Nội dung chi tiết

Thắp lửa làng nghề...
Tác giả: Nam Kha .Ngày đăng: 29/05/2009 .Lượt xem: 9819 lượt. [In bài]
Niềm vui rộn ràng của "Ngày hội văn hóa 405 năm dinh trấn Thanh Chiêm" hồi cuối tháng 6 năm nay, vẫn như sóng âm ba dội vào tâm thức người dân Điện Bàn. Đó cũng là cách đất này chọn lựa để thắp lửa cho các làng nghề sống lại giữa cơn lốc thị trường đầy may rủi...

Niềm vui rộn ràng của "Ngày hội văn hóa 405 năm dinh trấn Thanh Chiêm" hồi cuối tháng 6 năm nay, vẫn như sóng âm ba dội vào tâm thức người dân Điện Bàn. Đó cũng là cách đất này chọn lựa để thắp lửa cho các làng nghề sống lại giữa cơn lốc thị trường đầy may rủi...
Cờ, phướn, lồng đèn đủ sắc màu; quang gánh mây tre đầy hoa... xen lẫn mặt nạ tuồng, cùng bức tranh nón đầy ký tự latinh giữa hồ nước đầy sen, súng và màn diễn xướng dân gian tái hiện thời khởi lập dinh trấn Thanh Chiêm trên sân bảy mẫu (Thanh Chiêm, Điện Phương) đưa hồn người về với quá vãng vàng son, gợi nhớ đất tuồng và chiếc nôi ra đời của chữ quốc ngữ... Bên cạnh, Hội chợ triển lãm làng nghề đem lại nguồn cảm hứng cho "Ngày hội văn hoá 405 năm dinh trấn Thanh Chiêm", thực sự là "bữa tiệc thịnh soạn" cho du khách gần xa; như để chứng minh cho sức sống mãnh liệt của đất trăm nghề đã được định danh  từ hằng mấy trăm năm.
Điện Bàn có gì? Không di sản, thiếu tài nguyên, mảnh đất nắng, gió, đầy kỳ tích trong lịch sử  dựng và giữ nước của dân tộc chưa thể có cơ hội để tạo ra một cú hích phát triển từ tiềm lực kinh tế địa phương. Những dấu vết thành quách, đền đài xưa của dinh trấn Thanh Chiêm, La Qua thành tỉnh đã vùi sâu trong lòng đất... Gia sản cha, ông để lại chỉ là những làng nghề danh tiếng một thời với những nghệ nhân âm thầm giữ lửa và chờ đợi. 
Vì thế, chẳng có gì lạ, khi du lịch bùng nổ tại Quảng Nam, các địa phương "lên sàn" quảng bá bằng các sản phẩm du lịch đặc hiệu, các thắng cảnh sơn thủy hữu tình, bằng các bãi biển hừng hực ánh nắng, thì Điện Bàn, ngoài vùng ven biển, các làng nghề truyền thống là lựa chọn số một để  giới thiệu và mời chào du khách gần xa. Sau vài lần tổ chức hội chợ triển lãm làng nghề "ấn tượng", một lần nữa, dân địa phương lại đưa làng nghề giới thiệu như là một nguồn cảm hứng cho toàn bộ chương trình của "Ngày hội văn hoá 405 dinh trấn Thanh Chiêm" để mời khách thưởng ngoạn. Không phải ngẫu nhiên, những người tổ chức đã biến sân trường Nguyễn Du phía chợ Tổng thành một ngôi làng Việt thu nhỏ, bởi nơi đây được phỏng đoán là trung tâm dinh trấn với sự còn lại của đình làng Thanh Chiêm hàng trăm năm tuổi...
Làng quê Việt thu nhỏ đã tạo ấn tượng cho khách ngay cái nhìn đầu tiên. Bước qua cổng tam quan làng là gặp ngay phiên chợ hàng thủ công mỹ nghệ "sầm uất" với những sản phẩm tạo tác kỳ công và đầy thẩm mỹ từ bàn tay tài hoa của người thợ lẫn chợ ẩm thực "đặc sản Điện Bàn". Gần 20 làng nghề truyền thống lẫn nghệ nhân thời hiện đại đã bày cuộc quanh làng, giới thiệu cho mọi người toàn cảnh về sự kết nối của quá khứ với hiện tại. Nếu đúc đồng Phước Kiều, chiếu chẻ Triêm Tây, bánh tráng Phú Triêm, nước mắm Hà Quảng...đã từng nổi tiếng một thời xa xưa còn sót lại đến bây giờ thì chạm khắc gỗ Âu Lạc, Nguyễn Văn Tiếp, gốm nung Lê Đức Hạ... đã cho  thiên hạ biết về sự  diệu kỳ từ những đôi bàn tay tài hoa của lớp hậu duệ đã thổi hồn xứ sở vào đá, gỗ… Không phải chỉ trưng bày những sản phẩm tạo tác tinh xảo hoặc chuyện giao thương buôn bán chỉ là thứ yếu tại hội chợ triển lãm lần này mới gây hứng thú cho du khách mà chính sự trình diễn đời sống thực của làng nghề đã tạo ra những xung động mỹ cảm, lắng đọng nhiều ngày sau trong lòng người một lần tìm gặp. Hình ảnh “máu lửa" của nghệ nhân cồng chiêng Dương Quốc Thuần bên lò đúc đồng giữa làng, thôn nữ  làng dâu cần mẫn bên khung dệt,  hoặc gái quê Phú Triêm gương mặt ứng hồng bên lò bánh tráng tỏa hương đồng quê nồng nàn; những súc gỗ thô mộc trở nên hồn hơn bất cứ lúc nào từ các bức tranh"Bùi Giáng", "Tiệc ly” (bữa tiệc cuối cùng) hoặc Chúa Giê su của Aâu Lạc đã truyền cảm hứng cho người dự hội và thắp lửa hồi sinh cho cả đất nghề.
Những nụ cười vẹn nguyên trên môi lẫn ánh mắt háo hức của nhiều vị khách nước ngoài theo xích lô đến Thanh Chiêm đã góp thêm hy vọng cho nghệ nhân làng nghề thôi không còn lo sợ sự thất truyền gia sản của tiền nhân. Bởi hơn ai hết, người Điện Bàn đã từng đau đáu về thân phận của các làng nghề trong cơn sốt thị trường. Họ đã từng đặt câu hỏi từ nhiều lần tổ chức hội chợ như thế này trong mấy năm qua: "Sau hội chợ, làng sẽ sống ra sao?". Hy vọng của làng, một lần nữa, được Phó chủ tịch UBND huyện Trần Minh An xác nhận: Ngày hội này đã cho phép chúng tôi đủ tự tin để quảng bá tiềm lực quê nhà. Huyện đã đầu tư 800 triệu đồng để quy hoạch, tập trung 20 làng nghề truyền thống về khu vực Đông Khương, theo hình thức trên bến, dưới thuyền để hình thành khu du lịch đón khách và mở tour sông nước Thu Bồn..."  Như thế có nghĩa là các làng nghề sẽ có cơ hội sống cùng du lịch và chắc chắn một điều, chỉ trong một vài năm nữa, du khách đến Điện Bàn, Quảng Nam sẽ không còn phải gặp cảnh hoạt động làng nghề tàn theo lễ hội như thường thấy.
Nam Kha

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Làng nghề truyền thống Bánh tráng Phú Triêm
Làng nghề ẩm thực Bê Thui Cầu Mống
Làng nghề truyền thống nước mắm Hà Quảng
Gỗ nghệ thuật Âu Lạc
Làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều
Mộc truyền thống Nguyễn Văn Tiếp
Đất nung Lê Đức Hạ
Làng nghề chiếu chẽ Triêm Tây
Mai mọt làng nghề đan thúng chai
Quy hoạch chi tiết cụm Tiểu thủ công nghiệp - Thủ công mỹ nghệ Đông Khương
Các tin cũ hơn:
Các cơ sở thủ công mỹ nghệ truyền thống
Các làng nghề truyền thống

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm