Nhà có ba con trai, hai anh đều đã tham gia cách mạng. Đến lượt Cường, cũng quyết tâm đi bộ đội cho bằng được. Ngày biết tin con trai thân yêu của mình hy sinh, mẹ đã nén nỗi đau vào lòng, dặn mình rằng, sự hi sinh của anh là thiêng liêng, cao quý, anh hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. Bao lâu rồi đôi mắt mẹ vẫn chăm chăm ngóng về góc khuất cuối con đường làng. Những kỷ vật anh để lại, mẹ săm soi từng ngày, như anh vẫn luôn ở bên cạnh.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ nhưng nỗi đau của người mẹ mất con vẫn còn dai dẳng mãi. Chúng ta có thể đo được sự ác liệt của chiến tranh bằng năm, bằng tháng, bằng độ dài của thời gian và độ rộng của chiến trường nhưng nỗi đau mất mát người thân ruột thịt làm sao có thể đo được khi nó đã len vào từng thớ thịt, từng nếp nhà, từng bữa ăn, giấc ngủ?! Dù vậy, bây giờ mẹ đã không còn cô đơn trong căn nhà vắng nữa. Bởi bên mẹ còn có những người “con”…
Gắn với màu áo xanh tình nguyện, tuổi trẻ Điện Bàn hôm nay vẫn thường xuyên đi về trên con đường làng dẫn đến nhà mẹ. Những công việc không tên nhưng lại làm ấm lòng người…Đối với mẹ, được trò chuyện, sẻ chia và chăm sóc là điều có ý nghĩa hơn cả với cuộc sống lúc tuổi chạng vạng của đời người.
Họ đến với mẹ, chuyện trò rôm rả, thăm hỏi, động viên như những đứa con trong gia đình trở về tổ ấm. Anh Nguyễn Bá Phát, Bí thư Đoàn xã Điện Thắng Trung cho chúng tôi biết thêm: “Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên xã cũng đã có nhiều chương trình hoạt động trong công tác đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đến gia đình chính sách. Tuổi trẻ xã Điện Thắng Trung thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn cùng với đối tượng chính sách. Tuổi trẻ xã nhà nguyện noi gương các anh hùng, liệt sỹ, thế hệ cha anh đi trước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.”
Qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước, Điện Bàn là mảnh đất anh hùng cách mạng với 18.920 người con ưu tú anh dũng hy sinh, hàng ngàn thương, bệnh binh, trên 1.600 bà mẹ được Nhà nước truy tặng và phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 8.200 người có công giúp đỡ cách mạng…
Trên đường đi lên thị xã, Điện Bàn hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày, màu xanh mơn mởn trên những cánh đồng, rộn ràng những khu công nghiệp đang san sát mọc lên trên những vùng đất bị bom đạn cày xới năm xưa. Cán bộ, nhân dân huyện Điện Bàn hôm nay vẫn đang và sẽ tiếp tục có những việc làm thiết thực tri ân những người đã ngã xuống…Đặc biệt thế hệ trẻ, những người không đi qua chiến tranh, không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát trong chiến tranh, nhưng họ hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hi sinh của bao lớp người đi trước. Anh Đặng Hữu Tú, PBT Huyện đoàn Điện Bàn chia sẻ: “BTV Huyện đoàn, Hội LHTN, Hội đồng đội huyện đã xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện. Trong những năm qua, tuổi trẻ huyện Điện Bàn đã tổ chức nhiều mô hình, hoạt động có hiệu quả tuần lễ đền ơn đáp nghĩa, tháng đền ơn đáp nghĩa, hành trình giáo dục truyền thống đã góp phần quan trọng tích cực trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm và thể hiện vai trò đoàn viên thanh thiếu nhi với thế hệ cha anh đi trước.”
Nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ Điện Bàn được tổ chức thường xuyên và rộng khắp trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Tuổi trẻ trường học với chương trình áo ấm tặng bà, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, kết nạp đoàn viên, hội viên tại các địa chỉ đỏ…Hay như tuổi trẻ xã Điện Ngọc với hoạt động Viết lại tên anh, tuổi trẻ Điện Tiến tổ chức các chương trình thắp nến tri ân vào đêm giao thừa hay dịp 27/7…
Huyện đoàn đã chỉ đạo cho các cơ sở Đoàn - Hội - Đội đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thành hoạt động thường xuyên ở địa phương, đơn vị mình. Hằng năm, tuổi trẻ toàn huyện đã tình nguyện đóng góp trên 150 triệu đồng, đóng góp ngày công và vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, để xóa 10 nhà tạm cho gia đình chính sách; triển khai chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, góp phần giải quyết một phần khó khăn cho đối tượng chính sách. Mỗi cơ sở đoàn đều nhận phụng dưỡng một mẹ VNAH; phát động và nhân rộng các phong trào “Người con, người cháu hiếu thảo”, “Chăm sóc vẻ đẹp nơi anh nằm”…
Ý nghĩa và giá trị mang lại từ việc làm của thanh niên Điện Bàn không thể tính toán bằng những con số cụ thể mà đó là cả tấm lòng tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ. Những việc làm của tuổi trẻ Điện Bàn đã thổi vào lòng, vào hồn những gia đình chính sách, có công cách mạng như mẹ Mại, mẹ Ngò một ngọn lửa không bao giờ tắt. Đó là ngọn lửa ân tình, ngọn lửa tri ân sưởi ấm trái tim.
|