Từ năm 2011, sau khi có Quyết định số 23 của UBND tỉnh Quảng Nam về quy định cơ chế khuyến khích chủ trương “Dồn điền, đổi thửa” đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2015; UBND huyện Điện Bàn đã tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng các phương án “Dồn điền, đổi thửa” đất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tình trạng đất manh mún, phân tán, tiến đến xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ngoài ra, kết hợp với việc tổ chức quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng để thuận tiện cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp của huyện Điện Bàn trong những năm gần đây đã đạt được những thành tựu nhất định nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cơ giới hóa trong nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng từ lâu nay đã được các cấp chính quyền của huyện quan tâm tập trung chỉ đạo. Hiện nay, cơ giới hóa trong nông nghiệp của huyện được nông dân đầu tư rất mạnh. Tuy nhiên, việc đầu tư còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, quy hoạch, bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt lực lượng lao động chính trong nông nghiệp hiện nay đang dịch chuyển mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... nên việc đẩy mạnh cơ giới hóa cần có các giải pháp có hiệu quả để tháo gỡ những khó khăn hiện tại.

Năm 2013, huyện đã triển khai và tổ chức nhiều mô hình trình diễn cơ giới hóa và dịch vụ đồng bộ tại các xã. Các địa phương cũng đã hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, từ đó đã mang lại hiệu quả rất cao trên cả hai mặt kinh tế và xã hội góp phần giải phóng sức lao động nông thôn, đặc biệt trong các khâu lao động nặng nhọc, mất nhiều thời gian như làm đất, gieo trồng, thu hoạch, giải quyết tình trạng thiếu lao động những lúc cao điểm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, hạ giá thành sản phẩm, tạo nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm an toàn, chất lượng góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.