Nội dung chi tiết

PHẠM HỮU NGHI (1798-1862)
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 20/02/2013 .Lượt xem: 6209 lượt. [In bài]
Danh thần triều Nguyễn, từng làm quan trải ba triều Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841–1847) và Tự Đức (1848-1883).

Phạm Hữu Nghi[1] , tự là Trọng Vũ, hiệu là Đạm Trai, tổ tiên vốn người Nghệ An, sau di cư vào lập nghiệp ở Quảng Nam.

 

Ông quê ở làng Trừng Giang, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Phạm Văn Vận, một nhà Nho có chí khí nên từ nhỏ ông đã được học hành khá bài bản.

 

Phạm Hữu Nghi sinh ra và lớn lên trong thời kỳ khá đặc biệt của đất nước, họ Nguyễn trung hưng được cơ nghiệp tổ tiên, thống nhất toàn vẹn đất nước và xây dựng một vương triều hùng mạnh ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh ấy, hầu hết những người có chí khí và tài năng như ông đều mong muốn tham gia cống hiến xây dựng đất nước.

 

Tương truyền từ nhỏ Phạm Hữu Nghi đã nổi tiếng thông minh, sáng láng. Khi mới 5- 6 tuổi, cha ông đã dạy cho học Đường thi, chỉ cần cha đọc qua miệng là ông tức đọc thuộc[2]. Khi ông được gửi đến học thầy, cử chỉ đã đứng đắn như người lớn, nên được thầy giáo rất yêu quý.

 

Mùa hạ năm Minh Mạng thứ 2 (1821), Phạm Hữu Nghi tròn 23 tuổi và lần đầu tiên ra kinh đô Huế để tham dự kỳ thi Hương tổ chức tại Trường thi Trực Lệ Quảng Đức[3] (sau đổi là Trường Thừa Thiên). Ông đã đỗ Á Nguyên trong kỳ thi này[4].

 

Tuy nhiên, năm sau (1822), khi vào thi Hội, ông chỉ trúng cách kì ba[5], không được chấm đỗ Tiến sỹ.

 

 Phạm Hữu Nghi không học để thi lại mà ra làm quan.

 

Đầu tiên ông được bổ chức Điển bạ, thăng dần đến Tu soạn, rồi được sung chức Hành nhân sứ bộ[6] sang Trung Quốc điều đình với nhà Thanh về việc ngoại giao giữa hai nước. Lúc trên đường về vì vi phạm việc đệ trạm không hợp lệ nên bị cách chức phải đi “hiệu lực” (làm việc khác để chuộc tội) ở Singapore (Giang Lưu Ba). Ông đã không mặc cảm, nề hà mà vẫn tận tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 

Trong chuyến đi này, Phạm Hữu Nghi đã sáng tác bộ Sứ Yên tùng vịnh. Đó là những bài thơ ông cảm tác suốt trong quá trình đi sứ, cảm nhận cuộc sống, cảnh vật xứ người, trong đó có cả những bài thơ sáng tác trong lúc thù tạc đối ẩm cùng bạn đồng hành và giới văn sĩ Trung Hoa. Theo Đại Nam liệt truyện, những bài thơ của ông rất được bạn bè văn sĩ Trung Quốc khen thưởng[7].

 

Sau chuyến công cán trở về, Phạm Hữu Nghi được khôi phục chức Tư vụ, rồi thăng lên Chủ sự.

 

Sau đó ông được điều đi giữ chức Tri phủ tại Bình Định, lần lượt luân chuyển qua ba phủ An Nhơn, Hoài Đức và Hoài Nhơn.

 

Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), Phạm Hữu Nghi được thăng thụ chức Tư nghiệp Quốc Tử giám (tức chức Hiệu phó trường Quốc Tử giám)[8].

 

 Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), ông được chuyển ra làm Án sát tỉnh Nghệ An,

 

Nhưng chỉ ít lâu sau đó ông được đổi về kinh đô thăng lên hàm Quang lộc tự khanh sung Toản tu ở Quốc Sử Quán. Từ đây, với tài năng của mình, Phạm Hữu Nghi đã tham gia vào việc biên soạn, chỉnh lý nhiều bộ sử lớn của dân tộc.

 

Năm Tự Đức nguyên niên (1848), Phạm Hữu Nghi ứng chế làm bài phú Nguyệt trung quế. Nhà vua đọc bài này xong cảm thấy rất tâm đắc, bèn thăng ông thực thụ chức Hữu Tham tri bộ Lễ và sung chức Giảng quan ở tòa Kinh diên để hằng ngày giảng sách cho vua nghe[9].

 

Năm 1854, lúc đang làm Giảng quan tại tòa Kinh diên, ông dâng sớ tâu xin nhà vua cho thực hiện một chương trình sưu tầm các thể loại sắc, mệnh, chiếu, cáo, tiên, biểu, thư, sớ, bi kí, lộ bố và các bài tán tụng, tự, bạt của vua và các công thần đã soạn ra từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), nhằm chọn những bài xuất sắc, phân loại thành bộ môn chuyên ngành in thành từng tập trong một bộ sách chung, gọi tên là Đại Nam văn uyển thống biên, để làm mẫu mực điển chương cho học thuật. Vua Tự Đức khen là phải, liền phê duyệt, rồi giao cho ông chủ trì việc sưu tầm và trông coi luôn việc khắc in. Bộ sách này do ông làm Tổng tài trông nom việc biên soạn, sau khắc in được 76 quyển, gồm: 1421 bài. Có thể xem, đây là một phần của di sản văn hóa Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng.

 

Phạm Hữu Nghi còn trực tiếp tham gia biên soạn, chỉnh lý bộ Thánh Tổ Nhân hoàng đế thực lục chính biên (tức sách Đại Nam thực lục, phần Chính biên, Đệ nhị kỷ) với tư cách là Toản tu[10]. Bộ sách này được biên soạn xong vào năm Tự Đức thứ 14 (1861), khi làm bản tấu trình lên, nhà vua xem xong rất hài lòng và lệnh cho đem đi in. Đây chính là một trong những phần quan trọng nhất của bộ sử lớn nhất của triều Nguyễn, và cũng là bộ sử lớn nhất của Việt Nam trong lịch sử.

 

Năm Tự Đức thứ 15 (1862), ông lấy cớ đã già yếu xin về trí sĩ, vua chuẩn y ban cho mũ áo, bạc lụa rất hậu để tỏ sự ưu đãi. Tuy nhiên, ông về hưu chưa lâu thì đến tháng 3 năm 1862 đã lâm bệnh nặng rồi mất ở quê nhà, hưởng thọ 65 tuổi (66 tuổi âm lịch).

 

Ông tuy làm quan tại triều hằng ngày ở cạnh vua, chúa, công, hầu... nhưng lúc nào cũng gần gũi với dân chúng, quê hương. Theo các tài liệu lịch sử còn lưu lại, mỗi khi về làng ông thường chăm lo đến cảnh sống của bà con xứ sở. Có lần ông về thăm quê, gặp nạn bãi sông lở vào mùa lụt, ông bèn cho mời họp bà con quê hương, tổ chức xin đất các làng lân cận cho dân đến khai khẩn, lập làng đến ở. Ân đức của ông thấm nhuần, dân làng ai ai cũng mang ơn ông.

 

Ông còn chú ý tôn tạo đền chùa, đình miếu và các di sản văn hóa của cha ông. Hiện nay, tại Bảo tàng huyện Điện Bàn vẫn còn lưu giữ một số tấm bia, trong đó có Bia khắc về Văn Từ Phủ, một công trình văn hóa do các trí thức trong vùng góp công của dựng nên để tôn vinh sự nghiệp giáo dục, tôn vinh tri thức và sự học hành. Phạm Hữu Nghi không chỉ đóng góp nhiều công sức mà còn trực tiếp góp 20 lạng bạc để dựng Văn Từ Phủ. Căn cứ vào văn bia, chúng ta còn biết, bài văn này do đích thân Phạm Hữu Nghi soạn. Vì trên bia đề chức danh của ông là “Cố Kinh diên nhật giảng quan, Hữu Tham tri bộ Lễ sung Toản tu Sử quán” nên chúng tôi đoán niên đại soạn khoảng trong năm 1862, sau khi ông đã về hưu. Điều đó càng chứng tỏ ông luôn nặng lòng với quê hương và chăm lo tôn tạo các công trình văn hóa của xứ sở[11].

 

Đánh giá về ông, Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết:

 

Hữu Nghi thông các kinh, học rộng, lúc mới sung làm hành nhân, có làm tập “Sứ yên tùng vịnh”, danh sĩ ở Trung Quốc cũng đều khen thưởng. Lại có  tập thơ “Đạm trai” lưu hành ở đời. Nghi, lúc ngày thường, lưu ý đến quê hương. Khi Nghi ở làng lúc ấy lo nạn bãi sông lỡ, Nghi bèn họp người làng, mưu xin ruộng của xã Thẩm Lĩnh để cho dân ở. Đến nay dân làng còn ơn[12].

