân vật”[13].

 

Không thấy tư liệu đề cập Trần Đăng Long có tác phẩm nào[14].

 

Về gia đình, Trần Đăng Long có 6 người con trai[15] là: Trần Đăng Tự, Trần Đăng Phú, Trần Đăng Xuân, Trần Đăng Thu, Trần Đăng Biện và Trần Đăng Cận.

 

Trần Đăng Tự được ghi vào sổ Anh danh[16], nhưng đang theo học thì chết sớm.

 

Trần Đăng Phú làm quan đến chức Phó lãnh binh ở tỉnh Bắc Ninh.

 

Trần Đăng Xuân, Trần Đăng Thu, Trần Đăng Biện và Trần Đăng Cận đều làm quan cho triều Nguyễn đến chức Cai đội.

 

***

 

Có thể nói, Trần Đăng Long là một công thần của triều Nguyễn. Cuộc đời ông gắn bó với cả công cuộc trung hưng của họ Nguyễn và xây dựng một triều đại mới. Cả đời mình ông tận trung với họ Nguyễn và đã đóng góp nhiều công lao cho sự hưng thịnh của triều đại này trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX. Ông cũng là một hiện tượng hiếm có trong quan trường triều Nguyễn vì suốt cuộc đời làm quan chỉ có thăng chức chứ chưa từng bị khiển trách, giáng chức. Tuy nhiên, không nhiều người biết về hành trạng và sự nghiệp của ông. Đến nay, mộ phần của ông ở đâu, con cháu của ông ra sao cũng chưa rõ. Bởi vậy, chúng tôi rất mong các nhà nghiên cứu hay những ai hay biết thêm thông tin về điều này thì hãy chỉ giáo, bổ khuyết để bức chân dung về nhân vật lịch sử Trần Đăng Long đầy đủ và chính xác hơn.

 

                                                                                    Huế 2011

 

                                                                          - Phan Thanh Hải -

 



[1] Còn gọi là Nguyễn Phước Hoạt, vị chúa đời thứ 8 (1738-1765), người có công đẩy mạnh và gần như hoàn thành công cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi về phía Nam. Năm 1744, ông xưng vương hiệu, đổi phủ Phú Xuân làm Đô Thành, chia đất nước thành 12 dinh.

[2] Bình Hòa thuộc đất Đồng Nai hiện nay. 

[3] Ba anh em Tây Sơn chia đất nước thành 3 vương quốc nhỏ: Nguyễn Lữ là Đông Định Vương, giữ đất Nam bộ, Nguyễn Nhạc là Trung Ương Hoàng đế, giữ đất miền Trung, từ Đồng Nai đến Thăng Hoa (Quảng Nam), Nguyễn Huệ, sau cũng xưng là Quang Trung Hoàng đế (1788), giữ đất từ Thăng Hoa ra hết miền Bắc. Trước đó, giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ từng có mâu thuẩn lớn. Năm 1787, Nguyễn Huệ đã đưa quân vào vây hãm thành Đồ Bàn hàng tháng trời…Chính sự cát cứ của anh em Tây Sơn đã làm họ suy yếu đi nhiều và đất nước không thể thống nhất trọn vẹn dưới triều đại này.

[4] Sách Đại Nam liệt truyện cũng ghi, khi ẩn trốn quê nhà Trần Đăng Long đã giả làm người câm, bị quân Tây Sơn bắt và suýt giết, nhờ giả câm mà thoát nạn (Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Sơ tập, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tập 2, tr 307).

 

 

[5] Theo đánh giá của nhà sử học Hàn Quốc Choi Byung Wook, trong hơn 2 tháng ở Thăng Long vào năm 1802, vua Gia Long đã đưa ra nhiều chính sách đối nội, đối ngoại hết sức sáng suốt. Những chính sách này đã góp phần quan trọng định hướng cho con đường phát triển của Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XIX. Một số cận thần theo vua Gia Long ra Bắc đã có công lớn trong việc này, trong đó có Trần Đăng Long. Tham khảo bài viết của Choi Byung Wook “Gia Long ở Thăng Long từ ngày 21/7 đến ngày 27/9 âm lịch năm 1802”. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr 92-99.

[6] Kinh thành Huế là một trong những thành lũy đồ sộ nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam. Kinh thành nằm ở bờ bắc sông Hương, cấu trúc kiểu thành quân sự Vauban của châu Âu, bình diện gần như hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 2,5km, chu vi 10km, chiếm diện tích 520ha. Bên trong lại có 2 vòng thành nữa là Hoàng thành và Tử Cấm thành. Riêng vòng Kinh thành cao 6,6m, dày 21m, giữa đắp đất, xây gạch 2 bên ốp vào, mỗi bên dày 1,5m đã phải huy động hàng vạn dân binh làm việc liên tục hàng chục năm mới xây đắp xong.

[7] Thiên Thọ Lăng là khu lăng mộ quy mô lớn nhất trong lịch sử lăng mộ Việt Nam thời quân chủ. Toàn khu lăng có diện tích quy hoạch (bao gồm cả vùng bảo vệ) đến 2.875ha. Trong khu vực rộng lớn này, ngoài lăng Thiên Thọ của bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu và vua Gia Long (đưa vào đầu năm 1820) còn có lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu (thân mẫu của vua Minh Mạng) và 5 khu lăng mộ khác của các thành viên trong hoàng gia Nguyễn. Việc xây dựng khu lăng này kéo dài từ năm 1814 đến năm 1820, về sau còn bổ sung thêm nhiều lần tu bổ, cải tạo nữa.

[8] Võ Khố là cơ quan cơ quan cất giữ bảo quản các loại vũ khí, thiết bị của quân đội với nhiều kho tàng lớn nằm bên trong Kinh thành Huế. Trần Đăng Long được giao kiêm quản chức này chứng tỏ ông được nhà vua và triều đình rất tin dùng.

[9]  Cục Lưu trữ nhà nước- Đại học Huế- Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa, Mục lục châu bản triều Nguyễn, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1998, Tập 2 (năm 1825-1826).

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HOÀNG DIỆU (1829 – 1882)
PHẠM PHÚ THỨ (1821-1882)
NGUYỄN THÀNH Ý (1820-1897)
PHẠM HỮU NGHI (1798-1862)
Các tin cũ hơn:
PHAN THANH (1908-1939)
LÊ ĐÌNH DƯƠNG (1894-1919)
MAI DỊ ( 1884-1928)
PHAN THÀNH TÀI (1878-1916)
PHAN THÚC DUYỆN (1873-1944)
TRƯƠNG CÔNG HY (1727-1800)
PHẠM HỮU KÍNH
TRẦN CAO VÂN (1866 - 1916)
TRẦN QUÝ CÁP (1870-1908)
PHAN TRÂN (1862-1935)
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm