Ở nước ta, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo được Đảng và Nhà nước rất coi trọng, đổi mới phương pháp dạy học có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại là điều hết sức cần thiết. Nghị quyết Trung ương 2, khoá VIII đã khẳng định: “đổi mới phương pháp giáo dục – đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương pháp hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học viên…” Trong chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo (2011-2020) của Đảng và Nhà nước cũng đã nêu: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học, đến năm 2015, 100% giảng viên đại học, cao đẳng và đến năm 2020, 100% giáo viên giáo dục nghề nghiệp và phổ thông có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học. Biên soạn và sử dụng giáo trình, sách giáo khoa điện tử...”
Tuy nhiên trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị bằng giáo án truyền thống và giáo án điện tử thời gian qua ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Điện Bàn còn tồn tại một số hạn chế sau đây:
Những giảng viên kiêm chức do không có thời gian và không nắm vững kỹ năng công nghệ thông tin nên không thể soạn giáo án điện tử để giảng dạy mà sử dụng giáo án truyền thống để giảng dạy, nhưng quá đơn điệu, khô khan, những thông tin cập nhật lại quá cũ, không mang tính thời sự làm cho người nghe không hứng thú, khó tiếp thu được những kiến thức mới.
Trong sử dụng giáo án điện tử, ban đầu một số giảng viên chưa sử dụng thành thạo các tiện ích do không được trang bị kỹ năng ứng dụng cho nên không phát huy hiệu quả của phần mềm trong giáo án điện tử. Năng lực sử dụng và khả năng khai thác internet hạn chế, chưa vận dụng được nguồn tài nguyên và kinh nghiệm soạn giảng rất phong phú đa dạng trên Internet. Hoặc giáo án điện tử chỉ toàn là chữ và hình ảnh đơn điệu như thay thế bảng đen, phấn trắng, người thầy thực hiện việc đọc giáo án cho trò chép. Sử dụng phông chữ không phù hợp, lại nhỏ, phông nền màu gần giống với chữ, học viên khó theo dõi, ghi chép.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị bằng giáo án điện tử tại các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện nói chung và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Điện Bàn nói riêng, theo tôi cần có một số giải pháp cụ thể như sau:
Trước hết; là phải có nhận thức đúng đắn về giáo án điện tử, rằng sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy là một việc làm thể hiện tinh thần học hỏi, cầu tiến của những người dạy, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Giáo án điện tử chỉ là một phương tiện hỗ trợ quá trình dạy học chứ không phải là “một phương pháp mới” trong dạy học. Nếu không nhận thức đúng đắn vấn đề này thì việc sử dụng giáo án điện tử sẽ không phát huy những ưu điểm của nó mà còn không tạo ra một bước đột phá gì về mặt phương pháp dạy học theo yêu cầu đổi mới. Phải thấy được tính đặc thù của từng môn học, từng bài giảng, từng tiết dạy… để từ đó điều chỉnh việc sử dụng giáo án điện tử trong dạy học một cách đúng đắn, mang lại hiệu quả cao nhất.
Phải hiểu rằng bài giảng không giống bài thuyết trình hay bài báo cáo để trình bày trước hội nghị, hội thảo và đối tượng dạy học lại hoàn toàn không giống như các đối tượng hội nghị, hội thảo. Cho nên, việc chuẩn bị một bài giảng bằng giáo án điện tử không chỉ đảm bảo nội dung mang tính khoa học mà còn phải thể hiện tính sư phạm rất cao; nó phải phù hợp tâm sinh lý học viên, tính thẩm mỹ của trang trình chiếu, sự kết hợp nhuần nhuyễn các nguyên tắc và các phương pháp dạy học. Do vậy, giảng viên muốn sử dụng giáo án điện tử để dạy học có hiệu quả thì phải có kiến thức, kỹ năng sử dụng phần mềm, đồng thời cần phải có ý thức sư phạm, kiến thức về lý luận dạy học và về các phương pháp dạy học tích cực.
Ngoài ra, sử dụng giáo án điện tử để dạy học là một trong những hướng thay đổi phương pháp dạy học, muốn tận dụng được tối đa tính ưu việt của nó, nhằm cung cấp thông tin cho người học, tạo sự hấp dẫn của của bài giảng, ít ra cũng hiệu quả hơn bài giảng với bảng viết thông thường. Cần tránh việc chạy theo phong trào để rồi bài giảng thiếu chất lượng, lạm dụng các hiệu ứng trong phần mềm PowerPoint làm người học bị phân tán sự chú ý. Cũng không nên quan niệm rằng; trang trình chiếu chẳng qua là thay bảng đen, phấn trắng, cho nên trên thực tế có một số thầy dạy bằng giáo án điện tử nhưng cuối cùng học viên chẳng ghi được gì vào vở, không thu nhận được những kiến thức cơ ản của bài.
Hằng năm Chi bộ Trung tâm Bôi dưỡng Chính trị huyện đều có nghị quyết tiếp tục bổ sung đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị tại trung tâm, nâng cao chất lượng giảng dạy bằng giáo án điện tử. Trên cơ sở được lãnh đạo phân bổ bài giảng, các giảng viên đã không ngừng điều chỉnh bổ sung hằng năm. Có những bài phải soạn đồng thời hai loại giáo án, cả giáo án truyền thống và giáo án điện tử, có thể sử dụng kết hợp, hoặc sử dụng một cách thích hợp khác. Các giáo án đều được tham khảo ý kiến lãnh đạo, tham gia góp ý hoặc thông qua mạn đàm trao đổi giữa các giảng viên để không ngừng hoàn hoàn thiện, phù hợp với từng bài giảng và từng đối tượng dự học.
Về phương pháp soạn giáo án là nội dung quan trọng nhất trong việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị của Trung tâm. Do vậy, công tác soạn giảng được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định, có cải tiến, phù hợp với từng đối tượng và từng loại lớp
Trước hết, là việc lựa chọn nội dung bài giảng hoặc phần bài giảng phù hợp với giáo án điện tử: Trên thực tế, tất cả các bài giảng về lý luận chính trị đều có thể soạn dưới dạng giáo án điện tử để trình chiếu diễn giảng thay thế giáo án truyền thống giảng bằng phấn, bảng. Tuy nhiên, việc kết hợp sử dụng giữa hai phương pháp nầy vẫn mang lại hiệu quả cao hơn cho quá trình diễn giảng của giảng viên. Ngoài ra, trong một bài giảng cũng có thể soạn hết bằng giáo án điện tử hoặc có thể chỉ lựa chọn những nội dung phù hợp. Mặc khác bản thân người thầy phải cảm thấy sự mong muốn, đam mê của mình nhằm tổ chức hoạt động học tập tích cực bằng cách liên kết hình ảnh với lời nói một cách tự nhiên, vận dụng hình ảnh và ngôn từ cô đọng trên các slide Power Point để khơi gợi, kích thích sự liên tưởng của học viên. Các nội dung chủ yếu của bài giảng phải mở rộng và chứa đựng một số ý tưởng tạo nên các tình huống để tranh luận. Khai thác triệt để nguồn tư liệu hình ảnh phong phú liên quan đến nội dung bài dạy có trên Internet hay các nguồn tài nguyên khác như băng đĩa ghi âm, ghi hình, phim ảnh… để phục vụ tốt cho công tác biên soạn của giảng viên.
Thứ hai, là lập dàn ý trình bày và liên kết hợp lý các Slide nội dung bài giảng: Đây là vấn đề quan trọng nhất mà người soạn phải hình dung ra trên bản thảo bao gồm: phần kiến thức cốt lõi sẽ được trình bày một cách ngắn gọn và cô đọng. Các câu hỏi, hoạt động kích thích tư duy, suy nghĩ của học viên. Các hình ảnh , âm thanh, sơ đồ, bảng biểu… sẽ sử dụng để minh họa kiến thức hay để giúp học viên thực hiện hoạt động học tập. Trước hết, giảng viên trình bày phần kiến thức cốt lõi, để học viên theo dõi, ghi chép. Các hoạt động học tập và bài tập có thể thực hiện sau khi đã diễn giảng phần kiến thức hoặc làm song song với phần ấy. Theo kinh nghiệm, để dàn ý bài dạy trở nên rõ ràng, dễ dàng diễn giảng, chúng tôi trình bày các ý tưởng của bài dưới dạng các slide. Ví dụ:
Slide1: Cương lĩnh là gì? (nhằm kích thích tư duy suy nghĩ của học viên, có thể hỏi một vài học viên để xem thử họ hiểu nội dung nầy như thế nào)
Slide2: Cô đọng phần khái niệm của cương lĩnh minh họa bằng sơ đồ (trình bày chậm có giải thích để học viên tự ghi)
Slide3: Trình bày rõ khái niệm cương lĩnh (để học viên theo dõi đối chiếu)
Trong lúc hình thành dàn ý bài soạn dưới dạng các Slide cần chú ý mối liên hệ hữu cơ về nội dung giữa các slide. Nếu không, giáo án điện tử có thể trở thành một tập các chữ và ảnh hơn là một bài soạn. Khi giáo viên trình chiếu Power Point, để học viên có thể ghi chép kịp thì nội dung trong mỗi slide không nên xuất hiện dày đặc cùng lúc. Ta nên phân dòng hay phân đoạn thích hợp, cho xuất hiện theo hiệu ứng thời gian tương ứng. Trường hợp có nội dung dài mà nhất thiết phải xuất hiện trọn vẹn cùng lúc, ta trích xuất từng phần thích hợp để giảng, sau đó đưa về lại trang có nội dung tổng thể, học viên sẽ dễ hiểu và dễ ghi chép hơn.
Thứ ba, là lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền cho các Slide bài giảng
-Phông chữ: Sử dụng các phông chữ phổ biến, đơn giản, rõ ràng, không nên chọn các phông chữ quá cầu kỳ. Việc sử dụng phông chữ không hợp lý có thể vừa làm cho học viên khó theo dõi, vừa làm mất đi tính nghiêm túc, chính thống của một bài giảng lý luận chính trị.
-Cở chữ: Chọn cỡ chữ phù hợp, không nên quá to hoặc quá nhỏ, đối với các lớp học có số lượng đông (khoảng từ 70 học viên trở lên), hội trường rộng; để những người ở phía sau cùng có thể nhìn thấy ghi chép được chúng ta nên thiết kế cỡ chữ sao cho mỗi Slide chỉ nên bao gồm từ 7 đến 9 dòng (Font size khoảng 32-40)
-Màu chữ: Cần chọn màu chữ (Font color) phù hợp với màu nền (Fill color) của các Slide, tạo điều kiện thuận lợi cho sự theo dõi của người học. Về màu sắc của nền hình: cần tuân thủ nguyên tắc tương phản (Contrast), chỉ nên sử dụng chữ màu sậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm…) trên nền trắng hay nền màu sáng. Ngược lại, khi dùng màu nền sậm thì chỉ nên sử dụng chữ có màu sáng hay trắng.
Thứ tư, là sử dụng hợp lý hình ảnh, âm thanh, các đoạn video, lập sơ đồ, bảng biểu trong các Slide bài giảng: Có thể thấy, các Slide chỉ thực sự phát huy được ưu thế của nó so với bảng phấn khi khai thác được các yếu tố đặc thù như hình ảnh, video hoặc các sơ đồ, bảng biểu gắn với nội dung bài giảng. Các tư liệu này hiện nay chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet, các đĩa CD, DVD hoặc sao chụp từ sách, báo hoặc chụp ảnh khi đi khảo sát thực tế ở cơ sở… Tuy nhiên, hình ảnh và âm thanh đưa vào bài giảng nhất thiết phù hợp với mục tiêu học tập mà người học cần đạt, hướng đến trọng tâm kiến thức của bài. Việc lạm dụng hoặc sự thiếu chọn lọc khi biên soạn sẽ gây nhiễu cho quá trình lĩnh hội kiến thức của học viên. Chúng ta cũng nên lưu trữ hệ thống tư liệu nói trên một cách khoa học để có thể sử dụng lâu dài cho các bài soạn khác. Đối với những bài giảng cho cán bộ cơ sở tại các thôn, khối phố cần phải có những tư liệu mang tính thực tiễn sinh động, giảng viên cần phải thâm nhập cơ sở để chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn… làm tư liệu cho bài giảng của mình.
Thứ năm, là cần nắm được kỹ năng sử dụng và khắc phục sự cố trình chiếu Khi sử dụng giáo án điện tử, giảng viên có thể gặp phải những sự cố nhất định như: sự không tương thích giữa máy tính và Projector; thiết đặt chế độ trình chiếu không đúng, góc chiếu, tiêu cự không hợp lý… Vì vậy, trước khi tiến hành giảng dạy bằng giáo án điện tử, cần phải có sự chuẩn bị trước hoặc được người có chuyên môn hướng dẫn cụ thể về kỹ năng sử dụng các thiết bị, máy móc và cách khắc phục các sự cố thông thường.
Về trình chiếu, thao giảng là phần vô cùng quan trọng để xác định chất lượng của bài giảng, giáo án điện tử chỉ mang lại hiệu quả khi giảng viên nắm vững được các kỹ năng, tiện ích của công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó giảng viên mới phát huy triệt để các phần mềm trong giáo án đã được thiết kế, phải nắm chắc nội dung và trang bị cho mình lượng kiến thức cần thết, kết hợp thao tác trình chiếu nhuần nhuyển với việc diễn giảng những nội dung của bài để học viên hiểu sâu sắc từng vấn đề.
Nhờ khai thác tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy lý luận chính trị tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Điện Bàn. Giáo án điện tử trở thành phổ biến đối với tất cả giảng viên của Trung tâm, chất lượng dạy học nâng lên rõ rệt. Học viên vừa được cung tấp tài liệu học tập để nghiên cứu tham khảo vừa được nghe giảng, trao đổi thông tin, hoạt động thảo luận sôi nỗi tại lớp. Qua đó đã nhận thức sâu sắc những nội dung kiến thức của bài. Kết quả có thể được đánh giá qua các bài kiểm tra và qua nhận xét, điều tra thực tiễn công tác của cán bộ sau khi được đào tạo.
Các lớp học bồi dưỡng và đào tạo tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Điện Bàn đã tiếp cận giáo án điện tử với mức độ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phong phú, hiện đại và đạt được kết quả đáng kể. Qua năm năm (2007-2012) Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Điện Bàn đã mở được 18 loại hình các lớp học cho 136 lớp với 16.620 học viên, bình quân mỗi năm gần 23 lớp với 2.770 học viên, đa dạng các loại hình bồi dưỡng đào tạo, vượt kế hoạch chỉ tiêu hằng năm đề ra. Hầu hết các đồng chí qua lớp sơ cấp LLCT, tiếp tục học Trung cấp LLCT và trình độ cao hơn, đang là cán bộ chủ chốt của các xã, thị trấn trong huyện.
Các chương trình được các giảng viên biên soạn bằng giáo án điện tử công phu, với hơn 100 bài soạn được lưu trữ trong hệ thống. Hằng năm có điều chỉnh, bổ sung và cập nhật kiến thức mới, rất tiện lợi trong việc tổ chức giảng dạy. Chính từ ứng dụng tốt phương pháp dạy học lý luận chính trị bằng giáo án điện tử và kinh nghiệm thao giảng tại trung tâm, nên nhiều năm liền bản thân tôi và một số các giảng viên của Trung tâm được huyện cử đi tham gia hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi đều đoạt giải. Năm 2003 đạt giải nhất và giải ba tỉnh, giải ba miền Trung tây nguyên và giải khuyến khích Trung ương. Năm 2006 đạt giải nhất hội thi Báo cáo viên, giảng viên chính trị viên giỏi cấp tỉnh. Năm 2013 đạt giải nhất cấp tỉnh, được cử đi dự thi cấp miền Trung, Tây nguyên và Trung ương sắp đến.
Để áp dụng việc dạy học chính trị bằng giáo án điện tử tại các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện, và tại huyện Điện Bàn, chúng tôi xin đề xuất với lãnh đạo các cấp một số vấn đề sau đây: Trước hết là Giám đốc và lãnh đạo Trung tâm phải gương mẫu thực hiện việc soạn giảng bằng giáo án điện tử thành thạo và chất lượng. Lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện trang bị phương tiện, công cụ như máy tính, máy chiếu, máy ảnh… để giảng viên thực hiện tốt cho việc biên soạn giáo án và diễn giảng đạt hiệu quả. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường chính trị Tỉnh có chương trình tập huấn, hội thi, hội thảo hằng năm cho giảng viên về ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy tại các Trung Tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện. Chắc chắn chất lượng giảng dạy lý luận chính trị sẽ không ngừng nâng cao đáp ứng với yêu cầu đổi mới công tác bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cơ sở ở các địa phương hiện nay.
Hà Sáu
PGĐ. TTBDCT huyện Điện Bàn