Nhiệm kỳ 2010-2015, BCH Đảng bộ huyện đã xác định: “Xây dựng Điện Bàn thành trung tâm kinh tế- đô thị vùng Bắc Quảng Nam, với chức năng là trung tâm công nghiệp, thương mại-dịch vụ- du lịch và văn hóa, có tổ chức không gian hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo tồn, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường”. Muốn vậy, cần phải có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng đội ngũ CBCC ngang tầm, có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Điện Bàn đã có sự quan tâm đúng mức đến công tác cán bộ với nhiều chính sách đúng đắn, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ CC-VC chuyên nghiệp về tác phong, tinh thông về nghiệp vụ từ huyện đến cơ sở, chú trọng đổi mới đồng bộ công tác cán bộ, nhất là đổi mới tư duy, cách làm trong từng khâu, từng phần việc, đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thời gian đến, công tác cán bộ cần tiếp tục được xác định là khâu quan trọng, trong đó, công tác cán bộ ở các xã, thị trấn là khâu đột phá, tạo tiền đề cho quá trình phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Hiện nay, tổng số CBCC cấp xã là 407 người. Tỷ lệ cán bộ đạt 03 chuẩn là: 57,7%. Về trình độ chuyên môn: ĐH: 112 (tỷ lệ 27,5%), CĐ: 09 (tỷ lệ 2,2%), TC: 183 (tỷ lệ: 45%), sơ cấp và chưa đào tạo: 103 (tỷ lệ 25%). Về trình độ lý luận chính trị: CC: 13 (tỷ lệ 3,2%), TC: 272 (tỷ lệ 66,8%), sơ cấp và chưa đào tạo: 122 (tỷ lệ 30%). Về trình độ văn hóa: tốt nghiệp THPT: 369 (tỷ lệ 90,7%), chưa tốt nghiệp THPT: 38 (tỷ lệ: 9,3%). Như vậy, tỷ lệ cán bộ chưa đạt 03 chuẩn là trên 40% và cán bộ chưa qua đào tạo về chuyên môn, chính trị chiếm tỷ lệ từ 25- 30%. (Theo số liệu thống kê tháng 04/2012). Từ thực trạng đội ngũ CBCC cấp xã như trên, có thể thấy rằng xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò của chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, ý thức tự vươn lên của đội ngũ CBCC cấp xã còn phải có định hướng mang tính chiến lược lâu dài trong công tác cán bộ và xác định lộ trình cụ thể trong tổ chức thực hiện (quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm...). Công tác quy hoạch cán bộ cần được xem là khâu quan trọng hàng đầu. Trong việc quy hoạch cán bộ cơ sở, không nên chỉ dừng lại ở các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt mà còn cần chú ý đến các chức danh khác và đội ngũ làm công tác chuyên môn. Từ đó, xác định việc quy hoạch một cách bài bản, khoa học, đúng người đúng việc gắn với đánh giá, đào tạo và bố trí sử dụng sau đào tạo; lựa chọn, phát hiện những cán bộ trẻ có triển vọng để tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu thực tế và lâu dài, đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Đánh giá CBCC hằng năm cần lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo năng lực, phẩm chất cán bộ, tránh tình trạng “dĩ hòa vi quý”. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần đa dạng hóa các loại hình, nhất là bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, tăng cường các nội dung mang tính thực tiễn; chú trọng năng lực, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, hoạt động thực tiễn và gắn với quy hoạch, tránh tình trạng chạy theo số lượng (một số địa phương cử cán bộ đi đào tạo chưa đúng với quy hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế). Cán bộ sau khi được đào tạo cần bố trí sử dụng đúng với chuyên môn, nghiệp vụ. Quan tâm bồi dưỡng bí thư chi bộ, trưởng thôn, khối phố làm nòng cốt cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Cùng với công tác quy hoạch, việc luân chuyển CBCC cần được đẩy mạnh, luân chuyển cán bộ trẻ về xã và cán bộ chủ chốt xã đủ điều kiện về công tác tại huyện, thí điểm luân chuyển CBCC giữa các xã, thị trấn với nhau (trước mắt là các chức danh công chức xã); tăng cường thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật đến với cơ sở, vừa tạo điều kiện để họ được rèn luyện trong thực tiễn vừa giúp cho địa phương tăng cường được nguồn cán bộ ở những lĩnh vực thiết yếu, tránh tình trạng khép kín, cục bộ địa phương, tạo quá trình chuyển đổi các thế hệ cán bộ cấp xã được diễn ra thuận lợi, khắc phục được tình trạng bị động, chắp vá, hẫng hụt trong công tác cán bộ. Thường xuyên thực hiện việc rà soát, đánh giá chất lượng CBCC làm cơ sở cho quy hoạch, bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm chức danh phù hợp với năng lực, sở trường (về quản lý, về chuyên môn nghiệp vụ). Quy định cụ thể tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị của từng chức danh CBCC. Xác định số lượng, nhu cầu, vị trí việc làm đúng với từng chức danh. Việc bổ nhiệm, đề bạt đúng với quy hoạch, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm và cơ chế giám sát của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ của CBCC cấp xã. Bên cạnh đó, ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện cần có chính sách riêng, phù hợp nhằm động viên, khuyến khích, giải quyết đầu ra cho CBCC như: nghỉ hưu trước tuổi đối với CBCC cấp xã có tuổi đời cao, chưa đạt chuẩn về chuyên môn theo quy định; chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học có chuyên môn phù hợp về công tác tại xã; chế độ hỗ trợ CBCC luân chuyển... đồng thời, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay trong tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ… Bộ máy hành chính cấp xã là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là nơi “tiêu hóa”, chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Nói cách khác, cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân thực hiện đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Vì vậy, việc xây dựng chính quyền địa phương thực sự vững mạnh, nhất là đội ngũ CBCC cấp xã ngày càng nâng cao về chất lượng, bản lĩnh, năng động sẽ tạo sự bức phá mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đô thị hóa nông thôn Điện Bàn, mà trước mắt là phấn đấu xây dựng huyện thành thị xã vào năm 2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI.
|