Trong những gần đây, huyện Điện Bàn đã tận dụng những lợi thế, tiềm năng vốn có của địa phương để tập trung đầu tư phát triển du lịch huyện, Đề án phát triển du lịch Điện Bàn giai đoạn 2007 - 2015 đã sớm được ban hành và đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể; trong đó việc xây dựng sảm phẩm du lịch và phát triển các dịch vụ thương mại gắn với du lịch là nhiệm vụ then chốt. Đặc biệt, phát triển du lịch Điện Bàn không thể tách rời với Hội An, vì Hội An là một địa phương có sự tham gia rất quan trọng giúp Điện Bàn định hướng được tiềm năng, thị trường khách du lịch; kết nối giao thương với Hội An sẽ giúp Điện Bàn mở rộng thị trường thương mại dịch vụ, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách tham quan đến với Điện Bàn.
Xác định được tiềm năng phát triển du lịch của huyện, Điện Bàn đang tập trung xây dựng các loại hình du lịch bao gồm: du lịch sinh thái biển, sinh thái làng quê; du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử cách mạng; du lịch nghỉ dưỡng - giải trí v.v… Trong xây dựng phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ, Điện Bàn luôn bám sát vào những lợi thế phát triển du lịch từ Hội An để đưa ra những định hướng, mục tiêu và kế hoạch để phát triển du lịch Điện Bàn.
Trên tuyến đường từ Hội An - Đà Nẵng, chúng ta sẽ bắt gặp các điểm dừng chân nghỉ dưỡng - giải trí rất lý tưởng năm trên địa phận Điện Bàn như; Khu nghỉ mát The Nam Hải được bình chọn là khu du lịch biển đẹp nhất ở khu vực Đông Nam Á; Khu nghỉ mát Lebel HaMy Resort & Spa đã đón nhận khá nhiều du khách trong nước và quốc tế. Sân golf Montgomerie Links đạt tiêu chuẩn quốc tế đẹp nhất Châu Á nằm bên cạnh bãi biển Viêm Đông - Điện Ngọc tuyệt đẹp. Khu bãi tắm Viêm Đông, bãi tắm Hà My đang được đầu tư xây dựng đáp ứng dịch vụ chất lượng cao phục vụ du khách. Từ Hội An, chỉ mất vài phút đồng hồ khách du lịch sẽ được tham gia các dịch vụ du lịch chất lượng cao nằm trên tuyền đường ven biển Điện Bàn.
Trên cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn, Điện Bàn là điểm dừng chân để khách du lịch tham quan và mua sắm các sản phẩm của làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều, bánh tráng Phú Triêm, làng chiếu cói Triêm Tây, bê thui Cầu Mống, chế biến nước mắm Hà Quảng và các làng nghề mới vốn có thương hiệu như: chạm khảm gỗ Âu Lạc, Nguyễn Văn Tiếp, gốm nung Lê Đức Hạ v.v… Điện Bàn cũng là vùng đất tọa lạc của Dinh trấn Thanh Chiêm, là một trong những chiếc nôi ra đời chữ Quốc ngữ, nơi có thành Tỉnh Quảng Nam toạ lạc trên đất làng La Qua, có nhiều nhà chí sĩ, nhà khoa bảng, danh nhân với tên tuổi đã đi vào lịch sử của dân tộc.
Đặc biệt, năm 2013 Điện Bàn đã phát triển thêm các sản phẩm du lịch nằm trên tuyến đường Hội An - Mỹ Sơn về cả đường thủy và đường bộ. Từ bến đò cảng cá Hội An, khách du lịch chỉ mất 10 phút đồng hồ bằng đường thủy để đến với Khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây - Triêm Tây là một sản phẩm du lịch làng quê thuần Việt có không gian yên bình, môi trường trong lành, các ngôi nhà vườn được thiết kế đẹp mắt đã giữ chân được nhiều du khách. Và cũng từ Hội An mất chỉ vài phút bằng đường bộ khách du lịch có thể dừng chân tại Không gian nhà Việt Nam - Vinahouse Space để tận hưởng một không gian nhà cổ 3 miền Bắc - Trung - Nam độc đáo với 18 nếp nhà cổ xưa, tận hưởng kiến trúc nghệ thuật của nhà sinh thái lớn nhất Việt Nam và thưởng thức các dịch vụ ẩm thực Quảng Nam. Trên cung đường Hội An - Mỹ Sơn, khách du lịch có thể dừng chân tại Bảo tàng huyện Điện Bàn, nơi lưu giữ gần 15.000 hiện vật văn hóa lịch sử lâu đời như văn hóa Chăm, văn hóa Sa huỳnh, văn hóa cách mạng. Đặc biệt nhất là tại Bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày Bộ đèn dầu cổ gần 500 chiếc được sưu tập từ nhiều nước trên thế giới.
