Việc xây dựng các mô hình trình diễn là rất cần thiết vì các lý do sau:
- Thực tế đã khẳng định, muốn làm giàu trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp thì không thể sản xuất theo kiểu quảng canh, tự cấp, tự túc mà phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm thâm canh tăng năng suất và tiến đến sản xuất theo hướng hàng hoá.
- Để đáp ứng yêu cầu của việc chuyển đổi phương thức canh tác nhằm phù hợp với thực tế sản xuất. Ví dụ, hiện nay khi diện tích bãi chăn thả ngày càng bị thu hẹp, việc duy trì số lượng đàn bò là rất khó khăn nếu vẫn thực hiện phương thức chăn thả truyền thống như trước đây. Do vậy, việc xây dựng các mô hình nuôi bò bán thâm canh là cần thiết để hướng cho người dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhằm thích ứng với tình hình mới của thực tiễn sản xuất.
- Để thuyết phục người nông dân ứng dụng những kỹ thuật mới trước khi phổ biến ra diện rộng; góp phần khẳng định tính khả thi của một phương án sản xuất để giai đoạn tiếp theo chỉ cần tiếp tục bổ sung chứ không phải mày mò thử nghiệm mà vẫn có thể yên tâm phát triển khi có vốn đầu tư và có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Tạo ra những hình mẫu về sản xuất để tổ chức các chuyến thăm quan học tập, các lớp tập huấn hay hội nghị đầu bờ nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo cách "nông dân tự chuyển giao cho nông dân".
- Đáp ứng các nhu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện sinh thái để đem lại hiệu quả kinh tế hoặc phải luồn lách theo thời vụ nhằm né tránh thời tiết khắc nghiệt. Ví dụ: mô hình trồng rau trong nhà lưới, mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu...
- Nhằm tạo cho người dân ý thức về phát triển bền vững, nghĩa là phát triển kinh tế phải quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ: mô hình chăn nuôi kết hợp với xây dựng hầm bioga; mô hình ứng dụng phân sinh học, tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất, đẩy mạnh thâm canh trên đồng ruộng...
Chăn nuôi bò bán thâm canh tại xã Điện Phong
Xác định: Xây dựng mô hình trình diễn là phương pháp chủ đạo để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nông dân nên hằng năm, Trạm Khuyến nông Điện Bàn đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn tại nhiều địa phương trên toàn huyện. Rất nhiều mô hình đã giúp bà con thay đổi thói quen canh tác cũ, kém hiệu quả và chuyển sang ứng dụng phương thức canh tác mới mang lại hiệu quả cao hơn. Tiêu biểu như: mô hình trình diễn 3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng; mô hình trình diễn phân sinh học WEHG trên cây đậu phụng, cây lúa, cây rau; mô hình khảo nghiệm hiệu lực phân hữu cơ vi sinh trên cây ớt, cây bắp...; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas composite; mô hình nuôi heo nái giống F1 theo hướng gia trại, an toàn, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường; mô hình nuôi cá điêu hồng theo phương thức bán thâm canh và nhiều mô hình trình diễn các giống mới của các công ty...
Thực tế đã khẳng định việc xây dựng các mô hình trình diễn trong công tác khuyến nông là rất quan trọng vì: nông dân chỉ làm theo khi họ thấy được kết quả và mô hình trình diễn là nhằm để khẳng định tính phù hợp của tiến bộ khoa học kỹ thuật tại địa phương.