Ngày nay, trong xu thế phát triển mới của đất nước, những tác động mặt trái từ cơ chế kinh tế thị trường, nhiều yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của người dân, việc tập hợp, vận động quần chúng ở cơ sở rất khó khăn. Cho nên việc tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu đúng, đủ đối với các chủ trương định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực nhiều lúc, nhiều nơi chất lượng, hiệu quả không cao. Từ đó khi triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, dự án… gặp nhiều trở ngại do nhân dân hiểu không đúng và chưa có sự đồng thuận cao.
Đối với huyện Điện Bàn, là vùng phát triển năng động, đang trong thời kỳ đẩy công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nhiều dự án, công trình…được triển khai trên địa bàn tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân. Thêm vào đó, quá trình phát triển luôn nảy sinh những vấn đề bức xúc xã hội quan tâm; nhất là công tác GPMB triển khai các dự án, huy động sức dân trong xây dựng nông thôn, những vấn đề về ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, giải quyết chế độ chính sách…là những vấn đề dễ dẫn đến bất đồng, khiếu kiện trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến khối đoàn kết toàn dân và không phát huy được sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy quá trình phát triển.
Đ/c Lê Thân – TUV – BTHU phát biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua dân vận khéo năm 2014
Xác định rõ vị trí, tầm quan trọng như vậy, cho nên cấp ủy, chính quyền huyện và cơ sở đã tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận của Đảng gắn với phát động phong trào thi đua dân vận khéo từ huyện đến cơ sở. Trọng tâm là xây dựng và triển khai thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyêt 25 của BCH TW Đảng (khóa XI) về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “dân vận khéo” gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị.
Đến nay, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phạm vi toàn huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng, về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh, huyện, vận động, huy động nhân dân tích cực tham gia đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ, xây dựng đời sống văn hóa, gìn gìn ANCT, TTATXH, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Các cấp ủy Đảng đã tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, kịp thời củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng; đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” theo phương thức hướng mạnh về cơ sở, cộng đồng dân cư, phù hợp với nguyện vọng, yêu cầu bức thiết của người dân, lồng ghép với các phong trào thi đua khác để tạo ra hiệu quả, sức tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và sự phát triển của địa phương.
Từ phong trào chung, đã xuất hiện nhiều mô hình dân vận khéo có tính điển hình, hiệu quả cao trên các lĩnh vực. Cụ thể là những mô hình vận động nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại-dịch vụ, làng nghề TTCN, dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở một số địa phương như Điện Phong, Điện An, Điện Phương, Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước…; các mô hình vận động phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi ở các xã Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Hòa…Đặc biệt là các mô hình vận động, huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đã thúc đẩy tiến trình xây dựng các xã nông thôn mới theo lộ trình kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2014, sẽ có 03 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, năm 2015 có 07 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Nhiều mô hình đan xen, lồng ghép, tác động đến nhiều lĩnh vực như “chung tay xây dựng nông thôn mới”,“xây dựng khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp”…đã tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội nông thôn. Mô hình “chung tay giảm nghèo bền vững” đã đi sâu tìm hiểu nguyện vọng, khả năng của người dân để có thể hỗ trợ vốn, nghề nghiệp, phương tiện sản xuất, tạo điều kiện để người nghèo vượt khó vươn lên bằng chính khả năng của mình nhằm thoát nghèo bền vững. Quan trọng nhất là Điện Bàn đã thành lập Ban vận động, tuyên truyền thực hiện công tác BTTH, GPMB, TĐC để triển khai các dự án, công trình của huyện và một số địa phương, từ đó đã đi trước một bước trong việc cùng với cấp ủy, chính quyền giải thích những yêu cầu, kiến nghị của nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng-kinh tế xã hội của huyện đáp ứng yêu cầu phát triển.
Có thể nói rằng, công tác dân vận của hệ thống chính trị ở Điện Bàn đã tập trung giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa bức thiết của địa phương, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo ra hướng phát triển tích cực ở cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm và có biện pháp khắc phục. Cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận nên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận và phong trào dân vận khéo còn thiếu đồng bộ. Một số mô hình chưa bám sát thực tế, cũng như xuất phát từ nhu cầu bức thiết của nhân dân. Cán bộ làm phong trào cơ sở ở một số nơi trình độ, uy tín chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong tuyên truyền vận động có lúc còn mang tính hành chính, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động chưa cao.
Đại hội Đảng bộ huyện Điện Bàn sẽ tiến hành vào giữa năm 2015. Định hướng chung của huyện trong những năm đến vẫn là tập trung xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng, an sinh-xã hội, tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Để thực hiện đảm bảo mục tiêu đó, tất yếu khách quan phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết toàn dân mới có thể hoàn thành thắng lợi. Trong đó, công tác dân vận của Đảng, phong trào “Dân vận khéo” đóng vai trò quan trọng trong tham gia thực hiện mục tiêu này. Do vậy, định hướng, phương pháp, phương châm đối với công tác dân vận ở Điện Bàn trong những năm đến là:
Trước hết phải xác định rõ, công tác dân vận, trong đó có phong trào “Dân vận khéo”, là công việc bắt đầu và phải thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình triển khai thực hiện bất kỳ một chủ trương, chính sách nào của Đảng, Nhà nước. Không làm tốt dân vận, chủ trương, chính sách không dễ đi vào hiện thực cuộc sống nhân dân.
Vì thế phải tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Tiếp tục củng cố bộ máy, đội ngũ làm công tác dân vận các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động dân vận của chính quyền, các LLVT, Mặt trận, các hội đoàn thể theo quy chế phối hợp công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Công tác dân vận, phong trào “Dân vận khéo” phải bám sát vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của huyện và từng địa phương, cụ thể là mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn mới, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, đảm bảo ANCT, TTANXH, cũng như công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương để phát động các phong trào, các mô hình một cách phù hợp, hiệu quả. Phong trào “Dân vận khéo” phải thật sự hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn dân cư, giải quyết cho được những nguyện vọng, đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho nhân dân, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Chú trọng nhân rộng những mô hình tiêu biểu, điển hình, đồng thời có sự liên kết, xâu chuỗi, tạo sự tương hỗ giữa các mô hình nhằm tăng tính tác động đối với sự phát triển của địa phương.