Xây dựng được sản phẩm du lịch đã khó, việc tìm kiếm thị trường khách du lịch sử dụng sản phẩm du lịch càng khó hơn và đó cũng là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của sản phẩm du lịch. Xác định được những lợi thế về vị trí của địa phương, Điện Bàn luôn định hướng phát triển du lịch Điện Bàn không thể tách rời với Hội An, nhất là việc lấy khách du lịch từ Hội An về với Điện Bàn. Và muốn khách du lịch đến với Điện Bàn thì phải xây dựng cho được những sản phẩm mang tính khác biệt với địa phương lân cận thì mới hấp dẫn được khách. Ngoài việc định hướng xây dựng sản phẩm du lịch mới, Điện Bàn cũng rất chú trọng công tác quảng bá giới thiệu du lịch Điện Bàn đến các công ty lữ hành đóng chân tại Hội An. Liên kết với doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Hội An để tạo ra chuỗi dịch vụ giữ chân khách du lịch. Ngoài những sản phẩm và các điểm tham quan du lịch đã hình thành, Điện Bàn đang chú trọng xây dựng quy hoạch du lịch ở các xã cận kề Hội An như: quy hoạch cụ thể phát triển du lịch Điện Phương với các loại hình: du lịch cộng đồng Triêm Tây, du lịch cụm làng nghề Đông Khương, du lịch trải nghiệm Điện Phương; đầu tư phát triển homstay tại bãi biển Hà My theo mô hình homstay đã có ở bãi biển An Bàng - Hội An; phát triển khu dịch vụ Phố Việt thuộc Công ty nhà Việt Nam - Vinahouse tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An v.v… Bên cạnh tạo ra sản phẩm du lịch, Điện Bàn còn chú trọng liên kết với chính quyền và các ngành chức năng ở Hội An trong công tác phát triển các tour du lịch, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, liên kết đầu tư hạ tầng du lịch như: hạ tầng giao thông đường bộ, giao thông đường thủy, xây dựng bến đỗ thuyền, bến đón khách du lịch, xây dựng hạ tầng điện phục vụ dịch vụ du lịch chất lượng cao v.v…
Từ nay đến năm 2015 là giai đoạn Điện Bàn xây dựng huyện thành thị xã, Đề án phát triển du lịch ở Điện Bàn được triển khai mạnh hơn và đầu tư có trọng điểm. Nhận thức về phát triển du lịch Điện Bàn đang dần lan toả ra cả huyện, với lợi thế cận kề khu phố cổ Hội An, Điện Bàn cần tăng cường hơn nữa sự liên kết với Hội An để phát triển du lịch, xác đinh được nhiệm vụ quan trọng đó nên vào quý I/2014 huyện Điện Bàn đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn và Đà Nẵng và Hội An” với mục tiêu đề ra định hướng và giải pháp nhằm kết nối “đô thị mới” Điện Bàn với “đô thị trẻ” Đà Nẵng và “đô thị cổ” Hội An trên cơ sở vừa hợp tác, vừa bổ sung để cùng nhau phát triển. Trong đó, định hướng phát triển của Điện Bàn ở hiện tại và tương lai là định hướng tăng trưởng xanh, giảm thiểu những thiệt hại không đáng có trong quá trình phát triển do tỉnh chủ quan, và tập trung đầu tư mạnh cho phát triển du lịch, phấn đấu làm cho các sản phẩm du lịch Điện Bàn đạt được đẳng cấp cao, tạo ra thế và lực mới đưa Điện Bàn phát triển toàn diện hơn trong những năm đến.
|