Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng chị được tiếp tục đi học văn hóa phổ thông, rồi lập gia đình, chồng chị là anh Nguyễn Cước hơn chị 4 tuổi, người cùng thôn.
Sau khi sinh đứa con đầu lòng một thời gian, chị theo học ngành Y, hệ vừa học vừa làm tại Tam Kỳ- Quảng Nam, đồng thời trong thời gian ấy anh chị bắt tay vào viêc xây dựng kinh tế gia đình trên vùng đất cát bao la bằng các nghề như làm ruộng, nuôi heo, gà và dựng quán buôn bán nhỏ. Nhờ quyết chí làm ăn nên kinh tế gia đình đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, dần đi vào ổn định và không bao lâu đã trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện.
Trải qua một thời gian dài chăn nuôi heo, gà theo kiểu truyền thống, làm ăn tự phát, có nhiều rủi ro, không kiểm soát được dịch bệnh, đầu ra sút giảm, không làm chủ được, đa phần lệ thuộc vào giá cả trôi nổi trên thị trường, hiệu quả đem lại rất thấp. Đến tháng 9/2009, chị Hải liên kết với công ty CiPi -Thái Lan để nuôi gà công nghiệp theo mô hình kín ( trại lạnh), nhiệt độ trong trại giao động từ 27-29 độ C.Công ty CiPi chịu cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm với điều kiện mỗi con gà khi xuất chuồng phải đạt từ 2,8 kg đến 3,5 ký sau thời gian 45 ngày tuổi, đơn giá cũng được định trước theo hợp đồng. Về phía người nuôi phải đầu tư xây dựng trại với quy mô từ 12.000 con/ trại trở lên theo đúng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật của CiPi. ( Vốn xây dựng khoảng một tỷ đồng/ trại).
Hiện nay, chị đang sở hữu 2 trang trại với tổng diện tích trên 3.000m2, trong đó, một trại nuôi có diện tích 1.200m2 đang nuôi 12.000 con, một trại có diện tích 1.800m2 đang nuôi 18.000 con. Thời gian nuôi mỗi lứa 45 ngày là xuất chuồng, sau khi trả lương công nhân và chi phí khác chị còn lời được từ 120 đến 150 triệu đồng/ một lứa, mỗi năm nuôi được 4 đến 5 lứa, như vậy chị thu được từ 600 đến 700 triệu đồng trong một năm.( giai đoạn 2012-2014).
Từ ngày liên kết với công ty gà CiPi -Thái Lan đến nay đàn gà của chị liên tục ổn định và phát triển. Mỗi trang trại có 2 máy phát điện dự phòng, nhiệt độ trong chuồng không thay đổi đột ngột nên đàn gà không bị dịch bệnh, trọng lượng gà khi xuất chuồng có độ đồng đều cao nên năng xuất và doanh thu luôn được nằm trong kế hoạch hạch toán kinh doanh hằng năm của chị. Hiện nay trang trại của chị Hải đang sử dụng 6 lao động là người địa phương , lương bình quân công nhân từ 3.5 đến 4 triệu đồng/ tháng.
Ngoài việc lo sản xuất kinh doanh, chị Phan Thị Hải còn tham gia công tác tại địa phương, chị luôn dành thời gian để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của chi ủy viên Chi bộ Đảng thôn Hà Dừa; Trưởng thôn, chi Hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dân số, Y tế thôn. Các con của vợ chồng anh chị ăn học đến nơi đến chốn, hai cháu đã thành đạt, một cháu út đang du học tại Nhật Bản.
Phát huy truyền thống yêu nước trong chiến tranh chống ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc của thế hệ ông cha, ngày nay trong hoà bình xây dựng và bảo vệ tổ quốc lại tiếp nối truyền thống yêu nước bằng hành động chung tay vào công cuộc kiến quốc trên con đường hội nhập nền kinh tế thế giới theo định hướng của Đảng và nhà nước ta, luôn phù hợp với nguyện vọng và ý chí của cả dân tộc. Vậy mỗi con người chúng ta, nhất là những người con của các thương binh, liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng phải biết tự hào với truyền thống tốt đẹp ấy bằng việc làm thiết thực trong giai đoạn hiện nay, đó là thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, đồng thời không quên làm việc thiện, các hoạt động xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh… Phải chăng gia đình và bản thân chị Phan Thị Hải đã phát huy được truyền thống tốt đep ấy.