Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Bình kể: Năm 2000, sau khi học xong lớp chuyên ngành cơ khí, trở về quê, thấy cảnh bà con nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, một nắng hai sương trên đồng ruộng, mà vẫn nghèo khó, ông nhận ra rằng, bà con nông dân quê mình đang thiếu máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó việc gieo trồng theo đúng lịch thời vụ là yếu tố quyết định đến hiệu quả, năng suất của các loại cây trồng. Nếu không xuống giống, hoặc thu hoạch kịp thời thì năng suất cây trồng sẽ bị giảm, còn thuê đủ công lao động chi phí sẽ tăng cao, nông dân có thể bị thua lỗ.
Ông Nguyễn Bình bên chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá hơn nữa tỷ đồng
Trăn trở trước những khó khăn của nhà nông, ông Bình bàn với vợ con gom góp số tiền hơn 100 triệu đồng vào tận thành phố Hồ Chí Minh tìm mua chiếc máy cày làm đất và máy gặt đập liên hợp. Khi đã có máy, gia đình ông nhận làm thuê khâu cày đất và thu hoạch lúa bằng máy cho cả xã với mức chi phí hợp lí, rẻ hơn nhiều so với thuê công lao động.
Ông Đào Văn Lai ở thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang phấn khởi cho biết: So với làm thủ công như trước đây, khi áp dụng máy không những nhanh gọn gấp nhiều lần mà còn giảm được khoảng một nửa chi phí sản xuất. Hơn thế nữa, máy móc đã thay thế sức lao động của con người, nông dân cũng bớt đi cảnh lam lũ.
Nhận thấy nhu cầu về máy nông nghiệp của bà con trong vùng ngày càng tăng cao, đồng thời được sự quan tâm, động viên, và khuyến khích của chính quyền và hội nông dân địa phương, ông Nguyễn Bình đã tiếp tục đầu tư mua thêm máy cày, máy gặt để phục vụ cho bà con. Đến nay, ông Bình đã mua sắm 6 chiếc máy làm đất lớn nhỏ, 5 máy gặt đập liên hợp, trong đó có hai chiếc đời mới hiện đại với chi phí hơn cả tỷ đồng. Khi đến mùa vụ, các máy của ông đều hoạt động hết công suất, thậm chí làm cả ngày lẫn đêm để đảm bảo đúng khung thời vụ cho bà con.
Hiện nay, ngoài 4 lao động thường xuyên của gia đình, ông Bình còn thuê 12 lao động thời vụ. Doanh thu đạt từ vài chục triệu những năm đầu, rồi dần tăng lên từ 100 đến khoảng 200 triệu đồng một năm. So với số vốn đầu tư thì thu nhập chưa phải là cao, nhưng ông tâm sự, bà con nông dân quê mình còn nghèo, điều quan trọng với ông, là mong muốn giúp nông dân tiếp cận với phương thức sản xuất nông nghiệp mới, thay thế dần phương thức sản xuất lạc hậu để vươn lên thoát nghèo. Đó là đưa máy móc vào đồng ruộng, thực hiện chủ trương cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của đảng và nhà nước, nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Điều đáng nói là ông Bình có nhiều kiến thức và niềm đam mê về ngành cơ khí, ông thường tìm hiểu kỹ về các loại máy móc nông nghiệp có trên thị trường, rồi lựa chọn loại nào phù hợp nhất với đồng đất Miền Trung. Những năm đầu, kinh tế còn khó khăn, ông Bình mua một số máy cũ về rồi sửa chữa, tự mày mò nghiên cứu, nghĩ cách cải tiến và sáng tạo thêm các chi tiết kỹ thuật để máy hoạt động có hiệu quả, hạn chế thất thoát lúa cho bà con.
Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Quang cho biết: Cứ đến mùa vụ gieo cấy hay thu hoạch, những chiếc máy nông nghiệp đã thực sự phát huy được hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ trong quá trình sản xuất, đảm bảo luân canh, gối vụ và góp phần nâng cao thu nhập. Và thực tế ở xã Điện Quang nói riêng, huyện Điện Bàn nói chung nhờ việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã giảm ngắn thời gian gieo trồng cũng như thu hoạch. Giảm được chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Mô hình đầu tư đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng của ông Nguyễn Bình đã thu hút được sự quan tâm của Hội nông dân, chính quyền và người dân địa phương. Để phát động phong trào cơ giới hóa trong nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện, các ban ngành đã tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật máy móc nông nghiệp với sự tham gia nhiệt tình của ông. Không chỉ tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn áp dụng máy móc vào sản xuất, ông Bình còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sử dụng và sửa chữa máy, hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch cho bà con. Ông cũng tư vấn cho bà con nên mua các loại máy nào cho phù hợp với đặc điểm đồng đất quê mình, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông cũng mở xưởng nhận sửa chữa và bảo dưỡng các loại máy nông nghiệp. Nhờ đó, không ít nông dân trong huyện Điện Bàn và cả tỉnh Quảng Nam yên tâm, tin tưởng và đầu tư mua sắm máy móc. Bởi trước đây, họ lo sợ mua máy mà không biết sử dụng, hay lỡ có hỏng hóc thì không biết xử lí ra sao.
Bằng hình thức này, phong trào đầu tư máy móc phục vụ cơ giới hóa đồng ruộng ở huyện Điện Bàn đã phát triển mạnh mẽ. Nhiều nông dân đã đi theo mô hình của ông Nguyễn Bình, Đến nay toàn huyện có, 168 máy gặt đập liên hợp, 222 máy làm đất 4 bánh cùng hàng ngàn máy cày tay các loại. Phần lớn nông dân ở Điện Bàn đã chuyển từ lao động thủ công sang cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp, giải quyết được vấn để sức ép lao động khi vào mùa vụ. Đồng thời giải phóng đáng kể sức lao động cho người nông dân và đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Vài năm gần đây, khi công cuộc đưa máy móc vào đồng ruộng trên địa bàn xã Điện Quang và huyện Điện Bàn đã đi vào ổn định do ngày càng có nhiều hộ mua sắm máy cày, máy gặt, ông Nguyễn Bình lại nghĩ đến nông dân ở những vùng khó khăn hơn, nơi chưa có máy móc hoạt động trên đồng. Rồi ông quyết định đầu tư mua 1 chiếc xe ô tô tải để chuyên chở máy móc đi phục vụ ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ông cũng mở rộng thêm qui mô bằng cách thu mua máy cũ, sau đó sửa chữa, thay thế và cải tiến kỹ thuật để bán cho các hộ ít vốn. Đó là niềm đam mê đối với ông. Vì thế, lúc mùa vụ thì ông bận rộn từ sớm tới khuya ngoài đồng ruộng, khi nông nhàn, ông cũng suốt ngày quanh quẩn bên những chiếc máy để tìm tòi, cải tiến từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Người dân cũng yên tâm khi thuê máy cày, máy gặt của ông bởi máy luôn được bảo dưỡng, chăm sóc ở chế độ tốt nhất, nên trong quá trình sản xuất ít bị sự cố hay hỏng hóc, ảnh hưởng đến hiệu quả.
Tuy nhiên, điều mà ông Bình luôn trăn trở đó là việc chưa khai thác hết công suất của máy. Bởi thực tế hiện nay nhiều cánh đồng ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc áp dụng máy móc công suất lớn sẽ bị hạn chế. Đây cũng là điều mà ông Bình và nhiều nông dân đầu tư máy móc đang trăn trở, họ mong muốn chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa để hình thành nên những cánh đồng mẫu lớn, để máy móc hiện đại có thể phát huy hết công suất, giúp cho nông dân có điều kiện thực hiện chuyên môn hóa, và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Được suy tôn là nông dân làm ăn giỏi cấp tỉnh, người đã vận dụng kiến thức về cơ khí thành công, ông Nguyễn Bình ở xã Điện Quang là đốm lửa ban đầu để có được một phong trào đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở vùng đất Điện Bàn. Mơ ước có được máy móc làm thay sức người, mà ông từng trăn trở cách đây hơn 10 năm, nay đã và đang trở thành hiện thực trên đồng ruộng quê hương, khẳng định một hướng đi đúng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.