Việc phát triển một đô thị, ngoài sự tự phát tự nhiên do dân số gia tăng, điều kiện kinh tế phát triển thuận lợi thúc đẩy sự mở rộng đô thị theo năm tháng như thời xưa kia, thì ngày nay sự phát triển đô thị đều có sự tính toán quy hoạch trước của con người, đó là sự quy hoạch phát triển đô thị. Và sự chủ động quy hoạch đô thị luôn do các nhà lãnh đạo của địa phương đề ra nhằm mục đích thông qua việc xây dựng đô thị để tạo ra động lực phát triển kinh tế xã hội cho địa phương đó.
Như vậy để xây dựng phát triển một vùng đất, người ta có thể xây dựng một đô thị để làm động lực phát triển. Điều này nói lên rằng một đô thị được hình thành và phát triển bền vững phải đảm nhận được vai trò tạo công ăn việc làm cho người dân, thể hiện qua sức sản xuất (công nghiệp nông nghiệp dịch vụ) không ngừng phát triển. Từ đó dân cư không ngừng gia tăng. Đặc tính và hình thái phát triển cũng như vai trò được thể hiện rõ trong quy hoach như sau:
- Cơ cấu và phân khu chức năng đô thị phù hợp với mục tiêu chức năng của đô thị, mạng lưới giao thông hợp lý tiện lợi. Người dân sống với nhiều ngành nghề, gắn kết và bổ sung cho nhau, tạo năng suất lao động cao. Do đó các phân khu chức năng thể hiện qua quy hoạch địa dụng được cân nhắc hợp lý và ổn định.
- Khả năng tổ chức kinh tế, xã hội phát triển theo mô hình hiện đại, tiên tiến. Sự phân công lao động trong mọi tầng lớp xã hội càng ngày càng rõ ràng. Thể hiện rõ chức năng mục tiêu chúng ta đề ra.
- Khả năng gắn kết giữa đô thị với vùng nông thôn chung quanh và các đô thị khác là nguồn sống cũng như động lực phát triển của đô thị đó.
- Chọn lựa vị trí đúng, khả thi và một kế hoạch xây dựng hợp lý với một đối tác đầu tư có kinh nghiệm sẽ là yếu tố quyết định không chỉ cho việc tập trung vốn của xã hội mà còn đảm bảo cho việc xây dựng đô thị đúng quy hoạch, thu hút được doanh nghiệp và dân cư cùng tham gia ngay từ đầu khởi công xây dựng đề án.
- Dự kiến ngay một bộ máy quản lý đô thị và tham gia ngay vào đề án với chức năng ban đầu là đại diện cho chính quyền địa phương hỗ trợ về thủ tục hành chính, tham gia quản lý thi công, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tham gia
(- Kinh nghiệm xây dựng khu đô thị Thâm Quyến, đây là khu đô thị được chọn ở vị trí nằm bên cạnh thành phố Hồng Kông và trên tuyến đường Hồng Kông Quảng Châu. Là đề án thí điểm mở cửa thu hút đầu tư đầu tiên của Trung Quốc.)
(- Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, là một phần của đề án khu đô thị mới nam Sài Gòn, chỉ cách Quận 1, Quận 5 của Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 4 km và là đề án quan trọng nhất trong chiến lược phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tiến ra Biển Đông)
Theo nội dung cuộc hội thảo của chúng ta hôm nay “Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An”. Chúng ta muốn xây dựng một đô thị mới trên cơ sở gắn kết phát triển với hai đô thị hiện có (Đà Nẵng và Hội An) điều này khá giống với mô hình xây dựng của thành phố Thâm Quyến hay khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Ý tưởng chủ đạo là mượn lực có sẵn của đô thị hiện có và xây dựng một đô thị mới bổ sung cho những giới hạn của đô thị hiện có, tạo ra chuỗi đô thị liên kết phát triển bền vững.
Để tìm ra nội dung chức năng của đô thị mới theo yêu cầu nêu trên, chúng ta phải có cuộc khảo sát kỹ về những giới hạn của hai đô thị hiện có (Đà Nẵng và Hội An), những ưu thế của huyện Điện Bàn từ đó sơ phát nội dung quy hoạch đô thị mới Điện Bàn. Sau đó đưa ý kiến sơ phát này ra thị trường tìm đối tác đầu tư. Như vậy ta vừa thăm dò thị trường vừa tìm ra đối tác chiến lược (doanh nghiệp vừa có vốn vừa có kinh nghiệm).
Khi đã tìm được đối tác chiến lược, chúng ta cùng đối tác sẽ xây dựng lên phương án quy hoạch cho toàn huyện và đô thị chính Điện Bàn, hướng gắn kết cụ thể giữa đô thị mới với hai đô thị hiện có. Đây là kinh nghiệm cách làm của chúng tôi khi xây dựng khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Nam Thành phố Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh 22 năm trước đây.
II. Nhận dạng ban đầu về khu đô thị mới Điện Bàn
Trước khi trình bài vài kinh nghiệm về quá trình xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tôi xin có vài ý kiến qua cái nhìn trực giác đối với đô thị mới Điện Bàn như sau:
Với vị trí địa lý và thông tin sơ bộ của huyện cung cấp, huyện có diện tích 214 km2, dân số khoảng 217 ngàn người trong đó 62% sống ở các khu thị trấn và đô thị. Về kinh tế huyện có một khu công nghiệp (Điện Nam - Điện Ngọc) rộng 390 ha và 11 cụm công nghiệp, đây cũng là khu công nghiệp lớn của tỉnh sau Khu kinh tế mở Chu Lai.
Về giao thông, huyện đang có 3 tuyến dọc là Quốc lộ 1A, chia huyện ra làm hai phần, phần phía đông trải dài đến bờ biển đông có diện tích chiếm 1/3, và phía tây chiếm khoảng 2/3. Phía đông có đường dọc theo bờ biển, tuyến du lịch. Và cuối cùng là tuyến giữa (đường Lê Hồng Phong). Như vậy từ 3 tuyến giao thông dọc ta có thể chia huyện ra thành 3 vùng đất:
- Dọc theo tuyến đường biển là vùng kinh tế du lịch biển.
- Từ Quốc lộ 1A về phía tây (chiếm 2/3 diện tích huyện) là vùng kinh tế nông nghiệp.
- Tuyến giữa là vùng công nghiệp dịch vụ dân cư đô thị.
Như vậy khu đô thị phải được chọn ở vị trí vùng ở giữa, lấy tuyến giao thông giữa (đường Lê Hồng Phong mở rộng thành trục chính của khu đô thị). Nếu sau này đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chạy dọc phía tây đường Quốc lộ 1A, thì ta chỉ cần xây đường nối kết đô thị mới lên đường cao tốc là xong, lúc đó Quốc lộ 1A chỉ còn giữ vai trò như đường liên tỉnh. Nếu đường cao tốc chạy dọc phía đông Quốc lộ 1A thì dãy đất giữa sẽ bị ảnh hưởng (diện tích hẹp lại). Khu đô thị mới có lẽ phải quy hoạch theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 xây dựng dãy phía đông đường cao tốc, giai đoạn 2 mới xây dựng dãy phía tây đường cao tốc.
Đối với dãy đất ven biển xem như dãy phát triển du lịch, huyện phải giữ cho được từ 50-30% mặt tiền biển để làm khu công cộng (phần này không cho doanh nghiệp thuê), đây là phần hơi thở sống còn của khu đô thị. Nếu không có phần này khu đô thị xem như bị bóp mũi bịt mặt. Tương lai phát triển của khu đô thị sẽ bị hạn chế! Đối với vùng phía tây, đây là vùng phát triển nông nghiệp xanh, sạch, vùng sinh thái thiên nhiên. Đây cũng là vùng đất cho chúng ta xây dựng mô hình nông thôn mới.
Ngoài ra, mọi quy hoạch tính toán cho đề án trên đều phải đưa vào yếu tố biến đổi khí hậu, yếu tố rủi ro về môi trường do con người tạo ra trên thượng nguồn các dòng sông hiện nay.
III. Kinh nghiệm xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh
- Nằm vắt ngang qua hai quận là quận 7 và huyện Bình Chánh diện tích rộng 2.600 ha gồm: Tuyến đường Nguyễn Văn Linh chạy xuyên suốt 17,8 km với chiều rộng lộ giới là 120 m, 10 làn xe và 20 phân khu chức năng (trong đó công ty liên doanh PMH chịu trách nhiệm xây dựng tuyến đường và 5 khu chức năng). Đề án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/TTg ngày 8.12.1994.
- Khu đô thị Phú Mỹ Hưng có diện tích rộng 433 ha, là một trong 20 phân khu đó.
1. Ý tưởng xây dựng khu đô thị Nam Thành phố Hồ Chí Minh
- Là một trong chuỗi đề án nhằm đưa Thành phố Hồ Chí Minh phát triển về phía nam hướng ra biển Đông (như Khu chế xuất Tân Thuận, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh, KCN Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước…)
- Khu đô thị Nam Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng như một đô thị song song với nội thành Sài Gòn cũ. Với cơ sơ hạ tầng hoàn chỉnh hiện đại nhằm bổ sung cho khu đô thị hiện có
- Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng rộng 433 ha, là một phần khu quan trọng nhất của khu đô thị nam Thành phố Hồ Chí Minh
2. Vai Trò của Khu Đô Thị Phú Mỹ Hưng
- Là mũi đột phá quan trọng nhất trong 20 phân khu chức năng, có chức năng kinh tế xã hội tổng hơp với tiêu chuẩn chất lượng tầm quốc tế hiện đại.
- Là đầu kéo cho các phân khu chức năng còn lại của khu đô thị Nam Thành phố Hồ Chí Minh
- Thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ cung cấp những kinh nghiệm cho chương trình đô thị hóa, hiện đại hóa của chúng ta.
3. Những vấn đề đáng được nghiên cứu
- Sự phát triển kinh tế đưa đến đô thị hóa và vấn đề quy hoạch đô thị mới
- Vai trò của ngành bất động sản trong quá trình đô thị hóa hay nói rộng hơn là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
- Vai trò nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trong các chương trình đầu tư xây dựng đô thị mới (đô thị mới Phú Mỹ Hưng)
- Nhận định ý tưởng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về hướng nam ra biển Đông.
Trong khuôn khổ nội dung của cuộc hội thảo hôm nay tôi xin trình bài một nội dung trong 4 nôi dung nêu trên đó là:
“Sự phát triển kinh tế đưa đến đô thị hóa và vấn đề quy hoạch đô thị mới” qua kinh nghiệm xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng với 5 điểm nhỏ sau:
A. Phát triển kinh tế đưa đến đô thị hóa
a. Những khó khăn do đô thị hóa
- Đô thị hóa thường là sự tập trung dân cư vào một đô thị hay một thị trấn đang phát triển công nghiệp, hay dịch vụ thương mại. Hệ quả là làm cho cơ sở hạ tầng nơi đó trở nên quá tải.
- Mở rộng cơ sở hạ tầng cho một thành phố cũ thường gặp nhiều khó khăn nhất là công tác quy hoạch mở rộng đô thị thiếu tầm nhìn, hay không đáp ứng được tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Do đó thường phải giải tỏa nhà đất của dân, gây khó cho dân. Các nước thường giải quyết vấn đề trên bằng cách xây dựng đô thị mới (đô thị vệ tinh) bên cạnh.
b. Hầu hết các nước phát triển đều đi qua quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa. Công nghiệp hóa sẽ đưa đến đô thị hóa. Năm 1992 khi KCX Tân Thuận được xây dựng tại huyện Nhà Bè (vùng đất ngặp mặn nghèo khó ít dân của Thành phố Hồ Chí Minh), không bao lâu vùng này bắt đầu tập trung dân cư và vùng đất đô thị hóa này được tách ra thành Quận 7 ngày nay.
c. Khu đô thị Nam Thành phố Hồ Chí Minh hay đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng với mục địch giải quyết khó khăn trên của Thành phố Hồ Chí Minh.
B. Những yếu tố tạo ra ý tưởng quy hoạch đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh
a. Tìm hiểu quy luật hình thành thành phố Sài Gòn cũ cách đây 300 năm. Nắm bắt qui luật phát triển của thành phố Sài Gòn (xưa); phát triển hướng theo dòng, theo điều kiện giao thông. Từ quy luật này, thiết kế quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng phát triển ra biển Đông.
b. Rút kinh nghiệm của các khu đô thị mới trên thế giới về tính toán mật độ dân cư, quy mô cơ sở hạ tầng, vấn đề môi trường, các điều kiện phải có của hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, vui chơi giải trí, vấn đề an ninh, sinh hoạt cộng đồng…
c. Khu đô thị mới phải là nơi tạo ra công ăn việc làm mới, một cơ hội làm ăn cho cư dân, là một cơ hội mở ra thị trường đầu tư kinh doanh bất động sản.
d. Về thị trường, phải đánh giá khả năng khách hàng trong tương lai, thiết kế những sản phẩm phù hợp nhu cầu, tâm lý và xu thế tiêu thụ vươn lên của khách hàng.
C. Chuẩn bị các điều kiện nội dung xây dựng một đô thị mới
a. Xây dựng đô thị mới khác với việc đô thị hóa một khu dân cư hay một thị trấn đã hiện hữu. Càng không phải tìm ra một mặt bằng rồi xây đường ngang đường dọc để phân lô bán nền để dân mạnh ai nấy xây nhà. Như vậy sẽ không tạo được một đô thị hiện đại.
b. Chúng ta phải bắt đầu bằng xác định mục tiêu kinh tế xã hội (phần nội dung) Sau đó mới quy hoạch địa dụng, phân khu chức năng (quảng trường, công viên, khu hành chính, khu thương mại dịch vụ, khu văn hóa thể thao, vui chơi, khu dân cư (cao cấp, trung, bình, khu nhà cao tầng, thấp tầng…) Từ đó xem xét cảnh quan đường xá, hướng tuyến (ánh sáng hướng gió), mật độ dân cư đi lại để tính ra độ rộng của mổi tuyến đường.
c. Xây dựng một đô thị đòi hỏi nhiều thời gian ít nhất là từ 20 năm đến hằng trăm năm. Do đó việc đảm bảo quy hoạch được thực hiện xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo là yếu tố hết sức quyết định giữ cho đô thị đó có kết cấu xây dựng hài hòa nhất quán.
d. Phải tìm ra đối tác chiến lược, vừa có kinh nghiệm xây dựng đô thị vừa có khả năng huy động vốn trong xã hội. Trên cơ sở thống nhất mục tiêu nội dung quy hoạch, xây dựng bộ máy quản lý xây dựng và kinh doanh đủ tầm, mới đảm bảo được đề án thành công.
D. Phần “mềm” hay sức sống của đô thị mới
a. Sức sống của một đô thị là sự thu hút của đô thị đó đối với doanh nghiệp và dân cư. Đô thị có hình thành và phát triển lớn mạnh hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sức hấp dẫn này, đây là phần “Hồn” của đô thị. Do đó phải tạo điều kiện để cho khách hàng tham gia ngay từ đầu chương trình xây dựng thì mới có thể thành công. Do đó nội dung quy hoạch phải được công khai, và tiếp thu ý kiến góp ý của khách hàng.
b. Tạo mọi điều kiện thu hút người dân đến tham quan qua tổ chức các lễ hội nhằm giới thiệu nội dung hoạt động của đô thị trong tương lai. Đảm bảo khách hàng đến trước sẽ được ưu tiên hưởng lợi ích trước. Do đó trong quá trình xây dựng tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, cho dân cư tham gia sinh sống và hưởng lợi. Do đó hạ tầng xã hội sẽ được xây dựng song song với hạ tầng kiến trúc.
c. Phải có bộ máy quản lý đô thị phù hợp kịp thời phục vụ khách hàng với tinh thần của một đô thị mới. Đưa cải cách hành chính vào làm thí điểm, giải quyết vấn đề hộ khẩu, đăng ký cho con em học hành... Khi có dân cư tương đối còn phải tổ chức khu phố tự quản. Tổ chức nhiều lễ hội khác nhau để tạo nên không khí văn minh cho đô thị mới.
d. An ninh cũng như vệ sinh môi trường đô thị phải được đảm bảo ngay từ đầu, tạo nên bộ mặt của đô thị mới hấp dẩn, tạo uy tín với khách hàng. (Ở nước ta trong khi xây dựng ít quan tâm đến vệ sinh môi trường, hay bỏ bảo đảm an ninh cho dân khi vào một khu dân cư mới còn ít dân)
e. Suy nghĩ về phát triển đô thị bền vững
- Đô thị phát triển bền vững đó là đô thị được quy hoạch và xây dựng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của một địa phương trước mắt cũng như lâu dài, đảm bảo hệ thống hạ tầng cơ sở kiến trúc củng như hạ tầng xã hội hoàn thiện theo tiến độ đề ra.
- Dành mọi lợi ích cho khách hàng đến trước để thu hút khách hàng tiếp theo. Đảm bảo cho người dân tin rằng họ đã chọn đúng nơi an cư lạc nghiệp.
- Đô thị đó phải là hạt nhân phát triển cho vùng chung quanh. Quy hoạch quy mô và chức năng của nó đáp ứng được yêu cầu cần thiết khi nó phát triển hoàn chỉnh, không tạo nên sự lãng phí cho xã hội.
- Hệ thống giao thông gắn kết với những đô thị hiện có luôn được ưu tiên xây dựng đảm bảo thông thoáng trong mọi lúc. Các công trình vui chơi giải trí công cộng, các dịch vụ thương mại luôn nhắm tới phục vụ cho cư dân của các đô thị, các vùng nông thôn kết nối chung quanh. Đây chính là sức sống của đô thị mới cần phải có.
- Mô hình đô thị mới Phú Mỹ Hưng có được các yếu tố nêu trên, đáng được chúng ta tham khảo như một đô thị đang xây dựng theo hướng phát triển bền vững.
- Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã được Bộ Xây dựng phong tặng là khu đô thị mới kiểu mẩu của Việt Nam.