“Nông nghiệp hàng hóa”
Từ lợi thế đất đai phì nhiêu, Điện Quang đã nhạy bén chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nằm cạnh những cánh đồng lúa 170ha cho năng suất cao được giữ ổn định nhằm đảm bảo an ninh lương thực, xã đang có khoảng 600ha đất hoa màu, trong đó phần lớn các cánh đồng phủ xanh gần như quanh năm. Thực hiện chương trình thủy lợi hóa đất màu, nông dân chủ động nước tưới cho khoảng 80% diện tích trồng xen canh, gối vụ các loại cây ớt, đậu xanh, thuốc lá... Số diện tích cho thu hoạch hàng năm khoảng 100 triệu đồng/ha ngày càng mở rộng. Cũng nhờ vậy, khoảng 300ha bắp ở vụ hè thu này đang phát triển tốt, hứa hẹn đạt sản lượng khả quan. Ông Trần Công Quảng, Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết: “Trừ 3 thôn có dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua, từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ tập trung vào công tác dồn điền đổi thửa khoảng 400ha đất hoa màu. Một số phương án dự kiến triển khai đã đưa ra để bàn bạc, thảo luận với dân. Thôn nào thực hiện tốt sẽ được tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông nội đồng”.
Nhà máy may thêu Mạnh Tiến đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao
động địa phương. Ảnh: C.TÚ
Mới đây, Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ tổng hợp đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn Tân Phú Quang (doanh nghiệp được góp vốn từ một số xã viên của HTX nông nghiệp và bà con đồng hương) được cấp giấy phép hoạt động. Công ty này sớm liên doanh, liên kết ký hợp đồng với các đối tác tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, qua đó sẽ cung ứng 3.500 tấn ớt các loại (ớt tươi, ớt khô, ướt muối) trong vụ đông xuân tới đây. Đây là hướng mở được người dân hy vọng sẽ giúp đầu ra của nông sản được ổn định, góp phần khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”, nâng cao thu nhập cho bà con.
Động lực cho công nghiệp
Nằm ở vùng Gò Nổi bị bao quanh bởi sông nước, tuyến đường ĐT609B giúp nhân dân Điện Quang lưu thông ra bên ngoài khá nhỏ hẹp. Dù mới được quan tâm sửa chữa lớn vài đoạn, song về cơ bản tuyến đường vẫn còn nhiều chỗ xuống cấp nặng cần được đầu tư, đồng thời cầu Gò Nổi nằm trên tuyến cần đẩy nhanh tiến độ thi công. Hạ tầng giao thông yếu kém, địa hình thấp lụt đã gây cản trở cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như vậy, Điện Quang vẫn phát triển công nghiệp. Đi vào hoạt động từ năm 2006, Công ty TNHH Seo Nam tại Cụm công nghiệp Văn Ly giải quyết khoảng 400 lao động, chủ yếu là người địa phương. Vừa qua, ông Mai Bá Mạnh - một doanh nhân đồng hương đang sinh sống, làm ăn tại TP.Hồ Chí Minh - đã về đầu tư xây dựng, đưa hoạt động Công ty TNHH một thành viên May thêu Mạnh Tiến Quảng Nam tại thôn Xuân Đài, chuyên may gia công áo quần xuất khẩu. Tổng mức đầu tư dự án trên 20 tỷ đồng, bước đầu giải quyết việc làm cho khoảng 400 công nhân. Ông Trần Hữu Thọ - Trưởng phòng Tổ chức hành chính của công ty cho biết, sau khi thông báo tuyển dụng, doanh nghiệp đã nhận được trên 500 hồ sơ xin việc, phần lớn là thanh niên địa phương. Nhà máy hiện trong quá trình đào tạo và đào tạo lại cho người trúng tuyển. Từ đây, cán bộ kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra tay nghề may, ổn định nhân sự cho các dây chuyền sản xuất. Bôn ba mưu sinh vất vả ở nhiều nơi rồi trở về làm nông, anh Trương Văn Lực nghe thông tin lập tức nộp đơn xin việc và được tiếp nhận vào làm tại nhà máy. Cũng như anh, nhiều người quanh năm lam lũ với ruộng đồng, nghề nghiệp không ổn định cũng có cơ hội lao động trong môi trường công nghiệp.
Theo ông Trần Công Quảng, hai nhà máy đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết lao động, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời làm chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Động lực từ phát triển công nghiệp sẽ kéo theo một số lĩnh vực thương mại, dịch vụ mọc lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cũng là mục tiêu mà địa phương phấn đấu nhằm dần đáp ứng tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.
Ở lĩnh vực kinh tế, Điện Quang xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa vẫn là chủ chốt, vận dụng thời cơ cho phát triển công nghiệp để tạo bước đột phá. Nếu nhà máy may thêu đi vào hoạt động hết công suất, cơ cấu lao động trong nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm còn khoảng 45%. Đến nay, Điện Quang đạt 12/19 tiêu chí về xã nông thôn mới, riêng trong năm 2012 tiếp tục phấn đấu hoàn thành xong tiêu chí về quy hoạch.
Công Tú (Theo Báo Quảng Nam)