Nội dung chi tiết

Tay trắng dựng nghiệp
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 18/05/2013 .Lượt xem: 7325 lượt. [In bài]

Từ quê nhà Quảng Nam, ông Lê Văn Khanh vào Sài Gòn lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng. Qua bao thăng trầm, ông đã tạo dựng một cơ ngơi khá giả.

 

Rời làng quê Trừng Giang (xã Điện Trung, Điện Bàn), năm 1964 ông Khanh vào Sài Gòn. Cùng với một người bạn cùng quê, Khanh ở tại xưởng dệt của một người chủ ở làng dệt Bảy Hiền (nay thuộc quận Tân Bình - TP. Hồ Chí Minh), một buổi đi học, một buổi đi làm. Cuộc sống tha hương vừa cực nhọc lại thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. “Có năm tết đến, chúng tôi không kịp mua sắm gì để ăn, vì thời đó khoảng gần 30 Tết là chợ búa, quán hàng ở Sài Gòn đều đóng cửa. Thời điểm ấy, hai đứa chúng tôi phải lấy nước uống cho… đỡ đói. Nhìn nhà chủ quây quần ăn uống vui vẻ, lòng tôi vừa đau khổ, vừa tủi nhục. Từ đó, tôi quyết tâm phải làm nên sự nghiệp” - ông Khanh nhớ lại.

 

Học đến lớp đệ tứ (tương đương lớp 9 bây giờ), ông theo học ngành trung cấp điện. Ra trường, ông làm quản lý cho một nhà thầu lớn chuyên làm về nghề điện lực ở Sài Gòn. Với công việc này, ông đi hầu khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thời đó, ở miền Nam chính quyền Mỹ ngụy bắt lính ráo riết. Để lánh nạn, ông phải làm một giấy hoãn dịch gia cảnh giả có chứng nhận thuộc diện không phải đi lính. Nhưng chỉ được ít năm, khi đang làm việc ở Rạch Giá, bị địch phát hiện ra giấy tờ giả, ông bỏ việc về lại Sài Gòn mua máy dệt, bắt đầu công việc làm ăn mới…

 

Một năm sau ngày giải phóng, ông chuyển qua làm Tổ hợp Điện Quang Bảy Hiền. Năm 1986, từ sự tín nhiệm của lãnh đạo Công an quận Tân Bình, ông Khanh được mời làm phó giám đốc một xí nghiệp hậu cần của Công an quận. Năm 1989, xí nghiệp này giải thể, ông lại được mời về làm Phó Giám đốc Hợp doanh dệt nhuộm Phú Hòa của phường 22, quận Tân Bình. Về sau, đơn vị này đổi tên thành Công ty Dệt nhuộm Phú Hòa, ông được bầu làm giám đốc.

 

Sau nhiều năm làm giám đốc công cho nhà nước, ông xin nghỉ để thành lập công ty riêng. Người ta nói “thương trường như chiến trường”, việc làm ăn, kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi. Năm 1995, việc kinh doanh sợi dệt của ông gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản vì bị nợ dây chuyền. Sợi ông nhập từ nước ngoài về phải trả bằng mệnh giá USD, khi ông nhập hàng thì giá USD lên cao, lỗ hàng trăm triệu đồng. “Lúc đó, vợ chồng tôi tổ chức một bữa tiệc mời anh em bạn bè chí cốt đến nhà dùng bữa, tâm tình. Dùng bữa xong, tôi nói với họ chuyện làm ăn thua lỗ, nhờ họ giúp đỡ. Hai người anh em cột chèo và 3 người bạn đã đưa “sổ đỏ” của họ cho chúng tôi thế chấp ngân hàng, vay tiền trả nợ. Dần dần, mọi chuyện cũng ổn”.

 

Trải qua thăng trầm trong kinh doanh, vợ chồng ông nhận ra nhiều bài học. Bài học lớn nhất họ thấy là tình người, sự sẻ chia trong hoạn nạn. Từ đó, vợ chồng ông dành nhiều tâm sức làm từ thiện, giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh bất hạnh, đóng góp cho quê hương. Gia đình ông đã ủng hộ cho quê hương 5 căn nhà tình thương, chung với nhóm bạn xây 17 căn nhà tình thương ở các tỉnh miền Tây. Mỗi năm 2 lần, gia đình ông tổ chức đi thăm trại trẻ em mồ côi, người già tàn tật để phát quà, mỗi chuyến chừng 50 triệu đồng tiền quà. Ông còn tham gia đóng góp từ thiện khi đọc thông tin cần giúp đỡ từ trên báo hay đóng góp quỹ khuyến học. Vợ ông, bà Phạm Thị Tài, tâm sự: “Nếu không nhờ bạn bè, có lẽ gia đình tôi khó vượt qua gian truân. Từ trong hoạn nạn chúng tôi hiểu thấu sự cần thiết và quan trọng của tình người, sự đồng cảm sẻ chia của mọi người. Bây giờ, có chút điều kiện, chúng tôi muốn chia sẻ và xem đó là cách báo đáp ơn nghĩa”.

 

Hiện ông Lê Văn Khanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thông Hiệp, chuyên về lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Niềm hạnh phúc của vợ chồng ông còn được vun xới từ 4 người con thành đạt. Ba người tốt nghiệp đại học (trong đó một người học quản trị kinh doanh ở Singapore), người còn lại đang theo học thạc sĩ ngành marketing và là Tổng Giám đốc Công ty Bách Khoa Phú Thọ.

 

NGUYỄN THỊNH (Theo Báo Quảng Nam)

 

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Số liệu thống kê chủ yếu năm 2023 thị xã Điện Bàn
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn
Hướng dẫn chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 trong điều kiện rét lạnh
Điện lực Điện Bàn tổ chức vệ sinh công nghiệp cách điện
Bế giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại phường Điện Ngọc
Giải pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa Đông
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, hội viên
Hội Nông dân các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột
Dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Làm giàu nhờ bồ câu
Gương phụ nữ vượt khó ở xã Điện Thắng Trung
Đi lên từ sự đồng thuận
Cơ giới hóa nông nghiệp ở Điện Bàn
Năm 2011 giá trị toàn nền kinh tế xã Điện Thọ đạt gần190 tỷ đồng
Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Điện Bàn hỗ trợ 37 tấn lúa giống và 4 tấn bắp giống cho nông dân
Lũ đã gây thiệt hại hơn 43 tỷ đồng.
Nông dân đương đầu với bão
Cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhìn từ xã Điện Quang
Năng suất lúa vụ Hè Thu đạt bình quân 55 tạ/ha
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm