Tại ngôi nhà và khu vườn này suốt hai cuộc kháng chiến, mặc dù địch cày xới xóm làng, ngày đêm lùng sục, gia đình mẹ vẫn vững vàng ý chí, bám đất, bám làng, theo cách mạng. Đêm đêm vợ chồng mẹ xay lúa, giã gạo đóng góp nuôi quân và bảo vệ 5 căn hầm bí mật trong vườn nhà.
Ngoài làm lúa, trồng khoai, mẹ nuôi mấy con bò, hằng ngày, trước khi dắt đi ăn, mẹ thường đánh bò đến bụi tre sau vườn, để liên lạc với các anh dưới hầm bí mật, mà địch không hề hay biết. Hồi phong trào còn hoạt động bí mật, những năm 1955-1963, Mẹ qui ước với các đồng chí hoạt động nằm vùng, vào ban đêm hễ không có địch thì mẹ để ngọn đèn sáng trên bàn thờ, còn lúc có địch mẹ không chong đèn. Những đêm bộ đội du kích về đánh đồn, mẹ nấu một nồi cơm bằng nồi mười (bằng đồng), để các anh ăn no đánh giặc. Nhà thơ, thượng tá Đỗ Như Thuần đã có bài thơ bất hủ về kỷ vật này của mẹ, trong đó có câu: “Nồi cơm mẹ Thứ cao hơn truyền thuyết /Chuyện một thời của tổ quốc tôi.”
Hết kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, mảnh đất Điện Bàn Quảng Nam chìm trong khói lửa, gót dày đinh xéo nát mọi ngõ đường. Mẹ đã chứng kiến cảnh giặc đốt nhà cửa, cày phá làng xóm, bắt bớ, bắn giết hàng loạt người dân vô tội, lòng mẹ quặng đau... Lòng căm thù giặc từ trái tim của người mẹ như ngọn lữa bùng cháy và ngọn lửa ấy đã truyền sang cho các con. Theo tháng năm kháng chiến chống kẻ thù xâm lược của dân tộc, các anh lần lượt lên đường ra trận. Bốn anh nhập ngũ trở thành chiến sĩ vệ quốc quân, giải phóng quân, bốn anh là du kích và một anh là chiến sĩ biệt động Sài Gòn.
Và cứ thế ngày ngày tháng tháng, mẹ vừa nuôi dấu cán bộ, vừa mong ngóng tin con. Chín lần mẹ mang nặng đẻ đau, chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo nhường con, nâng niu dạy dỗ. Mẹ đau thắt lòng khi nghe tin một trong những đứa con của mẹ hy sinh. Và khi cách mười ngày ba cái tang? Đó là vào năm 1948, ba anh Lê Tự Xiến, Lê Tự Hàn Anh, Lê Tự Hàn Em liên tiếp hy sinh. Khi nỗi đau chưa dứt, thì năm 1954, anh Lê Tự Lem đã anh dũng hy sinh.
Đến kháng chiến chống Mỹ, năm người con yêu quý khác của mẹ cũng chọn con đường của các anh mình, lên đường tham gia cách mạng. Đó là các anh Lê Tự Nự, Lê Tự Mười, Lê Tự Trịnh, Lê Tự Thịnh, lại không một anh trở về. Mẹ đã khóc cạn nước mắt, quằn quại, nhói đau.
Chỉ còn lại người con trai đầu, anh Lê Tự Chuyển, người chiến sĩ biệt động Sài Gòn, niềm hy vọng cuối cùng của mẹ Thứ trong số những đứa con đã ra đi. Nhưng đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh ngã xuống trong ngày vui đại thắng....
Hằng ngày khi còn sống trong ngôi nhà cũ, mẹ vẫn ngồi đó trên chiếc giường lặng im, xa vắng. Đôi mắt mẹ theo năm tháng trong nỗi đau mất con, nhớ thương con đã đẫm lệ mờ nhòa. Mẹ hiện thân của nỗi đau tột cùng và sức chịu đựng đến kỳ diệu, tấm thân gầy yếu của Mẹ đã gánh nặng nổi niềm đau đáu, bởi một lẽ: trong số 9 đứa con đã hy sinh của mẹ có 7 anh vẫn chưa lập gia đình, nghĩa là chưa có người hương khói, thờ tự, mộ phần. Chỉ có 6 anh về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ thị xã Điện Bàn, 2 anh yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ Tp HCM. Còn một anh không biết giờ nằm ở nơi đâu, đó là nỗi đau đớn day dứt thấm sâu trong trái tim mẹ. Cho đến khi mẹ mất gần 2 năm hài cốt của anh mới tìm thấy và được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn.
Mẹ Thứ ra đi vào lúc 1h40 ngày 10 tháng 12 năm 2010, hưởng thọ 106 tuổi. Ngày mẹ Thứ ra đi, nắng vàng ươm trong tiết trời se lạnh. Mẹ đã từ trần, nhưng trong lòng người dân Việt, mẹ vẫn là biểu tượng bất tử.Mẹ được Nhà nước tặng danh hiệu bà mẹ VNAH ngày 17/12/1994.
Ngôi nhà của mẹ đã được UBND Tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2011 và nơi đây đã trở thành nhà lưu niệm của Mẹ. Những món quà vô giá mà các vị lãnh đạo, đoàn thể và nhân dân đến thăm tặng mẹ đã được trưng bày trang trọng, để phục vụ khách tham quan, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.