HTML clipboard Trong niềm vinh dự và tự hào đó, bà con trong xã luôn luôn nhắc tới công lao của đồng chí Lê Ngọc Giá. Đồng chí Lê Ngọc Giá sinh năm 1910 (Canh Tuất) trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hà Lộc, nay là thôn 3 xã Điện Dương. Lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân đế quốc xâm chiếm, đồng chí Giá đã chứng kiến và bản thân chịu đựng bao nỗi đắng cay của người dân mất nước: xâu cao, thuế nặng, bắt phu, bắt lính và biết bao sự nhiễu nhương của quan lại cường hào. Sau cách mạng tháng 8- 1945 thành công, đồng chí tham gia vào Hội Nông dân cứu quốc, được nhân dân tín nhiệm cử làm thôn trưởng thôn Hà Gia (Hà Lộc- Gia Lộc). Năm 1948, đồng chí kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) lần lượt làm tổ trưởng Đảng đến Chi uỷ viên (Chi bộ Hồ Quang Ngự). Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí là một cán bộ rất tích cực trong mọi lĩnh vực công tác từ việc vận động nhân dân tham gia Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng, hũ gạo kháng chiến, tăng gia sản xuất, đóng góp quỹ đảm phụ quốc phòng, nhất là phong trào bố phòng xây dựng làng kháng chiến, động viên thanh niên tham gia dân quân du kích, tòng quân giết giặc. Năm 1950, đồng chí đã động viên người con trai đầu đến tuổi là Lê Ngọc Diện xung phong tòng quân và đã chiến đấu anh dũng hy sinh ngày 19-6-1954. Hoà bình lập lại, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ(20-7-1954) đồng chí được cấp trên chỉ định ở lại hoạt động bí mật, lãnh đạo phong trào. Vào năm 1955, sau khi hoàn thành việc tiếp quản vùng tự do Quảng Nam cũng như khu V, nguỵ quyền Sài Gòn đã áp đặt được bộ máy chính quyền từ quận, xã, ấp. Nhưng qua sự lãnh đạo khéo léo của đồng chí Giá đã tranh thủ cài được người của ta như các ông Phái, ông Xuân, ông Mân, ông Tố vào bộ máy hội đồng hương xã, nên hạn chế được sự đánh phá của kẻ thù. Nhưng sau đó, chúng đã thanh lọc loại các ông Mân, ông Tố ra khỏi hội đồng hương chính xã và đưa những tên phản động vào bộ máy kèm kẹp tại xã. Nhằm hợp pháp hoá việc đưa Diệm về nắm chính quyền bằng cách phế truất Bảo Đại tay sai thân Pháp, trực tiếp nắm kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ để khống chế phong trào cách mạng ở Đông Nam Á. Ngày 23-10-1955, Mỹ và tay sai đã tiến hành trò hề “ trưng cầu dân ý” ở khắp miền Nam Việt Nam. Ở xã Điện Dương, tại thôn Hà My, chúng bố trí thành một địa điểm bỏ phiếu. Nhằm phá âm mưu, vạch trần thủ đoạn gian manh của địch, đẩy mạnh khí thế cách mạng của quần chúng; được sự chuẩn bị từ trước, đồng chí Lê Ngọc Giá và các đồng chí Nguyễn Chung, Lê Khế đã lãnh đạo cơ sở vận động quần chúng biến cuộc trưng cầu dân ý thành một cuộc biểu dương sức mạnh của nhân dân, đẩy mạnh khí thế cách mạng, gây tin tưởng cho nhân dân. Trước ngày 23 địch đã tung bọn công dân vụ và bọn thông tin xuống các thôn xóm dùng loa tuyên truyền về “ chính nghĩa quốc gia” về ý nghĩa mục đích cuộc trưng cầu dân ý, tiểu sử chí sỹ Ngô Đình Diệm; với khẩu hiệu dễ nhớ “ xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ thùng”. Ngày 23-10-1955, trước sự thúc ép của địch, dưới mũi súng lưỡi lê chúng lùa đồng bào đi đến điểm bỏ phiếu. Bà con đã được vận động từ trước, có sự nòng cốt của cơ sở, rề rà đến nơi bỏ phiếu như gây mất trật tự, xô đẩy, gây lộn, vờ ốm đau, người bí mật xé phiếu; người quệt nước trầu vào lá phiếu, hoặc nhai nuốt hoặc nhổ mũi, đến chiều mà vẫn chưa kết thúc; bọn địch bèn xua bảo an, dân vệ lùng sục từng nhà bắt đồng bào đi bỏ phiếu trong tiếng loa nghe đinh tai nhức óc của bọn thông tin. Quyết biến cuộc bỏ phiếu thành một cuộc tuần hành thị uy, như kế koạch đã bàn, khoảng 5 giờ, trên 100 người dưới sự điều khiển của thầy giáo Văn Huyền và ông Nguyễn Sâm tuần hành từ trong xóm đi đến đâu già trẻ, trai gái hưởng ứng nhập thành một đoàn người vừa đi, vừa hô khẩu hiệu: “ Đá đảo trò hề bầu cử” ! “ Yêu cầu nhà cầm quyền thi hành đúng hiệp định Giơ-ne – vơ”. Nghe tiếng hô và thấy đoàn người biểu tình ngày càng đông với khí thế hừng hực, bọn địch vừa bất ngờ, vừa hốt hoảng hò hét lính ra ngăn chặn, lúc đầu chúng nổ súng chỉ thiên hăm hoạ, nhưng trước khí thế áp đảo của quần chúng, chúng đã nổ súng làm hai ông Huyền và Sâm bị thương, nhưng đoàn người với lòng căm thù dồn nén từ bao lâu và trực tiếp là sự dã man của địch đã xông lên tràn vào điểm bỏ phiếu xé cờ, ảnh, panô, áp phích, đốt thùng phiếu. Có người đã giành giật giằng co với lính, có một người đã dũng cảm nâng nòng súng trung liên tránh sát thương, có người vận động binh lính không nên bắn giết đồng bào, tiếng hò hét la vang của một khu vực, một số bà con ở các xóm cùng ùn ùn chạy ra hỗ trợ; bọn Công dân vụ, Công an, Đoàn bình trị cùng trung đội Bảo an bị động hoảng hốt sợ chạy về Cồn Chất. Cuộc bầu cử của địch bị thất bại, đồng chí Giá cùng chi uỷ đã kịp thời chỉ đạo đấu tranh tiếp, khiêng người bị thương xuống đòi địch cứu chữa. Trên 100 người gồm người già, phụ nữ, trẻ em kéo xuống Hội An hợp pháp đòi gặp tỉnh trưởng Lê Khương giải quyết, kiến nghị Uỷ ban Quốc tế can thiệp vụ việc. Hoảng hốt nhưng với bản chất ngoan cố tàn bạo, địch đã dùng trực thăng rà thấp uy hiếp và tung bọn Cảnh sát Công an và một đại đội lính toả ra các ngã đường ngăn chặn giải tán đoàn biểu tình. Bà con tuy bị đánh đập, chặn bắt rượt đuổi đã toả ra các ngã đường la ó, hô khẩu hiệu, kích động nhân dân thị xã Hội An, cả Hội An náo động khác thường. Trời về chiều, cuộc đấu tranh phải ngưng, địch bắn chết 3 người và một số bị thương, bắt giam 200 người. Qua ngày hôm sau 25-10, bọn Công an mật vụ có lính hỗ trợ đã trở lại Điện Dương bắt các đồng chí Lê Ngọc Giá, Nguyễn Chung, Lê Khế, Trần Nhiều, Văn Biển, Văn Huệ và những người của ta cài vào HĐHC: Nguyễn Nhung, Lê Khiết, Lê Tố. Vào tù, đồng chí Lê Ngọc Giá mặc dù bị chúng dùng mọi cực hình tra tấn nhưng trước sau như một, đồng chí Giá không khai báo một chi tiết nào về cơ sở, về tổ chức- chúng liệt đồng chí vào loại “ đầu sỏ, cộng sản gốc” là người cầm đầu các vụ việc trên, chúng còng hai chân, hai tay, chỉ khi nào ăn mới mở còng. Ban đêm, chúng tập hợp số tù hạng nặng lại bắt học tập “ tố cộng” và “ sám hối”. Sám hối là một hình thức truy bức về thể xác, về tâm lý và tinh thần luôn luôn ở trong tình trạng bị căng thẳng, đứng hoặc quỳ trên sàn, hai tay giang ra, có hai viên gạch, mắt nhìn lên ảnh Ngô Đình Diệm và cờ ba sọc với một ngọn đèn điện công suất cao. Bọn trật tự và Công dân vụ bằt tù phải hô khẩu hiệu phản động- Đói khát, mỏi mệt, bị ngã, chúng cho là chống đối, là giả vờ xúm lại đánh đá và đưa đi cách li, biệt giam. Quá bức xúc và căm giận, đồng chí Giá đã chửi lại chúng và bất ngờ nhảy lên quăng ảnh Diệm, xé cờ, đá đổ đèn, miệng hô khẩu hiệu “ Đả đảo bọn tay sai bán nước”. Bọn Công dân vụ ùa vào bắt đồng chí, khớp miệng bỏ vào bao tải sọc xanh, cột lại cùng nhau đánh đá hội đồng, khi ngất đi, chúng lôi ra, dội nước lạnh cho đồng chí tỉnh lại. Tên Đời, một tên Côn gan khét tiếng gian ác chuyên khai thác tù, sai hai tên trật tự đè sấp đồng chí xuống, miệng nói thô tục “Đ. M”, mi giỏi nhảy, ta cho nhảy”, nó dùng con dao sắc bén cắt hai nhượng chân đồng chí, máu đổ lênh láng trên nền gạch, cắt xong, chúng còn dã man kéo da lên lòi ra hai đoạn xương trắng. Đau đớn, bất tỉnh, tưởng dã chết chúng cho lính chở đồng chí lên bãi cát Cẩm Hà vứt xác ở gò mả, qua dò la, cơ sở ta tìm cách khiêng đồng chí về nhà ở Hà Gia. Khi bị giam ở lao Thông Đăng Hội An nhằm chia rẻ, gây hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân, chúng đã xuyên tạc, phao tin đồng chí đã khai báo cơ sở, tổ chức. Lúc đầu, bà con có phân vân bán tín bán nghi, nhưng tấm gương trung kiên bất khuất của đồng chí dần dần được chứng minh, gây thêm tin tưởng trong quần chúng. Khi về nhà, gia đình vợ yếu, các con còn dại, kinh tế rất khó khăn, đi lại bằng cả hai tay, đồng chí phải bán mấy sào ruộng hương hỏa để chạy chữa. Hai người em con chú là Được và Đường đã giúp tìm thầy chạy chữa tận Hòa Hải nhưng chả phục hồi được mấy, vì hai chân bị tê liệt bất động, đi từ nhà ra vườn, ra xóm đều phải đi bằng hai tay, còn hai chân phải cột vào hai chiếc guốc, lê từng bước một. Dần đà, sức khỏe được hồi phục, đồng chí vẫn tiếp tục bí mật lãnh đạo phong trào, là linh hồn của mọi hoạt động. Thời kỳ này âm mưu “ tố cộng”, lập “ ấp chiến lược” rất ác liệt, bọn ác ôn hoành hành, kèm kẹp nhân dân, rình rập, dòm ngó, xoi mói đàn áp phong trào. Nhiều địa phương bị đứt liên lạc một thời gian dài. Tuy nhiên ở Điện Dương, cơ sở vẫn tồn tại, phong trào được duy trì nhờ sự năng nổ hy sinh tận tụy của đồng chí. Hằng ngày, lúc bò đi, lúc bắt em cõng đi, trực tiếp đến nhà những nhân viên Hội đồng hương chính mà nắm được lai lịch, bản chất, gần xa trò chuyện, vừa thuyết phục, vừa giáo dục, vừa răn đem, cụ thể như Lê Văn Tài, xã trưởng Cẩm Hải, sau một thời gian ngắn đã tiếp thu tốt những lời khuyên nhủ và qua đó vận động số khác trong Hội đồng như Đinh Phú Khá hạn chế hoặc không thực hiện những âm mưu thủ đoạn của địch, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở trong xã phát triển. Tên Vân- cảnh sát ác ôn có nhiều tội ác với nhân dân, hay trêu ghẹo hãm hiếp phụ nữ, qua những người thân trong hắn, đồng chí đã dần dà cảm hóa. Nắm tâm lý, lần lượt thuyết phục bọn dân vệ, bảo an không đi lùng lội phá phách. Đồng thời, sai anh Đường đi mua vịt về làm cổ, mua rượu bia ( tiền bán đất) đãi chúng ăn uống, từ khi giấu diếm mình là cộng sản, là “ can cứu”, đồng chí nói thẳng những chủ trương của Mặt trận, mục tiêu của cách mạng, chính sách khoan hồng của Đảng… lấy đạo lý ra giảng giải… Tháng 8 năm 1964, trước khí thế cách mạng lên cao, phong trào diệt ác phá kèm sôi sục ở toàn huyện. Huyện ủy xem xét thấy thực lực mạnh nên hoãn không tăng cường vũ trang và cán bộ chỉ đạo, Điện Dương tự lực đứng lên tự giải phóng quê hương. Khi có quyết định của trên cho Điện Dương đồng khởi, lãnh đạo xã mà chủ chốt là đồng chí Lê Ngọc Giá đã khéo léo qua cơ sở nội ứng điều 2 trung đội Dân vệ đi qua địa phương khác tạo điều kiện thuận lợi cho toàn xã vùng lên cướp chính quyền. Khi thành lập UBND tự quản xã, đồng chí Giá được cử làm Bí thư kiêm Chủ tịch. Khi quần chúng căm thù bọn ác ôn như các tên Vân, Nghiên, Hảo…, thấm nhuần đường lối khoan hồng nhân đạo của Đảng đối với tề ngụy, con người xấu có thể cải tạo thành người có ích cho xã hội, đồng chí Lê Ngọc Giá chủ trương lấy giáo dục làm chính. Nhớ lời của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh: Mỹ thua, Mỹ về Mỹ, Thiệu Kỳ thua, Thiệu Kỳ theo Mỹ, binh sĩ thua, binh sĩ về đâu? Về với nhân dân! Giết một người là việc dễ; nhưng cảm hóa một con người mới là cái hay của người Cộng sản, giết một gây thù oán 10 người, 100 người, gây hận thù nhiều thế hệ: nào đám ma, đám làm tuần, đám giỗ: vợ, con cháu, họ hàng thân thuộc khóc lóc kể lể… “ Làm cách mạng là cải tạo xã hội, là cải tạo con người”… “ Hiệu quả rất thiết thực, bọn ác ôn được nhân dân khoan hồng, đến cảm ơn đồng chí. Đống chí bảo hãy cảm ơn cách mạng, cảm ơn nhân dân, đừng cảm ơn tui”. Tháng 3 năm 1965, Điện Dương vốn có bãi biển được Thường vụ tỉnh chọn làm nơi tiếp nhận vũ khí. Lãnh đạo xã đã cùng nhân dân làm trong sạch địa bàn, sẵn sàng huy động nhân dân ra vận chuyển vũ khí khi có tàu không số đổ bộ, đồng chí Tám (Đinh Châu) chỉ huy cơ quan Quân sự tỉnh cùng một số cán bộ có điện đài về tại Cồn Chờ, sẵn sàng đón tín hiệu, nhưng ngày 3 tháng 3, địch mở càn quét tại vành đai an toàn, kế đến, từ ngày 6-3-1965, Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng nên không thực hiện được việc tiếp nhận vũ khí. Cùng với Điện Bàn, Điện Dương bước vào cuộc chiến đấu mới, trực tiếp đương đầu với lính thủy đánh bộ Mỹ thiện chiến “ trang bị tận răng”. Với làng chiến đấu, với phương châm 2 chân, 3 mũi giáp công vận dụng linh hoạt và sáng tạo, nhất là lòng dân khi đấu tranh chính trị hợp pháp, khi địch vận xã Điện Dương mà linh hồn là đồng chí Lê Ngọc Giá đã lãnh đạo quân dân trong xã thực hiện “ một tấc giang sơn, một dòng máu đỏ” kiên cường bám trụ, chống càn, quyết tâm đánh thắng trận đầu tại Cồn Chờ. Kết quả một toán quân Mỹ đi càn quét đã bị diệt gọn. Sau giải phóng, cơ quan tìm kiếm người Mỹ mất tích ( MIA + POW) đến tìm xác, đã được địa phương và được đồng chí Lê Ngọc Đường chỉ dẫn chu đáo và tìm được hài cốt đưa về Mỹ. Với gia đình, đồng chí đã động viên 3 con trai và 1 con gái lần lượt thoát ly. Lê Ngọc Diện, Lê Ngọc Tửu vào bộ đội, Lê Ngọc Trúc vào lực lượng thanh niên xung phong, Lê Thị Sửu vào Tiểu đoàn vận tải Bà Thao. Những người con của đồng chí tham gia kháng chiến lần lượt đều hy sinh. Vợ công tác Hội phụ nữ giải phóng, giúp đỡ cán bộ, bộ đội du kích. Gia đình còn có tài sản gì cũng đều cống hiến để nuôi dưỡng giúp đỡ cán bộ, bộ đội hoạt động. Đầu năm 1968, lên huyện dự họp, khi trở về đến địa phương, những vết thương lại tái phát hành hạ, bị kiệt sức đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng trong căn hầm bí mật, trong một trận càn dài ngày của lính Mỹ, để lại nhiều tiếc thương cho đồng bào, đồng chí. Ngày nay, những người dân Điện Dương mỗi lần nhắc đến tên đồng chí đều ca ngợi tấm gương kiên trung bất khuất với một niềm kính trọng. Thi hài đồng chí sau ngày giải phóng mới được bà con phát hiện đưa về mai tang tại Nghĩa trang xã nhà. Gia đình đồng chí qua hai cuộc kháng chiến đã có 5 liệt sĩ, 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lãnh đạo xã Điện Dương đã lấy tên Lê Ngọc Giá đặt tên cho một trường THCS ở xã để ghi nhớ công lao của một chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất hết lòng vì Đảng, vì dân.
|