Tuy nhiên, xác định quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn những khó khăn đặt ra trước mắt, bởi không có sự thay đổi nào, cuộc dựng xây nào lại không cần nguồn lực lớn về tự nhiên, nhân văn đến nguồn lực về vốn, về kinh tế-xã hội…, đặc biệt là nguồn lực về con người, về lòng dân. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Điện Quang đã quyết tâm cùng nhau góp sức người, sức của, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng một nông thôn mới hiện đại, từng ngày thay da đổi thịt.
Từ một xã thuần nông, Điện Quang giờ đây đường sá trong xã rộng mở, đến tận từng ngõ xóm, đường giao thông liên thôn, liên xã được bêtông hóa đạt chuẩn 100%, tạo được cảnh quang sạch, đẹp, đảm bảo việc đi lại cho nhân dân; kênh mương, giao thông nội đồng được kiên cố hóa, tạo điều kiện để người nông dân trong sản xuất có thể sử dụng cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa nông phẩm thuận tiện, đem lại lợi nhuận cao. Nhiều mô hình sản xuất mới như mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng, liên kết thu mua nông sản, thực hiện các dịch vụ môi trường, bảo hiểm chăn nuôi bò… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những công trình điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa đã khang trang hơn góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân... Hiện nay, ở Điện Quang không còn nhà ở tạm bợ, dột nát, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,2%; lao động ở địa phương cũng đã từng bước chuyển đổi từ nghề nông sang làm nghề ở các công ty, xí nghiệp và thường xuyên có việc làm, đảm bảo đời sống. Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã lên 26 triệu đồng/ người/năm. Giáo dục được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, cơ sở vật chất, thiết bị y tế được đầu tư, đội ngũ y bác sĩ được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu sơ cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân. Chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được nâng cao. Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, an ninh trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo. Cảnh quang làng quê Điện Quang thật sự thanh bình với những công trình văn hóa-lịch sử, đình làng, nhà dân xây kiên cố, khang trang.
Điểm nổi bật nữa trong quá trình xây dựng NTM ở Điện Quang là các phong trào hiến đất, phá tường rào, cổng ngõ, góp công sức để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (tiêu biểu như khu dân cư thôn Phú Tây vận động nhân dân đóng góp 900 ngày công, hiến 2449 m2 đất, di dời 120 tường rào để làm 1.900m đường giao thông…), phong trào dồn điền đổi thửa, quy hoạch ruộng đồng, xây dựng cánh đồng mẫu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị canh tác… sự thành công của những phong trào này đã khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Có được những kết quả trên là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp của các cấp, các ngành liên quan, sự đoàn kết nhất trí, năng động, quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền xã, cùng với đó là sự tự tin, biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến và phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời Mặt trận và các đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, đặc biệt là đồng thuận của nhân dân trong xã và của cả những người con quê hương đang sinh sống trên mọi miền đất nước, cùng chung tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đó chính là động lực, là điều kiện quyết định để Điện Quang rút ngắn lộ trình và là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới để Điện Bàn đúc rút kinh nghiệm tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo, nhân rộng phong trào xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện.
|