Nội dung chi tiết

Giải pháp phát triển đô thị huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Tác giả: PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh. Phó viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. Bội tài nguyên và môi trường .Ngày đăng: 12/09/2014 .Lượt xem: 15305 lượt. [In bài]
I. Khái quát về huyện Điện Bàn. Huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có tọa độ địa lý xét về vĩ độ từ 150 40’ đến 150 57’ vĩ độ Bắc và kinh độ từ 1080 00’ đến 1080 20’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp huyện Hoà Vang (Thành phố Đà Nẵng) ; Phía Nam giáp huyện Duy Xuyên và thị xã Hội An; Phía Đông giáp biển Đông; Phía Tây giáp huyện Đại Lộc.Với đặc điểm vị trí nằm trên trục quốc lộ 1A, cách thành phố Đà Nẵng 25 km về phía Bắc và cách tỉnh lỵ thành phố Tam Kỳ 48 km về phía Nam; có các tuyến giao thông huyết mạch của cả nước chạy qua như quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc-Nam; trung tâm huyện lỵ gần sân bay quốc tế Đà Nẵng, gần cảng lớn Tiên Sa của khu vực miền Trung. Với vị trí địa lý trên, phát triển đô thị huyện Điện Bàn có nhiều cơ hội liên kết với các đô thị liền kề như Đà Nẵng và Hội An tạo nên dải đô thị của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Xét về mặt tự nhiên, huyện Điện Bàn cũng là địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố cho phát triển đô thị với hướng mở, lưng tựa núi mặt nhìn ra biển, địa hình khá bằng phẳng, trong đó  Địa hình ven biển gồm các xã Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương, vùng này có địa hình chủ yếu là cồn cát và bãi cát ven biển chạy dài từ Bắc xuống Nam với diện tích khoảng 5.300 ha chiếm 25% diện tích toàn huyện. Địa hình đồng bằng là dạng địa hình chính, bao gồm hầu hết các xã đồng bằng ở khu vực trung tâm và phía Tây của huyện, diện tích khoảng 15.500 ha chiếm 73% tổng diện tích tự nhiên. Địa hình gò đồi phân bố chủ yếu ở xã Điện Tiến, có diện tích khoảng 395 ha, chiếm 2% diện tích tự nhiên. Huyện có các sông chính như Thu Bồn, sông Yên, sông Bà Rén, sông Vĩnh Điện, sông Bình Phước v.v ..., hệ thống sông này không chỉ cung cấp nguồn nước mặt dồi dào mà còn tạo nên một cảnh quan đẹp cho phát triển đô thị của huyện.
Xét về mặt xã hội, Điện Bàn có một lịch sử phát triển lâu đời, người dân địa phương thông minh, dũng cảm, bất khuất và kiên cường trong mọi thời đại, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Huyện cũng là địa phương có những nghề truyền thống nổi tiếng trong cả nước như nghề đúc đồng.
 Tuy nhiên để phát triển đô thị huyện Điện Bàn đúng hướng và đảm bảo tính bền vững cần phải có một cách nhìn nhận đầy đủ và toàn diện hơn, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp mang tính tổng hợp, đột phá và lâu dài.
 
II.  Cơ sở đề xuất giải pháp phát triển đô thị huyện Điện Bàn.
 
Đô thị hóa là một quá trình tất yếu của sự phát triển kinh tế-xã hội, chỉ tiêu quan trọng nhất để xem xét đánh giá quá trình đô thị hóa đó là tỷ lệ cư dân đô thị, cùng với đó là quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.Theo báo cáo của UBND huyện Điện Bàn, “Tính đến đầu năm 2013, toàn huyện có 1.923 cơ sở công nghiệp đang hoạt động. Trong đó: Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc có 46 doanh nghiệp, các Cụm công nghiệp có 33 doanh nghiệp, công nghiệp phân tán tại các địa phương là 1.844 cơ sở (kể cả cở sở Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp nông thôn). Giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện không ngừng tăng trưởng và phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm qua là 14,05% (giai đoạn 2011-2013). Năm 2013, giá trị công nghiệp ước đạt  là 5.751 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), chiếm tỷ trọng 62,58% giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của huyện”. Từ kết quả đã đạt được về phát triển công nghiệp cho thấy Huyện Điện Bàn đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ với tốc độ khá nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, một yếu tố cơ bản đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.
Hạt nhân của quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Điện Bàn chính là thị trấn Vĩnh Điện, hiện nay thị trần này đang chịu một áp lực quá lớn của quá trình đô thị hóa, từ kết quả tính toán của đề án đề nghị công nhận thị trấn Vĩnh Điện trở thành đô thị loại IV trong bảng  xếp hạng đô thị của Việt Nam cho thấy “Đối chiếu với các quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/05/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và Thông t­ư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/09/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP thị trấn Vĩnh Điện mở rộng (đô thị Điện Bàn) đã cơ bản đạt được các tiêu chuẩn của đô thị loại IV với số điểm đạt được là: 83,6 điểm, điều này có cho thấy trong thực tế phát triển hiện nay mặc dù chưa được công nhận là đô thị loại IV nhưng thị trấn Vĩnh Điện cũng đã trở thành đô thị loại này. Mặt khác nhìn từ góc độ của Chính phủ, từ năm 1999 đã có “Quyết định 124/QĐ-TTg ngày 18/5/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc tỉnh Quảng Nam” nằm trong khối đô thị liên kết của khu vực Quy hoạch xây dựng cụm đô thị động lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, từ Chân Mây-Lăng Cô đến Hội An theo sơ đồ dưới đây:
Sơ đồ 1: Cụm đô thị động lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
 
Nguồn: Đề án đề nghị công nhận thị trấn Vĩnh Điện mở rộng thành đô thị loại IV-2013.
Từ sơ đồ 1 cho thấy vị trí của thị trấn Vĩnh Điện, khu đô thị Điện Nam-Điện Ngọc là cầu nối giữa thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An, nó bị chi phối rất lớn trong mối quan hệ liên kết đô thị theo dải ven biển.
Nhìn nhận vị trí và quy mô diện tích của huyện Điện Bàn trong mối quan hệ với Đà nẵng và phần còn lại phía Nam của tỉnh Quảng Nam, so sánh với quy mô các đô thị lớn trong cả nước và thế giới, có thể nhận thấy Huyện như là một đô thị thống nhất và trở thành trung tâm trong tương lai khi mà các điểm đô thị hiện nay được mở rộng và có sự giao thoa với nhau. Từ sơ đồ 2 dưới đây cho thấy điều đó.
Sơ đồ 2: Huyện Điện Bàn trong mối quan hệ với Đà Nẵng và phần còn lại phía Nam của Quảng Nam.
Nguồn: Đề án đề nghị công nhận thị trấn Vĩnh Điện mở rộng thành đô thị loại IV-2013.
Từ kinh nghiệm phát triển đô thị các nước trên thế giới và trong nước hiện nay cho thấy, xu hướng phát triển đô thị xanh và đô thị thông minh đang và sẽ thịnh hành trong tương lai. Tại Mỹ những khu đô thị mới hình thành như trường hợp cải tạo sân bay cũ thành đô thị mới ở thành phố Antonio, Bang Texdat có sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ cao như IBM, không gian xanh và thành phố không dây điện được chú trọng. Tại Thụy Điển và Đan Mạch nổi tiếng về những đô thị xanh, rất chú trọng tới hệ sinh thái, nhất là không gian xanh. Hàn Quốc có thể được xem là quốc gia đi đầu trong kế hoạch tăng trưởng xanh và phát triển đô thị xanh thông minh, phát triển đô thị không chỉ chú trọng không gian xanh, duy trì hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính mà còn đưa tin học vào quản lý đô thị trong nhiều lĩnh vực. Ở Trung Quốc sau một thời gian đô thị hóa nhanh và tăng trưởng kinh tế nóng đã xẩy ra ô nhiễm môi trường ở các đô thị trầm trọng, nhất là ô nhiễm không khí, rút kinh nghiệm cho bài học phát triển đô thị trước đây, hiện nay Trung Quốc đang quá trình quy hoạch lại và phát triển đô thị mới theo hướng đô thị xanh, Cac Bon thấp, sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời và xử lý chất thải theo công nghệ mới như thành phố Thẩm Dương, Đại Liên, Thâm Quyến….Trong khu vực Đông Nam Á, phát triển đô thị của Singapore là ví dụ điển hình chúng ta đáng học tập, đô thị này về cơ bản đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của một đô thị hiện đại và bền vững.
Ở trong nước, mặc dù trong thời gian vừa qua quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều đô thị chưa đạt được các tiêu chí của đô thị xanh, thông minh, nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những đô thị theo hướng này. Đà Nẵng là thành phố đi đầu ngay cạnh huyện Điện Bàn được xem là đô thị phát triển theo hướng xanh, sạch. Quảng Ninh cũng đang lên kế hoạch phát triển đô thị theo hướng xanh thông minh. Ngay cả những đô thị mới như thị xã Gia Nghĩa, thủ phủ của tỉnh Đắc Nông, chuyên gia Hàn Quốc phối hợp với viện quy hoạch đô thị và phát triển nông thôn của Bộ Xây dựng cũng đã và đang quy hoạch theo hướng đô thị xanh, phát triển bền vững.
Như vậy nhìn nhận trong nước và thế giới cho thấy xu hướng phát triển đô thị hiện nay là hướng tới đô thị xanh thông minh và phát triển bền vững.
 
III.     Giải pháp phát triển đô thị huyện Điện bàn.
Từ những phân tích ở trên về những đặc trưng  và cơ sở cho đề xuất giải pháp, nhìn nhận một cách toàn diện cho thấy phát triển đô thị huyện Điện Bàn phải đặt trong tổng thể phát triển đô thị cả nước và đặc biệt là dải đô thị ven biển miền trung của khu vực kinh tế trọng điểm từ Chân Mây-Lăng Cô đến thành phố Hội An. Những giải pháp cơ bản cần đặt ra đối với phát triển đô thị cho huyên Điện Bàn là:
Thứ nhất, tư tưởng chủ đạo là phát triển huyện Điện Bàn trở thành đô thị xanh và thông minh, bao trùm lên tất cả là tăng trưởng xanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững dựa trên cơ sở những ưu thế của huyện. Trước mắt từ nay đến năm 2020, tập trung vào nâng cấp mở rộng và phát triển thị trấn Vĩnh Điện trở thành đô thị loại IV là điểm sáng của đô thị xanh thông minh.
Thứ hai, gắn phát triển đô thị huyện điện bàn với thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An, tận dụng ưu thế sẵn có của Đà Nẵng và Hội An để phát triển, nhất là về hạ tầng kỹ thuật như sân bay, bền cảng; Hạ tầng xã hội như cơ sở bệnh viện chất lượng cao, cơ sở đào tạo, lưu trú. Nguồn khách du lịch đến hai đô thị này và tiếp tục thu hút về Điện Bàn trên một tuyến Du lịch Đà Năng – Điện Bàn– Hội An. Muốn vậy Điện Bàn phải có sản phẩm du lịch đặc trưng khác với Đà Nẵng và Hội An.
Thứ ba, huyện Điện Bàn là đơn vị trực thuộc tỉnh Quảng Nam, chính vì vậy phát triển đô thị của huyện cũng được đặt trong chiến lược phát triển của tỉnh, là điểm nhấn và địa phương phát triển năng động của tỉnh, trở thành đơn vị chủ lực đóng góp ngân sách cho tỉnh. Bên cạnh việc chủ động của huyện, cần tranh thủ sự hỗ trợ tối đa của các ban ngành và lãnh đạo tỉnh.
Thứ tư, xem xét lại quy hoạch lãnh thổ của huyện gắn với tăng trưởng xanh cần sử dụng phương pháp chiến lược tăng trưởng giảm thiểu tác động (LIUDD). Vì phương pháp này sẽ có một sự kết hợp hài hòa trong quy hoạch lãnh thổ phát triển đô thị, tránh được phát triển đơn lẻ theo lĩnh vực hay ngành, giải quyết mối quan hệ trong quy hoạch đó là đô thị và nông thôn và các vùng trọng điểm. Với việc sử dụng LIUDD sẽ hướng đến tính nguyên vẹn của sinh thái học, phòng ngừa được những bất lợi do phát triển gây ra như con người, đa dạng sinh học, kinh tế-xã hội, hạ tầng, sự gắn kết của thiên nhiên trong quá trình đô thị hóa. Đây cũng là phương pháp quy hoạch mới được sử dụng phổ biến trong thế kỷ XXI.
Thứ năm, phát huy nội lực của huyện trong quá trình đô thị hóa của huyện Điện Bàn, trước hết là con người, lãnh đạo huyện cần có tầm chiến lược và năng động trong phát triển, có khả năng nắm bắt nhanh những biến động và thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị để từ đó thích ứng và điều chỉnh kịp thời. Phát huy sự ủng hộ và đóng góp của người dân. Phát triển đô thị của huyện sẽ có một bộ phận khá lớn dân cư nông thôn trở thành cư dân đô thị, nghĩa là họ phải chuyển đổi nghề nghiệp và lối sống, do vậy huyện cũng phải nhìn nhận trước để có quy hoạch, sắp xếp, đào tạo và nâng cao trình độ cho người dân. Mặt khác cần tận dụng những ưu thế về tự nhiên, kinh tế và xã hội của huyện trong quá trình phát triển đô thị huyện Điện Bàn.
Thứ sáu, về ngoại lực, huyện cần có một chiến lược huy động các nguồn lực từ bên ngoài, trước hết là ngân sách của tỉnh, các địa phương lân cận, nhất là Đà Nẵng, các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Muốn vậy huyện phải làm việc với tỉnh để có cơ chế đặc thù đầu tư vào huyện cho phát triển đô thị.
Thứ bảy, trong bối cảnh thể chế kinh tế thị trường vấn đề quảng bá, maketing và tạo dựng hình ảnh của phát triển đô thị Điện Bàn là hết sức quan trọng. Huyện cần tận dụng tối đa các kênh thông tin và truyền thông, những thế mạnh và đặc trưng của huyện để xã hội biết đến không chỉ trong nước mà cần mở rộng ra quốc tế.
 
IV.     Kết luận.
Điện Bàn là một huyện có nhiều ưu thế để phát triển, quá trình đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh so với nhiều huyện khác không chỉ trong tỉnh Quản Nam mà còn so với các huyện khác trong cả nước, bên cạnh đó huyện được trung ương xác định từ năm 1999 là địa bàn phát triển đô thị Điện Nam-Điện Ngọc trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mặt khác huyện cũng nằm trên chuỗi đô thị ven biển từ Chân Mây Lăng Cô – Đà Nẵng – Hội An, do vậy đây là những nhân tố tích cực sẽ thúc đẩy quá trình phát triển đô thị nhanh hơn. Để đô thị Điện bàn phát triển đúng hướng, có tính toàn diện và bền vững, cần phải xem xét lại quy hoạch lãnh thổ phát triển đô thị của huyện điều chỉnh theo hướng đô thị xanh thông minh. Muốn vậy nên sử dụng phương pháp chiến lược tăng trưởng giảm thiểu tác động (LIUDD). Để thực hiện được mục tiêu và ý đồ đặt ra trong quy hoạch, huyện cần phát huy tốt nội lực và ngoại lực cho phát triển đô thị Điện Bàn.
  
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
 
1.     PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục. “Các yếu tố phát triển đô thị xanh và thông minh tại Việt Nam”. Hội thảo khoa học quốc tế - Quy hoạch phát triển đô thị xanh thong minh tại Việt Nam. Hà Nội 7-11-2013.
2.     UBND tỉnh Quảng Nam. “  Đề án đề nghị công nhận thị trấn Vĩnh Điện mở rộng thành đô thị loại IV-2013”.
3.     Viện CLPT-UBND huyện Điện Bàn “Báo cáo tổng hợp Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Điện Bàn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”
4.     Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (tài liệu dịch của UNEP) (2011). Hướng tới nền kinh tế xanh, lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Báo cáo tổng hợp phục vụ các nhà hoạch định chính sách . Nhà xuất bản nông nghiệp.
5.     Untited Nations. ESCAP- KOICA.  Economic and Commission for Asia and Pacific. Low Carbon Green Growth Roadmap for Asia and the Pacific. Turning resource constraints and the climate crisis into economic growth opportunities. Asummary for policymakers. 2012
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đoàn Công tác Liên ngành Trung ương kiểm tra các tiêu chí thành lập thị xã Điện Bàn
Các tin cũ hơn:
Xây dựng và phát triển một đô thị mới trên cơ sở dựa vào một đô thị hiện có - kinh nghiệp từ đô thị mới Phú Mỹ Hưng
BÁO CÁO TÓM TẮT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP THỊ XÃ ĐIỆN BÀN THUỘC TỈNH QUẢNG NAM
Phát triển bền vững không gian đô thị huyện Điện Bàn trong mối quan hệ với vùng phụ cận
Phát triển đô thị Điện Bàn trong quá trình đô thị hóa và hợp tác liên kết đô thị
Nhận diện Đô thị Điện Bàn – Định hướng và giải pháp đầu tư phát triển bền vững – Kết nối với hai đô thị hiện hữu Đà Nẵng – Hội An.
PHÁT BIỂU ĐỀ DẪN HỘI THẢO
TỔNG QUAN HUYỆN ĐIỆN BÀN
DANH SÁCH ĐẠI BIỂU THAM DỰ HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐIỆN BÀN VỚI ĐÀ NẴNG VÀ HỘI AN”
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐIỆN BÀN VỚI ĐÀ NẴNG VÀ HỘI AN”

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm