Nội dung chi tiết

Bảo tàng Điện Bàn – Điểm đến của một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”
Tác giả: Bích Thủy .Ngày đăng: 05/08/2014 .Lượt xem: 12795 lượt. [In bài]
Bảo tàng Điện Bàn cách TP Đà Nẵng 15 km về hướng Nam, cách TP Hội An 10 km theo hướng Tây, được xây dựng với diện tích sử dụng 1.500m 2 trên nền móng Hành Cung của thành tỉnh Quảng Nam xưa, nay là Trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn. Đặt chân đến Bảo tàng Điện Bàn, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô bề thế của bảo tàng. Càng ngạc nhiên hơn khi được tham quan các gian phòng trưng bày từ nền văn hóa thời sơ sử đến quá trình hình thành và đấu tranh cách mạng của đất và người Điện Bàn, với các hiện vật vô cùng phong phú và giá trị.

Thoát ra khỏi chiến tranh, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) bắt tay ngay vào việc khôi phục nền kinh tế, văn hóa - xã hội trước nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng  Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn luôn chú trọng, và tập trung cho công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.  Năm 1978, song song với việc xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ thị xã, Thị ủy  , HĐND, UBND thị xã cũng đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Bảo tàng Điện Bàn. Với quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân thị xã, đến năm 1982, Bảo tàng được hoàn thiện và mở cửa phục vụ khách tham quan. Cũng nhờ vậy, những hiện vật lịch sử cách mạng, liên quan đến hai cuộc kháng chiến được sưu tầm sớm và bảo quản kịp thời với số lượng lớn, phong phú và đa dạng.   

Trong quá trình hoạt động, các cán bộ bảo tàng đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm  hiện vật theo nhiều chủ đề như chiến tranh cách mạng, văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể, đồng thời phối hợp với các tổ chức Khảo cổ học và nhiều trường Đại học danh tiếng trong và ngoài nước để khai quật nền văn hóa Sa Huỳnh,Văn hóa Chăm, và những hiện vật tại Dinh Trấn Thanh Chiêm... Đặc biệt năm 2011, Lãnh đạo thị xã Điện Bàn đã  mua lại bộ Sưu tập đèn cổ của anh Lê Công Anh Đức, đây là bộ sưu tập được đánh giá là lớn nhất Việt Nam. Hiện nay bảo tàng Điện Bàn đang lưu giữ hơn 15.000 đơn vị hiện vật, tranh ảnh, bản đồ, bản vẽ xưa có giá trị. Hầu hết các hiện vật được trưng bày đều là hiện vật gốc. Mỗi hiện vật đều có phụ đề giới thiệu nội dung, nguồn gốc.

Qua ba mươi năm hoạt động dưới sự tác động của thiên tai, bảo tàng Điện Bàn bị xuống cấp nghiêm trọng.  Thị ủy, HĐND, UBND Thị xã Điện Bàn đã xem việc trùng tu, nâng cấp Bảo tàng thị xã là nhiệm vụ  trọng tâm, tạo bước đột phá trong đầu tư xây dựng, phát triển văn hoá trên địa bàn  thị xã trong giai đoạn mới. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, gần 3 năm, công trình được hoàn thiện, khánh thành vào tháng 6 năm 2013, tạo nên một diện mạo mới trên mãnh đất có bề dày lịch sử - văn hóa của Điện Bàn. 

Với 6 phòng trưng bày, Bảo tàng Điện Bàn sẽ đưa du khách đi từ quá khứ hào hùng của dân tộc cùng những nền văn hóa đặc sắc theo dòng thời gian, sự kiện lịch sử và những bộ sưu tập ấn tượng. Bước vào tiền sảnh của Bảo tàng, nơi trưng bày tổng quát về thị xã Điện Bàn, một vùng đất “địa linh nhân kiệt”,  anh hùng trong đấu tranh, cần cù trong lao động, học tập, nơi sản sinh rất nhiều nhân tài cho đất nước; với cụm Tượng đài “Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ”, “Biểu tượng vinh quy bái tổ”, Bảng Tiến sĩ…, Tủ trưng bày nhiều danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho Đảng bộ và nhân dân thị xã Điện Bàn, đã nói lên một Điện Bàn kiên trung, bất khuất, đau thương trong chiến tranh.

Sau phòng giới thiệu tổng quan, du khách có thể bắt đầu tham từ phòng trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh nơi trưng bày một số những mộ chum và hiện vật tùy táng được khai quật tại nhà bà Nuôi, phường  Điện Nam Đông, có niên đại cách đây 2080 năm , tổng số: 14.551 đơn vị hiện vật, trong đó có: 33 Mộ chum và dấu vết 4 mộ đất của người cổ Sa Huỳnh, 193 đồ gốm, 3.929 đơn vị đồ trang sức, 25 đồ đồng…Tiếp đến là phòng Văn hóa Chăm pa, trưng bày những hiện vật  như: Tượng thần ganesa, bò thần,  bộ Yoni-linga…được nhân dân phát hiện trong quá trình lao động sản xuất. Mỗi hiện vật mang một ý nghĩa, đặc điểm riêng của nền văn hóa Chăm, được gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết đầy lý thú và hấp dẫn. Điểm nhấn tại phòng trưng bày văn hóa Chăm là phù điêu bằng gốm, mô phỏng Tháp Bằng An (thuộc xã Điện An), một ngọn tháp có kiến trúc hình bát giác độc đáo duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam.
Phòng trưng bày lịch sử hình thành và quá trình đấu tranh cách mạng của quân và dân Điện Bàn được trưng bày theo từng giai đoạn. Bắt đầu từ giai đoạn thị xã  Điện Bàn trước năm 1930, khi Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lập Dinh trấn Thanh Chiêm (tại xã Điện Phương) đến trước khi có Đảng. Ở giai đoạn này du khách có thể hình dung một thị xã Điện Bàn, với vùng đất văn vật mà vai trò lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm đã góp phần quyết định cho công cuộc mở cõi và giữ nước của tiền nhân ta trong hơn hai thế kỷ (XVII-XVIII). Nơi đã từng có một vị trí chiến lược quan trọng, gánh vác sứ mệnh lịch sử phát triển của Quảng Nam, mang dấu ấn hưng thịnh trên nhiều phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao của xứ Đàng Trong. Đặc biệt là những đóng góp quan trọng nhất để làm nên diện mạo của cảng thị Hội An. Qua bảng vẽ khu Dinh trấn Thanh Chiêm được lưu giữ ở chùa JYOMOJI, thành phố Nagoya Nhật Bản. Biểu tượng “Ngũ phụng tề phi”, “Ngũ tử đăng khoa” đề cao những người hiếu học, học giỏi. Điện Bàn còn là quê hương của nhiều danh nhân, chí sĩ yêu nước như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Thành Ý, Phan Thành Tài … cùng những hiện vật của thế kỷ XVII –XVIII. Đặc biệt là bộ sách đồng quý hiếm, của Vua Gia Long phong tước vị cho con cháu trong hoàng tộc.
Ở giai đoạn 1930-1954, Bảo tàng Điện Bàn đã trưng bày những hiện vật, hộp hình, sơ đồ, tranh vẽ quí khách sẽ thấy được sách lược, chiến lược, đường lối lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ khó khăn gian khổ nhất, chống bù nhìn phong kiến, thực dân Pháp xâm lược bằng nhiều phong trào như  “Mít tinh tại cầu Phong Thử (1939)”, “nhân dân đồng loạt xuống đường cướp chính quyền ở Phủ Điện Bàn (tháng 8/1945)”, “Làng kháng chiến xã Điện Nam” cùng với những hiện vật đa dạng mà nhân dân đã sử dụng trong giai đoạn này.
Ở giai đoạn 1954-1975, du khách sẽ được giới thiệu về trận đánh Bồ Bồ vang dội như một trận Điện Biên Phủ thứ hai của chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng được tái hiện một cách chân thực bằng kỹ thuật hiện đại. Không gian trưng bày kết nối từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ bằng những hình ảnh sinh động về sự tàn khốc của chiến tranh và những tấm gương kiên cường bất khuất của những người con Điện Bàn, điển hình như mẹ Cọng, mẹ Bưng, nữ anh hùng Trần Thị Lý, AHLS Nguyễn Văn Trỗi, AHLS Nguyễn Phan Vinh... Hiện vật trong phòng kháng chiến chống Mỹ đa dạng từ các loại dụng cụ, vũ khí thô sơ dùng để ngụy trang đánh địch, đến những loại vũ khí hiện đại mà các chiến sĩ Điện Bàn tự tạo để đánh đuổi quân thù.
Kết thúc phòng lịch sử cách mạng, du khách được tiếp tục tham quan phòng Điện Bàn sau năm 1975. Những hình ảnh khai hoang phục hóa, xây dựng lại quê hương sau khi thoát ra khỏi chiến tranh và Điện Bàn trên đường xây dựng và phát triển Kinh tế - Xã hội, sự chuyển mình đi lên, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn. Tượng bán chân dung mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, người mẹ tiêu biểu của cả nước được đặt tại một nơi trang trọng trong gian phòng này cùng nhiều kỷ vật đầy xúc động, đã gắn bó với mẹ trọn một đời.
Ngoài ra, tại Bảo tàng Điện Bàn còn có phòng chuyên về nghệ thuật tuồng, nơi trưng bày trang phục, nhạc cụ, binh khí dành cho môn nghệ thuật này và nhiều mặt nạ, mỗi mặt nạ được thể hiện một vai diễn khác nhau trong một tích tuồng. Du khách sẽ được nghe kể nhiều giai thoại về Nguyễn Hiển Dĩnh, một ông quan ngang bướng dưới triều Nguyễn và lỗi lạc ở nghệ thuật tuồng. Hơn thế nữa, nhiều tên tuổi nghệ nhân tuồng, diễn viên vang bóng một thời của sân khấu tuồng Việt cũng được giới thiệu tại Bảo tàng Điện Bàn.
Kết thúc tuyến tham quan Bảo tàng là Phòng Đèn cổ. Du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và trầm trồ trước các tủ trưng bày những cây đèn dầu cổ lớn nhỏ, đủ kiểu, phong phú về chất liệu, đa dạng về kiểu dáng. Bộ sưu tập gồm 270 đèn cổ và 300 phụ kiện đèn khác, của các thời đại, được một người con của Điện Bàn sưu tầm, từ hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới suốt hai mươi năm. Có những chiếc đèn mang dáng dấp nghệ thuật thời Phục Hưng như những chân đèn khắc tượng thần Vệ nữ, tượng những vị thần Hy Lạp...có những đèn thể hiện sự sinh hoạt của sĩ, nông, công, thương, những anh lính chiến... Có đèn làm bằng đá xanh chạm trổ rất tinh vi, có đèn bằng kim loại, có đèn bằng đất nung, lại có đèn bằng thuỷ tinh, bằng gốm sứ... không có chiếc đèn nào giống chiếc đèn nào. Trước khi tạm biệt bảo tàng Điện Bàn, du khách sẽ được trải nghiệm cùng chiếc bàn xoay bằng gỗ mít nguyên tấm trên 100 năm tuổichiếc bàn có khả năng tự xoay kỳ lạ khi có người đặt lòng bàn tay lên mặt bàn.
Không những được chiêm ngưỡng và nghe thuyết minh viên giới thiệu về đất và người Điện Bàn cùng những cổ vật độc đáo giá trị khi đến với Bảo tàng Điện Bàn, du khách còn được tham gia những trò chơi dân gian tập thể đầy ý nghĩa. Thông qua những hoạt động ấy, người tổ chức mong muốn cung cấp những kiến thức về văn hóa lịch sử,  kỹ năng sinh hoạt tập thể và tạo dấu ấn cho du khách khi đến với Bảo tàng Điện Bàn. Song song với công việc nghiên cứu, bảo quản, kiểm kê hiện vật... mở cửa phục vụ khách tham quan, bảo tàng Điện bàn còn chú trọng công tác sưu tầm hiện vật để làm phong phú thêm các phòng trưng bày. Đồng thời thay đổi  trưng bày theo chuyên đề để phục vụ nhân dân và du khách gần xa.
Cùng với những điểm du lịch khác của thị xã Điện Bàn như Nhà Lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi, Nhà mẹ VNAh Nguyễn Thị Thứ, Nghĩa trang Liệt sỹ, Tháp Bằng An, Vinahouse space, Nhà vườn Triêm Tây … Bảo tàng Điện Bàn đang vươn mình đổi mới để thích nghi với điều kiện kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch, nghiên cứu, tìm hiểu đất và người Điện Bàn của nhân dân và thu hút du khách gần xa trên tuyến đường hành trình về hai Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn..

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Về Điện Bàn thăm các khu lưu niệm
Di tích ở Điện Bàn - Tiềm năng để phát triển du lịch
Du lịch Điện Phương-tiềm năng lớn
Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi – Một điểm đến khơi dậy lòng yêu nước
Các tin cũ hơn:
Di tích Giếng Nhà Nhì (trận đánh của các Dũng sĩ Điện Ngọc)
Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp.
Tháp Bằng An
Lăng mộ Chí sĩ Hoàng Diệu
Khu lưu niệm mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ
Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi
Bảo tàng Điện Bàn
Vài nét về bảo tàng Điện Bàn
Ngang dọc...dấu xưa...

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm