Năm nay ông đã gần 80 tuổi, kế nghiệp tổ tiên bao đời truyền lại và có thâm niên hơn 50 năm gắn bó với cái nghề đan thúng chai, ông được biết đến là người đầu tiên của làng đưa mặt hàng thúng chai xuất ngoại. Mất đôi chân từ khi mới 20 tuổi, mấy chục năm qua, ông Dư phải lê lết vót từng chiếc nan và đan thành những chiếc thúng chai chuyên phục vụ cho ngư dân đánh bắt gần bờ. Ông kể, tai ương ập xuống kể từ sau vụ giẫm mìn kinh hoàng khiến ông bị cụt 2 chân, sức khỏe suy kiệt trông thấy, không thể tiếp tục vác cuốc ra đồng. Bổng dưng trở thành gánh nặng của gia đình trong tích tắc, ông đã nghĩ đến cái nghề đan thúng chai từ thời ông cố của ông truyền lại và quyết tâm nối nghiệp cho đến hôm nay.
Hơn 50 năm hành nghề, trải qua bao thăng trầm, làng Hà Quảng Bắc duy chỉ còn mỗi mình ông còn bám trụ với nghề nhưng chưa bao giờ lửa nghề trong ông vụt tắt. Những chiếc thúng chai ông làm ra được nhiều ngư dân Điện Dương và các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Hội An ưa chuộng bởi độ bền, mỗi chiếc thúng có thể lênh đênh đánh bắt trên biển đôi ba chục năm. Ông vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về bí quyết tạo nên sản phẩm thúng chai không lẫn vào đâu so với nơi khác. Đầu tiên là vót tre, công việc này đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn. Thúng khi đan xong phải được phơi khô qua 3 cái nắng, sau đó quết dầu rái, bôi thêm phân bò để lấp kín những kẽ hở giữa các thanh nan, đảm bảo thúng ra khơi không bị vô nước. Cuối cùng là công đoạn sơn thúng. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Nguyễn Minh Luận, một khách hàng quen thuộc của ông Dư ở huyện Thăng Bình vừa tìm đến đặt hàng cho biết: “Thúng chú Dư làm chỉ cần nhìn sơ là nhận ra ngay. Các nan được đan lồng khin khít nhau. Bà con ngư dân trong vùng ai cũng nghe tiếng tăm làm thúng chai của chú và càng khâm phục khi biết rằng chú là người khuyết tật nhưng vẫn gắng sức giữ nghề của làng thúng nổi tiếng này”.
Do cơ thể không lành lặn, di chuyển rất khó khăn nên trung bình 6 ngày ông hoàn thành một thúng và chiếc nào làm ra cũng được người ta đặt hàng sẵn. Không những phân phối hàng cho một số tỉnh lân cận, gần 10 năm qua, thúng chai của ông đã xuất đi nhiều nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ…và được thương lái nước ngoài đánh giá rất cao bởi mẫu mã, chất lượng của thúng chai ông làm ra. Cũng nhờ nghề này mà ông Dư đã nuôi năm con ăn học và người vợ mất sức lao động nhiều năm nay. Ông Dư trải lòng, mặc dù cái nghề đan thúng không đem lại sự giàu sang, phú quí nhưng cần mẫn làm thì cũng đủ sống. Ông sẽ tiếp tục giữ nghề để tự kiếm tiền nuôi 2 vợ chồng ở tuổi xế chiều, đến khi nào mắt mờ, chân đi không nổi mới thôi.
Gắn bó với nghề chừng ấy năm, ông chưa bao giờ có ý định bỏ nghề nhưng một điều ông luôn trăn trở là thế hệ trẻ hôm nay không ai chịu học để ông truyền nghề. Trước đây, cả làng có 3 cơ sở sản xuất chính là hộ ông Nguyễn Tấn Lừ, hộ ông Nguyễn Hồng Lợi và ông cùng một số hộ làm riêng lẻ khác. Mỗi cơ sở có hàng chục thợ đan thúng. Về sau, do thu nhập nghề này mang lại còn thấp, thanh niên trai tráng trong làng bỏ nghề đi tìm công việc làm ăn tại các khu công nghiệp, các thành phố lớn. Hai cơ sở của ông Nguyễn Tấn Lừ và Nguyễn Hồng Lợi đã không tồn tại đã 8 năm nay, duy chỉ còn mỗi cơ sở của ông. Nhưng rồi thợ của ông cũng lần lượt bỏ nghề, chỉ còn trơ trọi mình ông với những nan tre, dầu rái. Thỉnh thoảng cũng có một vài người tìm đến học nghề nhưng được dăm ba bữa lại thôi.
Cho dù hiện nay xu hướng đánh bắt xa bờ đang được bà con ngư dân lựa chọn nhưng vẫn còn không ít người muốn sử dụng phương tiện thúng chai để ra biển. Trong khi đó, cả làng chỉ còn mỗi ông Dư đan thúng chai, mà ông thì tuổi đã cao, sức đã yếu. Trong tương lai, làng nghề đan thúng chai Hà Quảng Bắc chỉ còn lại trong ký ức của người dân vùng biển.
|