Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 1998 khối phố vận động nguồn lực tại chỗ xây dựng Nhà văn hoá khối phố để có nơi cho nhân dân sinh hoạt, họp hội. Thế nhưng do điều kiện khó khăn, Nhà văn hoá khối phố chỉ có diện tích xây dựng vỏn vẹn 49m2 với tường xây, sườn tre, mái tôn. Qua gần 15 năm sử dụng, Nhà văn hóa vừa xuống cấp nghiêm trọng, vừa không đảm bảo đủ chỗ cho nhân dân sinh hoạt, họp hội. Thêm vào đó, đến mùa bão lụt bị tàn phá bởi thiên tai nên không đảm bảo an toàn cho nhân dân trong họp hội.
Bức xúc trước thực trạng trên, được sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân thị trấn Vĩnh Điện, Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2013 – 2015 đã ra Nghị quyết với quyết tâm trong năm 2013 khối phố 5 phải xây dựng xong Nhà văn hoá mới.
Công việc đầu tiên của khối phố là khảo sát chọn mặt bằng xây dựng ở khu vực trung tâm khối, lập thiết kế, dự toán xây dựng với quy mô công trình vĩnh cửu, kêt cấu bê tông chịu lực, và khuôn viên Nhà văn hoá phải đảm bảo có diện tích 850m2 để đảm bảo đi kèm với Nhà văn hoá còn có đủ đất để xây dựng các thiết chế văn hoá khác như sân bóng chuyền, sân cầu lồng, điểm biểu diễn văn nghệ ngoài trời, khu nhà đồ phục vụ các đám tang của chi hội Người cao tuổi và tường rào, cổng ngỏ .
Theo định hướng đó, khối phố lập kế hoạch phân kỳ đầu tư từng giai đoạn. Nguồn vốn huy động theo phương châm xã hội hoá “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Để đảm bảo trong công tác vận động, Ủy ban nhân dân thị trấn Vĩnh Điện ra quyết định thành lập Ban vận động xây dựng Nhà văn hoá khối phố do đồng chí Bí thư chi bộ làm Trưởng ban, quyết định thành lập Ban quản lý xây dựng do đồng chí khối trưởng làm trưởng ban. Để tiện theo dõi giám sát công trình, thị trấn Vĩnh Điện đã giao trách nhiệm cho khối làm chủ đầu tư. Thị trấn cử cán bộ vào Ban quản lý để giám sát trong thi công.
Để có được nguồn vốn đầu tư xây dựng và mua sắm các trang thiết bị bên trong Ban vận động đã phát hành Thư ngỏ trực tiếp gởi đến tận các gia đình nhân dân ở địa phương và bà con xa quê, các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài thị trấn, cộng với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước các cấp. Ngoài ra khối phố còn tổ chức một đêm văn nghệ để vận động đóng góp xây dựng Nhà văn hoá. Chỉ tiêu đóng góp xây dựng Nhà văn hoá được giao cho từng hộ, trong đó lấy Đảng viên kể cả đảng viên đang sinh hoạt trong chi bộ và đảng viên 76 làm đầu tàu, để có tác dụng nêu gương và vận động nhân dân làm theo. Ngoài ra khối phố còn cử cán bộ ra Đà Nẵng và liên hệ một số nơi khác như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đắc Lắc có con em trong khối sống xa quê để vận động ủng hộ xây dựng Nhà văn hoá.
Đến khi đã chuẩn bị kỹ các bước về địa điểm và nguồn vốn. lãnh đạo khối phố hạ quyết tâm phải dồn sức thi công trong vòng ba tháng kể từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 11 năm 2013 phải hoàn thành để kịp khánh thành nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam và ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11/2013. Một thuận lợi là người lập thiết kế, dự toán, giám sát công trình và kể cả đội thợ xây dựng được huy động từ nhân dân trong khối. Khối cử người chạy vật tư, và kiểm tra, ghi nhật ký thi công từng ngày. Nhờ vậy chỉ trong vòng ba tháng, công trình Nhà văn hoá khối phố 5 đã hoàn thành tất cả các hạng mục như Nhà văn hoá có diện tích gần 200m2 đảm bảo đủ chỗ ngồi 180 người, 1 khu nhà đồ phục vụ các đám tang 21m2, 1 sân bóng chuyền, sân cầu lồng, kết hợp với điểm xem văn nghệ, điểm tổ chức các đám cưới trong nhân dân với diện tích 480m2 và 65 mét tường rào, cổng ngỏ. Bên trong Nhà văn hoá có khán đài, trần đóng la phông, quạt máy, nền lát gạch hoa và 2 bên tường là các bản trích với nội dung xây dựng đời sống văn hoá, phông màng, khẩu hiệu, hệ thống âm thanh và 150 ghế ngồi, 6 bàn lớn phục vụ họp hội trong Hội trường và một cụm truyền thanh khối phố. Tổng giá trị đầu tư cho công trình là 517 triệu đồng, trong đó có 457 triệu đồng xây dựng và 60 triệu đồng, mua sắm các trang thiết bị bên trong.
Diện mạo Nhà văn hoá khối phố 5 rất khang trang vì mở ra ba mặt, mặt chính đối diện với tuyến đường Cao Thắng, rộng 13,5 mét, một mặt tiếp giáp với tuyến đường quy hoạch 21 mét của Trung tâm thị trấn Vĩnh Điện trong tương lai. Sau khi xây dựng xong Nhà văn hoá, Chi uỷ, Ban nhân dân, Ban công tác Mặt trận khối phố đã thống nhất ra quy chế về quản lý, sử dụng Nhà văn hoá, đảm bảo cho Nhà văn hoá luôn sôi động với các hoạt động văn hoá thể thao. Cụm truyền thanh khối phố ngày ba buổi rộn ràng tiếng loa phát thanh để phục vụ kịp thời nhu cầu thông tin cho nhân dân và sử dụng làm công cụ điều hành, thống báo các hoạt động trong khối phố. Cứ vào mỗi buổi chiều trên sân bóng chuyền quy tụ hàng chục vận động viên trong và ngoài khối đến vui chơi, giải trí.
Đặc biệt trong những năm qua khối phố còn đặc biệt quan tâm đến các thiết chế văn hoá gia đình. Các hộ dân trong khối phố lần lượt đầu tư xây dựng tường rào, cổng ngõ khang trang kết hợp với vườn cây, tạo nên một không gian văn hoá xanh, sạch, đẹp. Các hộ gia đình đảm bảo nhà nhà đều có khẩu hiệu trước nhà, bên trong ảnh Bác được bố trí treo ở nơi trang nghiêm nhất. Ngày lễ, ngày Tết nhà nhà đều treo cờ Tổ Quốc, đa số các hộ nhân dân đều đăng ký đổ rác với công ty môi trường nên cảnh quang khối phố khang trang sạch sẽ. Dọc theo các tuyến đường trong khối phố đêm về điện sáng giăng giăng, kể cả 8 tuyến đường rẻ vào các lối xóm. Khối đứng ra vận động nhân dân góp tiền mua dây, trụ điện, bóng đèn để bắt điện đường. Thực hiện phương châm “đèn trước ngõ, mõ trong nhà”, sắp tới khối phố sẽ trang bị cho các hộ gia đình, mỗi hộ có một cái mõ trong nhà để khi phát hiện có tội phạm đột nhập vào nhà, vào thôn xóm là cả xóm đồng loạt đánh mõ để truy bắt tội phạm, nhất là vào ban đêm. Số điện thoại về phòng chống tội phạm (bao gồm của công an và dân quân cơ động thị trấn) được khối phố dán niêm yết ở từng khu vực để nhân dân nắm bắt và phối kết hợp phòng chống tội phạm, xây dựng khối phố bình yên.