Chăn nuôi bò tập trung chủ yếu ở các xã như Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Tiến, Điện Hòa và 3 xã Gò Nổi. Hiện nay, tổng đàn bò trên toàn huyện giảm đến 5.000 con so với 5 năm trước, nhưng nhờ sự ứng dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế và giá trị sản xuất đã cao hơn rất nhiều. Huyện đã quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng đàn bò hơn là tăng về số lượng đầu con. Vì thực tế hiện nay diện tích đất sản xuất đang dần bị thu hẹp nên thực sự các địa phương đang thiếu bãi chăn thả, thiếu đồng cỏ. Việc ứng dụng các giống bò thịt cao sản trong công tác truyền tinh nhân tạo ở bò đã cung cấp một nguồn lớn bò thịt chất lượng cao. Kết hợp với việc khuyến cáo nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp nên đã phát huy triệt để tiềm năng của các giống bò này.
Theo số liệu thực tế, trung bình mỗi năm toàn huyện có 3.600 con bê lai chất lượng cao ra đời. Với tỉ lệ nuôi sống 90% thì có khoảng 3.240 con bò thịt. Trước đây, người chăn nuôi chưa sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, không áp dụng qui trình nuôi bò thâm canh, trọng lượng bò thịt xuất chuồng tối đa 300 kg/con, bò có tỷ lệ thịt xẻ thấp nên giá bán thấp. Hiện nay, bò thịt xuất chuồng tối thiểu đạt 400 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn nên giá bán cũng cao hơn. Ước tính sơ lược, mỗi năm, giá trị sản xuất trong chăn nuôi bò đã tăng thêm trên 21 tỷ đồng. Hiện nay, phong trào chăn nuôi bò thịt thâm canh đang phát triển rất mạnh, điển hình như Xã Điện Quang, hiện đang có 1.080 hộ nuôi bò với tổng đàn gần 3.000 con. Trong năm 2012, doanh thu từ nghề chăn nuôi bò là 50 tỷ đồng, trong đó thu nhập của người nuôi bò toàn xã khoảng 17 tỷ đồng. Đặc biệt các hộ chuyên nuôi bò qui mô lớn (10 con/hộ) như hộ ông Đỗ Phú Thông thôn Kỳ Lam, Phan Dũng, bà Lương Thị Thủy, Thái Văn Trí Thôn Bảo An Tây…thu nhập trung bình 50 triệu đồng.
Những năm qua, nghề chăn nuôi heo gặp rất nhiều thăng trầm bởi thịt nhập lậu, dịch bệnh, giá cả bấp bênh cùng sự cố tình lạm dụng chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi của một số cơ sở sản xuất kém uy tín … đã đẩy người chăn nuôi heo gần như đứng bên bờ vực thẳm. Tuy nhiên, giới chăn nuôi của huyện hầu như vẫn không chịu thua. Họ vẫn tiếp tục xây chuồng mới và duy trì công việc của mình bởi “Thua keo này thì bày keo khác”. Hơn nữa, chăn nuôi heo cũng là sinh kế của lực lượng lao động lớn tuổi không thể chuyển dịch sang lao động công nghiệp, trong khi đất sản xuất không có nhiều, nhất là các xã Điện Thắng, Điện An, Điện Ngọc, Điện Minh và các xã thuần nông. Chuồng trại nuôi heo gói gọn trong vài trăm thậm chí vài chục mét vuông đất vườn. Chính nhờ vậy, bà con chăn nuôi Điện Bàn vẫn duy trì trên 72 ngàn con heo hàng năm. Vào thời điểm rớt giá, các hộ nuôi heo bằng thức ăn hỗn hợp của nhà máy có phần chững lại do giá thức ăn cao nhưng các hộ nuôi heo bằng thức ăn tận dụng hoặc tự chủ động nguồn thức ăn vẫn duy trì được thu nhập tương đôi ổn định. Vào thời điểm thị trường được giá thì hiệu quả kinh tế thu được từ nghề này khá cao. Hộ nuôi nhiều, nuôi đạt có thể cho thu nhập 100 đến 200 triệu đồng mỗi năm. Nhất là các hộ chăn nuôi heo qui mô lớn ở Điện Thắng, Điện Hòa, Điện Tiến và các xã vùng cát. Hỗ trợ cùng người chăn nuôi, huyện đã thay đổi 40% giống tiến bộ kỹ thuật trong cơ cấu giống heo. Hàng năm giá trị kinh tế tăng thêm trên 21 tỷ đồng nhờ ứng dụng các giống tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi heo.
Nghề chăn nuôi thứ ba là nghề nuôi gà. Đây là một nghề tuy có số hộ tham gia không nhiều nhưng hiệu quả kinh tế là cao nhất. Chăn nuôi gà theo hình thức thả vườn thì hầu như nhà nào cũng có, giá trị kinh tế không đáng kể. Chăn nuôi gà đóng góp giá trị kinh tế cho toàn ngành là theo hình thức công nghiệp. Nuôi gà công nghiệp tập trung chủ yếu ở các xã Điện Hòa, Điện Thọ, Điện Tiến, Điện Thắng và các xã vùng cát. Nuôi trong các gia trại và trang trại, qui mô từ 1.000 đến 10.000 con/hộ/lứa, và quay vòng vốn khá nhanh, với các giống gà siêu thịt và siêu trứng. Năm 2012 là năm giá thu mua thịt, trứng thấp nhất và giá trức ăn chăn nuôi cao nhất so với các năm nên thu nhập của người chăn nuôi gà có phần thấp hơn so với các năm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hộ thu được lợi nhuận khá cao, thách thức với giá thức ăn của thị trường đó là nhờ họ chủ động được nguồn thức ăn, tự pha chế thức ăn theo công thức, đảm bảo cân đối dinh dưỡng và có giá thành thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Hầu hết các hộ này có khả năng tiếp cận khoa học công nghệ khá tốt, kiểm soát được dịch bệnh, rất nhạy bén với thông tin thị trường và biết hạch toán kinh tế trong chăn nuôi. Từ nguồn thu của những gia trại, trang trại gà đã giúp nhiều hộ gia đình ổn định và phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho con cái học hành nên người.
Không được thiên nhiên ưu đãi như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long hay vùng Tây Nguyên rộng lớn, Điện Bàn nằm trong dải đất hẹp của khúc ruột Miền Trung. Để có những trang trại cho đúng nghĩa là niềm mơ ước của biết bao con người suốt một đời gắn bó với nông nghiệp. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, người nông dân Điện Bàn đã quyết tâm khắc phục hoàn cảnh, đối mặt với thiên tai để trụ vững và làm giàu trên mảnh đất quê nhà.
Tuy nhiên, nghề chăn nuôi hiện nay đang phải đối mặt với bao thách thức. Hiện có khoảng 80% chuồng trại chăn nuôi và lò giết mổ gia súc nằm trong khu dân cư. Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi là một thực tế không thể tránh khỏi. Các hộ chăn nuôi đã quan tâm xử lý chất thải bằng công nghệ biogas nhưng tỷ lệ còn thấp. Công tác qui hoạch khu chăn nuôi tập trung hầu như chưa được quan tâm. Tình hình phòng và khống chế dịch bệnh ở gia súc gia cầm vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu. Vấn đề kiểm soát giết mổ nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được thực hiện nghiêm ngặt. Vùng nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi chưa được quy hoạch. Thị trường tiêu thụ không ổn định. Người chăn nuôi còn thiếu kiến thức trong chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh, hoạch toán kinh tế…
Phát triển chăn nuôi một cách bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế Điện Bàn phát triển toàn diện.