HTML clipboardCác anh kể về Phan Đình Tựu như kể về một người bạn, một người anh, người đồng chí, một người anh hùng đã chủ động nhận lấy nhiệm vụ vinh quang và cay đắng trả giá bằng máu và sự sống của mình, để ngăn chặn sự độc ác của kẻ thù và anh đã chiến thắng. Phan Đình Tựu sinh năm 1936 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nhà nho nghèo. Cha anh là ông Biên Hai, dòng dõi họ Phan Bảo An. Ông tham gia cuộc đấu tranh của nhân dân Điện Bàn ở Vĩnh Điện năm 1967. Ông bị bắt, bị đánh đập, rồi về nhà bị bệnh nặng qua đời năm 1967. Mẹ là Huỳnh Thị Tựu, con gái họ Huỳnh Giảng Hoà. Họ Phan Bảo An, họ Huỳnh Giảng Hoà là hai dòng họ có truyền thống hiếu học và yêu nước. Được hấp thụ dòng máu của cha và mẹ, Phan Đình Tựu từ nhỏ đã lộ rõ tư chất thông minh, hiếu học và tính tình trung thực ngay thẳng. Vì nhà nghèo, em đông lại gặp buổi loạn lạc chiến tranh nên Phan Đình Tựu chỉ học đến lớp ba rồi theo mẹ gánh thuốc lá ra chợ bán. Nhưng nhờ có người em con của cậu ruột tên là Thụy tận tình giúp đỡ cho anh tiếp tục học hết chương trình cấp II. Ban ngày anh đi làm, ban đêm anh mượn sách vở của Thuỵ học ở trường để học, kiến thức nào khó anh hỏi Thuỵ. Anh ham học, ham đọc sách lại thông minh nên rất giỏi về các môn văn, sử, địa có khiếu về thơ và hoạ. Lớn lên anh sống với cha mẹ ở làng Giảng Hoà. Anh là người con hiếu thảo, người cháu tốt của họ hàng, anh thường hay giúp đỡ người nghèo và người già yếu. Năm 1959-1960 ở quê anh, Luật 10/59 ra đời, Năm 1961, phong trào đồng khởi nổi lên ở các xã huyện miền núi. Các đội công tác của ta đã về phá ác, diệt tề. Cùng thời gian này, chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng lực lượng thanh niên cộng hoà, chúng chọn ra một số gọi là thanh niên ưu tú. Mỗi xã tổ chức một đội để hàng đêm xách gậy đi tuần tra, canh gác, ngăn chặn cách mạng về làng. Chúng bầu Phan Đình Tựu làm đội trưởng thanh niên ưu tú. Trong buổi họp thành lập đội, Phan Đình Tựu nói : “Các ông đưa tôi làm đội trưởng thanh niên ưu tú, các ông có biết tôi ưu tú không mà đưa? tôi nói trước nếu tôi canh gác mà gặp các ông cách mạng là tôi bỏ chạy đó, lúc đó đừng phê bình tôi là không ưu tú”. Anh từ chối mãi nhưng cuối cùng chúng cũng bắt anh làm. Đội thành lập nhiều tháng trời nhưng Phan Đình Tựu vẫn không đi sinh hoạt, không tham gia cắm trại, không tham gia canh gác, Thấy Tựu chống đối chủ trương của mình, bọn hội đồng xã báo thị bắt anh lên trình diện. Báo thị gọi 2 giờ chiều có mặt, Phan Đình Tựu đợi tới 4 giờ mới lên, trên vai vác mấy cái rọ heo. Anh Tựu mới bước vào cơ quan tên xã đoàn trưởng hất hàm hách dịch hỏi : “ Anh biết báo thị gọi anh lúc mấy giờ không? sao bay giờ mới đến? anh có biết bây giờ là mấy giờ không?” Anh Tựu bình tĩnh trả lời: “ tôi không có đồng hồ, nhưng chắc bay giờ trễ giờ ”. “Tại sao anh đi trể?”. “ Thưa xã đoàn trưởng tôi mang rọ tức là tôi đi mua heo để bán kiếm tiền nuôi sống gia đình, vì miếng cơm manh áo nên đi trễ, nếu tôi có bị phạt, bị đánh tôi cũng chịu”. Tên kia đưa tay tát anh một tai. Anh vẫn đứng nguyên đưa mặt cho nó đánh. Tên kia đưa tay tát cái thứ 2, Tựu gạt tay nó ra rồi nghiêm khắc cảnh cáo “ Tôi đồng ý cho anh đánh một tai, nếu anh đánh hai tai tôi sẽ đánh lại. Có thể tôi chết tại đây nhưng nhất quyết không cho anh đánh nữa”. Biết Tựu nói là làm nên tên xã trưởng ngậm bồ hòn làm ngọt, lẵng lặng bỏ đi chỗ khác. Đêm đó, chúng nhốt anh và một số bạn anh ở cơ quan xã và bắt anh viết cam đoan tham gia canh gác. Anh viết cam đoan như sau: “Tôi cam đoan làm theo pháp luật nhà nước là canh gác, nhưng nếu cách mạng về thì tôi không tham gia đánh”. Bọn địch đọc tức lắm, chúng quát tháo bắt anh viết lại. Anh phản đối: “ Ông bảo tôi viết cam đoan, tôi viết cam đoan theo ý tôi, ông bắt tôi cam đoan theo ý ông làm sao tôi cam đoan được”. Cãi với anh mãi chúng đuối lý phải thả anh về, nhưng từ đó chúng xếp anh vào loại tình nghi theo cách mạng. Đêm mùng 6 tết 1961, Phan Đình Tựu thoát ly. Cùng đi với anh đợt này có 13 thanh niên khác, đa số là bà con của anh ở làng Giảng Hoà. Lúc anh đi cha mẹ không biết, anh chỉ thổ lộ với cậu, cậu anh cho gạo, thuốc hút mang theo. Anh đi 5 tháng thì gửi thư về cho cha mẹ. Lên chiến khu, anh lấy tên là Phan Tề ở đơn vị V10, bộ đội chủ lực của tỉnh. Anh phụ trách xạ thủ trung kiên, thư gửi cho cha mẹ có đoạn anh viết: “ Phần con chết sống con không sợ, con chỉ thương cha mẹ già yếu không ai chăm sóc. Lúc ở nhà, có khi con nói hỗn với cha mẹ, cha mẹ tha lỗi cho con. Nợ làm trai trong thời buổi giặc giã này con không thể làm ngơ. Xin cha mẹ thông cảm cho con... Trong thời gian này, Lương Văn Hoá là người sống chung với anh, đã kể về anh như sau: “ Thời gian này biết bao khổ cực khó khăn đói cơm, lạt muối, hàng ngày địch lùng sục, càn quét. Trước những khó khăn đó, đồng chí Tựu vẫn tỏ ra luôn phấn khởi, vui tươi. Tựu hết lòng yêu thương anh em trong đơn vị, vá quần áo, cắt tóc, mang ba lô cho anh em. Khi anh em ốm đau, thiếu thuốc men, anh đi tìm lá nấu cho anh em xông, anh luôn dành thuận lợi cho đồng đội nên ai cũng thương. Công việc gì anh cũng gương mẫu. Những đợt tập quân sự ngày đêm anh lo sắm các học cụ như chẻ tre, đan bia, chặt cây làm lựu đạn, sắm đầy đủ cho anh em trước khi vào mùa tập. Tựu làm công tác dân vận rất tốt, cắt tóc cho dân, bày trẻ em học nên người dân tộc rất yêu quý anh. Trong trận Khe Dung 19-5-1962, Tựu bị thương nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu đến khi trận chiến đấu kết thúc thắng lợi. Trong một trận đi công tác ở Trung Châu (Đại Hồng), ai đã công tác vùng này đều khiếp sợ dốc “ ông Thủ”, thế mà Tựu mang cả thùng mắm lại vác thêm khẩu trung liên, không hề kêu ca, phàn nàn. Có đồng chí thấy Tựu vác nặng, hỏi: Có nặng lắm không anh Tựu? Tựu trả lời nửa đùa, nửa thật: “Vì dân phục vụ, một lần đi, một lần khó, cố gắng mang về cho anh em có mắm ăn... ” Đầu năm 1963, ta giải phóng Trà Linh, Tý Sé, lực lượng ta làm chủ vùng tây Quế Sơn, Hiệp Đức. Thời gian sau địch phản kích với lực lượng áp đảo, quân ta phải rút vào rừng. Trong trận này, Phan Đình Tựu bị thương nặng ở chân không đi được nên đã bị địch bắt. Chúng đưa anh về nhà lao Hội An sau đó đưa ra lao Thừa Phủ để ra tòa án quân sự tại Huế Trong phiên toà này, anh đấu tranh trực diện với kẻ thù. Địch hỏi: Ai xúi anh nổi loạn chống chính quyền quốc gia? Anh dõng dạc trả lời: Không ai xúi giục cả. Chính quyền của các ông là chính quyền bù nhìn do Mỹ dựng lên, không hợp hiến, không hợp pháp. Chúng tôi chống Mỹ- nguỵ để bảo vệ quê hương, chúng tôi không có tội. Tin Phan Đình Tựu dũng cảm, gan dạ chống lại địch ở toà án quân sự Huế đã nhanh chóng lan truyền khắp thành phố Huế và về quê ngoại anh ở Giảng Hoà. Được tin anh dũng cảm chống lại địch giữa toà, bà con ai cũng tự hào về anh. Anh bị kết án tù chung thân và chuyển vào nhà lao Chí Hoà. Ở đây anh là một trong những ngọn cờ đấu tranh quyết liệt chống địch. Ngày 26-6-1965, chúng lại đày anh và 150 tù án chính trị chống chào cờ nguỵ ra Côn Đảo. Vừa đến Côn Đảo, 150 người này đã tuyên bố thẳng với chúa đảo là: “ Chúng tôi là người của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, chúng tôi không thừa nhận chính quyền Sài Gòn nên không chào cờ ba que”. Anh Tựu cũng như nhiều người khác bị chúng còng lại và cho bọn trật tự thả sức đánh đập. Chúng dùng củi gộc và ma trắc phanh mạnh vào ngực và lưng tù nhân. Người nào da thịt cũng tươm máu và sưng vù. Có người thổ ra huyết. Qua trận thử thách này, đậu được 96 người, trong đó có Phan Đình Tựu. Địch đem giam riêng những người này vào phòng 1 trại 2, là nơi giam những tù nhân chúng xếp vào loại nguy hiểm. Nhiều ngày sau, các anh vẫn một lòng một dạ chống chào cờ, địch lại tăng cường đàn áp. Có những người chúng đánh đến bại liệt, không đi được nhưng họ nhất quyết chống chào cờ. Sau một tuần đàn áp, còn đậu 9 người, đa số là người Quảng Nam, trong đó có Phan Đình Tựu. Không khuất phục được 9 người này, buộc lòng địch phải đưa các anh giam vào hầm đá. Liên tục hai năm liền 1966- 1967, anh bị bại xuội cả hai chân, ăn uống lại kham khổ, thiếu rau, thiếu nước uống, đời sống đói khổ trăm bè, thế mà hai chân anh vẫn phải bị cùm. Trong hoàn cảnh đau thương ấy, anh Tựu vẫn lạc quan, tin tưởng. Qua các cuộc đàn áp anh lại tiếp tục vươn lên học văn, học toán, học lý luận Mác- Lênin và làm thơ. Các anh gõ lên tường làm tín hiệu để trao đổi cho nhau tin tức, thăm hỏi, động viên nhau hoặc thông báo cho nhau những chủ trương của Đảng trong và ngoài nhà tù. Đây là bài thơ Phan Đình Tựu hoạ lại bài thơ của anh Nguyễn Văn Kỳ, một người bạn tù Quảng Nam gửi tặng anh trong thời gian này: Tôi gặp anh Kỳ ở nhà lao tỉnh Vừa thấy nhau thủng thỉnh đến gần Nắm tay trò chuyện ân cần Đầu tiên gặp gỡ tại sân lao tù Rồi từ đó mấy thu gian khó Lao Thừa Thiên mấy độ giam cầm Tôi, Kỳ chung sống một năm Ở phòng cấm cố năm trời không yên Bọn giặc cứ liên miên bóp thắt Nào thì giờ tắm giặt, thăm nuôi Đắng cay, mặn lạt đủ mùi Đói no, gian khổ có tui, có Kỳ Rồi một hôm chia tay đột ngột Chúng đưa Kỳ qua nhốt lao Ty Nhớ thương thôi biết nói gì Tưởng không gặp lại được Kỳ, Kỳ ơi! Để mỗi đứa mỗi nơi thương nhớ Nay đâu ngờ gặp lại tại đây Tình thương chan chứa tràn đầy Nói sao cho hết những ngày khổ đau Gặp trong cảnh tù lao kèm kẹp Đượm tình riêng thêm đẹp tình chung Kỳ ơi!Còn lắm bão bùng Tình thương còn thấy vô cùng thiết tha Thôi Kỳ nhé, hẹn ngày gặp lại Cho lòng ta khỏi phải ước mong Tâm thư ngắn ngủi mấy dòng Gửi Kỳ gửi cả tấm lòng sắt son Năm 1968, phong trào đấu tranh chống chào cờ của tù chính trị thành án lên rất cao. Hàng năm, sáu trăm người tham gia chống chào cờ. Để dập tắt phong trào, địch khủng bố bằng cách đem giam vào chuồng cọp. Hàng ngày, chúng đánh những người chúng cho là đầu não, hàng tuần có những người trận đánh tập thể. Tên thiếu tá ác ôn Nguyễn Văn Vệ đặc phái viên hành chính kiêm quản đốc trung tâm cải huấn Côn Sơn quyết định dùng biện pháp mạnh để đàn áp nhằm khuất phục bức hàng. Đang giam bốn người một chuồng cọp, chúng cho giam lên 6 người, sau đó lên chín người một chuồng cọp rộng 1. 4m, dài 2. 4m. Không đủ chỗ còng hai chân một người chúng còng một chân, còng làm hai lớp. Giờ cơm từ năm phút rút xuống còn hai phút. Vệ còn ra lệnh bớt cơm hẩm ăn với mắm ruốc đen hôi thối. Vì thiếu rau, cơ thể tù nhân suy sụp nghiêm trọng. Nhiều người tù bị bệnh táo bón, kiết lỵ, phù thủng, nhiều nhất là teo cơ, bại liệt, chết dần chết mòn. Thế mà chúng không hề cho một viên thuốc hoặc đưa đi bệnh xá chữa trị. Hàng trăm người đấu tranh bằng cách tuyệt thực phản đối chế độ hà khắc độc ác này. Nguyễn Văn Trường tuyệt thực đến ngày thứ 27, Nguyễn Văn Chánh, Sầm Thanh Liêm 26 ngày, rất nhiều anh tuyệt thực trên 21 ngày. Ngày 25-3-1968, Phan Đình Tựu thấy anh em cũng như mình đang đứng bên bờ cõi chết. Nếu có nước cho anh em uống thì đấu tranh có thể kéo dài thêm ít ngày và sự sống có thể kéo dài thêm ít ngày. Phan Đình Tựu đã hô to đòi đem nước đến cho các anh. Tên Tám Kính, phụ trách trại đã không cho nước lại ra lệnh đánh đập anh. Chúng dùng củi gộc đập vào lưng anh. Chúng càng đánh, anh càng la to phản đối, dùng lý lẽ lên án hành vi đàn áp man rợ của chúng. Anh chửi vào mặt và hô khẩu hiệu đả đảo Mỹ- nguỵ. Không khuất phục được anh bằng roi vọt, chúng dùng vôi bột đổ xuống đầu anh từ trên miệng hầm. Anh quằn quại trong vôi và ngất đi. Sáng 26-3-1968, bọn địch mở cửa phòng giam thì từ bóng tối nghe vang lên bài hát “ Lên đàng”. Tiếng hát ấy là của anh Phan Đình Tựu đang sang sảng vang lên như thúc giục những người bạn tù tiếp tục cuộc đấu tranh làm bọn địch khiếp sợ. Anh Tựu đang hát những bài ca đấu tranh của sinh viên, của cách mạng. Tám Kính ra lệnh còng chéo hai tay, hai chân anh và dùng cây sắt buộc dây ra sau khớp miệng. Dù cho khớp miệng, địch cũng không ngăn chặn được tiếng la hét của anh. Tiếng hát của anh đã thắp lên trong lòng những bạn tù sự yêu thương và cảm phục. Tiếng hát như ngọn lửa ấm tiếp thêm sức mạnh cho họ tiếp tục đấu tranh. Đế dập tắt tiếng la hét của Phan Đình Tựu, tên Tám Kính đã hành động một cách đê hèn. Nửa đêm chính hắn lẻn vào chuồng cọp, tự tay tiêm thuốc độc giết anh Tựu để dập tắt tiếng hát. Anh Phan Đình Tựu đã anh dũng hy sinh đêm 28-5-1968. Trước cái chết của anh Tựu và trước sự đấu tranh quyết liệt của anh em tù án, địch đã chùn tay đàn áp và cuộc đấu tranh đã thắng lợi. Nhiều đồng chí thoát khỏi cảnh chết đói, chết khát. Các bạn tù ai cũng thương tiếc và khâm phục sự dũng cảm của anh. Tấm gương chiến đấu và hy sinh của Phan Đình Tựu là một bài học cách mạng vô cùng quí báu cho những người còn sống. Ngày nay, các bạn tù của anh khi nói về anh, ai nấy cũng cho rằng: “ Cái chất thép tốt nhất của anh Tựu là đối với địch bất cứ đâu, hoàn cảnh nào anh cũng chủ động tấn công địch. Bằng những lý lẽ đanh thép đầy trí tuệ và thông minh, anh đã đánh gục kẻ thù để bảo vệ lý tưởng cách mạng và lúc nào anh cũng chiến thắng. Sự nghiệp cách mạng của anh là sự đấu tranh hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù nhiều năm trong nhà tù Côn Đảo. Phan Đình Tựu xứng đáng là tấm gương sáng cho chúng ta. TRƯƠNG NHƯ NGỌC
|