Gia đình ông Phan Dũng ở thôn Bảo An Tây xã Điện Quang huyện Điện Bàn được nhiều người biết đến bởi anh có thâm niên hơn 10 năm chăn nuôi bò vỗ béo với số lượng tương đối lớn của xã. Tuy nhiên, do nguồn thức ăn cung cấp cho đàn bò có lúc khan hiếm nên trọng lượng của bò phát triển chậm, thêm vào đó chi phí đầu tư cho nguồn thức ăn tinh cho bò lớn nên làm cho những người chăn nuôi như gia đình ông không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Từ tháng 5 năm 2014, ông được Trạm khuyến nông, khuyến lâm Điện Bàn chọn thực hiện mô hình “ Chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò”. Theo đó, ông cùng một số hộ nông dân ở 3 xã Gò Nổi được Trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Điện Bàn hướng dẫn kỹ thuật chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm khô, bã sắn khô, bột bắp, cám gạo, bánh dầu, Ure, rĩ mật… để cung cấp nguồn thức ăn cho bò. Theo đó, tùy theo từng giai đoạn phát triển của bò mà có thể áp dụng pha trộn theo công thức khác nhau để đảm bảo nguồn dinh dưỡng để cho bò tăng trọng cao, nhưng chí phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Với ông Huỳnh Do ở thôn Nam Hà xã Điện Trung thì tâm sự, với số lượng đàn bò của gia đình anh nuôi hằng năm dao động từ 5-7 con bò thịt nên nguồn thức ăn dự trữ cho bò trong mùa mưa lụt đều khan hiếm, bởi vậy thông thường cứ đến thời điểm này, gia đình anh cũng như các hộ chăn bò xung quanh đều phải bán bò. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều thương lái tự do o ép giá cả nên làm cho người chăn nuôi phải chịu thiệt thòi. Từ khi được Trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Điện Bàn triển khai mô hình chế biến phụ phẩm làm thức ăn cho bò, ông đã biết tận dụng những thức ăn từ nông nghiệp như cám gạo, cám bắp, bánh dầu, các thân cây bắp, cây đậu hoặc rơm khô để chế biến thức ăn cho bò vừa giảm chi phí đầu tư vừa chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi nên ông rất phấn khởi.
Mới đây,Trạm khuyến nông, khuyến lâm Điện Bàn đã tổ chức buổi hội thảo đánh giá kết quả của mô hình này, hầu hết ý kiến của các hộ tham gia áp dụng mô hình này đều phấn khởi bởi đa số bò đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, đặc biệt trong giai đoạn vỗ béo. Chỉ trong thời gian 6 tháng nuôi, mỗi con bò cho tăng trọng từ 120-220 kg/con. với giá cả hiện tại, sau khi trừ đi các khoản chi phí cho thu lãi từ 7 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng/con, cao hơn so với phương pháp chăn nuôi ngoài mô hình.
Ông Phạm Thành Chung, Trưởng trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Điện Bàn khẳng định: Mô hình “Chế biến phụ phẩm làm thức ăn cho bò” là mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi nhờ chi phí thức ăn tinh thấp đồng thời tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp rẻ tiền và sẵn có tại địa phương như: bánh dầu, bã sắn, cám gạo, rơm khô hặc cây đậu khô để chế biến thức ăn cho bò nhưng vẫn đảm bảo nguồn dinh dưỡng để bò phát huy triệt để tiềm năng năng suất. Mô hình vừa hạ được giá thành sản phẩm chăn nuôi, tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường, góp phần giúp nghề chăn nuôi bò phát triển một cách bền vững, giúp người chăn nuôi làm giàu.
|