Nội dung chi tiết

Bước đầu xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại Điện Bàn
Tác giả: Hồng Phước .Ngày đăng: 30/05/2013 .Lượt xem: 17413 lượt. [In bài]
Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững là những bất cập của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Huyện Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam cũng là địa phương không nằm ngoài tình trạng chung đó.


Vì vậy, giải pháp tối ưu  là phải kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng cao với khối lượng lớn, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là con đường ngắn nhất để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chương trình “Cánh đồng mẫu lớn” do Bộ NN & PTNT phát động trong thời gian gần đây đáp ứng được những mong đợi đó nên được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ.

“Cánh đồng mẫu lớn” là hình thức sản xuất tập trung, phát huy mối liên kết 4 nhà, tạo đầu ra ổn định với lợi nhuận cao cho người nông dân, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

 “Cánh đồng mẫu” có nghĩa cánh đồng đó phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định và xứng đáng là hình mẫu cho những cánh đồng khác. Vì vậy, toàn bộ diện tích của cánh đồng mẫu phải được dồn điền đổi thửa, có hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hoá đồng ruộng.

Hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau khi phát động phong trào xây dựng cánh đồng mẫu hay cánh đồng mẫu “lớn”. Gọi là cánh đồng mẫu lớn, vậy lớn bao nhiêu là vừa?. Quy mô “lớn” tùy thuộc vào đặc điểm của từng vùng. Không thể áp cùng một tiêu chí cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Vì đối với miền Trung, để quy hoạch được một cánh đồng có diện tích vài chục ha đã là một quá trình vô cùng khó khăn. Vì vậy, những mô hình có diện tích lớn hơn trước đây do tập trung được nhiều nông hộ trên cùng một cánh đồng đều có thể gọi là cánh đồng mẫu lớn.

Khi đã có được vùng sản xuất quy mô lớn, chung bờ chung thửa thì việc thực hiện cơ giới hoá sẽ trở nên rất dễ dàng. Máy móc sẽ làm thay gần như toàn bộ công việc nặng nhọc của nhà nông. Nếu không có điều kiện trang bị máy móc hiện đại, bà con hoàn toàn có thể thuê dịch vụ từ các các hộ tư nhân, các tổ dịch vụ ở HTXNN... Như vậy, nhiệm vụ của người nông dân lúc này là nghiên cứu, xem xét nên tổ chức sản xuất như thế nào và giám sát cả quá trình đó. Lao động nông nghiệp sẽ dần tiến đến lao động trí óc chứ không còn là lao động chân tay như trước đây.

Đây sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi để các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư thu lợi nhuận. Vì khi đó, họ có được nguồn cung nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng và ổn định lâu dài. Doanh nghiệp sẽ giúp cung ứng vật tư đầu vào với giá gốc, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân đồng thời bao tiêu sản phẩm theo giá thỏa thuận.

Vụ Hè thu năm 2012, được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Nam, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Điện Bàn phối hợp với UBND xã Điện Phước triển khai mô hìnhCánh đồng mẫu lớn với quy mô 36 ha tại Thôn La Hòa. Mô hình là sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất kinh doanh giống và lúa chất lượng cao theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” kết hợp công cụ sạ hàng; ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu từ làm đất, gieo sạ và thu hoạch. Quá trình xây dựng mô hình còn có sự đầu tư cung ứng phân bón của Công ty CP phân bón và Hoá chất dầu khí Miền Trung, Công ty CP phát triển nông nghiệp Minh Tâm đầu tư giống và bao tiêu sản phẩm thông qua đầu mối Hợp tác xã. Kết quả mà người nông dân nhận được là sản phẩm có giá thành giảm, có năng suất và chất lượng cao với đầu ra ổn định. Qua hạch toán cuối vụ, lãi ròng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn  là 27,1 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3 lần so với sản xuất lúa đại trà.

Kết quả viên mãn đó có là mãi mãi hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức cộng đồng (hay chính là tinh thần hợp tác) của người nông dân. Vì vậy, việc đầu tiên mà người nông dân cần làm là liên kết những mảnh ruộng lại với nhau để tạo ra một cánh đồng có quy mô càng lớn càng tốt. Trên cánh đồng ấy, bà con được bình đẳng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho cả quy trình sản xuất từ làm đất đến thu hoạch. Vì khi đó, sự phân chia giữa các thửa ruộng có chăng chỉ như một sợi dây được căng trên 2 cái cọc mà nhìn từ xa khó lòng phân biệt. Khi ấy, khát vọng vươn đến một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại sẽ không còn là niềm mong ước quá xa xỉ.

  Huyện Điện Bàn có hơn 5.700 ha lúa canh tác 2 vụ. Trong đó có trên 40 cánh đồng có quy mô từ 36 -100 ha, tập trung ở các vùng trọng điểm lúa: Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng & Điện An. Trên toàn huyện còn có 15 HTXNN chuyên sản xuất giống theo hợp đồng với tổng diện tích sản xuất bình quân trên 600 ha/vụ. Đây là một lợi thế chiến lược để xây dựng những “Cánh đồng mẫu lớn .

   Tuy nhiên, trong cả nước nói chung và huyện Điện Bàn nói riêng, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn   còn gặp nhiều khó khăn do đất đai còn quá manh mún, nhỏ lẻ và sợi dây liên kết 4 nhà còn quá lỏng lẻo, thiếu doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, trình độ nông dân không đồng đều và còn bị chi phối bởi tư tưởng canh tác truyền thống nên khó tiếp thu khoa học công nghệ. Mặc dù vậy, nhờ sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhiều địa phương, kết quả triển khai mô hình này trong thời gian qua bước đầu đã trở thành phong trào và được nhiều nông dân hưởng ứng mạnh mẽ.

    Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn  là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng được nhân rộng có hiệu quả như ý nghĩa của nó, có nhiều bài toán cần được giải quyết đó là: cần phải làm tốt công tác quy hoạch cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng; thu hút, liên kết với nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, công tác thông tin tuyên truyền vận động nông dân tham gia...

   Trong thời gian đến, UBND tỉnh cần sớm ban hành cơ chế chính sách đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho ngành nông nghiệp để xây dựng những cánh đồng mẫu có quy mô lớn hơn. Trong đó cần chú trọng đầu tư cho công tác quy hoạch cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng. Công tác dồn điền đổi thửa phải gắn với việc cải tạo san phẳng mặt ruộng để tạo ra những thửa ruộng có điều kiện canh tác như nhau. Khi đó mới dễ chia. Nếu không làm được những điều này mô hình hay cũng chỉ dừng lại ở mô hình mà thôi.

    Phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn   cần được nhân rộng không chỉ chú trọng trên cây lúa mà trên tất cả các cây trồng khác, không chỉ ở các xã đang trong giai đoạn xây dựng Nông thôn mới mà tất cả các địa phương đều cần phải quan tâm hướng đến. Do vậy các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo để mở rộng mô hình này ngày càng có hiệu quả.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Xóm Rừng - Sức sống mới ở làng quê cách mạng
Hiệu quả mô hình “Hàng cây cựu chiến binh” xã Điện Hoà
Lễ công bố thôn Kỳ Bì đạt chuẩn thôn Nông thôn mới kiểu mẫu 2023
Điện Tiến đoàn kết, chung sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Xã Điện Thọ tổ chức lễ công bố thôn Kỳ Lam đạt chuẩn thôn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023
Khu dân cư Hà Tây 1 - Khởi sắc nhờ nông thôn mới kiểu mẫu
Lễ công bố xã Điện Quang đạt chuẩn xã Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023
Lễ công bố xã Điện Thọ đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023
Hội Nông dân xã Điện Hòa xây dựng vườn ươm nông thôn mới tại Chi hội thôn Quang Phường
Lễ công bố thôn Hà Tây 1, xã Điện Hòa đạt chuẩn thôn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm