Nội dung chi tiết

Phát triển bền vững không gian đô thị huyện Điện Bàn trong mối quan hệ với vùng phụ cận
Tác giả: TS.KTS. Trương Văn Quảng - Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP) .Ngày đăng: 22/07/2014 .Lượt xem: 10093 lượt. [In bài]
1. Vai trò, vị thế trong mối quan hệ vùng Quảng Nam nằm ở miền Trung của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 860 km về phía bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 865 km về phía nam. Phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng; phía nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía tây giáp các tỉnh Sekong (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); phía đông giáp biển Đông.
Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh khoảng trên 1.000.000 ha. Địa hình đa dạng, thấp dần từ Tây sang Đông, chia làm 3 vùng rõ rệt: vùng núi - trung du, vùng đồng bằng và ven biển. Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Hệ thống sông ngòi tự nhiên dài khoảng 900 km, phân bố khá đều trong toàn tỉnh với 2 hệ thống sông chính là sông Thu Bồn và sông Tam Kỳ. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều hồ lớn, như: Phú Ninh, Khe Tân, Việt An, Thạch Bàn,... Đường bờ biển dài 125 km, ven biển có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng, như: Hà My (Điện Bàn), Cửa Đại (Hội An), Bình Minh (Thăng Hoa), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành)... Nhìn chung, điều kiện tự nhiên của Quảng Nam (thời tiết - khí hậu, địa hình, tài nguyên nước, biển) có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, giao thương kinh tế, văn hóa với các địa phương trong nước và quốc tế.
Điện Bàn là một huyện đồng bằng ven biển, có vị trí địa lý - kinh tế đặc biệt quan trọng của tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Với vị trí tại cửa ngõ phía bắc của tỉnh Quảng Nam, (giáp ranh thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An), là vùng giao thoa của các hoạt động kinh tế, thương mại và du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế thông qua hệ thống cảng Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng, hành lang giao thông Bắc -Nam, các khu công nghiệp tập trung, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, hệ thống làng nghề phát triển và 2 di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn. Với những lợi thế chiến lược trên, trong thời gian qua Điện Bàn là điểm đến quan trọng và hấp dẫn đối với khu vực đầu tư du lịch, công nghiệp và dịch vụ của tỉnh.
Trong Chiến lược phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, huyện Điện Bàn được xác định có vai trò truyền tải và kết nối các hoạt động kinh tế - văn hóa và xã hội giữa thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An, giữa khu vực ven biển với các huyện phía tây của tỉnh, với chiến lược phát triển trọng tâm là kinh tế biển; hình thành trung tâm du lịch biển mang tầm vóc quốc gia, quốc tế với khả năng hình thành hành lang thương mại quốc tế. 
Trong Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Vùng KTTĐMT của Thủ tướng Chính phủ, cụm đô thị Đà Nẵng - Chân Mây - Hội An - Điện Nam Điện Ngọc được xác định là cụm đô thị động lực chính của vùng, là điểm cuối ra biển của tuyến Hành lang Đông Tây trên tuyến QL9 qua cửa khẩu Lao Bảo và tuyến QL4D qua cửa khẩu Nam Giang. Thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân, trung tâm vùng KTTĐMT; gắn kết với đô thị Chân Mây về phía bắc và đô thị Điện Nam Điện Ngọc về phía nam tạo thành chuỗi đô thị dịch vụ, công nghiệp động lực theo QL1A và đường cao tốc Dung Quất - Đà Nẵng. Gắn kết với đô thị cổ Hội An dọc ven biển tạo thành chuỗi du lịch quốc gia, quốc tế Bạch Mã - Lăng Cô - Non Nước - Hội An. Đô thị Chân Mây phát triển hỗ trợ và chia sẻ với Đà Nẵng các chức năng về cảng, dịch vụ cảng, du lịch, công nghiệp công nghệ cao. Đô thị Điện Nam Điện Ngọc phát triển hỗ trợ và chia sẻ với Đà Nẵng các chức năng về công nghiệp tập trung, đào tạo nghề, nhà ở và các dịch vụ hỗ trợ khác. Đô thị Hội An hỗ trợ Đà Nẵng các dịch vụ về du lịch và dịch vụ du lịch.
Đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh trong vùng khá tương đồng với nhau cả về tiềm năng du lịch, tiềm năng biển và ven biển, tiềm năng phát triển cảng và các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn nhưng hiện tại tính liên kết trong vùng để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh còn rất lỏng lẻo, thậm chí còn cạnh tranh mạnh mẽ trong nội bộ vùng đã và đang là cản trở cho sự phát triển. 
Về phía tỉnh Quảng Nam cũng chủ động lập Quy hoạch xây dựng phát triển vùng Đông Quảng Nam, với quy mô trên 1.000 km2, dân số khoảng 80 vạn người, bao gồm 60 xã của 6 huyện, 2 thành phố Hội An và Tam Kỳ, trong đó khu vực huyện Điện Bàn là 15 xã với diện tích trên 1.500 km2, dân số trên 15 vạn người. Trong đó xác định khu vực Điện Bàn có quan hệ mật thiết với phía nam thành phố Đà Nẵng. Với định hướng phát triển về phía đông là đô thị, dịch vụ và du lịch, phía tây phát triển công nghiệp khai thác lợi thế hạ tầng vùng sẵn có như quốc lộ 14B và hệ thống đường cao tốc Liên Chiểu - Dung Quất, đường sắt Bắc - Nam, phía nam giáp ranh với thành phố Hội An sẽ có chức năng mở rộng các hoạt động du lịch gắn với vùng ngoại thành như vùng trồng rau Trà Quế, làng nghề mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà…
Để tạo điều kiện phát triển, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nhằm xây dựng huyện Điện Bàn nói riêng và khu vực phía bắc tỉnh Quảng Nam nói chung trở thành trung tâm phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch và công nghiệp của tỉnh, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã tập trung trí tuệ, nguồn lực để xây dựng phát triển Điện Bàn tương xứng với vị thế, tiềm năng vốn có của huyện… Điện Bàn đã trở thành huyện phát triển nhất hiện nay của tỉnh, với khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, với thị trấn Vĩnh Điện sầm uất. Kinh tế - xã hội Điện Bàn đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc. Vì vậy, việc xây dựng Điện Bàn trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn với các chức năng cơ bản là một trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ của Bắc Quảng Nam; trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo của khu vực là tất yếu khách quan nhằm tranh thủ thời cơ và khai thác lợi thế vốn có của huyện. 
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của huyện còn thấp, lao động được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ nhỏ trong các doanh nghiệp. Đặc biệt là môi trường tự nhiên có nguy cơ ngày càng ô nhiễm bởi rác thải từ các khu công nghiệp, du lịch, dân cư chưa được giải quyết triệt để. Cùng với đó là nạn khai thác trái phép cát lòng sông và xâm hại rừng đầu nguồn; tình trạng sạt lở, cuốn trôi, bồi cát tại khu vực ven sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân các xã Điện Hồng, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong... Kinh tế hộ sản xuất nhỏ, manh mún, không thích ứng được với sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường...
2. Tầm nhìn trong bối cảnh phát triển mới
 Trong xu thế phát triển chung, tuy có nhiều khó khăn thách thức nhưng với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội thuận lợi, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, Điện Bàn tiếp tục khẳng định giữ vai trò động lực của khu vực Bắc Quảng Nam.
Trong thời gian tới, để khai thác thế mạnh, tăng cường khả năng liên kết vùng, Điện Bàn cần phải xác định cho mình Chiến lược phát triển không gian khoa học, hợp lí, đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững, khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong vùng tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt vai trò vị thế trong cụm đô thị động lực Đà Nẵng - Chân Mây - Hội An - Điện Nam - Điện Ngọc... Theo đó, huyện Điện Bàn cần phát triển theo cấu trúc một đô thị - thị xã, với tầm nhìn Điện Bàn trở thành trung tâm công nghiệp - thương mại dịch vụ văn hoá và du lịch phát triển năng động phía Bắc Quảng Nam; Có không gian hợp lý mang đặc thù đô thị ven biển và phải có sự khác biệt về ý tưởng, gắn kết hài hòa với các không gian du lịch, dịch vụ, công nghiệp, làng nghề kết hợp dịch vụ du lịch, hệ thống di tích văn hóa - lịch sử và cảnh quan tự nhiên. 