 

Cuộc đời và sự nghiệp của ông được ghi lại thành các mục riêng trong các công trình Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí (phần tỉnh Quảng Nam).

 

Về tác phẩm, Phạm Hữu Nghi có 3 công trình chính được các danh sĩ đương thời và nhiều người truyền tụng, đó là:

 

- Đại Nam văn uyển thống biên (76 quyển)

 

- Sứ Yên tùng vịnh (Thơ đi sứ Bắc Kinh).

 

- Đạm Trai thi tập.

 

Hiện nay, bộ Đại Nam văn uyển thống biên đang có lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm dưới dạng viết tay với 5 dị bản khác nhau với các ký hiệu như sau:

 

- Bản mang ký hiệu VHv. 205/1-22: 1992 tr, 29 x 16 (thiếu).
- Bản mang ký hiệu VHv. 981: 286 tr, 28 x 16 (thiếu).
- Bản mang ký hiệu
A. 1150: 142 tr, 30 x 11 (thiếu).
- Bản mang ký hiệu
A. 1519: 518 tr, 30 x 20 (thiếu).
- Bản mang ký hiệu
A. 2894/1-2: 510 tr, 23 x 13 (thiếu).

 

Ngoài ra còn có 1 dụ, 1 biểu dâng sách, có chữ Nôm.

 

Trong đó, bản mang ký hiệu VHv.205/1-22 gồm nhiều nội dung hơn cả, với 16 tập, cụ thể như sau: T1, T2: sách văn tấn tôn và tấn phong. T4: các sắc văn thức. T5, T6: dụ, chiếu về ban chức tước, truy phong, truy tặng, ban ân, bố cáo, huấn sức. T7, T8, T9: dụ, chiếu trong hai đời Gia Long và Minh Mạng. T. 11, T12, T14, T15, T16: biểu tạ ơn về thi đỗ, phong tặng, ban ơn phụ mẫu, cho con cháu tập ấm, tên thụy hiệu, mừng thắng lợi, được ban thơ văn. T18, T19, T20: sớ điều trần, tấu nghị soạn thảo trong các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. T21: bi, kí, tụng, tán, châm, minh. T22: tự, bạt, phú, tế văn, mộ chí.

 

Theo Di sản Hán Nôm danh mục đề yếu, thì đây là “Bộ sưu tập văn chương từ lệnh được soạn thảo trong khoảng thời gian từ năm Cảnh Hưng 39 (1778) đến năm Thiệu Trị 7 (1847)”[13]. Nếu đúng như vậy thì, việc chọn các áng thơ văn, từ lệnh tập hợp trong bộ sách này không phải chỉ giới hạn trong giai đoạn 1802-1847 mà còn kéo dài về trước hơn 20 năm nữa.

 

Về sau, triều Nguyễn còn căn cứ vào nội dung bộ sách này để biên soạn phần kế tiếp, gọi là Tục vựng Đại Nam văn uyển thống biên[14].

 

Còn hai công trình Sứ yên tùng vịnhĐạm Trai thi tập đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm thấy văn bản.

 

Bên cạnh ba công trình trên, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn cho rằng, Phạm Hữu nghi có 2 công trình nữa là Công trình lục phụ võ cử quy trình[15]Chúng đậu pháp. Tuy nhiên, điều này cần phải xác minh thêm.

 

Về gia đình, Phạm Hữu Nghi có 2 người con trai là Phạm Hữu Trác và Phạm Hữu Gia, đều làm Bát phẩm bộ Binh.

 

Cháu nội ông là Tiến sĩ Phạm Liệu, một trong những người nổi tiếng hay chữ của xứ Quảng Nam, Thừa Thiên vào cuối thế kỷ XIX. Phạm Liệu đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ và một trong “Ngũ phụng tề phi” của Quảng Nam trong khoa Mậu Tuất thời vua Thành Thái (1898).

 

Theo các sử liệu triều Nguyễn, Phạm Hữu Nghi qua đời ở quê nhà, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa xác định được mộ phần của ông hiện ở đâu!

 

                                                                                    Huế 2011         

 

                                                                        -Phan Thanh Hải -

 

 

PHỤ LỤC

 

 

I. Những ghi chép về Phạm Hữu Nghi trong chính sử triều Nguyễn

 

 

I.1. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, tỉnh Quảng Nam, bản Duy Tân thứ 3, 1909, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo.

 

Phạm Hữu Nghi

 

Tự là Đạm Trai, đậu hương tiến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), làm quan lần đến chức Hoàng tử Tán thiện. Đầu niên hiệu Thiệu Trị ra làm án sát Nghệ An, kế thăng Quang lộc Tự khanh sung Toản tu Quôc sử quán. Niên hiệu Tự Đức được vua thăng cho lên Hữu Tham tri Bộ Lễ sung Kinh diên Giảng quan kiêm Hàn lâm viện, bị bệnh xin về rồi mất. Ông Nghi thông kinh điển, hiểu biết rộng việc xưa, có làm sách “Sứ yên tòng vịnh” và Đạm Trai thi tập truyền thế.

 

Tr 111.

 

 

I.2. Sách Đại Nam liệt truyện, phần Chính biên, tập 2, bản dịch của Viện Sử học, NXB Thuận Hóa,

 

Phạm Hữu Nghi 

 

      Tên tự là Trọng Vũ, tên hiệu là Đạm Trai. Tiên tổ là người Nghệ An, nhập tịch ở đây. Nghi thuở nhỏ thông sáng, lúc lên 5,6 tuổi, cha là Văn Vận dạy Nghi học Đường thi, qua miệng là đọc thuộc. Khi Nghi đi học thầy, cử chỉ đứng đắn như người lớn.

 

      Năm Minh Mạng thứ 2, đỗ hương tiến, bắt đầu bổ điển bạ, thăng dần đến tu soạn, sung làm chức hành nhân sứ bộ đi sang nước Thanh. Đến khi về, vì việc đệ trạm không hợp lệ, bị cách chức hiệu lực1 , rồi phái đi công cán ở Giang Lưu Ba, được khôi phục làm tư vụ, thăng chủ sự; trải làm quan tri phủ 3 phủ An Nhân, Hoài Đức, Hoài Nhân. Vì có tiếng là văn hạnh, thăng thị giảng, sung tán thiện, đổi làm tư nghiệp, thăng bổ án sát sứ Nghệ An. Chưa bao lâu, đổi vào kinh, thăng quan lộc tự khanh, sung Sử quán toản tu.

 

      Đầu năm Tự Đức, ứng chế làm bài thơ “Nguyệt trung quế”2 là bài phú được xứng ý, thăng thụ hữu tham tri bộ Lễ, sung làm nhật giảng quan ở Kinh diên.

 

      Năm thứ 7, Nghi tâu xin kiếm xét tự năm Gia Long thứ  1, cho đến năm Thiệu Trị thứ 7, phàm các văn thể như sắc mệnh, chiếu cáo tiên biểu, thư, sớ, bi kí, lộ bố3 và tán tụng, tự, bạt,4 do các thần công nghĩ soạn ra, chọn bài nào hay hơn cả, chia từng môn, định từng loại, biên chép vào thành tập, nhan đề là “Đại nam văn uyển thống biên”, để cho điển chương thời thịnh trị, lưu truyền lâu dài. Vua khen là phải, sai Nghi trông coi việc làm. Khi biên thành tập được 76 quyển, gồm có 1.421 bài.

 

      Năm thứ 15, Nghi vì già yếu, xin viện lệ cáo về. Vua hậu cho bạc lụa, mũ áo để ưu đãi. Tháng 3 năm ấy, Nghi chết, tuổi 66. Tin báo tang đến tai vua, vua cho thêm 500 quan tiền.

 

       Hữu Nghi thông các kinh, học rộng, lúc mới sung làm hành nhân, có làm tập “Sứ yên tùng vịnh”, danh sĩ ở Trung Quốc cũng đều khen thưởng. Lại có  tập thơ “Đạm trai” lưu hành ở đời. Nghi, lúc ngà

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HOÀNG DIỆU (1829 – 1882)
PHẠM PHÚ THỨ (1821-1882)
NGUYỄN THÀNH Ý (1820-1897)
Các tin cũ hơn:
TRẦN ĐĂNG LONG (1760 – 1828)
PHAN THANH (1908-1939)
LÊ ĐÌNH DƯƠNG (1894-1919)
MAI DỊ ( 1884-1928)
PHAN THÀNH TÀI (1878-1916)
PHAN THÚC DUYỆN (1873-1944)
TRƯƠNG CÔNG HY (1727-1800)
PHẠM HỮU KÍNH
TRẦN CAO VÂN (1866 - 1916)
TRẦN QUÝ CÁP (1870-1908)
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm
EMC Đã kết nối EMC