Nội dung chi tiết

Nông nghiệp Điện Bàn trong quá trình đô thị hóa
Tác giả: Thành Chung .Ngày đăng: 23/01/2014 .Lượt xem: 6312 lượt. [In bài]
Điện Bàn đang phát triển theo hướng đô thị hoá và phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2015 với việc hình thành 2 khu vực: nội thị và ngoại thị. Ngành nông nghiệp Điện Bàn tất yếu sẽ bị phân hóa thành hai vùng phát triển theo định hướng nông nghiệp đô thị và nông nghiệp nông thôn.

Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Điện Bàn có tăng trưởng nhưng chưa vững chắc, chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tiềm năng sẵn có. Về môi trường còn tiềm ẩn nhiều thách thức, chưa đáp ứng các yêu cầu về quản lý, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm. Các vấn đề xã hội còn tồn tại và nảy sinh trong quá trình phát triển, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sản xuất kém phát triển; việc cạnh tranh mua bán thường xuyên xảy ra mỗi khi thị trường có biến động...


Cơ giới hóa trong nông nghiệp
    Để hoàn chỉnh bức tranh tổng thể về nông nghiệp Điện Bàn trong tương lai, có thể phác họa thêm những đường nét cụ thể với cái nhìn tổng hợp từ 3 góc độ: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Vùng nông nghiệp đô thị được chỉ rõ bao gồm các xã: Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện An, Điện Minh, Điện Phương, Thị trấn Vĩnh Điện, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Bắc với tổng diện tích tự nhiên 10.389 ha trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 4.054 ha (chiếm 39%). Đặc trưng của khu vực đô thị là không gian phát triển ngày càng bị thu hẹp, dân cư đông đúc nhưng lao động nông nghiệp lại khan hiếm, thu nhập bình quân giữa lao động nông nghiệp so với các ngành nghề khác còn thấp; môi trường sản xuất nông nghiệp không còn thuận lợi như trước đây.

Trong điều kiện quỹ đất dành cho nông nghiệp không còn nhiều lại đang có xu hướng đô thị hóa, chăn nuôi sẽ không được khuyến khích phát triển ở vùng nội thị mà cần hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp ở những vùng ngoại thị. Trong đó, các mô hình có giá trị kinh tế cao nhưng ít ảnh hưởng đến môi trường như nuôi chim cảnh, bồ câu, chim yến, thỏ, dế… có thể phát triển mới. Về trồng trọt, từ thực trạng một số vùng bị hạn mặn, vùng khô hạn cuối kênh đã sản xuất lúa không hiệu quả cần lập dự án chuyển đổi sang sản xuất cây màu như: lạc, mè cao sản, ngô thương phẩm, ngô nếp... Cùng với việc phát triển các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao thì việc lựa chọn phát triển các loại cây trồng đặc trưng như rau chất lượng cao, hoa cây cảnh… sẽ tạo ra những sản phẩm làm nên lợi thế của nông nghiệp đô thị Điện Bàn. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác các nguồn lợi thuỷ sản trên biển đã mang lại thu nhập không nhỏ cho 1 bộ phận người dân đô thị cũng cần được quan tâm trang bị ngư cụ, đổi mới phương pháp đánh bắt cho phù hợp với ngư trường...



    Vùng nông nghiệp nông thôn
bao gồm các xã: Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Tiến, Điện Hoà, Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong với tổng diện tích tự nhiên là 11.082 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 5.452 ha (chiếm 49,2%). Đây là vùng thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp của huyện, trong đó 3 xã Gò Nổi hội tụ đủ các yếu tố để tiến đến một nền nông nghiệp xanh, sạch và hiệu quả, làm tiền đề cho cả vùng phát triển bền vững.

Cơ cấu cây trồng con vật nuôi ở vùng nông thôn sẽ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh; chăn nuôi quy mô gia trại theo hình thức "an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường" được khuyến khích phát triển. Trong đó, chú trọng phát triển tổng đàn bò ở những vùng chủ động nguồn thức ăn; những vùng không nuôi bò sẽ tập trung phát triển đàn gà thả vườn và chăn nuôi heo hướng nạc. Một số diện tích đất 1 vụ lúa 1 vụ màu và những diện tích nhỏ lẻ sản xuất kém hiệu quả sẽ được thay bằng vùng trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, vùng sản xuất cây màu như ngô thương phẩm, lạc, các cây họ đậu. Về thuỷ sản, cần giữ ổn định diện tích ao nuôi và tận dụng mặt nước tự nhiên để đầu tư nuôi trồng có hiệu quả; chú trọng phát triển mô hình nuôi ghép các đối tượng cá truyền thống như: trắm cỏ, mè, trôi, chép, rô phi... đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các đối tượng mới phù hợp với hình thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, nuôi cá lồng bè trên ao...

Bức tranh tổng thể vừa được phác họa sẽ trở nên tươi sáng khi được tô vẽ bằng những gam màu phù hợp. Đó là việc xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; đầu tư, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới; xây dựng mối liên doanh liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm; giải pháp về quản lý nhà nước... trong đó đầu tư, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới sẽ là khâu đột phá đưa nền nông nghiệp của huyện nhà phát triển đúng định hướng.

 Thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng và hỗ trợ đầu tư thâm canh theo quy mô cánh đồng mẫu lớn. Củng cố, đổi mới và có chính sách khuyến khích hệ thống dịch vụ hỗ trợ sản xuất phát triển. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong sản xuất trồng trọt theo hướng thân thiện với môi trường. Xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất với người sản xuất, giữa người sản xuất với người tiêu dùng.

Đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng "an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường", sử dụng thức ăn tự phối trộn theo công thức khuyến cáo của nhà chuyên môn để giảm giá thành sản xuất, hình thành điểm giết mổ tập trung có quy mô vừa và nhỏ kết hợp với điểm thu mua chế biến tiêu thụ sản phẩm...

Hình thành các vùng dự án nuôi cá tập trung trên cơ sở đã nuôi có hiệu quả ở những vùng đầu nguồn nước thuỷ lợi tại các xã: Điện Hoà, Điện Tiến, Điện Thọ, Điện Thắng Nam. Trong đó, chuyển một số diện tích đất lúa kém hiệu quả của vùng này sang nuôi cá nước ngọt.

Trong suốt quá trình thực hiện cần phải gắn kết với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới để phát huy vai trò chủ thể của người dân, đó là cơ sở để xây dựng nền nông nghiệp Điện Bàn phát triển theo hướng bền vững trong tương lai.

Năm 2014 đang đến gần, một năm mới đang đặt ra nhiều khó khăn và thử thách cho toàn nền kinh tế của huyện nhà, trong đó để đạt được mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp từ 2,8-3% đòi hỏi sự phấn đấu và nỗ lực lớn từ cả 2 phía: chính quyền và nhân dân. Hi vọng rằng, những kết quả khả quan trong năm mới sẽ là nét chấm phá làm cho bức tranh kinh tế huyện Điện Bàn nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng ngày càng tươi sáng trong tương lai.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Khẩn trương đưa vào hoạt động mô hình chính quyền hai cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả
Điện lực Điện Bàn nâng cấp lưới điện tiếp nhận từ 4 hợp tác xã, đáp ứng tốt nhu cầu điện của người dân
Người trẻ chung tay “giải cứu” dưa hấu cho nông dân Quảng Nam
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức sàn giao dịch việc làm
Điện lực thực hiện chốt số lưới điện hạ áp nông thôn của các Hợp tác xã bàn giao cho ngành điện
Hội thảo đầu bờ giống lúa Hương Xuân
Phòng ngừa tình trạng lừa đảo qua các thông tin giả mạo
Đảm bảo cung cấp điện Phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Điện Bàn (29/3/1975-29/3/2025), 95 năm ngày thành lập Đảng bộ Điện Bàn (5/4/1930- 5/4/2025); 10 năm thành lập thị xã Điện Bàn (2015-2025)
Khánh thành giai đoạn 1, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng Lai Nghi
Hội Nông dân thị xã phát động mô hình diệt cây mai dương
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Đi dọc vùng Đông
Vĩnh Điện phát triển hạ tầng đô thị
Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc mười năm, một chặng đường
Lễ công bố quyết định 02 Phó Trưởng Ban quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc
Cánh đồng mẫu ở Điện Bàn
Nông dân Điện Bàn với nghề chăn nuôi
Điện Trung “Chung tay xây dựng xã Nông thôn mới”
Quỹ tín dụng nhân dân xã Điện Dương tổ chức hội nghị tổng kết tình hình hoạt động năm 2012, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2013
Hội nghị tổng kết công tác giao thông Nông thôn năm 2012 và sơ kết 03 năm thực hiện Đề án phát triển giao thông Nông thôn
Công nghiệp ở xã thuần nông
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm