Nội dung chi tiết

Phát triển đô thị Điện Bàn trong quá trình đô thị hóa và hợp tác liên kết đô thị
Tác giả: ThS. KTS. Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Nông thôn Quốc gia .Ngày đăng: 22/07/2014 .Lượt xem: 7251 lượt. [In bài]
1. Đô thị hóa Đô thị hóa là quá trình được chính phủ ưu tiên hàng đầu trong nhiều năm gần đây. Đô thị hóa thúc đẩy phát triển kinh tế và không một quốc gia nào có thể tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà không phải trải qua quá trình đô thị hóa này. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng từng phát biểu tại Hội nghị Đô thị Toàn quốc ngày 6-7.11.2009 rằng: “Việt Nam chỉ có một cơ hội quy nhất để đô thị hóa đi đúng hướng. Nếu chúng ta thất bại trong đô thị hóa, chúng ta cũng thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa”. Như vậy chúng ta cũng thấy được sự quan trọng của đô thị hóa trong quá trình phát triển, nó diễn ra cực kỳ phức tạp và có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Đô thị Điện Bàn phát triển cũng không nằm ngoài quy luật này.
2. Đô thị hóa vùng ven và những tác động đến huyện Điện Bàn
a. Đô thị hóa vùng ven
Đô thị hóa Việt Nam có đặc điểm: đang bước vào giai đoạn của công nghiệp hóa nhưng bị chi phối bởi kinh tế toàn cầu, và sự phát triển của các đô thị lớn giống quy luật của các nước trong khu vực Đông Nam Á  là gây sức ép phát triển lên các vùng ven.
· Ven đô: “khu vực quá độ hoặc giao thoa là nơi hoạt động vùng đô thị và nông thôn diễn ra đan xen nhau và những nét đặc trưng của khu vực biến đổi nhanh chóng do tác động của con người” (dự án “Thay đổi môi trường ven đô (PUECH), 2005).
· Đô thị hóa vùng ven là quá trình khu vực nông thôn và thành thị nhập lại và pha trộn, để rồi có thể phát sinh ra những hình thức tương tác xã hội, kinh tế, và môi trường hoàn toàn mới, không còn thuần đô thị hoặc thuần nông thôn.
 Vùng ven ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, việc phát triển công nghiệp - dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp đã thu hút lao động nông thôn, hạn chế sự di động nhân lực từ nông thôn vào thành thị, giảm bớt áp lực về dân số, việc làm, áp lực lên cơ sở hạ tầng cũng như quản lý cho các thành phố lớn. Đô thị hóa vùng ven còn là một nhân tố giúp phân tích sự phát triển của địa phương. Đi kèm theo những lợi ích đó là sự thay đổi về không gian và các vấn đề xã hội. Nội dung và hệ quả của đô thị hóa vùng ven tùy thuộc vào động cơ và tác nhân của sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế của các đô thị nhưng căn bản xoay quanh các vấn đề sau:
- Thay đổi ranh giới hành chính, hình thức sở hữu đất đai cách thức quản lý.
- Chuyển đổi sử dụng đất từ nông nghiệp sang đô thị.
- Phá vỡ cảnh quan và không gian bởi các dự án và hoạt động xây dựng tự phát.
- Đô thị hóa các làng xóm ven đô thị.
- Đầu cơ và các vấn đề xã hội .
b. Những tác động của đô thị hóa vùng ven đến Điện Bàn:
            Mặc dù không nằm trong ranh giới hành chính của Đà Nẵng, nhưng Điện Bàn cũng đang bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng sức hấp dẫn phát triển của Đà Nẵng. Huyện Điện Bàn đang thể hiện rõ nét những bước biến chuyển từ nông thôn sang thành thị với tốc độ đô thị hóa đạt 62,49%. Quá trình đó tạo ra những biến đổi về các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, và cơ sở hạ tầng.
· Về mặt kinh tế: Cơ cấu kinh tế biến đổi theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sinh thái. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước (bình quân 3 năm 2010 - 2012 là 18,89%); trong đó công nghiệp tăng 19,58%, thương mại - dịch vụ tăng 21,11%, nông nghiệp tăng 3,10%. Đến cuối năm 2012, giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 75,24%, thương mại - dịch vụ chiếm 19,37%, nông nghiệp chiếm 5,39% trong cơ cấu của nền kinh tế. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng nhanh lao động công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (năm 2012, cơ cấu lao động Công nghiệp, Xây dựng chiếm 36% - Thương mại, Dịch vụ chiếm 32% - Nông nghiệp chiếm 32%).
Điện Bàn hiện đang thu hút hàng loạt các dự án về du lịch, nhà ở và công nghiệp:
+ Đối với dải du lịch ven biển: Các công trình khu resort The Nam Hai, sân golf Montgomerie Links, khu du lịch Lebel Hà My.
+ Đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc (tổng diện tích 2.700 ha trong đó khu công nghiệp Điện Nam Điện Ngọc chiếm diện tích 420 ha) với các khu dân cư mới đã và đang được triển khai dọc đường ĐT 607A, đường ven biển tại khu vực giáp giới Đà Nẵng.
+ Quy hoạch chung thị trấn Vĩnh Điện - trung tâm kinh tế chính trị văn hóa xã hội huyện Điện Bàn.
+ 10 dự án cụm công nghiệp - thương mại và dịch vụ với tổng diện tích 324 ha.
   Các dự án đã, đang và sẽ hình thành ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương. Diện tích đất nông nghiệp sẽ bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang phi nông nghiệp để phục vụ các mục đích xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư, khu dịch vụ, vui chơi giải trí... Người dân dần chuyển từ hoạt động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, lao động được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ nhỏ. Đây là một thách thức đối với người nông dân vì nó đòi hỏi phải có sự đầu tư về thời gian, tiền bạc và trí tuệ để thích ứng với điều kiện mới. Trong khi đó họ còn phải cạnh tranh về việc làm với lao động có trình độ hơn từ nơi khác đến.
· Về mặt văn hóa - xã hội: đối với Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Vĩnh Điện, Điện Thắng, đó là biến đổi về văn hóa, ứng xử và các mối quan hệ xã hội, từ quan hệ họ hàng làng xã sang quan hệ xã hội phức tạp đa chiều do sự pha trộn nhiều tầng lớp dân cư, chuyển đổi mô hình tổ chức và do lợi ích kinh tế (đầu cơ đất, phân chia đất đai trong giải tỏa đền bù). Bản sắc địa phương, một số yếu tố dần biến mất, thay đổi hoặc duy trì hay chuyển hóa để hội nhập với môi trường mới.
· Về mặt cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị nếu không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số và kinh tế sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trong tương lai hoặc ảnh hưởng đến ngân sách địa phương
· Về mặt môi trường: Cần chú ý thêm môi trường sinh thái ở đây vừa mang đặc điểm nông nghiệp - nông thôn vừa mang đặc điểm đô thị
3. Mối liên hệ giữa đô thị cổ Hội An và Đô thị Điện Bàn:
Kinh tế là động lực dẫn đến đô thị hóa và đô thị hóa thúc đẩy phát triển kinh tế, trong quá trình phát triển không đô thị nào tránh được đô thị hóa, kể cả đó là di sản văn hóa thế giới. Hội An phát triển theo định hướng là thành phố sinh thái, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2, trung tâm du lịch quốc gia, là thành phố văn hóa du lịch trọng điểm cả nước. Hội An là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 1999 may mắn chưa bị tác động nhiều bởi quá trình đô thị hóa và hiện có khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Hội An chịu nhiều sự ràng buộc nghiêm ngặt về bảo tồn trong quá trình phát triển không gian, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, và bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên từ năm 2000 đến nay kinh tế Hội An phát triển cao dẫn đến nhu cầu việc làm lớn, thu hút lao động từ nhiều nơi, dân số tăng: năm 1999 là 75.730 người, năm 2009 là 89.716 người, dân số thành thị là 69.222 người, mật độ dân số tại trung tâm cao (năm 2010 phường Cẩm Phô 8.551 người/km2) gây áp lực lên cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư một cách đồng bộ; lợi ích kinh tế thì đe dọa môi trường (các khu resort chiếm lấy những không gian “đẹp”…), đô thị có nguy cơ mở rộng bao trọn không gian xanh quanh phố cổ. Đối với đô thị lấy di sản và môi trường tự nhiên làm nền tảng phát triển thì đây là sự đe dọa và thách thức lớn. Điện Bàn và Hội An có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, Điện Bàn không chỉ là không gian chuyển tiếp của Đà Nẵng đối với Hội An mà còn có sự liên kết với nhau về du lịch dịch vụ ven biển, về hệ sinh thái. Trong thời gian tới Điện Bàn sẽ từng bước đi lên thành đô thị loại IV, được công nhận là thị xã với vai trò đô thị trung tâm, làm động lực thúc đẩy kinh tế vùng phía Bắc tỉnh Quảng Nam, đóng vai trò không gian điều tiết cho Hội An trong quá trình phát triển gồm chỗ ở và cơ hội việc làm đa dạng.
               4. Kết luận:
Điện Bàn nằm trong ảnh hưởng của thành phố Đà Nẵng - hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hội An - Di sản văn hóa thế giới hướng đến là thành phố văn hóa - du lịch trọng điểm của cả nước. Vì vậy phát triển đô thị Điện Bàn (thị trấn Vĩnh Điện mở rộng) không chỉ là một đô thị độc lập loại IV, là trung tâm phía Bắc của tỉnh Quảng Nam mà cần nhìn nó trong một chuỗi đô thị trung tâm vùng Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An và xa hơn là trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung.
            Phát triển Điện Bàn trong mối quan hệ hợp tác liên kết đô thị nhằm tạo sự phát triển hài hòa giữa 3 đô thị. Một là hình thành sự phân công giữa các đô thị: Đà Nẵng: trung tâm kinh tế chính trị văn hóa giáo dục; Điện Bàn: phát triển công nghiệp nhẹ, giảm bớt áp lực và gánh nặng về lao động, việc làm, nhà ở, hình thành vùng chuyên canh công nghiệp hóa nông nghiệp; Hội An: Văn hóa - du lịch.  Hai là hướng đến phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ: cấp thoát nước, xử lý rác thải, giao thông công cộng (như xe buýt, xe điện để rút ngắn thời gian di chuyển). Ba là các đô thị cùng nhau giải quyết một số vấn đề như: bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch biển, khơi thông sông Cổ Cò - Đế Võng.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Quân. “Hợp tác liên đô thị”.
2. Trung Tâm Quy Hoạch Đô Thị Nông Thôn Miền Trung. Báo cáo tóm tắt đề án đề nghị công nhận thị trấn Vĩnh Điện mở rộng, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.
3. Michael Leaf. “Những biên giới đô thị mới: quá trình đô thị hóa vùng ven đô và tái lãnh thổ hóa ở  Đông Nam Á”. Viện nghiên cứu châu Á UBC
4. Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển (CEFURDS). Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á.
5. TS. KTS Nguyễn Thị Thanh Mai. Lý thuyết đô thị hóa.
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đoàn Công tác Liên ngành Trung ương kiểm tra các tiêu chí thành lập thị xã Điện Bàn
Giải pháp phát triển đô thị huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Xây dựng và phát triển một đô thị mới trên cơ sở dựa vào một đô thị hiện có - kinh nghiệp từ đô thị mới Phú Mỹ Hưng
BÁO CÁO TÓM TẮT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP THỊ XÃ ĐIỆN BÀN THUỘC TỈNH QUẢNG NAM
Phát triển bền vững không gian đô thị huyện Điện Bàn trong mối quan hệ với vùng phụ cận
Các tin cũ hơn:
Nhận diện Đô thị Điện Bàn – Định hướng và giải pháp đầu tư phát triển bền vững – Kết nối với hai đô thị hiện hữu Đà Nẵng – Hội An.
PHÁT BIỂU ĐỀ DẪN HỘI THẢO
TỔNG QUAN HUYỆN ĐIỆN BÀN
DANH SÁCH ĐẠI BIỂU THAM DỰ HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐIỆN BÀN VỚI ĐÀ NẴNG VÀ HỘI AN”
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐIỆN BÀN VỚI ĐÀ NẴNG VÀ HỘI AN”

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm