Với mảnh vườn rộng gần 2000 mét vuông, đầu năm 2014 gia đình ông Hồ Thăng ở thôn Khúc Lũy xã Điện Minh huyện Điện Bàn được Sở khoa học và công nghệ Quảng Nam chọn để thí điểm mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới trên 4 loại rau: Mồng tơi, khổ qua, cải, bồ ngót. Đến nay, mô hình đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình ông. Riêng gần 300 mét vuông đất trồng cải mỗi tháng cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Nhờ đó đời sống gia đình ông ngày một được nâng cao.

Nhận thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rau an toàn của ông Hồ Thăng, ông Lê Tích Em ở Thôn Đồng Hạnh, xã Điện Minh quyết định chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang mô hình trồng rau an toàn, sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay cho phân bón hóa học trên gần 3 sào rau của mình. Theo đó, ông đã đầu tư gần 10 triệu đồng để bắt đường ống nước phun tưới tự động và sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay cho phân hóa học đồng thời giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, với cách làm này vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy mới tiếp cận đến những bước đầu của mô hình nhưng đến nay vườn rau của gia đình ông đã cho thu nhập khá cao, mỗi tháng thu về gần 20 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

(Mô hình trồng rau sạch của ông Hồ Thăng)
Thời gian qua, Sở khoa học công nghệ, cùng hội liên hiệp phụ nữ đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều khóa tập huấn về qui trình trồng rau an toàn cho bà con nông dân ở xã Điện Minh, huyện Điện Bàn. Tuy nhiên, do đầu ra chưa ổn định nên bà con nông dân ở đây vẫn chưa mạnh dạn thực hiện mô hình.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Ban nông nghiệp của xã Điện Minh trao đổi: Những năm qua, Điện Minh là địa phương có phong trào trồng rau màu phát triển khá mạnh của huyện Điện Bàn, toàn xã có hơn 1000 hộ gia đình trồng rau, trong đó có hơn 300 hộ trồng rau chuyên nghiệp tập trung nhiều nhất ở các thôn Đồng Hạnh, Khúc Lũy, Tân Mỹ, Trung Phú … với các loại rau như cải, xà lách, bồ ngót, mồng tơi, khổ qua vv… Nhận thấy mô hình trồng rau an toàn là hướng đi phù hợp với giai đoạn hiện nay. Do vậy, địa phương đã tuyên tuyền, vận động các hộ trồng rau áp dụng sản xuất theo mô hình này vì đây mô hình mang lại nhiều lợi ích, không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng là tiền đề cơ bản để tiến tới sản xuất rau theo các tiêu chuẩn cao hơn, hướng tới một nền sản xuất sạch và bền vững.
|