Trên cơ sở nội dung Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Mặt trận, các đoàn thể; kế hoạch cụ thể hóa nhiệm vụ Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu của Đảng bộ huyện về xây dựng Nông thôn mới; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Điện Bàn lấy khu dân cư (KDC) làm địa bàn thực hiện cuộc vận động và xem KDC là nền tảng để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Xuyên suốt các hoạt động Mặt trận tại KDC xoay quanh chủ đề “Láng giềng đoàn kết, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, chung sức chung lòng xây dựng khu dân cư văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Để cụ thể hóa từng phần việc ở KDC, giúp Ban công tác Mặt trận chủ động trong công tác tuyên truyền, Mặt trận huyện đã tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể hóa 04 mô hình tự quản ở KDC để tập hợp, huy động nguồn lực và sức mạnh đoàn kết toàn dân. Hiệu quả bước đầu của các mô hình đã đem lại những kết quả đáng kể trong việc nâng cao chất lượng Cuộc vận động:
Thứ nhất, Mô hình “KDC tự quản bảo vệ môi trường”: mục đích tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường sống cho con người; xây dựng cảnh quang môi trường ở KDC xanh, sạch, đẹp, sống thân thiện với môi trường. Phấn đấu trong KDC không có những hoạt động gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Pháp luật như: khói, bụi, mùi hôi, tiếng ồn, nước thải, rác thải v.v… Đến nay có 170/182 KDC đã được phát động, có 93,7% số hộ (tính trên 170KDC) tham gia vào Đề án thu gom rác thải. Nhiều xã đã triển khai việc phân loại rác thải tại hộ gia đình trước khi đưa ra bãi tập trung nhằm giảm chi phí vận chuyển, duy trì việc ra quân dọn vệ sinh định kỳ ở KDC. Hạn chế rõ rệt về ô nhiễm môi trường ở nông thôn.
- Thứ hai, Mô hình “KDC phòng chống tội phạm - tệ nạn xã hội - đảm bảo an toàn giao thông”: nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, động viên toàn dân tích cực đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện tố giác các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đồng thời thực hiện việc cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lẫm lỗi sớm hòa nhập với cộng đồng. Lấy chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với tích cực tấn công trấn áp tội phạm của lực lượng Công an. Xây dựng KDC an toàn về an ninh trật tự.
Đến nay đã có 178/182 KDC đã phát động và hoạt động có hiệu quả, nhiều nơi nhân dân thành lập tổ tự quản, tự phòng về an ninh trật tự theo địa bàn tổ đoàn kết tự đóng góp kinh phí xây dựng trạm gác phân công người canh gác ban đêm; mô hình tiếng mõ, tiếng kẻng an ninh khi có tội phạm để toàn dân tham gia vây bắt, từ đó các loại tội phạm đã giảm, nhất là trộm cắp ban đêm và gây rối đánh nhau làm mất trật tự nơi công cộng.
Ký giao ước thi đua “KDC PCTP – TNXH – đảm bảo ATGT”
thôn Câu Nhi – Điện An
- Thứ ba, Mô hình “KDC chung tay giảm hộ nghèo bền vững”: nhằm huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện cùng với tộc họ và gia đình chung tay góp sức giúp đỡ những hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, bằng những việc làm thiết thực cụ thể như: gần gũi động viên tạo niềm tin, hướng dẫn cách thức làm ăn, hỗ trợ phương tiện, điều kiện để phát triển kinh tế. Thực hiện chặt chẽ công tác khảo sát, gặp gỡ đối thoại với người nghèo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nghèo ở từng KDC, làm căn cứ cho việc hỗ trợ giúp đỡ theo nguyện vọng và phù hợp với điều kiện, khả năng của từng hộ; đồng thời phân công các tổ chức đoàn thể, cán bộ kỹ thuật theo dõi giúp đỡ trong quá trình sản xuất, chăn nuôi để hộ nghèo yên tâm làm ăn đến khi thoát nghèo. Hoạt động của mô hình đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân đến trực tiếp với người nghèo theo nguyện vọng cụ thể. Có hàng trăm trường hợp được hỗ trợ giúp đỡ có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn 4,48%.
Hỗ trợ bò cho người nghèo
- Thứ tư, Mô hình “KDC sáng - xanh - sạch - đẹp” nhằm xây dựng cảnh quang môi trường từ đường làng, ngõ xóm đến nhà ở vườn tược trong KDC theo hướng văn minh tiến bộ phù hợp với đặc điểm, tập quán từng vùng; gắn với chủ trương xây dựng tuyến phố văn minh đô thị của huyện. Với nội dung chủ yếu là tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm ở các tuyến đường. Tham gia trồng, chăm sóc và bảo quản cây xanh ở các tuyến đường, ở nơi công cộng; vườn ở của nhân dân chỉnh trang theo hướng xanh, sạch có hiệu quả kinh tế. Đến đã có hơn 300km đường giao thông lắp đặt điện chiếu sáng, với số tiền nhân dân đóng góp hơn 4 tỷ đồng. Hiện nay đang tập trung vào việc duy tu, bảo dưỡng và chỉnh trang giao thông nông thôn, đặc biệt ở các xã xây dựng nông thôn mới đang đẩy mạnh mô hình này.
Ra quân bảo trì đường giao thông nông thôn
Những năm qua, xây dựng các mô hình tự quản ở KDC trên địa bàn huyện đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ; huy động sự vào cuộc đầy đủ trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần tích cực thực hiện các nội dung, tiêu chí về xây dựng KDC văn hóa, xây dựng Nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; diện mạo, cảnh quan môi trường Điện Bàn từng bước được khởi sắc. Từ đó rút ra một số kinh nghiệm sau:
+ Cần tham mưu chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, để có sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ huyện đến KDC về xây dựng mô hình. Thành lập Ban chỉ đạo, Ban vận động và phân công trách nhiệm cụ thể cho mỗi thành viên, kịp thời sơ kết rút kinh nghiệm về hoạt động của ban chỉ đạo cấp xã và ban vận động ở KDC.
+ Công tác phối hợp phải nêu rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức từ khi triển khai chủ trương đến quá trình vận động nhân dân thực hiện, sơ kết hằng năm ở KDC có nhận xét cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức trong công tác phối hợp để làm căn cứ thi đua, khen thưởng trong hệ thống của từng tổ chức từ huyện đến cơ sở.
+ Là mô hình tự quản gắn với cộng đồng trách nhiệm ở KDC, do đó công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu và thường xuyên, đồng thời có cam kết của từng hộ gia đình, các tổ chức liên quan ở KDC. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân từ khi xây dựng kế hoạch đến triển khai thực hiện các bước, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, không nóng vội, áp đặt mà do nhân dân quyết định.
+ Kịp thời tổng kết, tuyên dương, khen thưởng chuyên đề của từng mô hình qua đó nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt.
Việc xây dựng các mô hình tự quản ở KDC thời gian qua đã đem lại hiệu quả bước đầu đáng phấn khởi. Tuy nhiên để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng của từng mô hình chúng tôi tiếp tục thực hiện một số công việc và có kiến nghị sau:
- Tham mưu với các cấp ủy Đảng, phối hợp với Chính quyền tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ có liên quan đến nội dung hoạt động của các mô hình như: công tác bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, xóa đói giảm nghèo v.v… để có sự lãnh đạo, đầu tư kinh phí cho mô hình đi vào chiều sâu.
- Phối hợp với các tổ chức thành viên thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn sơ kết, tổng kết, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên cổ vũ phong trào hằng năm ở cơ sở. Qua đó kịp thời bổ sung, sửa đổi những nội dung mới do yêu cầu thực tế đặt ra, để mô hình tiếp tục phát triển.