3. Cấu trúc và định hướng phát triển không gian
 Trên cơ sở đặc điểm điều kiện tự nhiên, tiềm năng, vai trò, vị thế và tác động của mối quan hệ vùng, cấu trúc không gian chiến lược phát triển huyện Điện Bàn được quy hoạch thành hai khu vực phát triển chính. Cụ thể:
- Khu vực 1: Khu vực có địa hình cao ráo, được xác định là toàn bộ khu vực phía đông của hành lang đường cao tốc Liên Chiểu - Dung Quất ra đến biển và phía bắc của sông Thu Bồn. Phía bắc giáp với khu vực Non nước, Cẩm Lệ của thành phố Đà Nẵng, phía nam giáp với khu vực sản xuất nông nghiệp của thành phố Hội An. Với lợi thế về kết nối với đường cao tốc, QL1A, Hành lang Đông - Tây, trục ven biển… Là khu vực ưu tiên phát triển đô thị (nội thị), tạo động lực phát triển kinh tế, dịch vụ và thương mại của khu vực Bắc Quảng Nam với hạt nhân phát triển là khu du lịch biển, khu Đại học Quảng Nam, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc… Đóng vai trò thúc đẩy đô thị hóa cho khu vực phía tây và các huyện lân cận. Hệ thống khung phát triển chính là bờ biển, sông Cổ cò, sông Vĩnh Điện và hệ thống giao thông vùng bao gồm: Trục ven biển, trục 607, 608 và trục đông tây nối với đường cao tốc và QL14B. (Khu vực phía đông đường sắt của xã Điện Hòa là khu vực dự trữ mở rộng của đô thị khi các đô thị phía đông đã phát triển. Do có lợi thế tiếp giáp với địa bàn Đà Nẵng, gần trục Đông Tây và khu vực xã Điện Phước là khu vực sẽ nhanh chóng đô thị hóa).
- Khu vực 2: là khu vực phía tây của trục đường cao tốc và toàn bộ phía nam của sông Thu Bồn, phía tây tiếp giáp với huyện Đại Lộc và phía nam giáp với huyện Duy Xuyên. Là khu vực có điều kiện đất đai phì nhiêu, hệ thống làng nghề và công trình di tích lịch sử, có lợi thế về sản xuất lương thực, thực phẩm, lao động và các dịch vụ du lịch sinh thái phục vụ cho khu vực phát triển đô thị. (Tương lai là khu vực ngoại thị). Đây là vùng phát triển mô hình nông thôn mới, vùng sản xuất và chế biến nông sản, lương thực và dự trữ phát triển. Hệ thống khung phát triển chính là hệ thống các sông trong khu vực và hệ thống giao thông vùng bao gồm trục 609, 610, 605 và hệ thống đường liên xã. 
Với cấu trúc địa hình khác nhau giữa khu vực ven biển và khu vực đồng bằng dọc QL1A đến phía đông đường cao tốc, định hướng không gian phát triển cụm đô thị của vùng huyện bao gồm: (1) Vệt đô thị ven biển trên nền tảng là đô thị Điện Nam - Điện Ngọc, sẽ tiếp nối không gian đô thị và du lịch biển của Đà Nẵng và Hội An, được tái cấu trúc hệ thống giao thông và “không gian xanh” để tối ưu hóa (mở rộng, nâng cấp không gian) cảnh quan biển và sông Cổ Cò cho các hoạt động của đô thị. Điều chỉnh cấu trúc giao thông giúp cho khả năng tiếp cận đến không gian biển, sông Cổ Cò và không gian xanh đô thị thuận lợi nhất từ nhiều hướng. (2) Vệt đô thị ven sông Vĩnh Điện sẽ có cấu trúc phân tán hạn, chủ yếu theo cấu trúc đông - tây đảm bảo duy trì khả năng thoát nước mặt theo hướng Đông - Tây của toàn vùng. Khu vực ưu tiên phát triển là các vị trí đầu mối giao thông vùng. Không gian cảnh quan ven sông Vĩnh Điện là không gian công cộng chính của đô thị gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí văn hóa. Đô thị Điện Thắng là không gian cửa ngõ với thành phố Đà Nẵng, tiếp nối không gian đô thị của quận Ngũ Hành Sơn. Đô thị cửa ngõ Vĩnh Điện là không gian tiếp nối với di sản phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Nên các chức năng tổ chức tiếp đón, quảng bá, dịch vụ trung chuyển sẽ được khai thác phát triển tại đây. Trong đó: (1) Trung tâm vùng Bắc Quảng Nam là Trung tâm tổng hợp đa chức năng bao gồm hành chính, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng khách sạn văn phòng có vai trò tạo điều kiện phát triển các lợi thế của khu vực và tập trung nguồn lực tại khu vực Điện Bàn. Trung tâm sẽ được gắn kết với mạng lưới động lực phát triển của vùng Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An như dải du lịch biển, khu Đại học Quảng Nam, sân bay Quốc tế Đà Nẵng, thành phố Hội An để đảm bảo vị thế cạnh tranh về thương mại, dịch vụ…(2) Hệ thống Trung tâm cấp đô thị (Trung tâm đô thị Điện Nam - Điện Ngọc; Điện Thắng; Thị trấn huyện lỵ Vĩnh Điện; Trung tâm dịch vụ thương mại Bắc Vĩnh Điện; Trung tâm dịch vụ thương mại Phong Nhị) có vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa, thương mại của đô thị, là hạt nhân phát triển, động lực thúc đẩy đô thị hóa tại khu vực…
Tại vùng phát triển đô thị chỉ bố trí các khu công nghiệp gắn kết với đô thị, không phát triển mô hình cụm công nghiệp để tạo động lực phát triển, việc làm đi đôi với phát triển khu dân cư, dịch vụ đô thị, cung cấp hạ tầng, hạn chế ảnh hưởng từ các hoạt động công nghiệp tới môi trường: (1) Khu công nghiệp Điện Nam - Điện ngọc gắn với đô thị du lịch biển nên cần kiểm soát về tính chất công nghiệp, khuyến khích các ngành sản xuất sạch, công nghệ cao. (2) Khu công nghiệp Trảng Nhật gắn với đô thị cửa ngõ phía bắc, đô thị Điện Thắng khu công nghiệp. Tính chất công nghiệp tiêu dùng, lắp ráp, vật liệu xây dựng...
 
4. Thay cho lời kết
 Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tăng cường khả năng liên kết vùng, nhất là với Đà Nẵng và Hội An, Điện Bàn cần có các chiến lược phát triển không gian khoa học, hợp lí, với Tầm nhìn sớm trở thành trung tâm công nghiệp – thương mại dịch vụ du lịch, văn hoá phát triển năng động phía Bắc Quảng Nam; có không gian hợp lý mang đặc thù đô thị ven biển, có sự khác biệt về ý tưởng, gắn kết hài hòa giữa các không gian du lịch, dịch vụ, công nghiệp, làng nghề, hệ thống di tích văn hóa - lịch sử và cảnh quan tự nhiên. Khẳng định vai trò, vị thế, thương hiệu của tỉnh trong vùng, vùng KTTĐMT, đặc biệt vai trò, vị thế trong đô thị động lực Đà Nẵng - Chân Mây - Hội An - Điện Nam Điện Ngọc... hướng tới phát triển thịnh vượng, bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quy hoạch xây dựng vùng KTTĐMT (VIUP)
2. Quy hoạch chung vùng huyện Điện Bàn (VIUP)
3. Quy hoạch xây dựng phát triển vùng Đông Quảng Nam. 
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đoàn Công tác Liên ngành Trung ương kiểm tra các tiêu chí thành lập thị xã Điện Bàn
Giải pháp phát triển đô thị huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Xây dựng và phát triển một đô thị mới trên cơ sở dựa vào một đô thị hiện có - kinh nghiệp từ đô thị mới Phú Mỹ Hưng
BÁO CÁO TÓM TẮT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP THỊ XÃ ĐIỆN BÀN THUỘC TỈNH QUẢNG NAM
Các tin cũ hơn:
Phát triển đô thị Điện Bàn trong quá trình đô thị hóa và hợp tác liên kết đô thị
Nhận diện Đô thị Điện Bàn – Định hướng và giải pháp đầu tư phát triển bền vững – Kết nối với hai đô thị hiện hữu Đà Nẵng – Hội An.
PHÁT BIỂU ĐỀ DẪN HỘI THẢO
TỔNG QUAN HUYỆN ĐIỆN BÀN
DANH SÁCH ĐẠI BIỂU THAM DỰ HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐIỆN BÀN VỚI ĐÀ NẴNG VÀ HỘI AN”
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐIỆN BÀN VỚI ĐÀ NẴNG VÀ HỘI AN”

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm