Lộ trình đã rõ
Cách đây hơn 2 năm, khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được triển khai ở Điện Bàn, không ít người băn khoăn, lo lắng. Có người còn cho rằng, phải có nguồn lực dồi dào thì mới có thể thực hiện đạt các thông số mà các tiêu chí đưa ra. Vì thế, trong suốt một năm đầu triển khai, nhiều xã lúng túng với bài toán nguồn lực nên việc quy hoạch, xây dựng đề án gặp không ít trở ngại. Thế nhưng, bước sang năm 2013, phong trào xây dựng Nông thôn mới ở Điện Bàn có những bước chuyển biến rõ rệt, lộ trình của các xã được vạch định, trong đó có hai xã mạnh dạn đặt nhiệm vụ về đích sớm vào năm 2014.
Thênh thang những ngả đường quê
Cơ sở để phong trào xây dựng Nông thôn mới có những bước tiến vững chắc là quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội trên toàn huyện, trong đó đầu tư tập trung cho 8 xã nông thôn mới vùng ngoại thị của Điện Bàn. Các xã còn lại của huyện tiến hành song song hai nhiệm vụ xây dựng đô thị và nông thôn mới đến năm 2020.Trong 8 xã vùng ngoại thị, 7 xã được giao nhiệm vụ đến năm 2015 hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.Đó là các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng và Điện Hòa. Trong đó hai xã Điện Quang và Điện Trung hoàn thành nhiệm vụ vào năm 2014 để tạo động lực cho các xã khác tiếp bước.
Những tín hiệu vui
Đến cuối năm 2013, toàn huyện có 19/19 xã hoàn thành công tác lập đồ án quy hoạch Nông thôn mới (trong đó có 14 xã quy hoạch tổng thể, 05 xã vùng cát - đô thị loại 5 quy hoạch sản xuất nông nghiệp). 09 xã có Đề án Xây dựng Nông thôn mới được phê duyệt. Trong các xã có lộ trình xây dựng Nông thôn mới đến năm 2015, hai xã Điện Quang, Điện Trung đạt 16 tiêu chí, Điện Phước, Điện Phong đạt 15 tiêu chí, Điện Hồng, Điện Thọ đạt 14 tiêu chí. Các xã khác cũng đạt từ 8-15 tiêu chí. Tổng nguồn vốn Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ cho Chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới trong năm là 14,42 tỷ đồng.
Điểm “mắc” chung mà các xã nông thôn mới ở Điện Bàn gặp phải là công tác xây dựng giao thông nội đồng, phát triển sản xuất và cơ sở vật chất văn hóa. Trong năm 2013, tuy sản xuất nông nghiệp ở Điện Bàn gặp nhiều bất lợi nhưng nhờ sự chỉ đạo tập trung, các chương trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn vẫn đạt được những kết quả khả quan. Những cánh đồng mẫu tiếp tục được xây dựng tại các xã Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Trung với năng suất từ 55-65 tạ/ha. Những cánh đồng đất màu ở Điện Quang, Điện Trung đã góp phần tích cực làm thay đổi vùng quê Gò Nổi. Bình quân một ha đất màu mang lại thu nhập cho những hộ nông dân vùng này từ 100-120 triệu đồng và nhiều gia đình còn có thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi thửa được chú trọng thực hiện đã tạo điều kiện cho các xã nông thôn mới phát triển.
Công tác dồn diền đổi thửa đem lại hiệu quả cao
Cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng, trong đó điểm nổi bật là đầu tư xây dựng các Trung tâm văn hóa xã. Xã Điện Quang đã đầu tư nâng cấp, mở rộng hội trường xã thành hội trường đa năng với các phòng chuyên môn. Xã còn xây dựng Đề án tổ chức hoạt động của Trung tâm văn hóa xã để định hướng cho tổ chức hoạt động của Trung tâm trong thời gian đến. Các xã Điện Trung, Điện Phong, Điện Hồng cũng dồn nguồn lực xây dựng Trung tâm văn hóa xã với nguồn vốn từ 2-4 tỷ đồng. Chung sức với các xã để hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, huyện Điện Bàn cũng đã ban hành Đề án “Phát triển một số lĩnh vực văn hóa giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó hỗ trợ cho công tác mở rộng, nâng cấp Hội trường thành Trung tâm văn hóa xã từ 200-800 triệu đồng/đơn vị; hỗ trợ cho các nhà sinh hoạt văn hóa thôn 50 triệu đồng/nhà. Cộng hưởng các nguồn lực, tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất chắc chắn đạt được những kết quả khả quan.
Hẵn nhiên, công tác xây dựng nông thôn mới ở Điện Bàn không chỉ dừng lại ở việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng. Làm thế nào để đời sống nông thôn phát triển một cách bền vững là vấn đề quan trọng mà các cấp, các ngành từ huyện đến xã luôn quan tâm. Bài học kinh nghiệm từ nhiều phong trào ở huyện là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động toàn thể nhân dân quan tâm đến vấn đề xây dựng nông thôn mới, gắn chặt nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi hộ gia đình. Trên thực tế, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Điện Bàn đã gặp rất nhiều thuận lợi từ việc đồng thuận của nhân dân. Công tác làm đường giao thông, xây dựng giao thông nội đồng nếu không có sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong việc hiến đất mở đường, chắc sẽ không có con số bê tông hóa nông thôn 27,97km/28,98km, đạt 96,52% kế hoạch năm 2013. Trên những nẻo đường nông thôn mới, các tuyến đường đi qua khu vực trung tâm xã đều được mở rộng thành đường hai chiều, có cây xanh, bồn hoa, đêm về ánh điện lung linh như phố thị. Cùng nhiều tuyến đường khác trên địa bàn các xã, hầu hết các hộ dân đã tự nguyện hiến đất, dời tường rào, cổng ngõ... Đây chính là những “điểm tỏa sáng” nhất trong phong trào Nông thôn mới, là hành động thiết thực của nhân dân Điện Bàn để xây dựng “con đường tương lai” cho quê hương Điện Bàn.
Nông thôn mới ở Điện Bàn đã thực sự mới chưa? Câu trả lời vẫn còn là thách thức đối với toàn Đảng, toàn dân Điện Bàn. Nhưng từ những tín hiệu vui ở các xã nông thôn mới, trong mơm mởn chồi non lộc biếc trên những cánh đồng, trong không khí yên bình giao hòa giữa đất trời và lòng người, một mùa xuân tươi thắm và hạnh phúc sẽ đến với muôn gia đình!